Hà Nội
Lấy ý kiến góp ý hoàn thiện, phục vụ thẩm tra dự án Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác
(Chinhphu.vn) - Sáng 29/7, Văn phòng Chính phủ và Bộ Kế hoạch Đầu tư đồng chủ trì tổ thức hội thảo góp ý hoàn thiện dự án Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác (Luật Hợp tác xã - sửa đổi).
Ngày 6/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 799/QĐ-TTg về việc phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, thời hạn trình các dự án luật trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và 2023, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng, trình Chính phủ dự án Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác (Luật Hợp tác xã - sửa đổi) trong tháng 8/2022.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ Dự án "Tăng cường năng lực xây dựng pháp luật của Văn phòng Chính phủ giai đoạn 2020-2030 giữa Văn phòng Chính phủ và Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ).
Hội thảo do Văn phòng Chính phủ (VPCP) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đồng chủ trì; tham dự có các đại biểu đến từ Ban Kinh tế Trung ương, đại diện các cơ quan của Quốc hội, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, các cơ quan nghiên cứu, các chuyên gia; đại diện của GIZ, Liên đoàn Quốc gia Hợp tác xã Raiffeisen (DRGV) CHLB Đức tại Việt Nam.
Hội thảo nhằm lấy ý kiến của chuyên sâu của các chuyên gia trong nước và quốc tế có kinh nghiệm tham vấn về kinh tế cho Việt Nam trước khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện dự án Luật để trình Chính phủ trong tháng 8/2022 và hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội trong thời gian tới.
Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác trình Chính phủ trong tháng 8/2022
Theo VPCP, Chính phủ đã thông qua đề nghị xây dựng dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) tại Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 2/2022. Triển khai nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã rất tích cực xây dựng Dự án Luật với yêu cầu nhận diện căn nguyên, cối lõi của các tồn tại, hạn chế của Luật Hợp tác xã hiện hành, thể chế hoá Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.
Trong đó, nhấn mạnh yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể.
Văn phòng Chính phủ với chức năng, nhiệm vụ được giao là cơ quan thẩm tra các dự án Luật trước khi trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, song song với quá trình Bộ Tư pháp tổ chức thẩm định, dự kiến trình Chính phủ trong tháng 8/2022. VPCP cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư mong muốn lắng nghe các ý kiến góp ý của các chuyên gia, của các tổ chức quốc tế… để hoàn thiện dự án luật bảo đảm chất lượng trước khi trình Chính phủ.
Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về kinh tế tập thể
Hội thảo góp ý hoàn thiện dự án Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác (Luật Hợp tác xã - sửa đổi) diễn ra trong vòng 1 ngày (29/7). Tại hội thảo, Ban tổ chức đã giới thiệu dự án Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác; nêu rõ về yêu cầu thể chế hoá Nghị quyết 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể-hoàn thiện dự án Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác.
Theo đại diện Vụ Pháp luật Văn phòng Chính phủ, phát triển kinh tế tập thể và hợp tác xã là chủ trương lớn của Đảng, việc hoàn thiện thể chế về kinh tế tập thể và hợp tác xã là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) được cơ quan chủ trì soạn thảo đề xuất đổi tên thành là dự án Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác là dự án luật quan trọng, có phạm vi rộng, nhiều đổi mới về chính sách và có nhiều sửa đổi Luật Hợp tác xã hiện hành.
Theo đó, dự án Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác sẽ xây dựng, tạo khuôn khổ thể chế, mô hình kinh tế hợp tác theo kiểu mới, bao quát trên nhiều lĩnh vực, gồm các mô hình và cơ chế cụ thể để các thành viên của mô hình hợp tác phát triển mạnh mẽ hơn thời gian tới; mở ra cơ chế cho hợp tác xã (HTX) phát triển thuận lợi hơn.
Theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự thảo Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác (Luật Hợp tác xã - sửa đổi) đã được lấy ý kiến rộng rãi tại các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức trong nước, quốc tế, các chuyên gia; đã nhận được 94/98 văn bản góp ý của các cơ quan. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức các đoàn khảo sát, làm việc tại 30 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác trên cả nước; tổ chức 22 hội thảo lấy ý kiến trực tiếp trực tiếp của 300 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác trên cả nước.
Tại hội thảo, ông Vũ Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương đã nêu quan điểm về yêu cầu thể chế hoá Nghị quyết 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, hoàn thiện dự án Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác. Theo đó, thể chế hóa Nghị quyết 20-NQ/TW nhằm tạo khung khổ pháp lý cho việc tổ chức, thực hiện định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế tập thể, HTX trong giai đoạn mới của đất nước, trọng tâm là hoàn thiện dự án Luật bảo đảm có tính khoa học, phù hợp với thực tiễn, hiệu lực, hiệu quả cao.
Thể chế hóa chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 20-NQ/TW trong hoàn thiện dự án luật thể phải phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xuất phát từ nhu cầu thiết thực, bảo vệ lợi ích và tạo điều kiện cho thành viên sản xuất kinh doanh hiệu quả, phát triển bền vững; tôn trọng bản chất, giá trị, nguyên tắc hoạt động của kinh tế tập thể, phù hợp với điều kiện, đặc điểm kinh tế - xã hội của từng địa phương, vùng, miền và cả nước.
Hoàn thiện quy định kinh tế tập thể với nhiều hình thức tổ chức kinh tế hợp tác đa dạng, phát triển từ thấp đến cao. Tăng cường liên kết giữa các HTX, hình thành các liên hiệp HTX, không giới hạn về quy mô, lĩnh vực và địa bàn. Kinh tế tập thể lấy lợi ích kinh tế là trọng tâm, bao gồm lợi ích của thành viên, tập thể và Nhà nước, đồng thời coi trọng lợi ích chính trị, văn hóa, xã hội trên địa bàn.
Kinh tế tập thể phát triển dựa trên sở hữu riêng của thành viên và sở hữu chung của tập thể; tổ chức hoạt động theo nguyên tắc đối nhân; phân phối theo mức độ tham gia dịch vụ, theo hiệu quả lao động và theo vốn góp. Thành viên kinh tế tập thể bao gồm các thể nhân và pháp nhân là thành viên chính thức hoặc thành viên liên kết, trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi và quản lý dân chủ.
Về mục tiêu đặt ra, đến năm 2030, cả nước có khoảng 140.000 tổ hợp tác, với 2 triệu thành viên; 45.000 hợp tác xã với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp hợp tác xã với 1.700 HTX thành viên. Trên 60% tổ chức kinh tế tập thể đạt loại tốt, khá, trong đó có ít nhất 50% tham gia liên kết theo chuỗi giá trị. Có trên 5.000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp,xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài.
Đến năm 2045, phấn đấu thu hút tối thiểu 20% dân số tham gia các tổ chức kinh tế tập thể, trên 90% tổ chức kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả, trong đó có ít nhất 75% tham gia các chuỗi liên kết. Phấn đấu có ít nhất 3 tổ chức kinh tế tập thể nằm trong bảng xếp hạng 300 hợp tác xã lớn nhất toàn cầu do Liên minh Hợp tác xã quốc tế (ICA) công nhận. Các tổ chức kinh tế tập thể đều áp dụng công nghệ, nhất là chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ.
Các đại biểu tham dự đã đề cập sâu đến việc hoàn thiện các quy định của dự án Luật về hoàn thiện toàn diện không gian chính sách, sự phát triển cùng với các thành phần kinh tế, loại hình tổ chức kinh tế khác, đặt trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay; kế thừa và phát triển các mô hình tổ chức kinh tế tập thể nhất là các hợp tác xã kiểu mới thành công, tiếp thu các mô hình HTX, kinh tế hợp tác thành công trên thế giới (như tại Đức, Hà Lan).
Hoàn thiện các quy định về bản chất HTX, phát triển thành viên HTX bảo đảm chính sách thể hiện đúng bản chất của HTX về cả lợi ích kinh tế của thành viên, mối quan hệ hợp tác, liên kết, tự nguyện phù hợp với tình hình, xu thế phát triển kinh tế, xã hội, tạo dư địa, tạo động lực cho kinh tế tập thể, HTX phát triển, huy động các nguồn lực cho kinh tế tập thể.
Hoàn thiện các quy định về loại hình Tổ chức kinh tế hợp tác trong đó nghiên cứu luật hóa quy định về địa vị pháp lý, không gian phát triển cho Tổ hợp tác, Tổ chức đại diện; tham khảo kinh nghiệm các nước về tính đa dạng của các mô hình kinh tế hợp tác phù hợp với thực tiễn Việt Nam, quy định rõ vị trí, vai trò của các tổ chức kinh tế tập thể phù hợp với thực tế Việt Nam và xu hướng phát triển chung trên thế giới.
Bên cạnh đó, hoàn thiện quy định nâng cao hiệu quả, chất lượng chính sách hỗ trợ của Nhà nước, quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể tập trung vào: hỗ trợ, thu hút nguồn lực, ứng dụng công nghệ, mở rộng thị trường cho kinh tế tập thể phát triển phù hợp với khu vực HTX.
Các tham vấn cũng tập trung góp ý đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về kinh tế tập thể như: Quy định về các loại hình tổ chức kinh tế tập thể, tổ chức đại diện; quy định về hợp tác xã, phát triển thành viên, về nâng cao khả năng huy động vốn, tăng tích lũy vốn và tài sản chung; quy định về phát triển doanh nghiệp trong tổ chức kinh tế tập thể.
Bổ sung đầy đủ cơ sở pháp lý về kiểm toán, các quy định nhằm nâng cao tính minh bạch trong quản lý, điều hành; về nâng cao hiệu quả chất lượng chính sách hỗ trợ của Nhà nước, quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể; sửa đổi, bổ sung các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể theo hướng xác định các tổ chức kinh tế tập thể với một số chính sách cụ thể như chính sách phát triển nguồn nhân lực; chính sách đất đai; chính sách tài chính; chính sách tín dụng; chính sách khoa học-công nghệ; chính sách hỗ trợ về thông tin kinh tế, kỹ năng tiếp thị và nghiên cứu thị trường; chính sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; chính sách bảo hiểm xã hội.
Thay mặt Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ), TS. Jan Valentin Deichsel chia sẻ sự vui mừng khi tham gia hội thảo, chia sẻ các kinh nghiệm phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã của chuyên gia đến từ CHLB Đức. Theo đó, các chuyên gia của GIZ sẽ chia sẻ kinh nghiệm về các dự án Luật Hợp tác xã Của CHLB Đức từ năm 1998, đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của Đức. Các chuyên gia cũng sẽ chia sẻ về Liên đoàn Hợp tác xã Raifeisen, là hiệp hội hợp tác xã lớn nhất của nước Đức, tham vấn các kinh nghiệm quốc tế cho việc hoàn thiện dự án Luật.
Hội thảo cũng nghe các tham vấn từ các chuyên gia quốc tế giới thiệu các mô hình phát triển, thể chế về hợp tác xã từ Liên đoàn Hợp tác xã Raiffeisen, Cộng hòa liên bang đức, kinh nghiệm của CHLB Đức về Luật Hợp tác xã và một số khuyến nghị hoàn thiện Luật các tổ chức Kinh tế hợp tác của Việt Nam; tổng hợp kinh nghiệm quốc tế về Luật Hợp tác xã một số quốc gia và khuyến nghị đối với Việt Nam; các mô hình kinh tế hợp tác và khuyến nghị chính sách hoàn thiện Luật các tổ chức kinh tế hợp tác./.
Gia Huy