Hà Nội
Học tập kinh nghiệm từ Cơ quan quản lý và bảo đảm hiệu quả Chính phủ của Malaysia
(Chinhphu.vn) - Ngày 21/3, tại Trụ sở Ngân hàng thế giới tại Malaysia, Đoàn cán bộ Văn phòng Chính phủ do Phó Chủ nhiệm Nguyễn Văn Tùng làm Trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với Cơ quan quản lý và bảo đảm hiệu quả Chính phủ của Malaysia (PEMANDU).
* Mô hình về Tổ công tác đặc biệt về tạo thuận lợi cho doanh nghiệp của Malaysia
* Mô hình 'một cửa' ở Malaysia và hướng đi của Việt Nam
![]() |
Đoàn công tác của Văn phòng Chính phủ tại buổi làm việc với các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới và PEMANDU tại Malaysia. Ảnh Tuấn Anh. |
.
Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình học tập kinh nghiệm của Malaysia về chuyển đổi Chính phủ số, chuyển đổi kinh tế số và thiết lập hệ thống theo dõi, giám sát, đánh giá các chỉ tiêu trọng tâm quốc gia (Government Dashboard).
.
Tại buổi làm việc, các chuyên gia Ngân hàng Thế giới và chuyên gia của Malaysia đã chia sẻ kinh nghiệm của PEMANDU trong quá trình tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện Chương trình chuyển đổi Chính phủ, chuyển đổi kinh tế.
.
PEMANDU là cơ quan thuộc Văn phòng Thủ tướng Chính phủ được thành lập năm 2009 nhằm mục tiêu thay đổi toàn diện Quốc gia và bảo đảm cho sự thành công của Chương trình chuyển đổi Quốc gia (NTP), giám sát việc thực hiện, đánh giá tiến độ thực hiện, hỗ trợ việc định hướng và thúc đẩy tiến trình thực thi của Chương trình chuyển đổi Chính phủ (GTP) và Chương trình chuyển đổi kinh tế (ETP) với định hướng đưa Malaysia thành một nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2020. Người đứng đầu PEMANDU là Ông Idris Jala do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, được Thủ tướng trao toàn quyền dẫn dắt quá trình này, có thể được cung cấp mọi thông tin cần thiết và không phụ thuộc bất cứ bộ ngành nào.
.
PEMANDU được ủy nhiệm để xúc tiến những thay đổi mạnh mẽ trong khu vực công và khu vực tư nhân, hỗ trợ các Bộ trong quá trình lập kế hoạch và giúp Thủ tướng và các Bộ trưởng có đánh giá độc lập về hiệu suất và tiến độ. Để PEMANDU thực hiện trách nhiệm của mình một cách có hiệu quả, Thủ tướng Malaysia cho phép lựa chọn các nhân lực tốt nhất từ cả khu vực công và khu vực tư nhân. Để khuyến khích, lương của các cán bộ biệt phái của khu vực công được trả như các chuyên gia đến từ khu vực tư nhân.
.
Phương pháp 8 bước
.
PEMANDU nghiên cứu và tìm hiểu các vấn đề đặt ra từ phía công dân, doanh nghiệp theo phương pháp 8 bước (còn gọi là phương pháp BFR), đó là: (1) Xác định mục tiêu chiến lược, (2) Cơ chế phân tích, xác định mục tiêu ưu tiên, dự thảo kế hoạch chi tiết (Phòng Labs), (3) Lấy ý kiến công khai (Open Days), (4) Hoàn thiện lộ trình thực hiện, (5) Xác định các mục tiêu thực hiện chỉ số đánh giá hiệu quả công việc (KPIs), (6) Triển khai, (7) Đánh giá và kiểm toán, (8) Báo cáo hàng năm.
.
Bước 1. Xác định mục tiêu ưu tiên chiến lược
.
PEMANDU là đầu mối tổ chức cuộc họp để định hướng theo nguyên tắc hướng đích (True North) để xác định mục tiêu ưu tiên phát triển chiến lược quốc gia.
.
PEMANDU đã xác định 6 mục tiêu ưu tiên phát triển chiến lược bao gồm: phòng chống tham nhũng, tệ nạn, hạ tầng nông thôn, giao thông công cộng, thu nhập hộ gia đình và giáo dục. Tất cả các cơ quan hành chính công bố đánh giá hàng năm theo mức độ “đỏ, vàng, xanh lá cây như màu sắc của đèn giao thông” cho mỗi lĩnh vực. Thủ tướng đánh giá các Bộ trưởng dựa trên các chỉ số đánh giá hiệu quả công việc, theo dõi và đánh giá thường xuyên, tổ chức các cuộc họp hàng tuần để thúc đẩy tiến độ triển khai và thảo luận về các chỉ số đánh giá hiệu quả công việc.
.
Bước 2. Cơ chế phân tích, xác định mục tiêu ưu tiên, dự thảo kế hoạch chi tiết (còn gọi là cơ chế phòng Labs)
.
Một trong những sáng kiến của PEMANDU là tạo cơ chế để kết nối tất cả các cơ quan hành chính có liên quan và các tổ chức bên ngoài với nhau để phân tích, xác định mục tiêu ưu tiên và dự thảo kế hoạch chi tiết thực hiện.
.
PEMANDU mời lãnh đạo cơ quan hành chính các cấp, cán bộ tổ chức thực hiện và các chuyên gia từ khu vực tư nhân tham gia phòng Labs, thời gian kéo dài từ 6-8 tuần. Tại đây, các chuyên gia đặt ra vấn đề cần quan tâm, phân tích, xác định mục tiêu ưu tiên, đưa ra những tranh luận, phản biện về xây dựng chính sách.
.
Tại các buổi họp, PEMANDU với vai trò điều phối giúp người tham gia cởi mở, trách nhiệm và vượt qua những quan điểm cũ, từ đó có những ý tưởng mới để trao đổi thảo luận. Đến cuối kỳ họp, những người tham gia phải xác định được các chỉ số đánh giá hiệu quả công việc và lập kế hoạch từ tổng thể đến chi tiết; tập trung thảo luận để xây dựng dự thảo kế hoạch chi tiết. Thông qua cơ chế này, PEMANDU bảo đảm rằng các sáng kiến quốc gia đã được định hướng đúng theo nhu cầu thực tế và chỉ rõ trách nhiệm của các bên liên quan, xác định cụ thể các Bộ chủ trì và thời gian thực hiện, qua đó sẽ giúp PEMANDU theo dõi, giám sát được kế hoạch này.
.
Bước 3. Lấy ý kiến công khai
.
Sau khi thống nhất được kế hoạch, PEMANDU tổ chức lấy ý kiến công khai người dân thông qua tổ chức và hoạt động dưới hình thức Ngày mở (Open Days) để thu thập phản hồi từ công chúng; tổ chức hội thảo chia sẻ, theo đó thống nhất được nhiều mục tiêu và nhận được sự ủng hộ của người dân và các bộ, ngành.
.
Bước 4. Hoàn thiện lộ trình thực hiện
.
PEMANDU tổng hợp ý kiến các phản hồi của người dân, doanh nghiệp, hoàn thiện lại kế hoạch triển khai, xác định rõ trách nhiệm của các bộ chủ trì và lộ trình cụ thể triển khai các nhiệm vụ theo Chương trình mục tiêu của quốc gia, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định ban hành.
.
Bước 5. Xác định các mục tiêu thực hiện chỉ số đánh giá hiệu quả công việc
.
Sau khi xác định các chỉ số đánh giá hiệu quả công việc (KPI), để Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng có thể theo dõi được KPI, PEMANDU xây dựng hệ thống theo dõi, giám sát, đánh giá các chỉ tiêu trọng tâm quốc gia, thiết kế Bảng theo dõi, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ hoặc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. PEMANDU cập nhật kết quả thực hiện KPI vào cuối thứ Sáu hàng tuần và gửi đến các Bộ để thúc đẩy các cơ quan tiếp tục nghiên cứu giúp nâng cao chất lượng thực hiện sau từng tuần triển khai. Hệ thống này được vận hành trên mạng chuyên dùng (không công khai trên Internet), có các giải pháp bảo đảm hệ thống được hoạt động an ninh, an toàn, thông suốt.
.
Bước 6. Triển khai
Để triển khai kế hoạch đã đề ra, các Bộ, cơ quan thành lập đơn vị triển khai, bảo đảm hoạt động hiệu quả, theo dõi, đôn đốc, trực tiếp đến cơ sở để hỗ trợ xử lý các khó khăn, vướng mắc. Ví dụ: trong lĩnh vực giáo dục, Bộ Giáo dục Malaysia đã thành lập Đơn vị thực thi và đánh giá kết quả trong lĩnh vực Giáo dục (PADU) để triển khai độc lập các sáng kiến thực thi trong chương trình chuyển đổi quốc gia liên quan đến giáo dục.
.
Đối với những nhiệm vụ chưa đạt hiệu quả, PEMANDU sẽ làm việc với Bộ chủ trì, nếu chưa thống nhất về giải pháp sẽ trình Thủ tướng cho ý kiến chỉ đạo để thực hiện.
.
Bước 7. Đánh giá và kiểm toán
.
Định kỳ 6 tháng một lần, Thủ tướng Chính phủ làm việc với Bộ trưởng về việc thực hiện các KPI, đánh giá hoạt động của Bộ, chấm điểm Bộ trưởng. Cuối năm tại cuộc họp nội các sẽ đánh giá kết quả thực hiện của các Bộ. Trường hợp Bộ nào không hoàn thành nhiệm vụ được giao, Bộ trưởng đó sẽ không được tái bổ nhiệm.
.
Để đánh giá KPI của các Bộ một cách độc lập, PEMANDU mời công ty kiểm toán vào đánh giá, như mời công ty kiểm toán PwC. Thông thường, PEMANDU sẽ lựa chọn 1/3 số nhiệm vụ để được kiểm toán.
.
Bước 8. Báo cáo hàng năm
.
Hàng năm, PEMANDU ban hành các Báo cáo thường niên đánh giá kết quả đạt được và công bố rộng rãi, qua đó người dân và doanh nghiệp sẽ đánh giá hiệu quả hoạt động của Chính phủ.
.
Với thành công trên, hiện nay Chính phủ Malaysia đã giới thiệu PEMANDU hỗ trợ các nước như: Tanzania, Ấn Độ, Nam Phi, Oman và Nga trong Chương trình chuyển đổi Chính phủ, chuyển đổi kinh tế.
.
Tại buổi làm việc, các chuyên gia cũng chia sẻ 6 bí quyết tạo nên thành công của Malaysia, cụ thể: (1) Biến những vấn đề không thể thành có thể, luôn hướng về tương lai, (2) Định hướng đúng và luôn kiên trì thực hiện mục tiêu đã đề ra, (3) Kỷ cương, kỷ luật, (4) Lãnh đạo theo hoàn cảnh, (5) Cùng thực hiện để đạt được chỉ tiêu trọng tâm, (6) Nắm bắt đúng thời cơ.
.
Kinh nghiệm rút ra đối với Việt Nam
.
Với bài học thành công từ PEMANDU, đặc biệt là để xây dựng các kế hoạch từ tổng thể đến chi tiết khi thực hiện các chương trình chuyển đổi Chính phủ, chuyển đổi kinh tế theo quy trình 8 bước, Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm từ việc ứng dụng quy trình này, như học tập cơ chế phân tích, xác định mục tiêu ưu tiên, dự thảo kế hoạch chi tiết; phương pháp lựa chọn các chỉ số mục tiêu ưu tiên, xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện; ứng dụng công nghệ thông tin đối với thiết kế Bảng theo dõi, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ hoặc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cập nhật theo dõi các chỉ số đánh giá hiệu quả công việc.
.
Hiện nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính cũng như Tổ công tác của Thủ tướng về theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Từ kinh nghiệm của PEMANDU, để nâng cao hiệu quả hoạt động của hai đơn vị trên, Việt Nam có thể nghiên cứu áp dụng, cụ thể như sau:
.
Một là, cần có sự gắn kết nhiều hơn nữa hoạt động của Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính và Tổ công tác của Thủ tướng với các chuyên gia khu vực tư nhân để tư vấn, tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định các nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung chỉ đạo; theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện; kịp thời phối hợp với các Bộ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong tổ chức thực hiện; đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ này tại các Bộ, ngành, địa phương;
.
Hai là, thường xuyên tổ chức các cuộc họp giữa các bên liên quan để cùng nhau thảo luận và đưa ra các biện pháp tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện và triển khai các mục tiêu đã đề ra;
.
Ba là, cần nghiên cứu kinh nghiệm về cơ chế phân tích, xác định mục tiêu ưu tiên, dự thảo kế hoạch chi tiết để triển khai các nhiệm vụ trọng tâm như cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử và cải thiện môi trường kinh doanh;
.
Bốn là, cần học tập kinh nghiệm xác định các chỉ số đánh giá hiệu quả công việc, thiết lập hệ thống theo dõi, giám sát, đánh giá các chỉ tiêu trọng tâm quốc gia (Government Dashboard), thiết kế Bảng theo dõi, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ hoặc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ; tiến tới nâng cấp phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu theo dõi các nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (theo Quyết định số 42/2014/QĐ-TTg ngày 27 tháng 7 năm 2014) bảo đảm sẵn sàng tích hợp với hệ thống thông tin báo cáo quốc gia.
.
Năm là, đề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong quá trình triển khai kế hoạch. Thường xuyên đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ của lãnh đạo các ngành, lĩnh vực dựa vào kết quả để đưa ra các hướng triển khai hợp lý, nâng cao vai trò trách nhiệm của từng ngành, lĩnh vực trong việc hiện thực hóa các mục tiêu ưu tiên.
.
Với những kinh nghiệm học hỏi được từ mô hình PEMANDU của Malaysia, hy vọng rằng việc áp dụng phù hợp với điều kiện thực tiễn tại Việt Nam sẽ giúp Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương dễ dàng theo dõi tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được giao, từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao./.
Đoàn công tác của Văn phòng Chính phủ tại Malaysia