Hà Nội

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong ký ức của những cán bộ VPCP

(Chinhphu.vn) – Kỷ niệm về Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong ký ức của nhân dân, của những người lính, đồng đội, đồng chí và những người cán bộ cấp dưới của mình góp phần lý giải vì sao ông được gọi là Đại tướng của nhân dân.

10/10/2013 07:48

Hình ảnh của Đại tướng sẽ mãi mãi ghi trong lòng nhân dân, được nhân dân tin tưởng, quý mến, kính trọng.

Tiết cuối thu, Hà Nội vẫn đang trong không khí đau buồn, tiếc thương trước sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Những đoàn người từ khắp nơi trên cả nước lặng lẽ xếp hàng nối dài chờ được vào viếng ông tại ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu (Hà Nội).

Tại ngôi nhà nhỏ trên phố Cao Bá Quát, nhiều cán bộ hưu trí của Văn phòng Chính phủ, những người đã may mắn được phục vụ Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong thời gian Đại tướng làm Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đang cùng nhau hồi tưởng lại những kỷ niệm về Đại tướng.

Ông Dương Văn Phúc, cán bộ tiền khởi nghĩa, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, nhớ lại: “Năm 1945, Đại tướng được cử làm Bộ trưởng Bộ Nội Vụ, trong biên bản chỉ nói là Bộ trưởng Bộ Nội vụ giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Chính phủ. Điều đặc biệt là Bác Hồ rất tin tưởng Đại tướng, đến mức Người đã ủy nhiệm cho Đại tướng được phép ký Sắc lệnh”.

Ông Phúc xúc động chia sẻ: “Năm 1988, Tổng Bí thư Trường Chinh mất, tôi tham gia công tác phục vụ lễ tang. Khi đoàn anh Văn đến, tôi ra mời anh vào và được biết anh Văn đã hoãn chuyến thăm Cuba để dự lễ tang đồng chí Trường Chinh. Tôi rất xúc động về tình cảm ấy. Đây đúng nghĩa là tình đồng chí, đồng đội”.

Tiếp mạch cảm xúc như ùa về khi biết tin Đại tướng qua đời, ông Phúc rưng rưng: “Tôi biết Đại tướng ốm lâu rồi, mất không quá đột ngột nhưng khi nghe tin Đại tướng mất trong lòng vẫn thấy vô cùng hụt hẫng, thương tiếc. Đại tướng sẽ còn mãi với hậu thế, đối với Đảng, đối với dân, đối với đời. Cả thế giới đều quý trọng. Mấy hôm nay tôi nghe đài của Pháp nói rất nhiều, họ dùng nhiều từ đẹp đẽ dành cho Đại tướng, ca ngợi Đại tướng”.

Đối với ông Trần Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, chuyên viên cao cấp của Văn phòng Chính phủ, thì những hình ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí ông. Ông Trần Hà ra Bắc tập kết vào tháng 5/1955, được phân công về Bộ Nội thương, sau đó được điều về Phủ Thủ tướng, lúc ấy nhiệm vụ của ông là phục vụ các phiên họp thường vụ Chính phủ và trực tiếp chuẩn bị tài liệu cho những cuộc họp mà Thủ tướng triệu tập.

Là một trong những cán bộ Văn phòng Chính phủ, nhiều lần trực tiếp phục vụ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Trần Hà coi đó là một vinh dự và may mắn.

“Công việc của tôi là giúp việc cho Thủ tướng và Phó Thủ tướng Thường trực. Qua làm việc với Đại tướng, tuy không phải là thư ký riêng, nhưng anh Văn để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi. Anh là nhà lãnh đạo xuất sắc, văn võ song toàn, đức tài trọn vẹn. Trong dáng vẻ uy nghiêm của người thủ trưởng ấy ẩn sâu tình cảm gắn bó, nhân văn đối với anh em cấp dưới và đồng đội”, ông Hà xúc động nói.

Bác Dương Văn Phúc - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Ảnh: Quang Hiếu

Theo hồi tưởng của ông Trần Hà, lúc bấy giờ Thường vụ Chính phủ gồm có Thủ tướng và các Phó Thủ tướng họp một tuần hai ngày, vào thứ Ba và thứ Tư. Còn họp Chính phủ (tức là Hội đồng Chính phủ) gồm Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng, một tháng một lần vào tuần cuối tháng. Mỗi lần bận hoặc đi công tác, không dự họp được, Đại tướng cho gọi ông Hà đến ngôi nhà 30 Hoàng Diệu để nghe trình bày lại về cuộc họp cụ thể từ Vụ Tổng hợp chứ không chỉ xem thông báo cuộc họp.

Ông Hà nhớ lại: “Đại tướng thường bảo tôi trình bày trong 30 phút về phiên họp. Báo cáo tóm tắt nhưng phải đầy đủ. Đặc biệt, những lần nghe tôi báo cáo, anh Văn rất ít khi ngắt lời. Sau đó, có điểm nào chưa rõ thì anh bảo tôi trình bày lại. Tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh ở phòng khách đó, khi tôi trình bày, còn anh Văn lắng nghe rất chăm chú”.

Ông Hà trải lòng, không biết bằng cách nào, Đại tướng biết được vợ chồng tôi còn bán phở thêm ở nhà vào buổi tối. Đại tướng đề nghị lãnh đạo Chính phủ quan tâm đến anh em cán bộ văn phòng. Điều đó khiến gia đình tôi vô cùng xúc động.

Nói đến đây ông nghẹn lại trong nước mắt: “Sáng nay (9/10), vợ tôi đi từ 6 giờ sáng để vào viếng Đại tướng. Vậy là đất nước đã mất đi vị Đại tướng của nhân dân, người đã trọn vẹn cuộc đời hiến dâng cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc”.

Ông Trần Hà tiếc nuối: “Sang năm là tròn 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, giá như Đại tướng còn đến ngày đó...".

Bác Trần Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổng hợp. Ảnh: Quang Hiếu

Câu chuyện về Đại tướng được nhiều người kể lại với lòng ngưỡng mộ và sự tiếc thương cứ tiếp tục như không thể dứt. Nhiều cán bộ hưu trí của Văn phòng Chính phủ từng có dịp phục vụ Đại tướng, vẫn thường kể cho con cháu nghe những câu chuyện về Đại tướng và họ không bao giờ quên được cảm giác ấm áp, ân cần của vợ chồng Đại tướng, không bao giờ quên được vị ngon của món chè mà bà Đặng Bích Hà, phu nhân của Đại tướng nấu cho các chuyên viên của Văn phòng Chính phủ hồi ấy.

Trong niềm tiếc thương vô hạn, có người đã ghi vội những dòng thơ tiễn biệt vị Đại tướng của nhân dân:

Bác mãi xa rồi Bác Văn ơi,

Dẫu biết sinh tử vốn lẽ trời

Mà sao tim nhói, lòng quặn thắt

Đất nước, nhân dân vĩnh biệt Người,

Chúng cháu một lòng noi gương sáng

Theo Đảng, vì dân, tiến theo Người…

Việt Hà – Quang Hiếu

Top