Hà Nội

Cảnh báo thay vì chờ bắt lỗi

(Chinhphu.vn) - Việc thực hiện các giải pháp để chuyển đổi từ tiền kiểm sang hậu kiểm là cách thức phù hợp để giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính. Tuy nhiên, để làm tốt hậu kiểm, công tác quản lý nhà nước thay vì đi “bắt lỗi” doanh nghiệp, nên chuyển sang cảnh báo để doanh nghiệp không mắc lỗi.

27/03/2021 11:12

 

Thiết bị điện - điện tử là một trong những nhóm hàng hóa được chuyển sang hậu kiểm. Ảnh minh họa

Chưa tương xứng với mong muốn

.

Qua 3 năm khảo sát, Báo cáo chỉ số  đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (APCI) cho thấy một phương thức dẫn đến thành công về cải cách của một số nhóm thủ tục hành chính như thuế, đầu tư, khởi sự doanh nghiệp... là chuyển phương thức quản lý nhà nước từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

.

Minh chứng rõ nhất là Nghị định số 15/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm. Việc thay đổi tư duy quản lý để doanh nghiệp tự công bố và chịu trách nhiệm về chất lượng đã giúp giảm trên 90% chi phí hành chính, giúp tiết kiệm 10 triệu ngày công, 3.700 tỷ đồng/năm.

.

Tương tự, triển khai áp dụng cơ chế “chuyển mạnh sang hậu kiểm”, năm 2017, Bộ KH&CN đã ban hành Thông tư 07/2017/TT-BKHCN để chuyển 91% nhóm sản phẩm, hàng hóa do Bộ KH&CN quản lý sang cơ chế hậu kiểm. Trước đây, có 24 nhóm hàng hóa phải kiểm tra trước khi thông quan, nhưng nay chỉ còn 2 nhóm là xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng.

.

Không những thế, hậu kiểm giúp giảm việc quản lý chồng chéo. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã từng đưa ra dẫn chứng một chiếc ăng ten nhập khẩu từ nước ngoài vào cảng, khi chưa lắp trên phương tiện nào, thì sẽ xảy ra 2 vấn đề là Bộ TT&TT nói phải kiểm tra ăng ten vì Bộ này quản lý thu phát sóng, Bộ GTVT cũng nói đây là trách nhiệm của mình vì lắp trên phương tiện vận tải đường thủy.

.

Khi chuyển sang hậu kiểm thì ăng ten lắp trên thiết bị, phương tiện nào sẽ rất rõ ràng. Ăng ten lắp trên tàu thuỷ là chức năng quản lý của Bộ GTVT, còn ăng ten lắp trên thiết bị thu phát sóng là chức năng quản lý của Bộ TT&TT...

Tuy nhiên, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng nhiều lần bày tỏ lo ngại, hậu kiểm nếu làm không tốt thì doanh nghiệp còn lo hơn, khổ hơn tiền kiểm.

.

Thực tế, việc chuyển đổi này được đánh giá là chưa hoàn toàn tương xứng với mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp cũng như kỳ vọng từ Chính phủ bởi còn nhiều hoạt động hậu kiểm vẫn đơn giản là điều chuyển các điều kiện, yêu cầu chứng minh đối với doanh nghiệp từ giai đoạn “trước cấp phép” sang “sau cấp phép”, vì thế không giúp được gì cho mục tiêu cắt giảm chi phí của doanh nghiệp. Cá biệt, có doanh nghiệp còn cho rằng với cách thức “điều chuyển cứng nhắc này” thì rủi ro cho doanh nghiệp còn cao hơn.

.

Theo ông Nguyễn Hưng Quang, đại diện nhóm chuyên gia nghiên cứu APCI 2020, qua khảo sát thực tế cho thấy, các doanh nghiệp mong muốn đơn giản hóa thủ tục hành chính, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm nhưng nếu các thủ tục trong hậu kiểm không đoán định được thì lại tạo rủi ro khác cho doanh nghiệp, gia tăng chi phí tiêu cực.

.

Phản ánh của doanh nghiệp là có quá nhiều đợt kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp dưới nhiều hình thức khác nhau, làm cho doanh nghiệp cảm thấy “bất an” trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh.

.

Doanh nghiệp mong muốn công tác này thân thiện và có tính khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp tự giác thực hiện đúng pháp luật, cảnh báo sớm nguy cơ vi phạm các quy định pháp luật thay vì cơ quan chức năng “tìm soát lỗi” của doanh nghiệp để xử phạt.

.

Doanh nghiệp cũng mong muốn các quy phạm pháp luật cần rõ ràng, thống nhất và có thể dự đoán được để các doanh nghiệp có thể tự kiểm soát về khả năng tuân thủ pháp luật. Như vậy, công tác “hậu kiểm” thực sự có ý nghĩa trong việc bảo đảm sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, đặc biệt ở khu vực tư nhân.

.

Đưa hậu kiểm về với đúng bản chất

.

Để triển khai hậu kiểm có hiệu quả, cần phải đưa hậu kiểm về với đúng bản chất, không chỉ chú trọng vào việc kiểm tra doanh nghiệp mà cần tập trung vào hướng dẫn cho doanh nghiệp, chuẩn hoá các tiêu chuẩn, quy trình để đảm bảo doanh nghiệp có thể tự thực hiện một cách thuận lợi nhất, đồng thời nâng cao trách nhiệm tuân thủ của doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý nhà nước trong mỗi lĩnh vực.

.

Ông Nguyễn Hưng Quang cho rằng vấn đề phải từ hai phía. Phía doanh nghiệp, đó là ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật phải tốt. Phía cơ quan nhà nước, đó là ý thức cán bộ, trong quá trình thanh tra, kiểm tra không phải chỉ tầm soát lỗi của doanh nghiệp để xử phạt mà phải xác định được các hành vi là cố ý hay vô ý, cần có cơ chế phòng ngừa giúp doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định của pháp luật.

.

Dẫn chứng về hiệu quả của cảnh báo sớm, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Phó Giám đốc thường trực Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) cho biết, Cục Thuế Bình Định là đơn vị duy nhất trong cả nước năm 2020 không tiến hành thanh, kiểm tra doanh nghiệp nộp thuế mà kết quả thu được lại rất cao.

.

Với cách thức là chủ động tiến hành những cảnh báo sớm, đưa ra cảnh báo rủi ro, thay vì đợi doanh nghiệp mắc lỗi thì phạt, năm 2020, cơ quan thuế này đã gửi 1.113 hồ sơ thông báo cảnh báo. Từ đó, đã tăng 32,6% phần truy thu thuế, giảm khấu trừ và giảm lỗ đều tăng; tránh cho doanh nghiệp bị xử phạt vi phạm hành chính 20%.

.

“Đây chính là điều cộng đồng doanh nghiệp thực sự mong chờ”, bà Phạm Thị Ngọc Thủy cho hay.

.

Theo các chuyên gia, dù là hậu kiểm hay tiền kiểm thì đều có những ưu điểm và hạn chế nhất định, tuy nhiên, hậu kiểm có lợi hơn cho doanh nghiệp, phù hợp với thực tiễn kinh doanh do đảm bảo sự linh hoạt cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động.

.

Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn thừa nhận, những khó khăn doanh nghiệp gặp phải đôi khi không phải đến từ thể chế, chính sách mà xuất phát từ quá trình thực thi, cụ thể là cán bộ thực thi. Do đó, dù là tiền kiểm hay hậu kiểm thì đều cần phải chú trọng thúc đẩy nền hành chính phục vụ, kết hợp với điện tử hoá thủ tục hành chính và xây dựng các cơ chế phản hồi sớm cho doanh nghiệp.

.

Hoàng Giang

Top