Hà Nội
Cải cách quy định kinh doanh: Giám sát, đánh giá các bộ ngành bằng công cụ số
(Chinhphu.vn) - Các bộ ngành, cơ quan sẽ được giám sát, đánh giá về hoạt động cải cách quy định kinh doanh thông qua Cơ sở dữ liệu và Cổng Tham vấn quy định kinh doanh. Điều này giúp cá thể hóa trách nhiệm cũng như chấn chỉnh, tăng cường kỷ cương hành chính.
Ngày 8/4, tại Quảng Ninh, Văn phòng Chính phủ (VPCP) tổ chức hội thảo "Quản lý, vận hành, khai thác hiệu quả Cơ sở dữ liệu và Cổng Tham vấn quy định kinh doanh".
Triển khai nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao tại Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 và Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030, VPCP đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan triển khai thiết lập Hệ thống Cơ sở dữ liệu và Cổng tham vấn quy định kinh doanh.
Đây là công cụ quan trọng phục vụ cải cách quy định kinh doanh, nhằm bảo đảm cập nhật, công khai thường xuyên, chính xác và đầy đủ các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong các văn bản quy phạm pháp luật, cung cấp cho các cơ quan quản lý nhà nước phương tiện rà soát, đề xuất phương án cải cách quy định kinh doanh, tham vấn phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và quy định kinh doanh dự kiến ban hành trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
'Bộ ngành nào làm không tốt cải cách sẽ không giấu được'
Thời gian qua, VPCP đã hướng dẫn các bộ, cơ quan cập nhật dữ liệu trên Cơ sở dữ liệu và Cổng tham vấn quy định kinh doanh. Tính đến ngày 6/4/2022, có 751 tài khoản của các bộ, cơ quan đăng ký, phân quyền sử dụng Cơ sở dữ liệu và Cổng tham vấn quy định kinh doanh; đã có hơn 7.171 quy định (thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành, chế độ báo cáo, tiêu chuẩn quy chuẩn, yêu cầu điều kiện, quy định cấm) được cập nhật trên Hệ thống.
Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (VPCP) cho biết, VPCP sẽ trình Thủ tướng Chính phủ đưa Cơ sở dữ liệu và Cổng tham vấn quy định kinh doanh vận hành chính thức vào cuối tháng 4 này.
Theo ông Ngô Hải Phan, Cơ sở dữ liệu và Cổng tham vấn quy định kinh doanh có hai hợp phần quan trọng, gồm: Hợp phần quản trị phục vụ các bộ, ngành, cơ quan cập nhật, quản lý các quy định kinh doanh và hợp phần công khai để các cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tìm kiếm, tra cứu các quy định liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh; các bộ, ngành, cơ quan lấy ý kiến tham vấn công chúng hiệu quả, thu hút các ý kiến hữu ích của người dân, doanh nghiệp, hiệp hội trong hoạt động xây dựng, hoàn thiện thể chế quy định kinh doanh của các bộ, cơ quan.
Do đó, không chỉ là công cụ cải cách quan trọng, Cơ sở dữ liệu và Cổng tham vấn quy định kinh doanh còn là công cụ chuyển đổi số giúp khai thác tối ưu hiệu quả các thông tin dữ liệu thông qua kết nối, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu khác.
Đặc biệt, Cơ sở dữ liệu và Cổng tham vấn quy định kinh doanh thể hiện một cách trực quan hệ thống các quy định kinh doanh hiện hành dưới dạng biểu đồ tương tác; thể hiện được các điểm nghẽn, gánh nặng mà các doanh nghiệp đang phải chịu trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan nắm được và có các chỉ đạo, điều hành phù hợp.
Trong quá trình thử nghiệm, đã có hơn 7.000 quy định được cập nhật trên Hệ thống, nhưng theo đánh giá của ông Ngô Hải Phan, số lượng như vậy còn thiếu và chất lượng cũng chưa tốt. Do đó, VPCP đã có công văn gửi các bộ ngành, cơ quan về vấn đề này.
Theo Cục trưởng Ngô Hải Phan, các quốc gia trên thế giới hiện nay đang áp dụng các biện pháp kỹ thuật số để phục vụ cho cải cách các quy định kinh doanh. Mục tiêu chúng ta đặt ra là bộ công cụ này tiếp cận gần với quốc tế và hướng tới chuẩn OECD.
"Tới đây, tất cả sẽ đo đếm được, lượng hóa được, dựa trên dữ liệu, theo thời gian thực và trực quan, chứ không có chuyện báo cáo giấy. Qua đó, sẽ công khai, minh bạch, giám sát, đánh giá được các bộ ngành, cơ quan. Bộ ngành nào làm tốt, bộ ngành nào làm không tốt, sẽ không giấu được, không nói dối được! Việc này cũng thể hiện một Chính phủ 'nói đi đôi với làm', một Chính phủ hành động", ông Ngô Hải Phan nhấn mạnh.
Hoàn thiện công cụ số giám sát, đánh giá chất lượng cải cách
Đánh giá Nghị quyết 68/2020/NQ-CP có phạm vi bao phủ rộng nhất từ trước đến nay và là "làn sóng" cải cách môi trường kinh doanh thứ 3 tại Việt Nam, TS. Nguyễn Đức Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho hay, Nghị quyết đã tập trung vào cốt lõi nhất trong cải cách môi trường kinh doanh, đó là: Thống kê, rà soát, cắt giảm đến từng quy định kinh doanh cụ thể và tính toán chi phí tuân thủ quy định của doanh nghiệp.
Đã có sự chuyển biến về tư duy của cơ quan quản lý nhà nước trong thực hiện Nghị quyết 68 khi bước đầu thống kê, cập nhật từng quy định kinh doanh của văn bản quy phạm pháp luật. Năm 2021, các bộ, ngành đã thống kê tổng số 6.460 quy định kinh doanh hiện hành. Chi phí tuân thủ quy định hiện hành các bộ, ngành thống kê khoảng 137.332 tỷ đồng (tương đương 6 tỷ USD).
Tuy nhiên, số lượng thống kê, cập nhật, công khai còn hạn chế. Mặc dù các bộ, ngành đã xây dựng và thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hoá quy định kinh doanh nhưng số lượng phương án được Thủ tướng phê duyệt còn thấp, phương án chưa thể hiện rõ tác động đến người dân, doanh nghiệp; sự tham gia của doanh nghiệp, các hiệp hội chưa hiệu quả…
Ông Nguyễn Đức Anh khuyến nghị các bộ, ngành cần đầu tư nguồn lực cho công tác thống kê, cập nhật, công khai quy định kinh doanh. Tiếp tục trình Thủ tướng Chính phủ phương án cắt giảm, đơn giản hoá quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trước ngày 30/9/2022. Đồng thời thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tham vấn doanh nghiệp, hiệp hội đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật dự kiến ban hành liên quan đến hoạt động kinh doanh trên Cổng tham vấn tập trung.
Đối với với VPCP, ông Nguyễn Đức Anh cho rằng, cần hoàn thiện các công cụ kỹ thuật số phân tích dữ liệu, giám sát, đánh giá chất lượng cải cách quy định kinh doanh và thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công. Thực hiện các nghiên cứu, rà soát, đưa ra khuyến nghị độc lập đối với phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh, đặc biệt là những quy định có nhiều phản ánh, kiến nghị từ phía doanh nghiệp, người dân. Theo dõi, đánh giá kết quả cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh và việc thực hiện thủ tục hành chính tại bộ, ngành, địa phương...
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế ứng dụng giải pháp kỹ thuật số trong quy định kinh doanh, TS.Đặng Quang Vinh, chuyên gia cải cách thể chế cho rằng, lợi ích mà công nghệ số đem lại là rất lớn và Việt Nam có thể tham khảo nhiều kinh nghiệm tốt trên thế giới để đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp công nghệ số trong cải cách quy định kinh doanh.
Đơn cửa như trong tham vấn phục vụ cải cách quy định, tại Singapore, Hệ thống REACH được vận hành từ 2006. Tại đây, các bộ và cơ quan Chính phủ Singapore sẽ đăng tải các dự thảo chính sách để lắng nghe quan điểm người dân, doanh nghiệp nhằm tạo thuận lợi trong việc triển khai chính sách khi ban hành.
REACH cũng tổng hợp và đánh giá hiệu quả xây dựng chính sách; tiếp cận và thu hút ý kiến công dân; thúc đẩy công dân tích cực tham gia hoạt động quản lý trên môi trường điện tử. Đồng thời có tính năng diễn đàn thảo luận trực tuyến, toạ đàm nhóm trực tuyến, trang cá nhân, tham vấn điện tử, khảo sát điện tử, tiện ích đọc-nghe. Các dự thảo chính sách được cập nhật kịp thời, sinh động, hấp dẫn và kết quả tiếp thu, giải trình của các cơ quan nhà nước, bao gồm cả ý kiến của công dân được biên tập và công bố trên hệ thống REACH.
TS. Đặng Quang Vinh kiến nghị, Việt Nam cần xây dựng ứng dụng tra cứu thông tin về thủ tục hành chính và giấy phép dựa trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính và Cơ sở dữ liệu về quy định kinh doanh để doanh nghiệp hiểu rõ hơn về các quy định và hỗ trợ việc tuân thủ các quy định.
Đồng thời áp dụng giải pháp phân tích văn bản để xác định các quy định lỗi thời và chồng chéo nhằm đơn giản hóa kho quy định bằng cách sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, cơ sở dữ liệu về quy định kinh doanh và các nguồn dữ liệu khác. Cung cấp dịch vụ thông báo về các quy định mới của doanh nghiệp để doanh nghiệp hiểu và tuân thủ các quy định dựa trên Cơ sở dữ liệu về Quy chế kinh doanh....
Theo đại diện Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, VPCP đang dự Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Cơ sở dữ liệu và Cổng tham vấn quy định kinh doanh để thống nhất, xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong tổ chức, quản lý, phương thức khai thác và sử dụng hệ thống nay; bảo đảm dữ liệu được cập nhật đầy đủ và thường xuyên.
Điều này sẽ tạo cơ sở pháp lý để Cơ sở dữ liệu và Cổng tham vấn quy định kinh doanh thực sự là công cụ giúp các cơ quan quản lý nhà nước quản lý hiệu quả các quy định kinh doanh, từ đó đưa ra các phương án cắt giảm, đơn giản hoá phù hợp, hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp, hiệp hội trong hoạt động sản xuất kinh doanh và phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.
Hoàng Giang