Hà Nội

70 năm…1 lý tưởng

(Chinhphu.vn) - Những câu chuyện liền mạch về những tháng ngày ông làm việc tại Văn phòng Chính phủ cứ cuốn hút chúng tôi. 85 tuổi, ông Võ Minh Thảo nhớ rõ mọi sự kiện xảy ra đến từng chi tiết. Với ông những ký ức ấy là khoảng thời gian đáng tự hào nhất trong suốt cuộc đời mình.

22/07/2015 17:54

Ông Võ Minh Thảo (ngoài cùng bên phải) chụp cùng Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên trong buổi gặp mặt kỷ niệm 40 năm chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ảnh: Ngọc Khuyến

.

Ông Võ Minh Thảo (tên thật Võ Quang Thanh) sinh năm 1930 tại Huyện Long Mỹ, TP Cần Thơ (nay là Hậu Giang) trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Năm 15 tuổi ông giác ngộ lí tưởng cách mạng và một mình lặn lội từ Cần Thơ đến Cà Mau để tìm căn cứ cách mạng. Trước khi trở thành chuyên gia cao cấp của Văn phòng Chính phủ, ông từng theo học nhiều chương trình giảng dạy về kinh tế - tài chính tại Việt Nam, Liên Xô, Trung Quốc và từng công tác tại Ban Kinh tế - Tài chính của Trung ương Cục miền Nam.

.

Những hiểu biết sâu rộng của ông trong lĩnh vực kinh tế là điều cần thiết, cấp bách cho một cục diện đất nước sau ngày giải phóng. Ông vẫn nhớ như in nguyên nhân mình đến với Văn phòng Chính phủ tại phía Nam: “Trước giải phóng tôi công tác tại Ban Kinh tế - Tài chính Trung ương Cục miền Nam. Sau giải phóng, Phó Thủ tướng Phạm Hùng cũng là Cấp ủy của Trung ương Cục miền Nam đã chuyển tôi về Văn phòng Chính phủ. Mặc dù ta thắng lớn về quân sự nhưng tình hình kinh tế, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn. Phó Thủ tướng Phạm Hùng muốn tôi đặc biệt theo dõi tình hình kinh tế phía Nam và từ đó đề ra những phương hướng giúp Chính phủ tháo gỡ khó khăn, thúc đầy sản xuất, lưu thông hàng hóa. Đó là công việc quan trọng hàng đầu lúc bấy giờ”.

.

Trăn trở vì thực tế đời sống nhân dân, ông đã phối hợp với bà Ba Thi (tên thật Nguyễn Thị Ráo) – Giám đốc Công ty Kinh doanh Lương thực thành phố để cùng nhau giải quyết vấn đề. Ông nhận định rõ muốn tháo gỡ kinh tế miền Nam trước tiên cần điều tiết lưu thông hàng hóa, xóa bỏ các trạm gác “Ngăn sông cấm chợ” để hàng hóa được lưu thông, người dân được tự do buôn bán. Mỗi người dân đều có thể trao đổi, buôn bán những sản phẩm mà họ làm ra.

Mắt ông ánh lên niềm vui, ông hồ hởi kể: “Tôi với chị Ba Thi cùng nhau xin gặp đồng chí Võ Văn Kiệt và trình bày hết những đề xuất của mình. Lúc ấy anh Sáu Kiệt cười và gật gù tán thành. Sau đó chúng tôi tiếp tục trình bày với đồng chí Phạm Văn Đồng và nhận được sự nhất trí cao. Lúc đó niềm vui không phút nào tả xiết”.

.

Và trên thực tế những đề xuất của ông đã tạo ra một sự chuyển biến lớn cho nền kinh tế phía Nam và cả nước. Những trạm gác được xóa bỏ, người dân có thể tự do buôn bán, hàng hóa lưu thông và năng xuất sản xuất ngày càng tăng, tiêu biểu là Đồng bằng sông Cửu Long đã trở thành vựa lúa lớn nhất cả nước.

.

Trước sự khởi sắc đó Chính phủ có chủ trương thu mua lúa tại Đồng bằng Sông Cửu Long để giải quyết tình hình thiếu lương thực tại miền Bắc. Ông đến từng địa phương, từng hộ dân vận động người dân bán lúa. Cứ thế trong 2 năm liền, nhờ sự tháo gỡ thành công khó khăn sản xuất tại Miền Nam đã giúp giải quyết được đói kém ở miền Bắc.

.

Giai đoạn đó, từ thực tiễn miền Nam, ông cũng là một trong những người đầu tiên ủng hộ chuyển đổi từ cơ chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp sang kinh tế thị trường.

.

Cứ thế, công việc như ăn sâu vào tiềm thức, suy nghĩ ông. Với ông những ngày đầu mới về hưu là thời gian ông thấy ngột ngạt, khó chịu nhất. Thời gian đầu, ông vẫn lên cơ quan đều đặn mỗi ngày. Ông chia sẻ: “Lên cơ quan, ai có gì cần mình hỗ trợ thì mình hỗ trợ, vừa giúp mọi người giải quyết công việc tôi cũng vừa thấy vui”.

.

Tuổi tác đã cao, nghỉ hưu đã 18 năm, sức khỏe yếu dần và đi lại khó khăn nhưng hằng năm ông luôn cố gắng tham dự những buổi họp mặt dành cho những cán bộ đã nghỉ hưu tại Văn phòng Chính phủ. Đặc biệt, khi nhắc về những ký ức hào hùng đã qua thì ông như khỏe lại, quên cả mệt mỏi, ông nói: “Trò chuyện cùng các cháu, bác như đang sống lại những năm tháng đồng hành cùng Văn phòng Chính phủ”.

.

Khi mới nghỉ hưu ông dành nhiều thời gian tìm hiểu nghiên cứu về kinh tế Việt Nam. Hiện sức khỏe ông đang ngày một yếu nhưng ông vẫn không bỏ thói quen theo dõi tình hình kinh tế đất nước qua báo, đài. Ông cho biết: “Lúc trẻ thì tham gia, đóng góp công sức để giải phóng quê hương, thống nhất đất nước. Giải phóng rồi thì mải mê với nhiệm vụ của Văn phòng Chính phủ, tham mưu giúp việc cho Chính phủ. Nay tuổi cao, không đóng góp được gì nhưng chứng kiến kinh tế đất nước phát triển, người dân được sống trong hòa bình và no ấm, thực không gì vui bằng”.

.

Gần 70 năm cống hiến cho lý tưởng cách mạng, cho niềm vui chung đất nước nhưng với ông vẫn là chưa đủ. Kinh nghiệm lớn nhất giúp ông vượt qua mọi khó khăn chính là sự cố gắng không ngừng trong tất cả mọi việc, việc gì chưa làm được phải biết trăn trở và quyết tâm nhiều hơn. Nói về thế hệ trẻ hôm nay, ông luôn vững tin “tre già măng sẽ mọc”, những thế hệ sau sẽ thay ông và các anh em đồng đội viết tiếp ước mơ giữ gìn và xây dựng đất nước.

.

Ngọc Khuyến

Top