Hà Nội

Văn phòng Chính phủ và tỉnh Bình Dương chia sẻ kinh nghiệm về cải cách hành chính

(Chinhphu.vn) - Chiều 4/10, tại trụ sở Văn phòng Chính phủ (VPCP), Đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh Bình Dương và VPCP đã có buổi làm việc chia sẻ kinh nghiệm về công tác cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số quốc gia.

04/10/2023 20:27
Văn phòng Chính phủ và tỉnh Bình Dương chia sẻ kinh nghiệm về cải cách hành chính - Ảnh 1.

Đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Bình Dương - Ảnh: VGP/Gia Huy

Đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh Bình Dương do đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; làm Trưởng đoàn đồng chí Nguyễn Lộc Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng đại diện Văn phòng Tỉnh ủy, các sở, ngành của tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Bí thư tỉnh ủy Bình Dương cho biết, Đoàn công tác của tỉnh làm việc với VPCP nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của tỉnh Bình Dương và VPCP, từ đó nhằm nâng cao hiệu quả công tác cải cách TTHC, mang lợi lợi ích cho người dân, doanh nghiệp, đóng góp vào quá trình chuyển đổi số quốc gia.

Tại cuộc làm việc, đồng chí Nguyễn Lộc Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã chia sẻ về công tác cải cách TTHC và định hướng chuyển đổi số của địa phương. Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, về công tác cải cách TTHC theo định hướng chuyển đổi số, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Chỉ thị và nhiều Chương trình, Kế hoạch để tổ chức triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Trung tâm Hành chính công của tỉnh tiếp tục phát huy hiệu quả trong hoạt động, đến nay đã có 9/9 huyện, thị xã, thành phố đã thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công. Bộ phận một cửa cấp xã được đầu tư hiện đại, nâng cao chất lượng hoạt động.

Từ 01/01/2022, có 100% TTHC đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Từ ngày 01/6/2023, tỉnh đã chuyển đổi 2 dịch vụ công trực tuyến, một phần dịch vụ cung cấp thông tin trực tuyến và dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện không nhận hồ sơ giấy.

Văn phòng Chính phủ và tỉnh Bình Dương chia sẻ kinh nghiệm về cải cách hành chính - Ảnh 2.

Văn phòng Chính phủ và tỉnh Bình Dương chia sẻ kinh nghiệm về cải cách hành chính - Ảnh: VGP/Gia Huy

Đánh giá của tỉnh cho thấy, công tác cải cách TTHC gắn với chuyển đổi đã đạt những kết quả đáng ghi nhận: Chỉ số PAPI (Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam) trong 2 năm liền xếp hạng 2/63; Chỉ số SIPAS (sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước thông qua việc cung cấp các dịch vụ hành chính công) hạng 4/63; tỉnh Bình Dương 3 năm liên tiếp đạt Top 7 ICF (cộng đồng thông minh thế giới) về chiến lược xây dựng thành phố thông minh trên thế giới.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, thì cũng còn nhiều khó khăn, vướng mắc như: Kết quả Chỉ số cải cách hành chính, Chỉ số Năng lực cạnh tranh và Chỉ số Chuyển đổi số của tỉnh năm 2022 đạt mức thấp so bình diện chung cả nước (Chỉ số PAR Index hạng 35, Chỉ số PCI hạng 36…).

Nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan đã được tỉnh phân tích, đánh giá, trong đó nguyên nhân chủ quan là chính là vai trò, tinh thần trách nhiệm người đứng đầu ở một số cấp ủy, cơ quan, địa phương, đơn vị chưa thể hiện sự quyết liệt dẫn đến một số nhiệm vụ được giao chưa đảm bảo thời gian, chất lượng; việc thực hiện các nhiệm vụ cải cách TTHC, chuyển đổi số, số hoá, ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư, đất đai của Đề án 06 của Chính phủ và xây dựng thành phố thông minh tỉnh Bình Dương còn rời rạc, chưa đồng bộ, thiếu trọng tâm, trọng điểm, nguồn lực còn phân tán, chưa đảm bảo yêu cầu.

Nhằm khắc phục những tồn tại, khuyết điểm và tăng tốc, quyết liệt hơn trong công tác chỉ đạo, điều hành trong các lĩnh vực, tỉnh Bình Dương đã thành lập Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, Chuyển đổi số, thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử và xây dựng thành phố thông minh Bình Dương để tăng cường công tác chỉ đạo, kết nối các nhiệm vụ, xác định nhiệm vụ trọng tâm, phấn đấu kết quả các Chi số (CCHC, Chuyển đổi số, PAPI, PCI...) thuộc Top 10 cả nước và Chính quyền số được thể hiện là vai trò dẫn dắt trong cải cách TTHC, chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 và xây dựng thành phố thông minh Bình Dương.

Trong 3 tháng cuối năm, tỉnh Bình Dương đã xác định từng đầu mục công việc cụ thể, xác định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ, thời gian hoàn thành để có thể giám sát, kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo nhiệm vụ này.

Văn phòng Chính phủ và tỉnh Bình Dương chia sẻ kinh nghiệm về cải cách hành chính - Ảnh 3.

Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC trao đổi tại buổi làm việc - Ảnh: VGP/Gia Huy

Được sự cho phép của Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, tại buổi làm việc, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC đã trao đổi về điểm nghẽn của tỉnh Bình Dương trong cải cách TTHC và chuyển đổi số và trao đổi về một số khuyến nghị cho tỉnh.

Nêu khuyến nghị với tỉnh Bình Dương, Cục Kiểm soát TTHC khuyến nghị tỉnh xử lý dứt điểm những điểm nghẽn Đề án 06 của Chính phủ như về hạ tầng, đường truyền, trang thiết bị đầu cuối, an toàn thông tin, an ninh mạng. Tập trung xử lý hồ sơ công việc toàn trình và liên thông giữa hệ thống quản lý văn bản điều hành với Hệ thống thông tin giải quyết TTHC. Tiếp tục đánh giá tình hình kết quả triển khai số hóa và có đẩy nhanh tiến độ số hóa cũng như việc đồng bộ dữ liệu giữa CSDL quốc gia về dân cư với các Hệ thống thông tin chuyên ngành…

Tại buổi làm việc, các đại biểu cũng thảo luận, trao đổi các khó khăn, vướng mắc và giải đáp các kiến nghị, đề xuất của tỉnh Bình Dương.

Gia Huy

Top