Hà Nội

Cần đầu tư và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tư vấn cải cách TTHC

(Chinhphu.vn) - Sáng nay 13/9, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ tổ chức phiên họp triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2023 của Hội đồng. Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, VPCP là Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội đồng chủ trì phiên họp.

13/09/2023 12:31
Cần đầu tư và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tư vấn cải cách TTHC - Ảnh 1.

Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, VPCP: Cần đầu tư và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tư vấn cải cách TTHC. Ảnh: VGP/Vĩnh Hoàng

Phiên họp có sự tham gia của các thành viên của Hội đồng là đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, Hiệp hội Dệt may, Phòng Xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc tại Hà Nội và nhiều đơn vị thành viên khác…

Đã tư vấn, đề xuất nhiều sáng kiến cải cách về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính

Phát biểu tại phiên họp, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính cho biết, thời gian qua, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính đã tư vấn, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ nhiều sáng kiến cải cách về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân; đồng thời có đánh giá việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính tại các bộ, ngành, địa phương.

Hội đồng luôn lắng nghe ý kiến, kiến nghị của các thành viên, các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, mong muốn đại diện các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp và người dân tiếp tục đồng hành cùng Hội đồng tư vấn trong việc thực hiện nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính.

Ông Ngô Hải Phan nhấn mạnh: "Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định cải cách thủ tục hành chính là một trong những giải pháp quan trọng tạo động lực phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp… Vì thế, với nhiệm vụ được giao, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính không chỉ có nhiệm vụ tư vấn, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ các sáng kiến cải cách về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính mà còn phải tập trung cải cách cả quy trình, thủ tục nội bộ của chính đơn vị của mình".

Trong quy chế hoạt động của mình, thời gian các thành viên của Hội đồng đã cử đại diện lãnh đạo chủ chốt tham gia nhiều hoạt động của Hội đồng, đồng thời đã cử cán bộ đầu mối và thành lập các nhóm công tác để triển khai nhiệm vụ do Chủ tịch Hội đồng phân công hoặc theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng.

Văn phòng Chính phủ với vai trò là cơ quan thường trực Hội đồng, đã có trách nhiệm điều phối, bảo đảm các điều kiện làm việc của Hội đồng và huy động các cơ quan, đơn vị khác có liên quan tham gia các hoạt động của Hội đồng; đặc biệt là đã nghiên cứu các sáng kiến cải cách quy định hành chính do các thành viên Hội đồng đề xuất trước khi Chủ tịch Hội đồng báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Ông Ngô Hải Phan cho biết thêm: "Phiên họp hôm nay sẽ lắng nghe những ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng, để từ đó kịp thời tổng hợp các vướng mắc, khó khăn, báo cáo gửi Cơ quan thường trực Tổ công tác - VPCP để tổng hợp, báo cáo Tổ trưởng Tổ công tác xem xét chỉ đạo tháo gỡ".

Chia sẻ thông tin về Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, ông Ngô Hải Phan thông tin, ngày 6/8/2023 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 932/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt Tổ công tác). Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang là Tổ trưởng Tổ công tác. Nhiệm vụ của Tổ công tác là giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về cải cách thủ tục hành chính tại các bộ, ngành, địa phương theo các văn bản, chương trình, kế hoạch, đề án được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Tổ công tác cũng kịp thời nắm bắt, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý các báo cáo, kiến nghị của cá nhân, tổ chức và Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ về vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp, người dân về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính là rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân (bao gồm cả những quy định dự kiến ban hành trong dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật).

Đồng thời phải định kỳ hoặc đột xuất làm việc với Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, các cá nhân, tổ chức liên quan để lắng nghe, nhận diện các khó khăn, vướng mắc, để từ đó kịp thời có chỉ đạo tháo gỡ.

Cần đầu tư và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tư vấn cải cách TTHC - Ảnh 2.

Phiên họp của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: VGP/Vĩnh Hoàng

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để hoạt động tư vấn hiệu quả hơn

Chia sẻ thông tin tại phiên họp, ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đánh giá cao nỗ lực mà Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ đã làm được trong thời gian qua và cho biết với vai trò là một thành viên của Hội đồng, Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đã phối hợp rất tích cực vào quá trình tư vấn cải cách thủ tục hành chính không chỉ cho cộng đồng doanh nghiệp, mà còn cho chính đơn vị của mình.

Ông Nguyễn Hải Minh cho biết, dưới góc độ của EuroCham, từ trước đến nay, khi phân loại thủ tục hành chính, thường phân loại theo nhóm ngành, sau khi tìm ra các vướng mắc đang tồn tại ở những nhóm ngành đó thì đưa ra đề xuất, kiến nghị. Nhưng khi kiến nghị thì có nhiều hướng (ví dụ như ở EuroCham có 2 hướng là tháo gỡ trực tiếp vào thủ tục hiện hữu, hoặc là định hướng chính sách). Nếu vướng mắc nào liên quan đến thủ tục hiện hữu như vướng ở đâu, làm thế nào thì việc đề xuất giải quyết là rất rõ ràng, ví dụ như đăng ký kinh doanh, đăng ký đầu tư, giấy phép lao động, thì cứ căn cứ theo các quy định đã ban hành; còn định hướng chính sách nghĩa là cần ưu tiên, khuyến khích những vấn đề gì, chính sách đang bị giới hạn ở điểm gì thì nên có đề xuất theo hướng tháo gỡ những giới hạn đó.

Ông Minh cho rằng, nên chăng Hội đồng tư vấn xem xét đề xuất cách phân loại tư vấn cải cách thủ tục hành chính để hoạt động này được đa dạng hơn.

Liên quan đến việc có nhiều doanh nghiệp phản ánh đến VCCI liên quan đến thủ tục hành chính, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban pháp chế VCCI cho rằng, hiện nay công tác cải cách thủ tục hành chính đã có được những bước tiến quan trọng, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung và hoạt động của doanh nghiệp nói riêng… Đối với việc tư vấn, đề xuất những sáng kiến cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, VCCI đã chủ động và tích cực triển khai các hoạt động nghiên cứu, đề xuất sáng kiến cải cách cơ chế, chính sách và thủ tục hành chính.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiện nay nhiều vấn đề nằm trong thủ tục hành chính còn rất phức tạp. Ông Tuấn cho biết, hiện nay VCCI rất quan tâm đến vấn đề quy chuẩn kỹ thuật. Ví dụ như quy chuẩn phòng cháy chữa cháy, quy chuẩn 06 của Bộ Xây dựng về an toàn cháy cho nhà và công trình, quy chuẩn về sản xuất thép không gỉ… khi chưa được tháo gỡ và thống nhất, liên quan đến nhiều Bộ, đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp và người dân. Việc phân định quy chuẩn và tiêu chuẩn cũng gây sự khó hiểu cho doanh nghiệp, người dân và ngay cả những người nghiên cứu chính sách. Vì thế, theo ông Tuấn, đây là điểm khó khi xem xét, tháo gỡ cải cách thủ tục hành chính.

Ông Tuấn cho biết thêm, việc cải cách thủ tục hành chính hiện nay nhiều khi không phải nằm ở chất lượng thủ tục hành chính mà còn nằm ở việc thực thi thủ tục hành chính. Ông Tuấn lấy dẫn chứng ở việc hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) hiện nay. Mặc dù Tổng cục Thuế đã có công văn chỉ đạo các cục thuế tỉnh, thành thực hiện một số nội dung về hoàn thuế. Chẳng hạn, bố trí nguồn lực, đôn đốc các đơn vị hoàn thành việc kiểm tra hoàn thuế đối với các hồ sơ đề nghị hoàn thuế đã tiếp nhận từ người nộp thuế và được phân loại kiểm tra trước, hoàn thuế sau, đảm bảo hoàn thuế đúng quy định, đúng đối tượng. Thế nhưng, ở nhiều nơi, hướng giải quyết của cơ quan thuế vẫn bế tắc với lý do chờ văn bản trả lời và hướng dẫn từ Tổng cục Thuế. Nội dung đang chờ hướng dẫn là xác minh nguồn gốc hàng hóa, khách hàng đối với doanh nghiệp F1, F2… đến khâu cuối cùng; rồi chứng từ thanh toán tiền hàng xuất khẩu; rồi vấn đề xác minh người nước ngoài mua hàng của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam…

Sau khi nghe các ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng tư vấn, ông Ngô Hải Phan cho rằng, mặc dù thủ tục hành chính thời gian qua đã có nhiều cải cách theo hướng tinh gọn hơn, nhưng vẫn còn nhiều điểm nghẽn. Trách nhiệm Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính là phải tư vấn, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ giải quyết những điểm nghẽn này. Các thành viên trong Hội đồng cần phối hợp chặt chẽ và nghiên cứu các sáng kiến cải cách quy định hành chính do các thành viên Hội đồng đề xuất trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Để hoạt động tư vấn cải cách thủ tục hành chính ngày càng hiệu quả hơn, theo ông Ngô Hải Phan, mỗi đơn vị thành viên cần đầu tư và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác nghiên cứu, tư vấn, đồng thời phải chung tay, có trách nhiệm thực hiện công tác này, để từ đó có những kiến nghị, phản ánh đích đáng, có tầm tư duy nhằm tháo gỡ được những vướng mắc trong các thủ tục hành chính hiện nay.

"Các thành viên trong Hội đồng cần tích cực, chủ động hơn trong tư vấn, đề xuất các sáng kiến cải cách về cơ chế, chính sách và thủ tục hành chính để mang lại lợi ích và hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp và người dân cũng như cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó, cần tập trung vào những vấn đề thể chế còn nhiều khó khăn, vướng mắc hoặc những vấn đề trọng tâm, liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Vì thế, các ý kiến góp ý phải hết sức rõ ràng, cụ thể; giải pháp nêu ra phải phù hợp và giải quyết được các vấn đề của thực tiễn để cơ quan quản lý hoặc người có thẩm quyền có thể quyết định được ngay, tránh những ý kiến thiếu xác đáng, một chiều", ông Ngô Hải Phan nhấn mạnh.

Với nỗ lực tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thực hiện cải cách hành chính và xác định cải cách thủ tục hành chính là khâu then chốt.

Đến nay, đã cắt giảm, đơn giản hóa 385/1.086 thủ tục hành chính theo 19 nghị quyết chuyên đề của Chính phủ và hơn 2.300 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; sửa đổi 28 văn bản quy phạm pháp luật để thực thi phân cấp giải quyết 139/699 thủ tục hành chính, đạt 20% theo Quyết định số 1015/QĐ-TTg ngày 30/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó nhiều thủ tục hành chính phân cấp từ Trung ương về địa phương.

Các bộ ngành, địa phương đã tích cực công bố danh mục thủ tục hành chính nội bộ để rà soát, đề xuất phương án đơn giản hóa. Việc đổi mới thực hiện, giải quyết thủ tục hành chính được chú trọng, bước đầu có kết quả, cụ thể: Tỉ lệ hồ sơ giải quyết đúng hoặc sớm hạn của bộ, ngành đạt 40,16%, địa phương đạt 87,31%, theo số liệu thống kê trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Tỉ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính và cấp kết quả điện tử đạt 25,06% tại bộ, ngành và 37,25% tại địa phương; 61/63 địa phương đã hợp nhất Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử; hơn 4.000 dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia và hoàn thành tích hợp 25/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06.

Vĩnh Hoàng

Top