Hà Nội

Tham khảo Hành trình chuyển đổi số và nền kinh tế Singapore

(Chinhphu.vn) - Trong khuôn khổ Chương trình hợp tác về phát triển chính sách quản trị công, trong ngày 21/11/2023, các chuyên gia tại Trường Công vụ Singapore (CSC) tiếp tục chia sẻ về hành trình chuyển đổi số và về nền kinh tế của Singapore.

22/11/2023 10:29
Tham khảo Hành trình chuyển đổi số và nền kinh tế Singapore- Ảnh 1.

Ngày làm việc thứ 2 của Đoàn công tác Văn phòng Chính phủ tại CSC. Ảnh: VGP/Trần Trung

Về hành trình chuyển đổi số của Singapore, ông Ooh Koon Tian, chuyên gia CSC chia sẻ về Chương trình Quốc gia thông minh dựa trên 3 trụ cột chính là Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số, trong đó Chính phủ số giữ vai trò then chốt trong dẫn dắt và thực hiện công cuộc chuyển đổi số. Cơ quan công nghệ chính phủ (Govtech) trực thuộc Văn phòng Thủ tướng là cơ quan chủ trì tổ chức xây dựng Chính phủ số của Singapore. Với hơn 3.000 nhân viên, luôn muốn thu hút những nhân tài công nghệ tốt nhất để đóng góp cho các dịch vụ Chính phủ số của Singapore và được chia thành ba nhóm (dịch vụ; sản phẩm; an ninh mạng và quản trị). Govtech cung cấp các chuyên gia, nhân lực công nghệ, kỹ thuật cao đến làm việc tại các bộ, cơ quan, đồng thời sản xuất các phần mềm ứng dụng, đưa ra chính sách bảo mật, kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin.

Chính phủ số của Singapore được triển khai qua các giai đoạn: Từ 1980 – 1989 tập trung vào điện tử hóa, tự động hóa các dịch vụ công, phát triển các nền tảng công nghệ cơ bản, hình thành các cơ sở dữ liệu; giai đoạn từ 2000-2005 tập trung vào việc cung cấp các dịch vụ trực tuyến (1.600 dịch vụ đã được triển khai) và tích hợp các dịch vụ giữa các cơ quan; giai đoạn từ 2006-2010 tập trung vào tích hợp dữ liệu, quy trình và hệ thống giữa các cơ quan của Chính phủ (300 dịch vụ trên nền tảng di động đã được triển khai); giai đoạn 2011-2015: tập trung vào phát triển điện toán đám mây, các phương tiện truyền thông mạng xã hội, phát triển các nền tảng đồng sáng tạo (co-creation); giai đoạn 2018-nay, tập trung vào tích hợp hoạt động - công nghệ theo phương châm "số hóa sâu rộng và phục vụ tận tâm". Các yếu tố cơ bản của Chính phủ số của Singapore bao gồm: các dịch vụ dễ dàng sử dụng, đáng tin cậy; các giao dịch liền mạch, liên tục; bảo đảm tính an toàn của hệ thống và dữ liệu; lực lượng cán bộ làm công tác dịch vụ công am hiểu về nền tảng số; môi trường số để cung cấp dịch vụ công.

Việc số hóa dữ liệu được đặc biệt quan tâm, ưu tiên triển khai tại Singapore. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long khẳng định "Dữ liệu là huyết mạch của nền Kinh tế số và Chính phủ Số". Chuyên gia của CSC chia sẻ 03 hệ thống cơ sở dữ liệu gồm: Dữ liệu cá nhân (gồm các dữ liệu về thông tin công dân, lao động nước ngoài, sinh viên, hộ chiếu, thông tin cá nhân, sinh trắc học, ...); dữ liệu tổ chức (gồm các dữ liệu về thông tin doanh nhiệp, tổ chức chính trị, xã hội, hợp tác xã, giấy phép kinh doanh, tài trợ Chính phủ...); dữ liệu không gian địa lý (gồm các dữ liệu thông tin về địa giới hành chính, bản vẽ công trình, hệ thống giao thông, mạng lưới cấp nước, mạng lưới cấp điện, xử lý chất thải...). Các hệ thống cơ sở dữ liệu này đóng vai trò "nguồn duy nhất" để xác thực các giao dịch số và được đồng bộ hóa liên tục, đảm bảo thống nhất giữa các cơ quan (khi cơ quan có thẩm quyền cập nhật dữ liệu, trong thời gian ngắn nhất định, hệ thống dữ liệu của các cơ quan khác được tự động cập nhật tương ứng).

Tham khảo Hành trình chuyển đổi số và nền kinh tế Singapore- Ảnh 2.

Ooh Koon Tian, chuyên gia CSC chia sẻ về Chương trình Quốc gia thông minh của Singapore. Ảnh: VGP/Trần Trung

Bên cạnh đó, việc xây dựng các dịch vụ công cung cấp phục vụ người dân, doanh nghiệp và khu vực công luôn được tối ưu hướng đến những mốc quan trọng trong cuộc sống của con người, vòng đời của doanh nghiệp hay hành trình sự nghiệp của cán bộ, công chức. Trong quá trình xây dựng dịch vụ công, nhất là các dịch vụ công liên thông phải xem xét, lắng nghe góc nhìn từ phía người dân, doanh nghiệp, đồng thời phải tham vấn đối tượng thực hiện để hoàn thiện dịch vụ tốt hơn. Ban chuyển đổi dịch vụ công thuộc Văn phòng Thủ tướng là cơ quan chịu trách nhiệm điều phối việc xây dựng các dịch vụ công liên thông.

Singapore đã triển khai việc sử dụng định danh kỹ thuật số cấp quốc gia (SingPass) để cấp cho công dân từ 15 tuổi trở lên từ năm 2003. Nhờ vậy mà người dân đảo quốc sư tử có thể truy cập 1 cách thuận tiện, nhanh chóng và an toàn vào hàng nghìn dịch vụ kỹ thuật số. Từ năm 2021, dữ liệu Singpass được chia sẻ với các ngân hàng, bảo hiểm để khai thác, sử dụng có trả phí và phải được sự chấp thuận của chủ thể dữ liệu.

Vai trò điều phối của Văn phòng Thủ tướng, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, trong đó các bộ xây dựng chính sách, và các cơ quan triển khai thực thi và chịu trách nhiệm pháp lý đối với các dịch vụ công do mình cung cấp là những yếu tố quan trọng góp phần cho thành công của Singapore trong hành trình chuyển đổi số từ những năm 80 đến nay.

Tham khảo Hành trình chuyển đổi số và nền kinh tế Singapore- Ảnh 3.

Đại diện Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore chia sẻ nền kinh tế Singapore và mục tiêu tăng trưởng đến năm 2030. Ảnh: VGP/Trần Trung

Về nền kinh tế Singapore, đại diện đến Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore chia sẻ vai trò, mục tiêu của Bộ là thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm hiệu quả, giúp người dân cải thiện cuộc sống. Từ năm 1965 đến nay, thu nhập quốc dân bình quân đầu người của Singapore tăng trưởng 8,9%/năm, trong đó giai đoạn 1965-2008 đạt tốc độ 10,5%/năm và giai đoạn từ 2008-2002 khoảng 4,3%/năm. Singapore là một nền kinh tế nhỏ (GDP năm 2021 khoảng 400 tỷ USD, chiếm 0,4% GDP toàn cầu và bằng 1,4% GDP khu vực Đông Á) và độ mở lớn (tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2021 bằng khoảng 2,1 lần GDP). Động lực tăng trưởng chủ yếu từ nhu cầu bên ngoài, chiếm 75,1% GDP. Tuy nhiên, cơ cấu ngành tương đối đa dạng với lĩnh vực sản xuất, chế biến, chế tạo chiếm khoảng 21,6% năm 2022, lĩnh vực tài chính và bảo hiểm chiếm khoảng 13,5%, lĩnh vực thương mại chiếm khoảng 18,6%... Trong cơ cấu lĩnh vực sản xuất, điện tử, hóa chất, sản phẩm y học, sinh học, các sản phẩm kỹ thuật chính xác chiếm tỷ trọng lớn nhất.

Trong bối cảnh môi trường địa chính trị quốc tế biến động, lạm phát duy trì ở mức cao, nguyên vật liệu tăng giá, nhiều nền kinh tế lớn tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, tác động của nhiều công nghệ mới mang tính đột phá, môi trường đầu tư ngày càng cạnh tranh, sự chuyển dịch dòng tiền đầu tư, sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ... Singapore đã xây dựng chiến lược kinh tế đến năm 2030 nhăm định vị các ngành công nghiệp, doanh nghiệp và người lao động hướng tới phát triển bền vững, lâu dài, tập trung vào 04 trụ cột là dịch vụ, sản xuất, thương mại và phát triển doanh nghiệp.

Về dịch vụ, mục tiêu đến năm 2030 tăng ít nhất 50% quy mô giá trị gia tăng của các ngành dịch vụ hiện đại, tạo 100 nghìn việc làm trong lĩnh vực này. Về sản xuất, trên cơ sở xác định lợi thế cạnh tranh là hệ sinh thái sản xuất phát triển mạnh, có tính cạnh tranh cao (bán dẫn, thiết bị bán dẫn, hóa chất), mục tiêu đến năm 2030 là tăng 50% quy mô giá trị gia tăng của các ngành sản xuất thông qua hỗ trợ đổi mới, kết nối, phát triển hạ tầng của các công ty đa quốc gia, khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và vừa áp dụng các thành tựu cách mạng công nghiệp lần thứ 4, theo đuổi quá trình quốc tế hóa và đổi mới, sáng tạo. Về thương mại, mục tiêu đến năm 2030 là tăng giá trị xuất khẩu lên ít nhất 1 nghìn tỷ USD (năm 2020 là 885 tỷ USD), đồng thời tăng giá trị thương mại lên 2 nghìn tỷ USD (năm 2020 là 1 tỷ USD) thông qua đa dạng hóa, tăng cường kết nối thương mại song phương, đa phương; tạo điều kiện phát triển quan hệ đối tác thương mại toàn cầu của các doanh nghiệp Singapore; phát triển đội ngũ thương nhân vững mạnh và lực lượng lao động tay nghề cao; tăng cường tái xuất/thông quan qua Singapore và nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu. Về phát triển doanh nghiệp, mục tiêu đến năm 2030 là xây dựng và duy trì hệ sinh thái doanh nghiệp năng động, có khả năng cạnh tranh toàn cầu; trong đó các doanh nghiệp nội địa tạo ra khoảng 70% việc làm tại Singapore, phát triển các doanh nghiệp có khả năng khai thác cơ hội trong các lĩnh vực kinh tế số.

Kế hoạch ngân sách năm 2023 của Singapore đã dành ra 1 tỷ USD cho thực hiện các chính sách hỗ trợ toàn diện cho phát triển doanh nghiệp nội địa tập trung vào đào tạo đội ngũ lãnh đạo; thiết kế các chương trình nhân tài và các chương trình hỗ trợ tài chính. Có thể nói, chiến lược kinh tế đến năm 2030 của Singapore được xây dựng bài bản, căn cứ trên phân tích, đánh giá các lợi thế cạnh tranh của Singapore và phân tích bối cảnh, xu hướng kinh tế toàn cầu.

Tham khảo Hành trình chuyển đổi số và nền kinh tế Singapore- Ảnh 4.

Đại diện Cơ quan phát triển đô thị chia sẻ việc ứng dụng công nghệ số, dữ liệu số trong xây dựng chiến lược, quy hoạch. Ảnh: VGP/Trần Trung

Cùng ngày, Đoàn công tác Văn phòng Chính phủ đã thăm và làm việc tại Cơ quan phát triển đô thị. Đây là cơ quan sở hữu và quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu về không gian địa lý của Singapore (một trong ba bộ cư sở dữ liệu cốt lõi của Singapore). Tại đây, các cán bộ của Cơ quan phát triển đô thị có bài thuyết trình chia sẻ về việc ứng dụng công nghệ số, dữ liệu số trong xây dựng các chiến lược, quy hoạch dài hạn; việc tổ chức triển khai và việc giám sát, đánh giá việc triển khai công tác quy hoạch tại Singapore.

Trần Trung

Top