Hà Nội

Chia sẻ kinh nghiệm về quản trị công tại Singapore

(Chinhphu.vn) - Trong khuôn khổ Chương trình Quản trị công (phát triển chính sách) với sự hỗ trợ của Quỹ Temasek, ngày 20/11/2023, Đoàn công tác của Văn phòng Chính phủ đã có buổi làm việc tại Trường Công vụ Singapore (CSC).

21/11/2023 09:59
Chia sẻ kinh nghiệm về quản trị công tại Singapore- Ảnh 1.

Bà Jean Chia-chuyên gia của CSC giới thiệu về tổ chức của Chính phủ Singapore. Ảnh: VGP/Trần Trung

Ông Ngô Hải Phan-Cục trưởng Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính (VPCP) làm Trưởng đoàn Đoàn công tác. Tại buổi làm việc, Đoàn đã được các chuyên gia của CSC giới thiệu về mô hình, nguyên tắc tổ chức của Chính phủ Singapore và quá trình chuyển đổi của nền công vụ Singapore.

Về tổ chức Chính phủ Singapore, bà Jean Chia, chuyên gia của CSC đã giới thiệu tổng quan về lịch sử đất nước Singapore, hệ thống chính quyền và các nguyên tắc quản trị cơ bản của Singapore. Theo giới thiệu, hiện nay Chính phủ Singapore được tổ chức thành 16 bộ với hơn 60 cơ quan thực thi và hơn 153 nghìn công chức (trong đó có hơn 86 nghìn công chức ở các bộ, ngành).

Về cách tiếp cận với quản trị công, Singapore áp dụng cách thức mở và tham vấn trong xây dựng chính sách công nhằm đáp ứng trúng nhu cầu người dân, luôn hình dung trước những vấn đề cần xử lý để có hành động sớm. Singapore chú trọng xây dựng xã hội cởi mở và công bằng, tạo dựng lòng tin của công chúng đối với uy tín đạo đức và năng lực của cơ quan công quyền; khuyến khích sự tự đổi mới, tạo điều kiện cho công chức trẻ, có tài năng học tập, rèn luyện qua nhiều vị trí, lĩnh vực công tác để phấn đấu vươn lên đảm nhiệm những trọng trách lớn hơn. Đối với các vấn đề phức hợp mà một cơ quan, một lĩnh vực đơn lẻ không thể giải quyết, họ áp dụng cách thức tổ chức phối hợp liên ngành, phát huy sức mạnh tổng thể của toàn tổ chức, của cả hệ thống công vụ, chính phủ và quốc gia - được gọi là cách tiếp cận toàn chính phủ (WOG). Ở Singapore, quản trị và hành chính công là việc thiết kế, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật và cung ứng dịch vụ công; trong đó, nhấn mạnh 4 nguyên tắc sau: Chú trọng công tác lãnh đạo; Tạo động lực làm việc; Quyền lợi chung; Cơ hội cho tất cả; Lường trước sự thay đổi, thích ứng với môi trường.

Chia sẻ kinh nghiệm về quản trị công tại Singapore- Ảnh 2.

Ông Roger Tan-chuyên gia của CSC chia sẻ về quá trình chuyển đổi của nền công vụ Singapore. Ảnh: VGP/Trần Trung

Tiếp đó, về quá trình chuyển đổi nền công vụ Singapore, ông Roger Tan, chuyên gia của CSC cho biết quá trình cải cách nền công vụ Singapore được bắt đầu từ năm 1995. Trong giai đoạn 1995-2012, Singapore tập trung vào việc tăng cường sự tham gia của người dân và cải cách dịch vụ công. Mục tiêu của giai đoạn này là nâng cao hiệu quả của nền công vụ và chuẩn bị sự sẵn sàng cho công chức trước sự thay đổi của tình hình mới. Giai đoạn từ 2012 đến nay, tiếp tục xây dựng nền công vụ tốt hơn cho tương lai, trong đó giải pháp là chuyển đổi nền công vụ theo chiều sâu, đảm bảo tính thích ứng và đổi mới, sáng tạo trong công vụ. Singapore là một trong những quốc gia khá thành công trong việc tận dụng công nghệ để hợp lý hóa các quy trình dịch vụ công, ưu tiên tập trung vào nhu cầu của người dân và giúp các dịch vụ công dễ tiếp cận hơn. Một trong những thành tựu đáng chú ý của Singapore là việc phát triển các trung tâm dịch vụ công để giải quyết thủ tục hành chính, song song với đó là xây dựng nền tảng số giúp thay đổi cách các doanh nghiệp ở Singapore tương tác với chính phủ và giúp người dân tìm kiếm các chương trình hỗ trợ của chính phủ một cách dễ dàng hơn (Cổng dịch vụ Go Business Portal).

Chia sẻ kinh nghiệm về quản trị công tại Singapore- Ảnh 3.

Ông Ngô Hải Phan-Cục trưởng Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính (VPCP) chia sẻ tại buổi làm việc. Ảnh: VGP/Trần Trung

Trong quản lý nguồn nhân lực, Singapore triệt để áp dụng các nguyên tắc: Liêm chính (phòng chống tham nhũng), Thực tài (lựa chọn và tuyển dụng những người có tài năng, không chịu ảnh hưởng từ thành kiến, quan hệ cá nhân…), Định hướng kết quả (Đãi ngộ và thăng tiến của công chức gắn chặt với kết quả thực thi và đóng góp của họ vào thành quả chung), đãi ngộ công bằng đối với đóng góp của người có tài năng trong nền công vụ (thực hiện chế độ tiền lương cạnh tranh và các biện pháp khác để giữ chân những người có phẩm chất, năng lực trong nền công vụ). Về nội dung, phương thức đào tạo, phát triển, Singapore thực hiện bố trí 70% nội dung là rèn luyện qua công việc được giao (luân chuyển qua các lĩnh vực chuyên môn, bộ phận tác nghiệp, biệt phái sang khu vực tư, tham gia các dự án liên bộ, các chương trình trao đổi chuyên gia, các chương trình làm việc, thực tập tại cộng đồng), 20% qua huấn luyện, kèm cặp, tư vấn; và 10% qua các chương trình đào tạo theo mốc tiến độ, đào tạo sau đại học.

Ngoài ra, sau đại dịch COVID-19, Singapore xây dựng cách thức làm việc linh hoạt để thích ứng với tình hình mới, theo đó, 50% công chức có thể làm việc tại nhà hoặc các cơ sở làm việc chung do nhà nước thành lập.

Trần Trung

Top