Hà Nội

Kinh nghiệm cải cách thủ tục hành chính, cung cấp thông tin Chính phủ của Pháp

(Chinhphu.vn) - Tiếp nối chương trình dự án “Hỗ trợ hiện đại hóa nền hành chính Việt Nam bằng chuyển đổi số”, ngày 04/7, Đoàn Công tác liên ngành đã có buổi làm việc với Cơ quan liên Bộ về chuyển đổi công (DITP) và Cục thông tin Chính phủ (SIG) để nghe trình bày về kinh nghiệm cải cách thủ tục hành chính, cung cấp thông tin Chính phủ cho người dân, doanh nghiệp.

05/07/2023 16:32
Kinh nghiệm cải cách thủ tục hành chính, cung cấp thông tin Chính phủ của Pháp - Ảnh 1.

Đoàn Công tác làm việc tại DITP. Ảnh: Sơn Tùng

Theo các chuyên gia đến từ DITP, việc cải cách thủ tục hành chính được tiến hành tại Pháp từ năm 1917, theo Thông tư của Bộ trưởng Bộ Chiến tranh. Văn bản này đánh dấu việc thành lập DITP, với những nhiệm vụ chính bao gồm: Đơn giản hóa quy trình thủ tục hành chính, giảm gánh nặng thủ tục, đấu tranh chống tình trạng dồn công việc về các cơ quan trung ương, tăng cường truyền thông cho người dân, doanh nghiệp. Đến năm 1918, nhiệm vụ giảm bớt thứ bậc trong cơ quan hành chính và tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước được giao bổ sung cho DITP. Từ năm 1917 – nay, tại Pháp liên tục có các chương trình cải cách hành chính, thủ tục hành chính nhà nước về các lĩnh vực như: ngân sách, chính sách công, việc phục vụ người dân, doanh nghiệp…

Tháng 7/2020, Chính phủ Pháp đã thành lập Bộ Chuyển đổi công vụ nhằm bảo đảm sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả hơn nữa giữa các cơ quan Nhà nước. Cơ quan này đồng thời điều phối, chỉ đạo DITP, Tổng cục hành chính và Công vụ và Cơ quan liên bộ về chuyển đổi số (DINUM). Hiện nay, DITP có 120 cán bộ, công chức, trong đó có 60 nhân sự luôn đồng hành cùng các Bộ, cơ quan, địa phương trong thực hiện các chương trình cải cách (bao gồm những chuyên gia cao cấp, tiến sỹ hành chính công, chuyên gia đổi mới, sáng tạo...). Trong các cơ quan Nhà nước hiện nay đều có đầu mối cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ này.

Thông qua các cuộc điều tra, khảo sát cho thấy, 32% người đi làm thủ tục mong muốn được tiếp đón niềm nở hơn, 20% mong muốn các thủ tục, mẫu đơn, tờ khai phải thuận tiện, dễ dàng. Để đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu của người dân, doanh nghiệp, DITP đã xây dựng, đưa vào vận hành PILOTE. Đây hệ thống thông tin hỗ trợ theo dõi việc triển khai các chương trình, đề án theo các Bộ chỉ số đánh giá; kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện. PILOTE cung cấp chức năng hỗ trợ họp trực tuyến, hiển thị dưới dạng Dashboard; thu thập, tổng hợp thông tin, số liệu từ các cấp. Với quy trình khép kín, từ khâu chuẩn bị thông tin, số liệu phục vụ các cuộc họp trực tuyến của Lãnh đạo cấp cao, PILOTE cho phép các cơ quan Nhà nước chủ động cập nhật thông tin, số liệu từ nhiều nguồn khác nhau. Người dùng chủ yếu của hệ thống này là công chức, Lãnh đạo cấp cao ở các cơ quan hành chính trung ương và Văn phòng tỉnh trưởng ở địa phương. PILOTE hướng tới phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo các cấp do đó Thủ tướng Pháp đã ban hành Thông tư để quy định về các bên tham gia sử dụng PILOTE, trách nhiệm của từng bên và phụ lục danh sách các chính sách ưu tiên cần thực hiện, theo dõi.

Kinh nghiệm cải cách thủ tục hành chính, cung cấp thông tin Chính phủ của Pháp - Ảnh 2.

Chuyên gia DITP giới thiệu về chương trình PILOTE - Ảnh: VGP/Sơn Tùng

Theo quy định của Pháp, bất kỳ chính sách ưu tiên của Chính phủ phải bảo đảm 04 yêu cầu: Có chỉ tiêu cụ thể; định lượng, tiến độ thực hiện của chính sách ở cấp địa phương; có người chịu trách nhiệm cụ thể từng cấp và quy định rõ mức độ, trách nhiệm giải trình cho từng đầu mối. Chương trình nghị sự của Tổng thống đương nhiệm ở đầu nhiệm kỳ đã được cụ thể hóa thành 60 chỉ tiêu, chính sách ưu tiên và Từng chỉ tiêu, chính sách tiếp tục được cụ thể hóa thành các Đề án, giao đầu mối cụ thể cho từng cá nhân. Việc triển khai mỗi đề án sẽ được đánh giá mức độ thực hiện bằng bộ 05 chỉ số và hầu hết được cập nhật tiến độ hàng ngày. Thông tin, số liệu trong PILOTE phải được cập nhật hàng tháng trừ 1 số lĩnh vực theo Quý, 6 tháng, năm, do các Bộ đề xuất và phải được DITP đồng ý. Bên cạnh đó, kết quả thực hiện các nhiệm vụ, Đề án nêu trên cũng sẽ được công bố truyền thông cho công chúng theo tần suất 3 tháng/lần.

Về cách thức xây dựng Bộ chỉ số, trên cơ sở đề xuất của các Bộ, DITP sẽ tổng hợp trình Thủ tướng phê duyệt. DITP có vai trò cố vấn, tham mưu, phối hợp với các Bộ trong lựa chọn chỉ số; tổng hợp đề xuất từ các bộ, ngành (từ hàng nghìn chỉ số được đề xuất, nhiều cuộc họp được tổ chức để thống nhất lựa chọn 750 chỉ số cuối cùng trình Thủ tướng phê duyệt). Việc đàm phán, thống nhất các chỉ tiêu, chỉ số có thể mất tới vài tháng. Dữ liệu cập nhật vào PILOTE có thể xuất phát từ các nguồn dữ liệu mở, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin của Bộ, ngành và thông qua việc cập nhật vào các biểu mẫu điện tử có sẵn (Form) theo quy định.

Kinh nghiệm cải cách thủ tục hành chính, cung cấp thông tin Chính phủ của Pháp - Ảnh 3.

Ông Ngô Hải Phan, Trưởng đoàn công tác trao đổi với chuyên gia Pháp về kinh nghiệm CCHC, xây dựng Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành phục vụ LĐ các cấp - Ảnh: VGP/Sơn Tùng

Không chỉ có PILOTE, DITP còn xây dựng Phong vũ biểu về hành động công (một dạng dashboard hiển thị trực quan), được Tổng thống công bố vào năm 2021 với mong muốn thay đổi cách làm việc của cơ quan Nhà nước theo hướng gần dân hơn, theo nguyên tắc: thay vì cung cấp thông tin cho người dân về công cụ thực hiện chính sách, DITP sẽ thông tin cho người dân về tác động của chính sách; nâng cao tinh thần chịu trách nhiệm về số liệu của các cấp; mỗi mục tiêu đề ra phải được địa phương hóa. Thông tin số liệu của Phong vũ biểu được hiển thị theo chủ đề: môi trường, sinh thái…; có bộ lọc dữ liệu theo vùng, tỉnh; giúp người dân biết các chính sách của Chính phủ (trong 2 năm triển khai đã có 2 triệu lượt truy cập hệ thống).

Chiều cùng ngày, Đoàn Công tác đã có buổi làm việc với Cục Thông tin Chính phủ (SIG). Theo ông Michael Nathan, Cục trưởng SIG, cơ quan này hiện được giao 04 nhiệm vụ ưu tiên: nắm bắt dư luận (thăm dò dư luận, tổng hợp thông tin và giám sát theo dõi mạng xã hội); công bố và phổ biến thông tin Chính phủ; điều phối việc phổ biến thông tin trên tất cả kênh (truyền thống và trực tuyến). Với mục tiêu: "Làm thế nào để thông tin CP đạt được các tiêu chuẩn quốc tế về truyền thông mà vẫn bảo đảm hiệu quả, thực chất?", SIG đã tăng cường tuyển thêm nhân sự, ký hợp đồng với các hãng sản xuất nội dung truyền thông; thường xuyên làm việc với các tập đoàn truyền thông lớn (Meta, Google…) để có giải pháp nâng cao chất lượng kênh, phát triển lượng người theo dõi, truy cập.

Kinh nghiệm cải cách thủ tục hành chính, cung cấp thông tin Chính phủ của Pháp - Ảnh 4.

Ông Michael Nathan (bên phải), Cục trưởng SIG chia sẻ kinh nghiệm quản lý, cung cấp, phát triển thông tin Chính phủ - Ảnh: VGP/Sơn Tùng

Bên cạnh chức năng quản lý thông tin chính thống của Chính phủ, SIG còn là cơ quan quản lý, cấp phát tên miền cho các cơ quan Nhà nước (1000 domain, subdomain…); quy định các cấu phần, chức năng cơ bản của website CQNN; xây dựng bộ nhận diện thương hiệu thống nhất cho website cơ quan Nhà nước và các cấp cung cấp hệ thống thiết kế mẫu (Design system) để cho các cơ quan Nhà nước khai thác, sử dụng bảo đảm tính thống nhất, tiện dụng. Đồng thời, SIG thường xuyên rà soát các website có dấu hiệu giả mạo cơ quan Nhà nước (1 năm có 4 triệu website giả mạo bị phát hiện) để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời.

Những kinh nghiệm hay, cách làm mới của DITP, SIG nêu trên sẽ là bài học quý để nghiên cứu, áp dụng tại Việt Nam, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính; xây dựng công cụ, Bộ chỉ số phục vụ chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo các cấp cũng như hoạt động cung cấp thông tin Chính phủ; quản lý thống nhất việc cung cấp thông tin của cơ quan Nhà nước cho người dân, doanh nghiệp thông qua các nền tảng, công nghệ số.

          Quốc Khánh – Sơn Tùng

Top