Hà Nội

VPCP: Nỗ lực hiện thực hóa phương châm của Chính phủ, đạt nhiều kết quả nổi bật

(Chinhphu.vn) - Tham gia xây dựng, hoàn thiện thể chế theo hướng thống nhất đồng bộ, khả thi, hiệu quả; cải cách hành chính đi vào thực chất, khơi dậy động lực, tạo niềm tin, khuyến khích người dân và doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh; tham mưu xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; chủ động đề xuất giải pháp ứng phó với các vấn đề tình huống, phát sinh… là những kết quả nổi bật trong công tác năm 2020 của VPCP.

25/12/2020 10:05

VPCP nỗ lực nâng cao chất lượng tham mưu, tổng hợp

Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Thành Báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021. Ảnh: Nhật Bắc

Báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Thành cho biết, bước vào năm 2020 - năm cuối kỳ kế hoạch 5 năm, với quyết tâm đạt kết quả cao hơn, tốt hơn năm 2019. Tuy nhiên sự bất thường của thiên tai, dịch bệnh đã gây ra những thách thức, khó khăn, thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đà phát triển đất nước.

.

Trong bối cảnh đó, VPCP luôn bám sát phương châm chỉ đạo điều hành của Chính phủ, luôn quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, tìm thời cơ trong thách thức, càng khó khăn càng phải quyết tâm, xác định đúng trách nhiệm, nỗ lực với tinh thần cao nhất để xứng đáng với sự tin tưởng của Lãnh đạo Chính phủ.

.

Góp phần khơi thông các điểm nghẽn thể chế

.

Trong việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, VPCP đã đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rà soát, xử lý những vướng mắc, thiếu đồng bộ để khơi thông các điểm nghẽn thể chế; tham mưu thành lập Tổ rà soát các quy định pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn; xây dựng kế hoạch rà soát văn bản quy phạm pháp luật từng lĩnh vực. Đề xuất, triển khai sáng kiến đổi mới cách thức xây dựng văn bản để hạn chế việc nợ đọng văn bản hướng dẫn.

.

Năm 2020, VPCP cùng với các Bộ dự thảo, tiếp thu, chỉnh lý, trình Chính phủ thông qua 12 dự án luật, 07 đề nghị xây dựng luật, ban hành 145 nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 36 quyết định quy phạm pháp luật. Thường xuyên đôn đốc tiến độ ban hành các văn bản quy định chi tiết thông qua hoạt động của Tổ công tác, góp phần hạn chế thấp nhất tình trạng nợ đọng văn bản.

.

Trên cơ sở đề xuất của VPCP, lần đầu tiên Hội nghị chuyên đề của Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật được tổ chức, đã đánh giá toàn diện công tác này trong giai đoạn 2016-2020, trên cơ sở đó tham mưu ban hành Chỉ thị số 43/CT-TTg ngày 11/12/2020 về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành.

.

Cải cách hành chính đi vào thực chất, khơi dậy nguồn lực

.

Riêng năm 2020, VPCP đã trình ban hành 09 Nghị định về điều kiện kinh doanh, nâng tổng số thành 50 Nghị định hiện thực hóa các phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh (ĐKKD). Đến nay, đã cắt giảm, đơn giản hóa 3.893 ĐKKD (63%), 6.776 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành (đạt 68%), tiết kiệm hơn 18 triệu ngày công, tương đương 6.300 tỷ đồng/năm.

.

Trình ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP với mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.

.

Hội đồng Tư vấn CCTTHC đã tổ chức 33 buổi làm việc, hội nghị đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp để lắng nghe, kịp thời có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để kiến nghị xử lý đối với 442 vấn đề. Tổ công tác của Thủ tướng tổ chức 08 cuộc kiểm tra về CCTTHC và xây dựng CPĐT tại các bộ, ngành, địa phương và kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo 22 nội dung để thúc đẩy cải cách.

.

Cả nước có 59/63 tỉnh, thành phố thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh; 100% bộ, ngành, địa phương đã kiện toàn hệ thống một cửa, một cửa liên thông, ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận, giải quyết TTHC. Chất lượng giải quyết hồ sơ có sự cải thiện rõ rệt, tỷ lệ giải quyết đúng hạn từ 97,37% trở lên.

.

Ảnh: Nhật Bắc

Vừa tạo lực kéo vừa tạo lực đẩy trong triển khai Chính phủ điện tử

.

Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là “nghĩ lớn, nhìn tổng thể, làm nhanh, bắt đầu từ những việc nhỏ nhất”; hiện thực hóa kế hoạch xây dựng Chính phủ điện tử, VPCP tiên phong thực hiện văn phòng phi giấy tờ. Triển khai tích hợp chữ ký số, xử lý hồ sơ qua mạng, số hóa văn bản tài liệu, gửi nhận điện tử, vừa rút ngắn thời gian giải quyết vừa minh bạch hóa quy trình…

.

Năm 2020 phát hành khoảng 26.000 văn bản, trừ các văn bản hệ mật, đã phát hành 100% định dạng điện tử, tiết kiệm 148 tỷ đồng/năm.

.

Bên cạnh đó, VPCP đã tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan hoàn thiện các cơ sở pháp lý cho việc triển khai các công việc của Chính phủ điện tử, theo đó, đã trình ban hành 03 nghị quyết, 05 nghị định, 06 quyết định về việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu số, về mã định danh điện tử của cơ quan, tổ chức phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm tiếp tục tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc triển khai Chính phủ điện tử.

.

Tiếp tục tham mưu nhiều giải pháp và cách làm sáng tạo trong xây dựng Chính phủ điện tử, tạo nền tảng và chuyển biến mạnh mẽ phương thức làm việc và giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Đã xây dựng và đưa vào vận hành có hiệu quả các Hệ thống thông tin nền tảng của Chính phủ điện tử, gồm: Trục liên thông văn bản quốc gia; Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ; Cổng Dịch vụ công quốc gia; Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

.

Các hệ thống thông tin trên được đưa vào vận hành giúp tiết kiệm chi phí xã hội trên 8.500 tỷ đồng/năm và nhận được phản hồi tích cực của xã hội, góp phần đổi mới mạnh mẽ phương thức làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước cũng như trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; vừa tạo lực kéo vừa tạo lực đẩy trong triển khai Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số.

.

Nâng cao vai trò tham mưu tổng hợp, thẩm tra độc lập, điều phối

.

Trong xây dựng Chương trình công tác, VPCP thực hiện rà soát về tính khả thi ngay từ khâu đăng ký. Cá nhân hóa trách nhiệm theo dõi, đôn đốc đến từng chuyên viên.

.

Tham mưu tổng hợp, thẩm tra trình xử lý khối lượng lớn công việc thường xuyên đúng trình tự, thủ tục. Hầu hết các kiến nghị của VPCP được Thủ tướng, Phó Thủ tướng chấp thuận, trong đó có nhiều kiến nghị, đề xuất thể hiện tính chủ động, sự nghiên cứu tham mưu sâu và có tầm chiến lược của VPCP, trong đó xử lý kịp thời, hiệu quả, nhiều công việc nhạy cảm, phức tạp.

.

Trong năm, VPCP tiếp nhận hơn 125.000 nghìn văn bản, trình Lãnh đạo Chính phủ hơn 13.000 Phiếu trình, trình ban hành hàng trăm Nghị định, Quyết định, Nghị quyết, Chỉ thị, hơn 600 văn bản của Chính phủ, hơn 1.900 văn bản của Thủ tướng…

.

Chất lượng tham mưu, phát hiện vấn đề, lập luận và đề xuất của khối tham mưu tổng hợp của VPCP trên các lĩnh vực ngày càng chuyên nghiệp hơn, đã thể hiện được vai trò quan trọng của khâu thẩm tra cuối cùng trước khi Chính phủ, Thủ tướng ban hành những chính sách, quyết sách, chỉ đạo; cùng với đó, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy thực hiện chính sách, đưa chính sách vào cuộc sống.

.

Ngoài ra, VPCP làm tốt chức năng điều phối, tạo đồng thuận trong xử lý các vấn đề còn ý kiến khác nhau giữa các bộ, ngành. Trong năm đã chủ trì tổ chức 174 cuộc họp điều phối, xử lý các vấn đề còn có ý kiến khác nhau trước khi trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó có nhiều đề án, văn bản QPPL phức tạp. Qua đó, góp phần đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng công tác thẩm tra, đồng thời giảm bớt khối lượng công việc Thủ tướng, các Phó Thủ tướng phải trực tiếp xử lý.

.

Chủ động đề xuất giải pháp ứng phó với các vấn đề tình huống, phát sinh

.

Trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, VPCP đã chủ động theo dõi sát diễn biến tình hình, cập nhật liên tục, kịp thời báo cáo, đề xuất ban bố những quyết sách quan trọng, đúng tinh thần “chống dịch như chống giặc” (07 chỉ thị, 04 công điện, 34 thông báo kết luận phiên họp); truyền thông khẩn trương về chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thông qua cơ chế người phát ngôn để nhân dân yên tâm, chung sức, đồng lòng phòng chống dịch trong cộng đồng.

.

Khi dịch được kiểm soát, đã nhanh chóng triển khai chỉ đạo của Thủ tướng thực hiện “mục tiêu kép” - vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế. Trình ban hành kịp thời Chỉ thị 11 ngày 04/3/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với dịch Covid-19; trình ban hành 05 Nghị quyết chuyên đề và báo cáo Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội về các giải pháp phục hồi nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm an sinh xã hội.

.

Đã tham mưu Thủ tướng chủ trì các Hội nghị trực tuyến, chỉ đạo nhiều giải pháp tháo gỡ, vướng mắc và đề xuất thành lập các đoàn kiểm tra do Lãnh đạo Chính phủ làm trưởng đoàn để đôn đốc kiểm tra giải ngân vốn đầu tư công tại các bộ, ngành, địa phương, nhờ đó đã tạo chuyển biến rõ nét với kết quả giải ngân cao nhất trong nhiều năm qua.

.

Các quyết sách đúng và kịp thời tạo nên những thành công, được quốc tế ghi nhận là điểm sáng chống dịch (nằm trong số ít các quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh, đã có cách làm đúng, kịp thời, hiệu quả, chi phí thấp) và điểm sáng phát triển kinh tế (kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, đặc biệt là đạt mức tăng trưởng thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong bối cảnh dịch bệnh).

.

Trong công tác ứng phó bão lũ, cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả thiên tai, lần đầu tiên tham mưu Thủ tướng thành lập Sở chỉ huy tiền phương ngay tâm bão để chỉ đạo công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả bão lũ và tìm kiếm cứu nạn, chỉ đạo sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Kịp thời trình Thủ tướng hỗ trợ kính phí và xuất cấp dự trữ quốc gia cho công tác tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, khôi phục sản xuất và bảo đảm đời sống nhân dân.

.

Thúc đẩy thực thi chính sách, nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao  

.

Riêng năm 2020, Tổ công tác của Thủ tướng đã tiến hành 19 cuộc kiểm tra. Với tinh thần làm việc khách quan, công khai và minh bạch, không né tránh và không làm cản trở đến hoạt động của các bộ, cơ quan, sau kiểm tra, đôn đốc của Tổ công tác đã thúc đẩy mạnh mẽ, tạo ra những thay đổi lớn trong việc triển khai, thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; số nhiệm vụ quá hạn chỉ còn 1,8%, giảm 23,4% so với trước khi thành lập Tổ Công tác (25,2%), nhất là các nhiệm vụ trọng tâm được thực hiện triệt để hơn, như: Việc xây dựng văn bản chi tiết, các đề án trong chương trình công tác, nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách hành chính, tháo gỡ rào cản hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành, giải ngân đầu tư công...

.

Ngoài ra, trong năm qua, VPCP luôn bảo đảm mối quan hệ công tác giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với các cơ quan Đảng, Quốc hội, cơ quan tư pháp, MTTQ và các đoàn thể ngày càng chặt chẽ, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị.

.

Công tác thông tin truyền thông được đổi mới, phục vụ có hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành, đáp ứng kịp thời nhu cầu thông tin của người dân, doanh nghiệp, cộng đồng, góp phần tạo đồng thuận xã hội, sức lan tỏa cao về quyết tâm và nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Công tác quản trị, hậu cần bảo đảm sự chu đáo, tận tình, linh hoạt và phù hợp với tình hình. Trong công tác tổ chức cán bộ, đã xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tinh gọn, gương mẫu, trách nhiệm, chuyên nghiệp, kỷ cương…

Hoàng Giang

Top