Hà Nội

Truyền 'lửa' cải cách của Thủ tướng tới các bộ, ngành, địa phương

(Chinhphu.vn) – Theo nhận định của các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, Tổ công tác của Thủ tướng đã giao "đúng người đúng việc"; không ngại va chạm, sát sao, tháo gỡ được nhiều vụ việc tồn đọng và truyền 'lửa", truyền đạt được sự quyết tâm và tinh thần, thông điệp cải cách của Thủ tướng Chính phủ đến các Bộ, ngành, địa phương.

16/03/2021 13:00

Thủ tướng chủ trì Hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm Tổ công tác

Tổ công tác của Thủ tướng: 5 năm hoạt động - 5 chuyển biến lớn

Cắt giảm 'rừng thủ tục', gỡ khó cho doanh nghiệp và người dân

Tổ công tác của Thủ tướng: Đóng góp vào thành tựu chung của nhiệm kỳ Chính phủ thành công

Tổ công tác của Thủ tướng: Góp phần tạo đột phá trong chuyển đổi phương thức làm việc

Truyền lửa thông điệp của Thủ tướng

.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ sáng nay (16/3), Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Bộ Y tế đánh giá cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng.

.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nêu tinh thần Chính phủ kiến tạo, đổi mới, phát triển của Thủ tướng đã được truyền đạt qua sự quyết tâm và truyền lửa của Tổ công tác. Tổ công tác đã không ngại va chạm, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành địa phương để thực hiện những chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ trong xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển.

.

Hai vấn đề Tổ công tác luôn đặt ra để nhắc nhở trong các cuộc làm việc của các Bộ là: Hoàn thành nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và tinh thần cải cách, đổi mới. Chính tinh thần này đã thúc đẩy các Bộ trong tổ chức, triển khai các nhiệm vụ, bên cạnh đó Tổ công tác khi làm việc với các Bộ đã truyền đạt được tinh thần đổi mới của Chính phủ.

.

Một câu chuyện được Bộ trưởng Bộ Y tế nhắc tới là về sự phối hợp của Tổ công tác và Bộ Y tế liên quan đến việc ban hành Nghị định 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm.

.

Trước đó, trong lĩnh vực này có rất nhiều thủ tục hành chính (TTHC), điều kiện kinh doanh gây khó khăn cho doanh nghiệp, gây cả khó khăn cho cơ quan quản lý. Trên tinh thần làm việc không ngại va chạm của Tổ công tác cùng Bộ Y tế, Bộ đã xây dựng Nghị định 15/2018/NĐ-CP rất tiên tiến, thay đổi căn bản trong cách thức quản lý an toàn thực phẩm, chuyển từ quản lý tiền kiểm sang quản lý hậu kiểm; nâng cao trách nhiệm, vai trò của cơ sở sản xuất kinh doanh...

.

Câu chuyện thứ hai là về cuộc làm việc thứ 3 của Tổ công tác với Bộ Y tế, đây là thời điểm có nhiều vấn đề khó khăn đặt ra với doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19. Tổ trưởng Tổ công tác đã truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng là các Bộ, ngành phải cắt giảm điều kiện kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.

.

Kết quả, ngày 31/12/2020, Bộ Y tế đã ban thành Thông tư 29/2020/TT-BYT, đây là thông tư có rất nhiều "kỷ lục" bởi Bộ Y tế đã phải rà soát 547 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quy định có liên quan của ngành y tế về sức khỏe; lắng nghe, tiếp thu 200 ý kiến về sản xuất kinh doanh dược phẩm. Khi ban hành thông tư này đã sửa đổi 11 thông tư và bãi bỏ 28 thông tư, cởi trói cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhập khẩu dược phẩm để bảo đảm dược phẩm cung cấp cho thị trường Việt Nam.

.

Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: "Truyền đạt được sự quyết tâm của Chính phủ đến các Bộ, ngành, địa phương chính là Tổ công tác của Thủ tướng".

.

Không ngại va chạm

.

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành nêu ý kiến, Tổ công tác đã góp phần tạo đột phá, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, tạo lan tỏa mạnh mẽ trong hệ thống hành chính nhà nước. Với ngành Hải quan, cùng với sự đôn đốc của Tổ công tác, Tổng cục đã đạt được một số kết quả trong quá trình xây dựng Cổng thông tin một cửa quốc gia, triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN; tích hợp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia..., đến nay mức độ hài lòng với người dân với các TTHC điện tử ngày càng cao.

.

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành. Ảnh VGP/Quang Hiếu

Về cải cách TTHC, cắt giảm điều kiện kinh doanh, qua các cuộc làm việc của Tổ công tác với Bộ Tài chính, Bộ Tài chính đã cắt giảm, đơn giản hóa 19/29 điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực hải quan; cắt giảm 22/52 thành phần hồ sơ; đã thực hiện bãi bỏ hoàn toàn thủ tục xác nhận tờ khai một cấp đối với phương tiện giao thông vận tải nhập khẩu vì mục đích thương mại.

.

Tổ công tác có vai trò lớn và tạo ra thay đổi trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành, tháo gỡ nhiều cho doanh nghiệp về thủ tục chồng chéo. Đã có 21 cuộc làm việc của Tổ công tác với Bộ, ngành về lĩnh vực này, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết hàng năm giao cho Tổng cục Hải quan làm đầu mối trong cải cách, đổi mới mô hình kiểm tra chuyên ngành.

.

Ông Mai Xuân Thành nhận định, Tổ công tác đã không ngại va chạm với các Bộ, ngành, trực tiếp, sát sao trong các công việc. Tổ công tác cũng kịp thời nắm bắt, tham mưu để tháo gỡ các vụ việc tồn đọng, vướng mắc trong nhiều năm.

.

"Sáng kiến thành lập Tổ công tác và hoạt động Tổ công tác trong thời gian qua cho thấy Tổ công tác đã giao đúng người đúng việc", Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành cho biết.

.

Tổ công tác là "đặc sản" đặc biệt

.

Về phía các doanh nghiệp, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT cho biết, trong các cuộc gặp gỡ giao lưu quốc tế gần đây, ông nhận thấy sự quan tâm đến Việt Nam tăng một cách đột biến. Dẫn chứng tạp chí The Politico (Hoa Kỳ) đánh giá Việt Nam có kết quả tốt trên thế giới trong thời gian qua về hiệu quả kinh tế và sức khỏe cộng đồng và họ quan tâm vì sao Việt Nam lại làm được việc này, ông Bình lý giải là do Việt Nam có niềm tin của người dân, doanh nghiệp.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT. Ảnh VGP/Quang Hiếu

.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT cũng khẳng định, Tổ công tác là một sáng kiến và sáng kiến này đã giao cho đúng người, đúng việc.

.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng trong nhiệm kỳ Chính phủ này có rất nhiều "đặc sản", trong đó Tổ công tác của Thủ tướng chính là một "đặc sản" quan trọng nhằm vào giải quyết điểm nghẽn của quá trình cải cách là thực thi quyết định của Thủ tướng.

.

Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, việc thành lập Tổ công tác của Thủ tướng là điều hợp lý, dẫn chứng bằng con số nhức nhối ở đầu nhiệm kỳ có 25% nhiệm vụ Thủ tướng giao cho Bộ, ngành, địa phương quá hạn; Tổ công tác có nhiệm vụ giúp Thủ tướng khắc phục điểm nghẽn này. 

.

"Sau 5 năm hoạt động, số nhiệm vụ chưa thực hiện chỉ còn 1,8%, đây là con số biết nói", ông Lộc nhấn mạnh.

.

Chủ tịch VCCI cũng nêu trong nhiệm kỳ Chính phủ này có 3 đợt sóng cải cách và đều có dấu ấn của Tổ công tác: Đầu tiên là thực hiện Luật Đầu tư và và Luật Doanh nghiệp mới đã xóa bỏ hàng nghìn giấy phép con; thứ hai là cắt giảm gần 50% các điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành; thứ 3 là năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP với mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.

.

Trong nhiệm kỳ này không chỉ cải cách hành chính mà xây dựng Chính phủ điện tử cũng được thúc đẩy mạnh mẽ, trong đó, Tổ công tác đóng vai trò tích cực.

.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc. Ảnh VGP/Quang Hiếu

"Tổ công tác góp phần truyền lửa và thông điệp cải cách của Thủ tướng đến các Bộ, ngành, địa phương. Hoạt động của Tổ công tác có tác động lan tỏa quan trọng góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, hỗ trợ cho người dân", ông Vũ Tiến Lộc nhận định.

.

Ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh 5 điểm chính dẫn đến sự thành công của Tổ công tác: Thứ nhất là Thủ tướng đã rất quyết liệt và tin tưởng giao nhiệm vụ cho Tổ công tác; thứ hai là các cơ quan tham vấn, các hiệp hội chung tay cùng Tổ công tác; thứ ba là báo chí, các cơ quan truyền thông đã đồng hành với Tổ công tác; thứ tư là thành viên Tổ công tác và bộ máy giúp việc rất tận tâm; thứ năm là Tổ trưởng Tổ công tác không ngại va chạm.

.

Đại diện ngành dệt may Việt Nam cho biết, Tổ công tác đã sát sao, lắng nghe và tham mưu để Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho ngành dệt may Việt Nam. Đại diện ngành dệt may bày tỏ cảm ơn Tổ công tác cùng các Bộ, ngành đã tạo điều kiện cho ngành dệt may Việt Nam phát triển ổn định và tăng trưởng trong thời gian tới.

.

Nêu ý kiến tại hội nghị, đại diện tỉnh Thái Nguyên và Bình Phước đều nhấn mạnh Tổ công tác luôn triển khai nhiệm vụ với tinh thần khách quan, công tâm, tích cực xử lý các vướng mắc của các địa phương. Tỉnh Bình Phước cho biết, trong năm qua hoạt động Tổ công tác đã tháo gỡ nhiều cho các địa phương, trong đó có tỉnh Bình Phước. 572 nhiệm vụ Thủ tướng giao đều được tỉnh Bình Phước thực hiện bảo đảm tiến độ. Bình Phước quyết tâm thúc đẩy trở thành tỉnh bứt phá ở khu vực phía Nam.

.

Gia Huy

Top