Hà Nội

Định danh và xác thực điện tử: Quan điểm là không chờ đợi

(Chinhphu.vn) - Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng, định danh và xác thực điện tử có vai trò quan trọng trong việc triển khai Chính phủ điện tử. Đây là nội dung mang tính cần thiết và cấp bách cần khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện, từ đó thúc đẩy tính tin cậy của các giao dịch điện tử mà đặc biệt là dịch vụ công trực tuyến.

22/03/2019 13:21

* Định danh điện tử: Đi sau nhưng không được phép thất bại

 

 Hội thảo "Định danh và Xác thực điện tử trong phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số"

Triển khai khung hợp tác giữa VPCP và Ngân hàng Thế giới (WB), sáng 22/3, VPCP chủ trì, phối hợp cùng Bộ TT&TT, WB và Cơ quan Phát triển Quốc tế Australia tổ chức Hội thảo "Định danh và Xác thực điện tử trong phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số". Hội thảo do Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng chủ trì.

.

Khẩn trương hoàn thiện thể chế

.

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, trong môi trường điện tử, mỗi cá nhân, tổ chức cần phải được định danh khi tham gia vào các giao dịch điện tử như thực hiện dịch vụ công trực tuyến, thương mại điện tử… để chứng minh "tôi là tôi" trong giao dịch điện tử.

.

Dẫn số liệu của WB đưa ra trong cuộc hội thảo cuối năm 2018 với VPCP, đó là hiện có gần một tỷ người trên toàn cầu thiếu một hình thức định danh hợp pháp, 6,6 tỷ người còn lại có một số hình thức định danh, nhưng hơn một nửa không thể sử dụng nó một cách hiệu quả trong các hệ sinh thái số ngày nay. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết thực tế tại Việt Nam, cá nhân, tổ chức đã có trong tay nhiều loại số, mã số như số định danh cá nhân, mã số thuế, BHYT, BHXH, có số điện thoại di động, tài khoản ngân hàng… Tuy nhiên, những mã số, số này chỉ phục vụ cho cơ quan chủ quản, không kết nối với nhau và không được chia sẻ trong giao dịch điện tử.

 

 Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Việc nghiên cứu, xây dựng bổ sung khuôn khổ pháp lý về định danh điện tử góp phần phát triển các hoạt động giao dịch điện tử tại Việt Nam

Việc xác thực danh tính người dân sử dụng dịch vụ dựa vào chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hay các giấy tờ tùy thân khác vẫn còn rất phổ biến, gây bất tiện cho người dân và giảm hiệu quả khi cung cấp dịch vụ. Tại mỗi hệ thống, như Cổng thông tin điện tử, Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin, việc định danh và xác thực hiện nay phần lớn được thực hiện đơn giản thông qua tài khoản và mật khẩu, không đủ bảo đảm định danh chính xác của người tham gia giao dịch.

.

"Đây là vấn đề lớn trong quản lý giao dịch điện tử, nếu không giải quyết được thì các hoạt động ứng dụng điện tử có sự tham gia của tổ chức, cá nhân sẽ không thành công", Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, việc nghiên cứu, xây dựng bổ sung khuôn khổ pháp lý về định danh điện tử là rất cần thiết, tạo điều kiện thúc đẩy triển khai các dịch vụ định danh điện tử tin cậy, góp phần phát triển các hoạt động giao dịch điện tử tại Việt Nam.

.

Nhiều nước trên thế giới như Canada, Phần Lan, Estonia, Đức, Ấn Độ, Singapore, Hàn Quốc đã triển khai thành công hệ thống định danh điện tử làm nền tảng cho việc thiết lập và cung cấp thành công dịch vụ công trực tuyến và phát triển thương mại điện tử.

.

“Dự kiến quý IV/2019, chúng ta sẽ khai trương Cổng dịch vụ công, việc phải thực hiện ngay đầu tiên đó là dịch vụ công kết nối từ Trung ương đến địa phương để cấp đổi bằng lái xe, cũng như đấu giá biển số xe… Những vấn đề nào mà người dân và doanh nghiệp cần nhất thì sẽ làm trước. Chúng ta không làm đồng loạt nhưng làm một số dịch vụ mang tính trọng tâm, trọng điểm, để rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, phải có mã định danh, nếu không kịp có mã định danh thì chúng ta sẽ không thực hiện được vấn đề chia sẻ, kết nối của các tổ chức cá nhân, nếu chúng ta không làm được việc này thì sẽ không thành công trong việc thực hiện Chính phủ điện tử, chính phủ số”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

 

 Ông Achim Fock: Định danh và xác thực hiện tử sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội

3 khuyến nghị cho Việt Nam

.

Theo ông Achim Fock, Giám đốc điều phối danh mục và hoạt động dự án, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, định danh và xác thực điện tử đang được các nước trên thế giới theo đuổi. Mục tiêu chung là nâng cao cung cấp dịch vụ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội, phát triển hệ sinh thái chứng thực mạnh mẽ an toàn và có khả năng nhân rộng.

.

Ông Achim Fock đánh giá cao Chính phủ Việt Nam đã có tiến bộ lớn trong việc tạo ra nền tảng cho xây dựng Chính phủ điện tử; đồng thời, chúc mừng VPCP và Bộ TT&TT là những đơn vị đi đầu xây dựng, thúc đẩy Việt Nam trở thành nền kinh tế số mạnh.

.

"Chúng ta đang sống trong thế giới công nghệ số ngày càng phát triển. Đây là điều kiện thuận lợi cho hệ thống định danh điện tử. Nếu được xây dựng hợp lý, hệ thống này có thể tạo ra nguồn lợi cho công dân, doanh nghiệp. Cơ hội to lớn này không nên bỏ lỡ trong kỷ nguyên số", ông Achim Fock nhấn mạnh.

.

Dựa trên kinh nghiệm quốc tế, ông Achim Fock đưa ra 3 khuyến nghị đối với Việt Nam. Đầu tiên, đó là cần phải tránh sự phân tán, nhiều cơ sở dữ liệu tại Việt Nam; bảo đảm hệ thống thông tin sạch và đáng tin cậy để cung cấp nền tảng cho hệ sinh thái xác thực và định danh số.

.

Thứ hai, tính bảo mật cần được đặt lên hàng đầu bởi thông tin cá nhân có thể đứng trước rủi ro khi xác thực số. Việc tạo ra hệ sinh thái định danh số là cần thiết và cần được thực hiện cùng với việc tăng cường khung pháp lý bảo vệ dữ liệu.

.

Cuối cùng, hệ thống định danh và xác thực hiện tử hiệu quả đòi hỏi phải có sự hợp tác chặc chẽ hơn nữa giữa các bên liên quan, sự phối hợp cơ quan bộ ngành, hợp tác công tư và đặt con người làm trọng tâm.

.

Tại Hội thảo, các chuyên gia trong và ngoài nước đã chia sẻ về các mô hình định danh và xác thực điện tử đang được triển khai tại một số quốc gia như: Estonia, Singapore, Thái Lan, Đan Mạch, kinh nghiệm và các thách thức trong quá trình triển khai; đồng thời thảo luận về các giải pháp cũng như sự cần thiết phải xây dựng và hoàn thiện khung thể chế cho Việt Nam trong lĩnh vực này.

.

Đại diện VPCP cũng đề xuất giải pháp Mobile PKI với những ưu điểm như: Số lượng thuê bao di động lớn (hơn 120 triệu), thuận lợi cho người dân, không yêu cầu phải có thiết bị di động thông minh, chi phí nâng cấp SIM thấp, đã triển khai tại nhiều nước, sẵn sàng về giải pháp kỹ thuật...

 

 Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: “Định danh và xác thực điện tử là nội dung mang tính cần thiết và cấp bách cần khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện, từ đó thúc đẩy tính tin cậy của các giao dịch điện tử mà đặc biệt là dịch vụ công trực tuyến"

Quan điểm là không chờ đợi

.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: “Định danh và xác thực điện tử là nội dung mang tính cần thiết và cấp bách cần khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện, từ đó thúc đẩy tính tin cậy của các giao dịch điện tử mà đặc biệt là dịch vụ công trực tuyến. Và quan điểm là chúng ta không chờ đợi, cuộc sống đòi hỏi thì chúng ta phải làm. Việc định danh cần tập trung để triển khai các dịch vụ công, theo hướng là lĩnh vực nào người dân và doanh nghiệp cần nhất thì ưu tiên trước”.

.

Khẳng định việc quan trọng đầu tiên đó là cần hoàn thiện thể chế, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị Bộ Công an sớm trình Nghị định về Bảo mật dữ liệu cá nhân; Bộ TT&TT sớm trình Nghị định về định danh và xác thực điện tử và Nghị định về Kết nối và chia sẻ. Đây sẽ là những cơ sở pháp lý cho xây dựng định danh và xác thực điện tử, tạo điều kiện để đẩy mạnh việc cung cấp và thực hiện dịch vụ công trực tuyến một cách an toàn và hiệu quả.

.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng đề nghị Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (VPCP) trong quá trình thiết lập Cổng dịch vụ công quốc gia phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan trong việc thực hiện định danh và xác thực điện tử tại Cổng dịch vụ công quốc gia, bảo đảm tạo điều kiện cho người dân, tổ chức mà vẫn bảo đảm tính chính xác, an ninh, an toàn thông tin trong các giao dịch. Đồng thời, nghiên cứu những đề xuất, khuyến nghị của các chuyên gia để tổng hợp báo cáo Tổ Công tác giúp việc Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử, báo cáo Thủ tướng Chính phủ đối với những đề xuất cụ thể.

.

Người đứng đầu VPCP cũng cảm ơn các chuyên gia trong và ngoài nước, các Bộ, ngành, một số doanh nghiệp liên quan và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam đã đồng hành cùng VPCP, Chính phủ Việt Nam trong công cuộc xây dựng Chính phủ điện tử.

.

Hoàng Anh - Gia Huy

Ảnh: Nhật Bắc

Top