Hà Nội

Định danh điện tử: Đi sau nhưng không được phép thất bại

(Chinhphu.vn) - Sáng 5/12, Văn phòng Chính phủ (VPCP) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (World Bank) tổ chức Hội thảo “Mã định danh (ID4D): Kinh nghiệm quốc tế và các khuyến nghị cho sự phát triển dịch vụ công điện tử ở Việt Nam”.

05/12/2018 17:36

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Hoàng Anh

.

“Đi sau nhưng không được phép thất bại”

.

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cảm ơn Ngân hàng Thế giới, các chuyên gia trong và ngoài nước đã dành thời gian giúp Thủ tướng Chính phủ trong xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số.

.

“Việt Nam đã có nhiều cố gắng, tuy nhiên các giải pháp và thực thi đang bị nghẽn, bởi lẽ, thể chế còn thiếu, nền tảng chưa đầy đủ, đặc biệt là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, quan trọng nhất là xây dựng ID card, định danh cá nhân chưa có”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nói.

.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, nhiều người dân đã có mã số thuế, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, có số điện thoại mobile. Tuy nhiên, những sổ, thẻ này chỉ phục vụ cho cơ quan chủ quản và không kết nối với nhau.

.

“Nếu như không xác định được định danh cá nhân thì các dịch vụ giao dịch điện tử trực tuyến không thành công. Chúng ta cần có sự kết nối chia sẻ của các cơ quan nhà nước. Đặc biệt, dự kiến tháng 11/2019, sẽ cho ra mắt Cổng Dịch vụ công quốc gia. Việc định danh cần tập trung để triển khai các dịch vụ công, theo hướng là lĩnh vực nào người dân và doanh nghiệp cần nhất thì ưu tiên trước. Chúng ta đi sau nhưng không được phép thất bại”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, đồng thời đề nghị các chuyên gia trong và ngoài nước đưa ra các khuyến nghị, giải pháp để xây dựng hệ thống định danh cho sự phát triển dịch vụ công điện tử ở Việt Nam.

.

Ông Robert J. Palacios, Chuyên gia trưởng về Mã định danh cho phát triển của WB (giữa) chia sẻ cách tiếp cận toàn cầu của WB về mã định danh. Ảnh: Hoàng Anh

.

Hệ thống ID tốt là cơ sở phục vụ các hệ thống khác

.

Theo đại diện WB, mã định danh và định danh cho phát triển là một trong những chương trình trọng tâm chính của WB đang hỗ trợ rất nhiều quốc gia trên thế giới. Hệ thống định danh tốt sẽ là nền tảng hỗ trợ cơ bản cho bất cứ Chính phủ nào trong kỷ nguyên số, trong xây dựng Chính phủ điện tử. Các quốc gia trong khu vực như Singapore, Thái Lan hay các quốc gia tiên tiến khác khi xây dựng Chính phủ điện tử cũng tập trung vào cải tổ hệ thống định danh của mình.

.

Theo ông Robert J. Palacios, Chuyên gia trưởng về Mã định danh cho phát triển (WB) cho biết một hệ thống ID tốt là cơ sở phục vụ các hệ thống khác; giúp tăng cường tiết kiệm tài khoá, giúp nâng cao hiệu quả kinh doanh, tăng cường hoà nhập tài chính, nâng cao hiệu quả Chính phủ.

.

Đơn cử như tại Pakistan, hệ thống ID đã giúp tiết kiệm được 248 triệu USD nhờ kiểm tra chéo đối tượng hưởng giữa 2 chương trình cứu trợ lũ lụt Watan và Nadra; ở Malawi, tiết kiệm được 44 triệu USD từ nay tới thời gian bầu cử năm 2019 nhờ tích hợp hệ thống ID quốc gia với hệ thống đăng ký cử tri qua đó không cần phát thẻ bầu cử nữa; ở Argentina, tiết kiệm 44 triệu USD nhờ kết nối mã ID duy nhất với kiểm soát, thanh tra các trường hợp trốn thuế có mục tiêu…

.

Chia sẻ kinh nghiệm của Thái Lan, ông Vichian Chidchanognarth, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý hành chính, Bộ Nội vụ Thái Lan cho biết, hệ thống cấp đăng ký hộ tịch và chứng minh thư của Thái Lan trải qua nhiều quá trình, trong đó có quy trình thủ công (từ 1956-1983), hệ thống vi tính hoá (1984-1996), Văn phòng đăng ký hộ tịch điện tử (1997-2004), hệ thống thẻ căn cước thông minh của quốc gia Thái Lan và chia sẻ dữ liệu nhà nước (từ năm 2005).

.

Ông Vijay Madan, nguyên Cục trưởng, Cơ quan định danh duy nhất của Ấn Độ cho biết, về lâu dài, thẻ ID bằng giấy sẽ không thích hợp vì khó xác thực, quy trình mất thời gian, dễ bị giả mạo… Aadhaar là tên gọi ID số nhờ công nghệ sinh trắc được triển khai tại Ấn Độ, bắt đầu từ năm 2009. ID số này là duy nhất, bảo mật được bảo đảm ngay từ khâu thiết kế.

.

Theo ông Vijay Madan, ID số là một lớp định danh, để trên cơ sở đó thực hiện các dịch vụ khác. Quy trình gồm các bước như: Cơ quan duyệt lấy thông tin dân số và sinh trắc của người dân; sau đó chuyển thông tin này đến Kho lưu trữ số liệu ID trung ương; loại bỏ các trường hợp trùng, sau đó tạo mã Aadhaar; mỗi người nhận được một mã Aadhaa... Thông tin gồm: Tên, ngày sinh, giới tính, địa chỉ, số liệu sinh trắc (ảnh, 10 dấu vân tay và 2 mống mắt).

.

Aadhaar  giúp chi trả trợ cấp hưu tại nhà, thực hiện hàng triệu khoản thanh toán qua máy ATM di động, các khoản an sinh xã hội và khoản chi của chính phủ cho người dân được chuyển trực tiếp đến tài khoản của đối tượng nhờ hạ tầng dựa trên mã Aadhaar, giúp mở tài khoản ngân hàng và đăng ký thẻ SIM thuận tiện, đỡ tốn kém hơn…

.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Hoàng Anh

.

Tận dụng những dữ liệu, thành quả đã có

.

Tại hội thảo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng đặt câu hỏi với các chuyên gia, đó là: Dữ  liệu nền tảng là cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư, trong khi Việt Nam chưa có thì dùng giải pháp định danh di động (ID Mobile) có được không? Đây là giải pháp trước mắt nhưng lâu dài thì hoàn thiện một ID card theo hướng cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư.

Theo đại diện Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (VPCP), hầu hết các Cổng dịch vụ công cấp Bộ, cấp tỉnh đều cung cấp giải pháp xác thực điện tử, nhưng giải pháp xác thực đơn giản, quá trình xác thực tài khoản không đảm bảo.

.

Theo đó, VPCP đề xuất giải pháp định danh di động do số lượng thuê bao di động lớn (hơn 120 triệu), thuận lợi cho người dân, không yêu cầu phải có thiết bị di động thông minh, chi phí nâng cấp SIM thấp, đã triển khai tại nhiều nước, sẵn sàng về giải pháp kỹ thuật…

.

Tại hội thảo, các chuyên gia trong và ngoài nước cũng trao đổi về các vấn đề khác như: Xây dựng hành lang pháp lý, khung quản lý về định danh, tích hợp đồng bộ cơ sở dữ liệu về con người, chuẩn hoá lại các cơ sở dữ liệu, bảo mật thông tin cá nhân…

.

Phát biểu kết luận tại Hội thảo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, những ý kiến đóng góp của các chuyên gia đã tạo một bức tranh về xác thực điện tử, phục vụ cho Cổng dịch vụ công quốc gia.

.

“Quan điểm là chúng ta không chờ đợi, cuộc sống đòi hỏi thì chúng ta phải làm, vừa làm vừa điều chỉnh và quan trọng nhất là đi đúng hướng. Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là Cổng dịch vụ công quốc gia cần ra đời sớm, theo hướng những dịch vụ nào người dân, doanh nghiệp cần trước thì phục vụ trước, chứ không nên đặt vấn đề đủ mâm đủ cỗ mới dọn ra”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

.

Thứ hai là tận dụng những dữ liệu, thành quả đã có để đưa vào sử dụng, phục vụ ngay mục đích trước mắt nhưng đồng thời phải xây dựng những cái căn cơ, nền tảng của Chính phủ điện tử lâu dài, tiến tới nền kinh tế số, xã hội số.

.

“Chính phủ coi Chính phủ điện tử là dư địa cho tăng trưởng. Sức cạnh tranh, chỉ số đánh giá phát triển đất nước là dựa trên yếu tố này, đặc biệt trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0. Chúng ta cần làm thiết thực và hiệu quả, không chạy đua và phải bảo đảm an toàn, an ninh thông tin”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

.

Khẳng định dịch vụ công phải có xác thực định danh điện tử mới thành công, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đề nghị các chuyên gia trong, ngoài nước và các thành viên trong Tổ giúp việc của UBQG về Chính phủ điện tử tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, có số liệu chứng minh để sớm trình Chủ tịch UBQG giải pháp tốt nhất.

.

Hoàng Anh

Top