Hà Nội

Chuyên gia Nga tư vấn về Cổng dịch vụ công quốc gia và Mô hình Đô thị thông minh

(Chinhphu.vn) - Ngày 19/2, tại trụ sở Văn phòng Chính phủ (VPCP), VPCP và Đoàn công tác Liên bang Nga về xây dựng Chính phủ điện tử đã tiến hành họp nhóm tư vấn thiết kế Cổng dịch vụ công quốc gia, giải pháp định danh, xác thực điện tử và nhóm mô hình Trung tâm hành chính công, đô thị thông minh.

19/02/2019 15:06

* Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng Chính phủ điện tử từ Liên Bang Nga

* Nhiều lĩnh vực tự động hóa tại Liên Bang Nga

Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính Ngô Hải Phan phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Hoàng Anh

.

Buổi làm việc có sự tham dự của các đại biểu của Đoàn Công tác Liên bang Nga; Tổ công tác giúp việc của Chủ tịch UBQG về Chính phủ điện tử, đại diện các Vụ, Cục, đơn vị của VPCP; đại diện các bộ, ngành, cơ quan liên quan.

.

Đây là hoạt động giữa VPCP và Bộ Phát triển số, thông tin liên lạc và Truyền thông đại chúng Liên bang Nga nhằm triển khai Bản ghi nhớ hợp tác giữa hai bên về xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử được ký kết tháng 12/2018.

.

Theo nội dung Bản ghi nhớ, hai bên sẽ hợp tác triển khai thực hiện các dự án, chương trình và công nghệ cho phát triển Chính phủ điện tử; chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn và hỗ trợ chuyên gia, kỹ thuật; thực hiện các hoạt động chung (hội thảo, gặp gỡ, seminar, nghiên cứu và phát triển) về phát triển Chính phủ điện tử.

.

Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm

.

Chủ trì họp nhóm về tư vấn thiết kế Cổng Dịch vụ công quốc gia và giải pháp định danh, xác thực điện tử, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính Ngô Hải Phan cho biết Cổng Dịch vụ công quốc gia là một nội dung rất quan trọng được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam giao VPCP xây dựng.

.

Nhấn mạnh Cổng Dịch vụ công quốc gia là một công cụ rất quan trọng cho cải cách, theo hướng Chính phủ phục vụ người dân và doanh nghiệp, lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm, ông Ngô Hải Phan cho biết, hiện nay, Việt Nam chưa có nền tảng chung cho việc chia sẻ thông tin, dữ liệu. Mỗi bộ, ngành, địa phương đều có trang web để thực hiện dịch vụ công và lựa chọn giải pháp xác thực khác nhau trong phạm vi hoạt động của mình, còn đối với phạm vi quốc gia, lãnh thổ chưa đáp ứng được.

.

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, thành viên Uỷ ban quốc gia về Chính phủ điện tử, VPCP đã xây dựng dự thảo Đề án Cổng Dịch vụ công quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ.

.

Theo đó, Cổng Dịch vụ công quốc gia là đầu mối cung cấp thông tin, hỗ trợ tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến; hỗ trợ, hướng dẫn tra cứu thông tin, giám sát tình trạng giải quyết thủ tục hành chính và tra cứu kết quả giải quyết thủ tục hành chính, kết quả đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính; công khai kết quả xử lý thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến.

.

Cổng Dịch vụ công quốc gia cũng tích hợp với hệ thống tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp để thực hiện tiếp nhận, xử lý và công khai kết quả giải quyết phản ánh, kiến nghị; xây dựng công cụ tổng hợp, đánh giá mức độ hài lòng của các nhân, tổ chức và công cụ đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương.

.

Cổng dịch vụ công quốc gia cũng thân thiện với người dùng, ưu tiên hiển thị các dịch vụ người dùng quan tâm; sử dụng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu phát triển từ Trục liên thông văn bản quốc gia để cung cấp nền tảng chung cho việc chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương phục vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, dịch vụ một cửa điện tử liên thông…

.

VPCP và Đoàn công tác Liên bang Nga họp nhóm mô hình Trung tâm hành chính công, đô thị thông minh. Ảnh: Hoàng Anh

.

Sau khi nghe đại diện Cục Kiểm soát thủ tục hành chính trình bày tóm tắt về Đề án Cổng dịch vụ công quốc gia, Thứ trưởng Bộ Phát triển số, thông tin liên lạc và Truyền thông đại chúng Liên bang Nga M.V. Mamonov và chuyên gia Nga đã tư vấn định hướng thiết kế tổng thể Cổng Dịch vụ công quốc gia, đồng thời tư vấn về giải pháp định danh, xác thực điện tử trên Cổng dịch vụ Công Quốc gia và hệ thống thông tin tương tác với người dân, doanh nghiệp.

.

Chia sẻ về Hệ thống thống nhất định danh và xác thực (ESIA), chuyên gia đến từ Liên bang Nga cho biết, khi truy cập vào hệ thống này có thể kiểm tra tình trạng đóng thuế của cá nhân; kiểm tra số tiền cơ quan, công ty đóng bảo hiểm xã hội cho cá nhân; kiểm tra các thông số về hưu trí, hộ chiếu… Hệ thống ESIA bảo đảm thông tin cá nhân cho người dùng, sử dụng qua mã bảo mật hoặc tin nhắn kiểm tra vào điện thoại di động người dùng và sử dụng chữ ký số để xác thực đúng chủ tài khoản.

.

Hiện nay EISA đang được các tổ chức thương mại sử dụng để tiến hành việc các ngân hàng định danh đơn giản cho các công dân, để mở các tài khoản đầu tư tại các tổ chức, để các công ty bảo hiểm định danh từ xa khi ký kết các hợp đồng bảo hiểm xe cơ giới và các hợp đồng các nhà cung cấp cung ứng dịch vụ viễn thông.

.

Cũng theo các chuyên gia Liên bang Nga, bằng Cổng điện tử thống nhất các dịch vụ và chức năng của Chính phủ (EPGU), các dịch vụ công và các dịch vụ của chính quyền địa phương được thực hiện dưới dạng điện tử. Việc cấp phép trên EPGU được thực hiện cùng với ESIA, việc đăng ký tại đây được thực hiện bởi chính những người nhận được dịch vụ. Sau khi được cấp phép trên EPGU, người sử dụng có quyền tiếp cận chức năng đặt dịch vụ.

.

Về Trung tâm hành chính công và thành phố thông minh (Smart city), tại Việt Nam, chủ trương phát triển Smart city đã có từ lâu, nhưng bắt đầu được hiện thực hóa bằng Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020, trong đó có mục tiêu triển khai đô thị thông minh ít nhất tại 3 địa điểm. Đến 1/12/2016, VPCP tiếp tục có công văn số 10384/VPCP-KGVX về việc xây dựng đô thị thông minh bền vững trên thế giới và Việt Nam, qua đó khuyến khích các tỉnh, thành phố thực hiện xây dựng đô thị thông minh.

.

Sau khi có chủ trương của Chính phủ, đã có nhiều tỉnh, thành phố bắt tay vào triển khai đề án Smart city với sự hỗ trợ của các doanh nghiệp viễn thông, CNTT lớn trong nước. Các doanh nghiệp trên cả nước có khả năng cung cấp các giải pháp sẽ được tham gia những dự án trong nhiều lĩnh vực như: Giáo dục, giao thông, chính quyền điện tử…

.

Chia sẻ về Trung tâm hành chính công và thành phố thông minh, các chuyên gia Liên bang Nga cho biết, từ năm 2011, Nga đã phát triển bộ phận kế toán đám mây giúp lãnh đạo có thể quản lý dòng tiền của người đóng thuế được chi vào việc gì; hơn 250 dịch vụ được cung cấp dạng điện tử gồm phần mềm ứng dụng trên điện thoại di động. Hàng ngày, hệ thống này xử lý trên 650 triệu lượt truy cập.

.

Nhiều lĩnh vực được tự động hóa tại Thủ đô Moscow cũng như Liên bang Nga, như việc người dân sử dụng hệ thống bảo hiểm thống nhất; thẻ bảo hiểm y tế được điện tử hóa; cung cấp hệ thống cho hơn 800 trường học và trên 1 triệu học sinh về tình hình học tập tại trường. Riêng tại Thủ đô Moscow có khoảng 160 nghìn camera trên toàn thành phố, cho phép kiểm soát mọi khu vực, giúp cho chính quyền bảo đảm an ninh trên địa bàn…

.

Nhấn mạnh để triển khai Smart city cần đặt ra những mục tiêu dài hạn, lấy người dân làm trung tâm, đưa các ứng dụng, nền tảng công nghệ phục vụ người dân và xã hội, các đại diện Việt Nam cũng chia sẻ định hướng xã hội hoá việc tiếp nhận thủ tục hành chính tại Trung tâm phục vụ hành chính công, tình hình và xu hướng triển khai đô thị thông minh.

.

Các đại biểu cũng tập trung thảo luận về những khả năng áp dụng tại Việt Nam cũng như khả năng hợp tác giữa Nga và Việt Nam.

.

Thay mặt các đại biểu Việt Nam, ông Ngô Hải Phan cảm ơn sự chia sẻ của các chuyên gia đến từ Nga. Những chia sẻ này sẽ giúp Việt Nam có thêm kinh nghiệm để thúc đẩy phát triển chính phủ điện tử toàn diện và hiệu quả tại Việt Nam.

.

Hoàng Anh

Top