Hà Nội

Nhiều lĩnh vực được tự động hóa tại Liên bang Nga

(Chinhphu.vn) - Chia sẻ của các chuyên gia đến từ Đoàn công tác của Liên bang Nga cho thấy, chiến lược, chương trình xây dựng Chính phủ điện tử mang lại nhiều hiệu quả; nhiều lĩnh vực được tự động hóa, thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp.

18/02/2019 17:34

* Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng Chính phủ điện tử từ Liên bang Nga

 

Đoàn công tác của Liên bang Nga chia sẻ thông tin về nền tảng xây dựng Chính phủ điện tử tại Liên bang Nga

Tại buổi làm việc chiều 18/2, Đoàn công tác của Liên bang Nga do Thứ trưởng Bộ Phát triển số, thông tin liên lạc và Truyền thông đại chúng Liên bang Nga M.V. Mamonov làm Trưởng đoàn đã chia sẻ với VPCP và các đơn vị về nền tảng xây dựng Chính phủ điện tử tại Liên bang Nga liên quan đến: Cổng điện tử thống nhất các dịch vụ và chức năng của Chính phủ (EPGU), Hệ thống thống nhất định danh và xác thực (ESIA), Hệ thống phối hợp hành động điện tử liên bộ ngành (SMEV), Hệ thống nền tảng quốc gia cho xử lý dữ liệu phân tán (NPROD); Hệ thống bảo đảm an toàn thông tin cho Chính phủ điện tử...

.

Chia sẻ về Hệ thống thống nhất định danh và xác thực (ESIA), chuyên gia đến từ Liên bang Nga cho biết, khi truy cập vào hệ thống này có thể kiểm tra tình trạng đóng thuế của cá nhân; kiểm tra số tiền cơ quan, công ty đóng bảo hiểm xã hội cho cá nhân; kiểm tra các thông số về hưu trí, hộ chiếu… Hệ thống ESIA bảo đảm thông tin cá nhân cho người dùng, sử dụng qua mã bảo mật hoặc tin nhắn kiểm tra vào điện thoại di động người dùng và sử dụng chữ ký số để xác thực đúng chủ tài khoản.

.

ESIA hiện có hơn 88 triệu người đăng ký và trên 4,5 triệu người truy cập hàng ngày. Hệ thống đang được sử dụng phổ biến bởi các cơ quan nhà nước, ngân hàng, công ty… Theo các chuyên gia Liên bang Nga, hiện nay EISA đang được các tổ chức thương mại sử dụng để tiến hành việc các ngân hàng định danh đơn giản cho các công dân, để mở các tài khoản đầu tư tại các tổ chức, để các công ty bảo hiểm định danh từ xa khi ký kết các hợp đồng bảo hiểm xe cơ giới và các hợp đồng các nhà cung cấp cung ứng dịch vụ viễn thông.

 

 Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP mong muốn Đoàn công tác giúp Việt Nam xây dựng Chính phủ điện tử

Về Hệ thống phối hợp hành động điện tử liên bộ, ngành (SMEV), chuyên gia Liên bang Nga cho biết người dùng không phải đi thu thập thông tin cần thiết mà các cán bộ được cung cấp chữ ký số, từ đó qua SMEV cập nhật thông tin mới. Có hơn 600 dịch vụ cấp nhà nước trong SMEV, đó là các thông báo về tài khoản cá nhân của quỹ hưu trí; lựa chọn khu vực bỏ phiếu trong bầu cử Tổng thống đăng ký xe, cấp giấy phép lái xe…

.

Chia sẻ về Trung tâm hành chính công và thành phố thông minh, các chuyên gia Liên bang Nga cho biết, từ năm 2011 Nga đã phát triển bộ phận kế toán đám mây giúp lãnh đạo có thể quản lý dòng tiền của người đóng thuế được chi vào việc gì; hơn 250 dịch vụ được cung cấp dạng điện tử gồm phần mềm ứng dụng trên điện thoại di động. Hàng ngày, hệ thống này xử lý trên 650 triệu lượt truy cập.

.

Nhiều lĩnh vực được tự động hóa tại Thủ đô Moscow cũng như Liên bang Nga, như việc người dân sử dụng hệ thống bảo hiểm thống nhất; thẻ bảo hiểm y tế được điện tử hóa; cung cấp hệ thống cho hơn 800 trường học và trên 1 triệu học sinh về tình hình học tập tại trường. Riêng tại Thủ đô Moscow có khoảng 160 nghìn camera trên toàn thành phố, cho phép kiểm soát mọi khu vực, giúp cho chính quyền bảo đảm an ninh trên địa bàn…

 
 
Về xây dựng Cổng dịch vụ công quốc gia tại Việt Nam, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết Cổng dịch vụ công quốc gia sẽ cung cấp cho người dân và doanh nghiệp dịch vụ về hành chính công thông qua nền tảng điện tử. Hiện nay 63 tỉnh/thành phố tại Việt Nam đều có trung tâm hành chính công nhưng chỉ trong phạm vi của tỉnh, chưa kết nối với Bộ, ngành, địa phương khác. Quan điểm của Thủ tướng Chính phủ là kết nối các Bộ, địa phương và cung cấp các dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp.

.

Trong điều kiện Việt Nam chưa có cơ sở dữ liệu quốc gia cá nhân, chưa có Hệ thống định danh và xác thực, cơ sở dữ liệu quốc gia còn phân tán…, Bộ trưởng, Chủ nhiệm đề nghị các chuyên gia Liên bang Nga trao đổi, tư vấn giúp Việt Nam xây dựng Cổng dịch vụ công quốc gia, cũng như giải pháp định danh, xác thực trên Cổng dịch vụ công quốc gia và các hệ thống thông tin tương tác với người dân, doanh nghiệp.

.

Qua trao đổi của các đại biểu đến từ phía Việt Nam và Liên bang Nga, Thứ trưởng Bộ Phát triển số, thông tin liên lạc và Truyền thông đại chúng Liên bang Nga M.V. Mamonov cho biết Đoàn công tác đã hình dung sơ bộ về các công việc hai bên cần tiến hành tiếp theo. Tất cả những nội dung trao đổi của các đại biểu phía Việt Nam, Đoàn công tác đã ghi lại và sẽ tiếp tục trao đổi trong các buổi làm việc tiếp theo vào ngày mai (19/2).

.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đánh giá cao sự tham gia tích cực của Bộ Phát triển số, thông tin liên lạc và Truyền thông đại chúng Liên bang Nga bởi trong thời gian ngắn Đoàn công tác của Liên bang Nga và các doanh nghiệp có kinh nghiệm về xây dựng Chính phủ điện tử đã sang thăm và làm việc tại Việt Nam.

.

Ngoài các nội dung mong muốn chuyên gia Liên bang Nga chia sẻ về xây dựng Chính phủ điện tử, Bộ trưởng, Chủ nhiệm mong muốn Đoàn công tác xây dựng kế hoạch giúp Việt Nam đào tạo chuyên gia trong lĩnh vực CNTT, an ninh mạng và mong muốn hai bên có những chia sẻ cụ thể để đi đến kết quả hợp tác hiệu quả trong chuyến công tác tại Việt Nam của Đoàn.

.

Gia Huy

Ảnh: Nhật Bắc

Top