Hà Nội
Về với miền đất lửa - Kỳ 1: Cuộc hành hương về với đất thiêng
(Chinhphu.vn) - Dải đất miền Trung một thời từng được gọi là “miền đất lửa” ấy đã đi vào lịch sử như là biểu tượng của lòng dũng cảm, ý chí bất khuất trước kẻ thù của dân tộc Việt Nam; dải đất với những địa danh đã trở thành huyền thoại, như Ngã ba Đồng Lộc, Sông Thạch Hãn, Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang Trường Sơn... chính là điểm đến trong chuyến hành trình “Về nguồn” lần này của đoàn chúng tôi. Một chuyến đi đã để lại nhiều ấn tượng sâu đậm trong lòng mỗi người.
Khởi hành từ Thủ đô Hà Nội vào lúc rạng sáng ngày 23/7, tầm giữa chiều thì đoàn đã đến được mảnh đất Quảng Bình. Đoàn chúng tôi gồm khoảng 30 người, đều là những cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Văn phòng Chính phủ thuộc nhiều thế hệ khác nhau, trong đó có những người từng sống và chiến đấu trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt, có những người là thương binh, con liệt sĩ, cũng có những người là đoàn viên thanh niên trẻ tuổi, những người chỉ biết về chiến tranh qua trang sách nhà trường. Nhưng tựu chung lại, tâm trạng của mọi người rất giống nhau, đều xúc động, bồi hồi, rạo rực...
![]() |
Đoàn dâng hoa viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp |
Điểm đến đầu tiên trong chuyến hành trình về với những “địa chỉ đỏ” là mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Vũng Chùa - Đảo Yến (Quảng Bình). Đứng trước khu mộ Đại tướng, các thành viên trong đoàn được tới gần hơn một con người vĩ đại, được kính cẩn, nghiêng mình dâng hương bày tỏ tấm lòng thành kính và niềm biết ơn với vị tướng tài ba, người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, người con anh hùng của dân tộc. Đúng như tên gọi của mảnh đất này, đến với Vũng Chùa, ai ai cũng đều cảm nhận được không gian thanh bình và yên ả. Địa thế dựa lưng vào núi, hướng nhìn ra biển, khu mộ Đại tướng nằm trong cảnh quan non song hùng vĩ của đất nước Việt Nam.
Nghĩa trang Trường Sơn - nơi yên nghỉ của 10.263 liệt sĩ |
Rời Quảng Bình, xe chúng tôi tiếp tục lăn bánh về vùng đất lửa Quảng Trị. "Trường Sơn đông nắng tây mưa/ Ai chưa đến đó như chưa rõ mình...”. Câu thơ ấy của nhà thơ Tố Hữu như nói hộ lòng mỗi người khi đứng trước những ngôi mộ liệt sĩ trắng xoá giữa màu xanh bạt ngàn cây lá. Đoàn chúng tôi đã đến viếng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn vào sáng sớm hôm sau.
.
Nghĩa trang Trường Sơn, thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị - là nơi yên nghỉ của các chiến sĩ đã ngã xuống trong 16 năm khai mở, chiến đấu, giữ vững và phát triển đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại. Trong khuôn viên gần 40 ha của nghĩa trang có 10.263 ngôi mộ liệt sĩ. Vào những ngày tháng 7 - tháng tri ân những con người đã ngã xuống vì mảnh đất quê hương, có rất đông người từ các vùng, miền khác nhau về đây dâng hương. Tại khu trung tâm, nơi có Đài tưởng niệm đặt trên đồi cao, ánh nắng hắt xuống những bức phù điêu bằng đá chạm khắc hình ảnh các binh chủng bộ đội Trường Sơn năm xưa, cùng làn khói hương nghi ngút, tạo thành vầng hào quang lung linh, càng khiến cho khung cảnh vốn đã trang nghiêm, thêm sự huyền ảo, linh thiêng.
![]() |
Kính cẩn thắp hương tại Nghĩa trang Trường Sơn |
Sau khi dâng hương tại Đài tưởng niệm, chúng tôi chia nhau đi dọc những dãy mộ để thắp hương. Đây là khu mộ liệt sĩ Hà Nội, Quảng Ninh, Tuyên Quang, kia là khu mộ Thái Bình, Lào Cai, Yên Bái,... Mấy mươi tỉnh thành là bấy nhiêu khu mộ với nhà tưởng niệm được xây dựng mang dáng dấp quê hương của các liệt sĩ. Xen kẽ giữa các khu mộ là những vạt rừng thâm nghiêm, dịu mát. Không thể nào mang đủ hương thơm thắp cho mỗi người dưới mộ, chúng tôi đã đi về phía đầu gió để nhờ gió tỏa chút khói hương khắp nghĩa trang mênh mông.
![]() |
Đồng chí Nguyễn Tiến Dũng thỉnh chuông tại Nghĩa trang Đường 9 |
Chia tay những liệt sĩ ở Nghĩa trang Trường Sơn, đoàn đến viếng Nghĩa trang Đường 9 (tại km số 6 của quốc lộ số 9) là nơi yên nghỉ của 1.045 liệt sĩ được quy tập từ các chiến trường Quảng Trị và từ nước bạn Lào. Khác với nghĩa trang Trường Sơn, các liệt sĩ đang yên nghỉ tại nghĩa trang Đường 9 quần tụ trên một khu đồi cao. Trong hơn một nghìn ngôi mộ ở nghĩa trang Đường 9 có rất nhiều những ngôi mộ tập thể, mộ liệt sĩ chưa biết tên như mộ 80 liệt sĩ chưa biết tên thuộc Tiểu đoàn 31 đặc công hy sinh ở Cam Thành - Cam Lộ vào ngày 26/8/1966... Nơi khói hương nghi ngút, không gian trang nghiêm, trước anh linh của các anh, các chị, bên những tấm bia mộ trắng còn chưa được trả lại tên, văng vẳng bên tai tôi lời thơ của nhà thơ Văn Hiền: “Bình yên sau cuộc chiến tranh/ Anh trở về không tên không tuổi/ Trắng hàng bia/ Những ngôi sao không nói/ Rưng rưng cỏ mọc dưới chân... Tổ quốc không mất tên Anh/ Chỉ lặng thầm nhận về mình nỗi đau xanh cùng năm tháng”.
![]() |
Đoàn dâng hoa và thắp hương tại Thành cổ Quảng Trị |
Sau khi viếng Nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang Đường 9, đoàn chúng tôi đặt chân đến Thành cổ Quảng trị với một tâm trạng thật khó tả, dường như cảm nhận đầy đủ hơn giá trị của cuộc sống hôm nay, một cuộc sống phải đổi bằng biết bao xương máu của hàng vạn, hàng vạn liệt sĩ trên khắp mọi miền Tổ quốc... Không có những nấm mồ, không có những tấm bia ghi danh tên tuổi các liệt sĩ, nhưng Thành cổ Quảng Trị vẫn được ví như một nghĩa trang bởi nơi đây, sau 81 ngày chiến đấu khốc liệt (từ 28/6 đến 16/9/1972), hàng vạn chiến sĩ đã vĩnh viễn nằm lại vì mảnh đất này vì mong muốn khát khao hòa bình thống nhất đất nước.
![]() |
Đài tưởng niệm Thành cổ Quảng Trị |
Người hướng dẫn viên tại Thành Cổ kể, giữa mùa hè đỏ lửa năm 1972, cả thị xã và Thành cổ Quảng Trị như một túi bom. Ước tính, Mỹ đã ném xuống đây 328 ngàn tấn bom, mà báo chí phương Tây thời đó bình luận tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử Mỹ đã ném xuống Hiroxima Nhật Bản năm 1945. Do vậy 81 ngày đêm ấy, toàn bộ thị xã và tòa Thành cổ bị san bằng, thân xác của các chiến sĩ vì thế cũng tan vào đất mẹ, hòa vào sóng nước. Tại Quảng Trị, gió Lào thổi về mang theo cái khô rát, nhưng điều kỳ lại là cỏ dưới chân Thành quanh năm vẫn cứ xanh tươi, mơn mởn, đó như là điều bí ẩn của mảnh đất này, là sự trở về anh linh của những chiến sĩ ngã xuống nơi đây, trong đó có nhiều người là sinh viên ra đi từ Hà Nội năm ấy.
.
Đồng chí Nguyễn Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Chủ tịch Công đoàn VPCP, Trưởng đoàn của chuyến “Về nguồn” xúc động chia sẻ: “Đối với VPCP nói chung, với cá nhân tôi nói riêng, đây không phải là lần đầu tiên đến thăm Quảng Trị. Trong năm nay, VPCP đã tổ chức nhiều đoàn về nguồn tại Tuyên Quang, Tây Ninh và hôm nay được về với Quảng Trị. Lần nào cũng vậy, khi về Quảng Trị, đến viếng Nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang Đường 9, Thành cổ Quảng Trị, mỗi chúng tôi đều vô cùng xúc động, kính trọng những chiến sĩ đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Đây cũng là dịp để giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay và mai sau. Bản thân tôi được thôi thúc cần làm việc nhiều hơn, tốt hơn nữa để xây dựng cơ quan, đơn vị, góp phần cống hiến cho đất nước, để xứng đáng với sự hy sinh lớn lao của những người đã ngã xuống bảo vệ đất nước”.
![]() |
Thắp hương trên Đài tưởng niệm Thành cổ Quảng Trị |
Thắp nén nhang trên Đài tưởng niệm, các thành viên trong đoàn nguyện cầu cho linh hồn những người lính “mãi mãi tuổi hai mươi” được siêu thoát, trở thành bất tử, để chứng kiến sự hồi sinh của mảnh đất này, mảnh đất mà họ đã phải đổi bằng xương, bằng máu để gìn giữ vẹn nguyên cho thế hệ mai sau. Tôi chợt nhớ tới những câu thơ và cũng là tiếng lòng của một người lính - nhà báo, nhà thơ Lê Bá Dương: “Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi đôi mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm...”.
Nhân kỉ niệm 68 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2015), kỉ niệm 70 năm Ngày truyền thống VPCP (28/8/1945 - 28/8/2015), VPCP tổ chức đoàn công tác “Về nguồn”, từ ngày 23 đến ngày 25/7. Đoàn đã đi thăm, tặng quà các gia đình chính sách, trẻ em nghèo, hỗ trợ kinh phí tôn tạo công trình tại các khu di tích trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại thị trấn Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị); thăm viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang Đường 9, Thành Cổ Quảng Trị và dâng hương các Anh hùng Liệt sĩ bên bờ sông Thạch Hãn, Ngã Ba Đồng Lộc. . Đoàn công tác chân thành cảm ơn Trung tâm Hội nghị Quốc gia; Công ty Xuân Trường; Hiệp hội Bia, rượu và nước giải khát Việt Nam; Công ty cổ phần Hương Vang; Công ty Dược phẩm Nhất Nhất; Công ty xây dựng Thống nhất - Ninh Bình; Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam; Tổng Công ty 36 - Bộ Quốc phòng (đơn vị miền Trung) và một số công ty khác đã đồng hành cùng VPCP trong chuyến đi lần này. . Đoàn đã hỗ trợ tôn tạo di tích Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam 1,5 tỷ đồng; xây Cột cờ trong Khu di tích khoảng 100 triệu đồng; xây dựng Khu Nhà cộng đồng của Khu phố Tây Hòa, thị trấn Cam Lộ 400 triệu đồng; trao tặng cho 3 Mẹ Việt Nam Anh hùng, mỗi Mẹ một sổ tiết kiệm trị giá 7 triệu đồng; hỗ trợ kinh phí xây dựng Nhà tình nghĩa cho 3 gia đình chính sách, mỗi nhà 50 triệu đồng; hỗ trợ kinh phí xây dựng Nhà đại đoàn kết cho các hộ nghèo là 35 triệu đồng/nhà; tặng quà 100 hộ gia đình chính sách, khó khăn là 1 triệu đồng/hộ; tặng học bổng cho 50 em học sinh với số tiền 1 triệu đồng/học sinh. Tổng giá trị quà tặng trên 2,5 tỷ đồng. |
.
Bài và ảnh: Hoàng Anh
(Còn tiếp)
.