Hà Nội

Tiếp tục cải cách thể chế để hội nhập kinh tế quốc tế

(Chinhphu.vn) - Ngày 26/10, tại Quảng Ninh, Văn phòng Chính phủ (VPCP) và Dự án phát triển lập pháp Quốc gia (NLD) đã tổ chức Chương trình tập huấn chuyên sâu về cộng đồng kinh tế ASEAN, các Hiệp định thương mại tự do và tác động đối với chương trình lập pháp tại Việt Nam.

26/10/2015 14:17

 

 Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế VPCP Lê Hồng Lam phát biểu tại chương trình tập huấn

Tham dự chương trình tập huấn chuyên sâu có trên 60 cán bộ, công chức đến từ 4 Văn phòng Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, tỉnh Quảng Ninh… với sự tham gia tập huấn của cố vấn cao cấp của Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển; Giám đốc Thường trú Dự án NLD tại Việt Nam Isabeau Vilandre …

.

Phát biểu khai mạc chương trình, ông Lê Hồng Lam, Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế, VPCP, nhấn mạnh, trong vòng 20 năm từ khi Việt Nam gia nhập ASEAN (năm 1995) đến nay là một quá trình hết sức ngoạn mục đối với đất nước, bởi Việt Nam đã mở cửa một cách nhanh chóng, sâu rộng, toàn diện và đã ký kết được các Hiệp định thương mại tự do với những đối tác quan trọng hàng đầu trên thế giới.

.

Chính vì vậy, chương trình tập huấn chuyên sâu được tổ chức rất đúng lúc với mong muốn phổ biến sâu rộng cho các cán bộ, công chức góc nhìn tổng thể về các Hiệp định và hình dung được Việt Nam phải làm gì để tận dụng tối đa các cơ hội do các Hiệp định mang lại. Bên cạnh đó, với vai trò của VPCP là cơ quan tham mưu, giúp việc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, VPCP đã và sẽ làm gì khi tác động của các Hiệp định thương mại tự do mang lại trong thời gian tới.

.

Cải cách thể chế, tạo dựng môi trường kinh doanh

.

Tại chương trình tập huấn, các chuyên gia đã trao đổi về tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, cụ thể là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP và các Hiệp định thương mại tự do mới; cơ hội và thách thức với Việt Nam khi tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN; tình hình tham gia của Việt Nam với các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới…

 

 Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển phát biểu tại chương trình tập huấn

Theo ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, đối với Việt Nam, các Hiệp định thương mại tự do mới sẽ đem lại sự thu hút đầu tư; mở rộng xuất khẩu, tạo thế cân bằng mới trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các nước; tạo dựng khuôn khổ cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh; đẩy nhanh cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

.

Bên cạnh đó, giúp thực hiện đường lối của Đảng theo phương châm: Đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ quốc tế, nâng cao vị thế của Việt Nam trong nền chính trị thế giới, nhất là vị trí trong một khu vực chính trị năng động và rất nhạy cảm như khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

.

Đồng thời, TPP và các Hiệp định thương mại tự do mới sẽ mang lại những thách thức, cụ thể là sự cạnh tranh quyết liệt trên cả 3 cấp độ: Sản phẩm với sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm chăn nuôi; cạnh tranh giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp và cạnh tranh giữa Chính phủ với Chính phủ về chất lượng thể chế và môi trường kinh doanh. Dự báo một số doanh nghiệp sẽ bị thu hẹp hoạt động, thậm chí giải thể, phá sản. Khoảng cách giàu nghèo sẽ giãn ra nếu không thực thi hiệu quả chiến lược tăng trưởng bao trùm và những thách thức về mặt xã hội khác.

.

Ông Trương Đình Tuyển nhấn mạnh, thách thức tuy là sức ép nhưng sức ép đến đâu còn phụ thuộc vào khả năng phản ứng của Nhà nước và doanh nghiệp. Nếu Nhà nước có đối sách tốt thì tận dụng được cơ hội, đẩy lùi được thách thức và sẽ tạo cơ hội mới lớn hơn. Ngược lại, nếu không tận dụng được cơ hội thì thách thức sẽ lấn át và sẽ chuyển thành những khó khăn dài hạn rất khó khắc phục.

 

 Toàn cảnh chương trình tập huấn chuyên sâu

Vì vậy, nâng cao sức cạnh tranh, trong đó sức cạnh tranh về thể chế là yếu tố quyết định để tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức.

.

Thể chế tốt tạo ra khung khổ cho doanh nghiệp tự do lựa chọn lĩnh vực và địa bàn kinh doanh phù hợp với điều kiện cụ thể, lợi thế so sánh của mình để lựa chọn thị trường mục tiêu, sản phẩm mục tiêu để phân bổ nguồn lực hiệu quả nhất. Thể chế tốt cũng bảo đảm tính công khai, minh bạch và môi trường chính sách ổn định và có tính cạnh tranh cao, tạo điều kiện cho doanh nghiệp xây dựng chiến lược, nâng cao sức cạnh tranh.

.

Cải cách thể chế cần bảo đảm sự đồng bộ trong cả 3 yếu tố: Thiết chế quản lý, bộ máy quản lý, đội ngũ công chức. Bên cạnh đó, cần xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh.

.

Về cơ hội và thách thức của Việt Nam trong Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), ông Lê Triệu Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách đa biên, Bộ Công Thương cho biết, AEC mang thêm thị trường cho hàng hoá xuất khẩu tại Việt Nam, cung cấp hàng hoá đầu vào với chi phí hiệu quả hơn cho sản xuất, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam; góp phần thu hút đầu tư để xây dựng mạng lưới sản xuất, nâng cao năng suất, tăng sức cạnh tranh…

.

Tuy nhiên, kết quả này còn hạn chế trong giải quyết các hàng rào phi thuế quan, thuận lợi hoá thương mại, thương mại dịch vụ, đầu tư, kết nối…

.

Chính vì vậy, giải pháp đặt ra là cần thực hiện đa phương hoá, đa dạng hoá thông qua các FTA “thế hệ mới” (Hiệp định TPP, FTA với EU và Liên minh Á  - Âu…) để mở ra các cơ hội thị trường mới, tránh phụ thuộc khu vực Đông Á. Đồng thời tăng năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp qua các giải pháp cụ thể về cải cách, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tăng cường năng lực cạnh tranh.

.

* Đến nay, Việt Nam đã tham gia ký kết và thực thi Khu vực thương mại tự do (FTA): Giữa các nước ASEAN (năm 1996); ASEAN - Trung Quốc (2004); ASEAN - Nhật Bản (2005); ASEAN - Hàn Quốc (2006); ASEAN - Ấn Độ (2006); ASEAN - Australia - New Zealand (2008); Việt Nam - Nhật Bản (2008); Việt Nam - Chi Lê (2011).

.

Các Hiệp định kết thúc đàm phán năm 2015: Việt Nam - Hàn Quốc (5/2015); Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu (5 đối tác - 5/2015); FTA với Liên minh châu Âu (28 đối tác - 8/2015); Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP (11 đối tác - 10/2015).

.

Các Hiệp định mới kết thúc đàm phán năm 2015 được đánh giá hầu hết có nội dung tự do hoá cao, thậm chí rất cao; đối tác phần lớn là chủ  động do Việt Nam lựa chọn và là các thị trường phát triển quan trọng; phần lớn có thị trường tiêu thụ khá, không cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam. Ngoài tiềm lực kinh tế còn có tiềm lực về vốn, công nghệ… nên có tiềm năng mở rộng hợp tác sang nhiều lĩnh vực khác.

.

Tin, ảnh: Gia Huy

. 

Top