Hà Nội

Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

09/10/2015 17:33

Nhân sự mới UBND tỉnh Vĩnh Phúc

Thủ tướng Chính phủ vừa phê chuẩn nhân sự UBND tỉnh Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2011- 2016.

Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Nguyễn Văn Trì, Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2011- 2016 đối với ông Phùng Quang Hùng, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc để nghỉ hưu theo chế độ.

Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2011- 2016 đối với bà Dương Thị Tuyến, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc để nghỉ hưu theo chế độ.

Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu chức danh Ủy viên UBND tỉnh Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Nguyễn Hữu Thục, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Vĩnh Phúc.

Thủ tướng Chính phủ cũng phê chuẩn việc miễn nhiệm chức danh Ủy viên UBND tỉnh Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Phùng Sỹ Tấn, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Vĩnh Phúc để nhận nhiệm vụ mới.

 .

Thị xã Ngã Bảy đạt chuẩn nông thôn mới

Thủ tướng Chính phủ vừa công nhận thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2015.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Hậu Giang có trách nhiệm công bố theo quy định và khen thưởng theo Quyết định số 1620/QĐ-TTg ngày 20/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua "cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới".

Được biết, cho đến nay, toàn Thị xã Ngã Bảy đã có 3/3 xã được UBND tỉnh Hậu Giang công nhận đạt chuẩn NTM (đạt 100%). 100% các xã đã hoàn thành phê duyệt quy hoạch và cắm mốc chỉ giới và đạt tiêu chí giao thông... Thị xã đã tập trung chỉ đạo chuyển đổi từng lĩnh vực theo lợi thế từng xã nhằm xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân.

 .

Mở rộng cầu cảng PTSC Đình Vũ

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về việc triển khai Dự án đầu tư mở rộng cầu cảng PTSC Đình Vũ.

Để kịp thời phục vụ hoạt động khảo sát, thăm dò và khai thác dầu khí đang thực hiện tại Vịnh Bắc Bộ, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, Thủ tướng Chính phủ đồng ý Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí-PTSC Đình Vũ tiếp tục thực hiện đầu tư Dự án mở rộng cầu cảng PTSC Đình Vũ.

Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan hướng dẫn, chỉ đạo việc thực hiện đầu tư mở rộng cầu cảng của Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí-PTSC Đình Vũ với công năng và quản lý, khai thác sử dụng cầu cảng phù hợp với quy định về khoảng cách an toàn và các quy định khác có liên quan của pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải rà soát quy hoạch chi tiết phát triển các nhóm cảng biển, đề xuất điều chỉnh các khu vực cảng biển dành riêng cho phát triển hoạt động xăng, dầu.

Cảng biển PTSC Đình Vũ được xây dựng tại Khu công nghiệp Đình Vũ, phường Đông Hải II, quận Hải An, thành phố Hải Phòng với diện tích sử dụng đất 138.269 m2.

Công trình Cảng biển PTSC Đình Vũ gồm 250m bến tiếp nhận tàu đến 20.000DWT đủ tải, các cỡ tàu lớn hơn giảm tải và các tàu dịch vụ dầu khí khác cùng hệ thống kho 3.240 m2 , 64.965 m2 khu bãi hàng tổng hợp và hậu phương cảng, đường giao thông, kè bảo vệ bờ, các công trình kỹ thuật, phụ trợ, cấp điện, thoát nước, thông tin liên lạc đồng bộ.

Cảng PTSC Đình Vũ là cảng nước sâu có hệ thống giao thông rất thuận tiện về đường thủy, đường sắt và đường bộ, là cửa ngõ thông ra biển gần nhất. Cảng là địa điểm tập kết để vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu tới các vùng kinh tế trọng điểm của Việt Nam và thế giới, đồng thời là căn cứ dịch vụ kỹ thuật dầu khí quan trọng để phục vụ cho các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí tại khu vực Vịnh Bắc Bộ và đồng bằng Sông Hồng.

 .

Quyết chế tạo thành công thiết bị nhà máy nhiệt điện

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các Bộ, ngành, doanh nghiệp liên quan thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao để đảm bảo thành công Chương trình thí điểm thiết kế, chế tạo trong nước thiết bị các nhà máy nhiệt điện.

Tháng 11/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1791/QĐ-TTg phê duyệt cơ chế thực hiện thí điểm thiết kế, chế tạo trong nước thiết bị các nhà máy nhiệt điện được xây dựng và đưa vào vận hành giai đoạn 2012 - 2025.

Mục tiêu chung là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cơ khí chế tạo trong nước từng bước nâng cao năng lực, tiến tới làm chủ công nghệ thiết kế và chế tạo thiết bị cho các nhà máy nhiệt điện, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp cơ khí trong nước.

Sau gần 3 năm thực hiện Quyết định, các doanh nghiệp cơ khí đã thực hiện chế tạo nhiều thiết bị trong các nhà máy nhiệt điện. Tuy nhiên, việc thực hiện cũng còn một số điểm hạn chế cần có giải pháp khắc phục như cần có các đánh giá chi tiết hơn nữa về tỷ lệ tham gia của các doanh nghiệp trong nước trên tổng mức đầu tư của dự án, đối với từng hạng mục: Xây dựng, lắp đặt, tư vấn thiết kế, chế tạo thiết bị, gia công...

Để đảm bảo sự thành công của Chương trình thí điểm thiết kế, chế tạo trong nước thiết bị các nhà máy nhiệt điện, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Công Thương cần phối hợp với các Bộ, ngành, doanh nghiệp liên quan nghiên cứu, đánh giá kỹ hơn về việc thực hiện Quyết định số 1791/QĐ-TTg trong thời gian qua.

Cụ thể, về công tác tư vấn trong gói thầu EPC, các Bộ, ngành, doanh nghiệp cần phân tích kỹ sự tham gia của Tư vấn trong gói thầu EPC, trong đó có gói thầu EPC của dự án Vĩnh Tân 4, đánh giá các công việc tư vấn trong nước đã thực hiện được trong các giai đoạn thiết kế (thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công,…), các nội dung tư vấn trong nước tự thực hiện, tư vấn trong nước thực hiện có sự hỗ trợ của tư vấn nước ngoài và các nội dung do tư vấn nước ngoài thực hiện,…; giá trị và tỷ lệ thực hiện của tư vấn trong nước tại các dự án; đề xuất các giải pháp để nâng cao giá trị và tỷ lệ tự thực hiện của tư vấn trong nước; đề xuất các giải pháp để nâng cao giá trị và tỷ lệ tự thực hiện trong công tác tư vấn chế tạo.

Đồng thời, phân định rõ và đánh giá kỹ các hạng mục thiết bị, công trình doanh nghiệp trong nước tự thực hiện được; hạng mục có thể thực hiện được với sự hỗ trợ của doanh nghiệp, tư vấn nước ngoài; hạng mục chỉ có doanh nghiệp nước ngoài thực hiện được.

Rà soát, đánh giá kỹ năng lực, kinh nghiệm của các doanh nghiệp cơ khí, đơn vị tư vấn trong nước, bao gồm cả các doanh nghiệp có tên trong Quyết định số 1791/QĐ-TTg và các doanh nghiệp có năng lực và kinh nghiệm khác, trong đó có tham khảo nhận xét, đánh giá của Tổng thầu EPC; đề xuất việc đầu tư bổ sung hoặc nâng cấp các máy móc, thiết bị, phòng thí nghiệm và đào tạo thêm nguồn nhân lực để đáp ứng nhiệm vụ được giao. 

Phó Thủ tướng yêu cầu trong quá trình thực hiện, các doanh nghiệp cơ khí tham gia vào Chương trình thí điểm cũng cần phải tuân theo quy luật thị trường. Chủ đầu tư, Tổng thầu EPC là các đơn vị phải chịu trách nhiệm chính với các dự án do mình chủ đầu tư và chủ trì thực hiện, do đó cần căn cứ vào năng lực, kinh nghiệm, giá chào,... của các đơn vị cơ khí trong nước để quyết định việc sử dụng dịch vụ của các đơn vị, cùng với việc sử dụng khả năng tự thực hiện của các Chủ đầu tư và Tổng thầu EPC theo quy định. Trường hợp nhiều doanh nghiệp trong nước có thể thực hiện một gói thầu, đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, tiến độ theo quy định, cần tổ chức đấu thầu trong nước để lựa chọn nhà thầu thực hiện theo quy định.

 .

3 Tổng công ty được xếp hạng đặc biệt

Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đồng ý vận dụng xếp hạng Tổng công ty đặc biệt đối với 3 Tổng công ty Phát điện 1, Phát điện 2 và Phát điện 3.

Theo Quyết định 3023/QĐ-BCT của Bộ Công Thương, Tổng công ty Phát điện 1 (EVN GENCO 1) đã được thành lập và chính thức đi vào hoạt động kể từ ngày 1/1/2013.

Là đơn vị thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), do EVN sở hữu 100 % vốn điều lệ, EVN GENCO1 có nhiệm vụ tổ chức sản xuất điện một cách an toàn, ổn định và hiệu quả, vận hành thương mại trong thị trường phát điện cạnh tranh; Đầu tư các Dự án nguồn điện mới nhằm đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển kinh tế xã hội, đời sống sinh hoạt của nhân dân và sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước.

Tổng công ty Phát điện 2 (EVN GENCO2) được thành lập theo Quyết định 3024/QĐ-BCT ngày 1/6/2012 của Bộ Công Thương trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhiệt điện Cần Thơ; các Công ty phát điện hạch toán phụ thuộc, các Ban quản lý dự án nguồn điện và tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại một số Công ty phát điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.

EVN GENCO2 có ngành nghề chính như sản xuất kinh doanh điện năng, cơ khí điện lực; đầu tư và quản lý vốn các dự án nguồn điện; lập đầu tư xây dựng tư vấn quản lý dự án, giám sát thi công xây lắp công trình… Ngoài ra, các Công ty mẹ còn được kinh doanh các ngành nghề liên quan đến ngành nghề chính như khai thác, chế biến kinh doanh nhiên liệu, nguyên liệu phục vụ sản xuất…

Tổng Công ty Phát điện 3 (EVN GENCO 3) được thành lập theo Quyết định số 3025/QĐ-BCT ngày 01/06/2012 của Bộ Công Thương trên cơ sở tổ chức sắp xếp lại Công ty TNHH một thành viên Nhiệt điện Phú Mỹ, các công ty phát điện hạch toán phụ thuộc, các ban quản lý dự án nguồn điện và tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại một số công ty phát điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang hoạt động theo Luật doanh nghiệp.

Chức năng, nhiệm vụ chính của EVN GENCO 3 là sản xuất và kinh doanh điện năng, cơ khí động lực; đầu tư và quản lý vốn đầu tư các dự án nguồn điện.

 .

Cổ phần hóa Cty Hanel: Nhà đầu chiến lược nắm 61% vốn điều lệ

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đồng ý tỷ lệ cổ phần bán cho nhà đầu chiến lược khi cổ phần hóa Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH MTV) Hanel như đề nghị của UBND thành phố Hà Nội.

UBND thành phố Hà Nội quyết định tiêu chí và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược theo quy định hiện hành.

Theo kế hoạch sắp xếp đổi mới doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc UBND thành phố Hà Nội giai đoạn 2011-2015, Công ty TNHH MTV Hanel thực hiện cổ phần hóa trong năm 2015.

UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt giá trị doanh nghiệp tại thời điểm 31/12/2014 và phương án cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Hanel.

Cụ thể, Công ty TNHH MTV Hanel có vốn điều lệ 1.926 tỷ đồng, trong đó, cổ phần nhà nước 558,54 tỷ  đồng, chiếm 29% vốn điều lệ; cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp theo năm công tác 790 triệu đồng, chiếm 0,04% vốn điều lệ; cổ phần bán ưu đãi thêm cho người lao động theo mức 200 cổ phần/1năm cam kết làm việc tại doanh nghiệp sau cổ phần hóa là  462 triệu đồng, chiếm 0,02% vốn điều lệ; cổ phần bán cho các nhà đầu tư chiến lược là 1.174, 86 tỷ đồng, chiếm 61% vốn điều lệ; cổ phần bán đấu giá công khai  191,348 tỷ đồng, chiếm 9,94% vốn điều lệ./.

Top