Hà Nội

Thông tin báo chí về chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

06/10/2015 08:33

Quy định mới về cơ chế thu học phí

Học phí đối với các chương trình giáo dục đại trà cấp học mầm non và giáo dục phổ thông công lập năm học 2015 - 2016 từ 60.000 - 300.000 đồng/tháng/học sinh đối với khu vực thành thị; từ 30.000 - 120.000 đồng/tháng/học sinh đối với khu vực nông thôn và từ 8.000 - 60.000 đồng/tháng/học sinh đối với miền núi.

Từ năm học 2016 - 2017 trở đi, học phí đối với các chương trình giáo dục đại trà cấp học mầm non và giáo dục phổ thông công lập được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng tăng bình quân hàng năm do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo.

Nội dung trên được quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021.

Cũng theo Nghị định trên, mức trần học phí đối với các chương trình đào tạo đại trà trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư áp dụng theo các khối ngành, chuyên ngành đào tạo từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021 (kể cả các cơ sở giáo dục đại học được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động).

Nghị định cũng nêu rõ nguyên tắc xác định học phí. Cụ thể, đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông công lập, mức thu học phí phải phù hợp với điều kiện kinh tế của từng địa bàn dân cư, khả năng đóng góp thực tế của người dân và tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng hàng năm.

Học phí của các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư theo quy định của Chính phủ được xác định trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí do cơ quan có thẩm quyền ban hành và lộ trình tính đủ chi phí đào tạo.

Còn đối với các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư theo quy định của Chính phủ, học phí được xác định trên cơ sở tính toán có sự cân đối giữa hỗ trợ của Nhà nước và đóng góp của người học, thực hiện theo lộ trình giảm dần bao cấp của Nhà nước.

Các cơ sở giáo dục phải công bố công khai mức học phí cho từng năm học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, cho từng năm học cùng với dự kiến cho cả khóa học đối với giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp.

 .

Quy định về đầu tư ra nước ngoài

Nghị định quy định về đầu tư ra nước ngoài vừa được Chính phủ ban hành quy định chi tiết về hoạt động đầu tư ra nước ngoài nhằm mục đích kinh doanh; thủ tục đầu tư ra nước ngoài và quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài.

Trong đó quy định điều kiện để quyết định đầu tư, thẩm quyền, quy trình, thủ tục quyết định đầu tư đối với các dự án đầu tư ra nước ngoài có sử dụng vốn nhà nước thực hiện theo Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và các quy định của pháp luật có liên quan.

5 dự  án đầu tư phải có tài liệu xác nhận địa điểm thực hiện

Nghị định nêu rõ, 5 dự án đầu tư sau đây phải có tài liệu xác nhận địa điểm thực hiện dự án đầu tư: 1- Dự  án năng lượng; 2- Dự án nuôi, trồng, đánh bắt, chế biến sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy hải sản; 3- Dự án đầu tư trong lĩnh vực khảo sát, thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản; 4- Dự án đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất, chế biến, chế tạo; 5- Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh bất động sản, cơ sở hạ tầng.

Tài liệu xác nhận địa điểm thực hiện dự án đầu tư gồm một trong các loại sau:  i- Giấy phép đầu tư hoặc văn bản có giá trị tương đương của quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận đầu tư, trong đó có nội dung xác định địa điểm và quy mô sử dụng đất; ii- Quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; iii- Hợp đồng trúng thầu, thầu khoán hoặc hợp đồng giao đất, cho thuê đất; hợp đồng hợp tác đầu tư, kinh doanh, trong đó xác định rõ địa điểm, quy mô sử dụng đất; iv- Thỏa thuận nguyên tắc về việc giao đất, cho thuê đất, thuê địa điểm kinh doanh, thỏa thuận hợp tác đầu tư, kinh doanh của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền tại quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận đầu tư.

Quy định chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài

Nghị định cũng quy định, nhà đầu tư được chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài để thực hiện hoạt động đầu tư tại nước ngoài theo quy định tại Điều 64 của Luật Đầu tư.

Nhà đầu tư  được chuyển ngoại tệ, hàng hóa, máy móc, thiết bị ra nước ngoài trước khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài để đáp ứng các chi phí cho hoạt động hình thành dự án đầu tư, bao gồm:  Nghiên cứu thị trường và cơ hội đầu tư; khảo sát thực địa; nghiên cứu tài liệu; tham gia đấu thầu quốc tế, đặt cọc, ký quỹ hoặc các hình thức bảo lãnh tài chính khác, thanh toán chi phí, lệ phí theo yêu cầu của bên mời thầu, quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận đầu tư liên quan đến điều kiện tham gia đấu thầu, điều kiện thực hiện dự án đầu tư...

Việc chuyển ngoại tệ, hàng hóa, máy móc, thiết bị ra nước ngoài nêu trên thực hiện theo quy định của pháp luật tương ứng liên quan tới ngoại hối, xuất khẩu, hải quan, công nghệ.

Hạn mức chuyển ngoại tệ ra nước ngoài trước khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài để đáp ứng các chi phí cho hoạt động hình thành dự án đầu tư không vượt quá 5% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài và không quá 300.000 đô la Mỹ, được tính vào tổng vốn đầu tư ra nước ngoài.

 .

Thủ tướng bổ nhiệm 4 Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

Thủ tướng Chính phủ vừa ký các quyết định bổ nhiệm 4 Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Cụ thể, tại Quyết định 1698/QĐ-TTg, Thủ tướng bổ nhiệm Trung tướng Lê Chiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Tại Quyết định 1699/QĐ-TTg, Thủ tướng bổ nhiệm Trung tướng Võ Trọng Việt, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Bộ đội biên phòng, giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Tại Quyết định 1700/QĐ-TTg, Thủ tướng bổ nhiệm Trung tướng Bế Xuân Trường, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Tại Quyết định 1701/QĐ-TTg, Thủ tướng bổ nhiệm Trung tướng Trần Đơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh quân khu 7, giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

 .

Bổ sung Phó Chủ tịch tỉnh Kon Tum

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định phê chuẩn việc bầu bổ sung chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với bà Trần Thị Nga, Tỉnh ủy viên, nguyên Bí thư Huyện ủy Kon Rẫy.

Trước đó, ngày 25/9, Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum khóa X đã tiến hành kỳ họp bất thường, bầu bổ sung một Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016. Với 90,9% số phiếu bầu, bà Trần Thị Nga đã trúng cử vào chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum.

Bà Trần Thị Nga sinh năm 1966, dân tộc Kinh, quê quán ở xã Bình Trung, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam; trình độ chuyên môn Thạc sỹ kinh tế, cao cấp lý luận chính trị. Trước khi trúng cử vào chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, bà Nga là Ủy viên Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, Bí thư Huyện ủy Kon Rẫy.

 .

Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng có ý kiến về tòa nhà 8B Lê Trực

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng có ý kiến chính thức bằng văn bản về việc đầu tư xây dựng Dự án tại số 8B phố Lê Trực, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ  đã chỉ đạo UBND TP. Hà Nội chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định về quản lý quy hoạch kiến trúc và đầu tư xây dựng Dự án Trung tâm thương mại, văn phòng, nhà ở tại số 8B Lê Trực, Ba Đình, Hà Nội.

Theo UBND thành phố Hà Nội, việc cho phép lập dự án, chấp thuận quy hoạch tổng mặt bằng và phương án kiến trúc, cấp Giấy phép xây dựng, đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Vị trí khu đất nằm ngoài ranh giới Quy hoạch chi tiết Trung tâm chính trị Ba Đình, không có quy định cụ thể khống chế về chiều cao tối đa của công trình tại địa điểm này.

Bước đầu đã xác định chủ  đầu tư trong quá trình triển khai Dự án đã xây dựng sai so với Giấy phép xây dựng được cấp. Cụ thể, chủ  đầu tư đã tự ý điều chỉnh tăng chiều cao các tầng, xây lên chiều cao thực tế khoảng 69 m, vượt khoảng 16 m, tương đương với 5 tầng. Diện tích sàn đã xây dựng khoảng 36.000 m2, cũng tăng khoảng 6.126 m2 so với giấy phép xây dựng (29.874 m2)...

 .

Khuyến khích phát triển GTVT đường thủy nội địa

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa gồm cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phương tiện thủy nội địa; hỗ trợ hoạt động khai thác vận tải và dịch vụ vận tải thủy nội địa...

Cụ thể, về cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phương tiện thủy nội địa, sẽ miễn lệ phí trước bạ đối với phương tiện thủy nội địa chở khách tốc độ cao và phương tiện thủy nội địa vận tải công-ten-nơ.

UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào nguồn lực địa phương hỗ trợ lãi suất vay vốn tại tổ chức tín dụng đối với các dự án đầu tư đóng mới phương tiện thủy nội địa đẩy, kéo có trọng tải 1.500 tấn và công suất máy 250 sức ngựa trở lên; phương tiện thủy nội địa tự hành và phương tiện thủy nội địa chuyên dụng có trọng tải 800 tấn trở lên vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy nội địa, phù hợp với điều kiện khai thác của tuyến đường thủy nội địa; hỗ trợ lãi suất vay vốn tại tổ chức tín dụng đối với việc đóng mới phương tiện thủy chở khách ngang sông tại những nơi có điều kiện kinh tế khó khăn, chưa có điều kiện phát triển hình thức giao thông khác.

Trợ giá vận tải hành khách công cộng

Ngoài ra, nhằm hỗ trợ hoạt động khai thác vận tải và dịch vụ vận tải thủy nội địa, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào nguồn lực địa phương sẽ trợ giá hoặc hỗ trợ chi phí cho hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy nội địa; miễn tiền vé đối với trẻ em dưới 6 tuổi; giảm giá vé đối với người có công với cách mạng, người khuyết tật nặng và người khuyết tật đặc biệt nặng, người cao tuổi, học sinh, sinh viên là công dân Việt Nam.

Ngoài ra, Nhà nước cũng hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo, hướng dẫn người điều khiển phương tiện thủy nội địa thuộc các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Để được hưởng các cơ chế, chính sách trên, các doanh nghiệp phải đảm bảo các điều kiện hoạt động trong lĩnh vực đường thủy nội địa theo quy định của pháp luật. Các dự án về đầu tư phương tiện thủy nội địa, dự án đầu tư kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa phải có quy hoạch được duyệt.

Quyết định cũng nêu rõ, trong trường hợp cùng thời gian, một số nội dung có nhiều chính sách hỗ trợ từ các chương trình, dự án khác nhau thì  đối tượng thụ hưởng được lựa chọn áp dụng một chính sách hỗ trợ có lợi nhất.

Được biết, mặc dù có nhiều lợi thế nhưng vận tải đường thủy nội địa chưa phát huy, do cơ sở hạ tầng chủ yếu vẫn lợi dụng điều kiện tự nhiên. Hoạt động vận tải thủy nội địa đã được xã hội hóa, tuy nhiên quy mô tổ chức điều hành hoạt động kinh doanh vận tải thủy còn manh mún. Để triển khai các quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa và Luật Đầu tư năm 2014, việc Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa là cần thiết.

 .

Thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông sản vào Singapore

Thủ tướng Chính phủ vừa có  ý kiến chỉ đạo về các biện pháp thúc đẩy xuất khẩu nông sản, thủy sản và thực phẩm Việt Nam vào thị trường Singapore.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì đàm phán, ký kết Hiệp định Thỏa thuận công nhận lẫn nhau trong lĩnh vực nông sản, thủy sản; làm việc với Cục Kiểm dịch Động-Thực vật và Vệ sinh an toàn thực phẩm Singapore (AVA) để tăng cường hợp tác, trao đổi nhằm thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thủy sản và thực phẩm của Việt Nam vào thị trường Singapore.

Bộ Công Thương chủ trì xây dựng các chương trình xúc tiến thương mại về thúc đẩy mặt hàng nông sản, thủy sản và thực phẩm tại thị trường Singapore; kết nối các doanh nghiệp xuất khẩu nhóm hàng nêu trên với các doanh nghiệp nhập khẩu phía Singapore.

Trong 3 năm qua, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Singapore tăng trưởng đạt bình quân trên 12%/năm. Xuất khẩu của Việt Nam sang Singapore năm 2014 đạt 2,93 tỷ USD, tăng 10,4% so với năm 2013; kim ngạch nhập khẩu đạt 6,83 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2013.

Singapore hàng năm nhập khẩu 90% lương thực, thực phẩm để đáp ứng nhu cầu trong nước. Các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Singapore là rau quả, cà phê, hạt tiêu.., tăng trưởng trong những năm gần đây, đạt 19,5%/năm. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này tăng 1,3 lần từ 274,6 triệu USD (2012) lên đến 355,8 triệu USD (năm 2014). Tỷ trọng nhập khẩu nhóm hàng này của Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Singapore tăng từ 2,9% (năm 2012) lên 4,1% (năm 2014).

Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng nông sản, thủy sản sang thị trường Singapore gồm một số mặt hàng chủ yếu: Hạt tiêu (Singapore là 1 trong 5 thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam); Thủy sản (đứng thứ 3); Gạo (đứng thứ 3); Rau quả (đứng thứ 6); Cà phê, hạt điều và cao su đều chiếm tỷ trọng không nhỏ.

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông thủy sản của Việt Nam sang Singapore tăng trưởng tốt trong những năm gần đây, tuy nhiên chưa thực sự tương xứng với tiềm lực giữa hai nước.

 .

Đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt đô thị

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp với các nhà tài trợ về các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo thông báo kết luận, phát triển các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là hết sức cấp bách, tuy nhiên tiến độ thực hiện các dự án đường sắt đô thị chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác giải phóng mặt bằng được triển khai rất chậm; năng lực chủ đầu tư, các ban quản lý dự án còn hạn chế. Công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành và địa phương thiếu chặt chẽ, chưa kịp thời.

Để giải quyết cơ bản tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, các Bộ, ngành và địa phương phải thực sự quyết tâm, chủ động, tích cực, phối hợp chặt chẽ kịp thời tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, phấn đấu hình thành mạng đường sắt đô thị hoàn chỉnh bảo đảm sự gắn kết hợp lý hơn 300 km đường sắt đô thị ở mỗi thành phố.

Phó Thủ tướng yêu cầu các dự  án đường sắt đô thị cần tuân thủ nguyên tắc người quyết định đầu tư và chủ đầu tư là người chịu trách nhiệm cao nhất. Các Bộ, ngành cần nghiên cứu để áp dụng cơ chế ủy quyền ra quyết định trong những trường hợp cần thiết, tránh tình trạng đẩy việc quyết định lên cấp cao hơn. Các Bộ, ngành và địa phương cần nỗ lực, kịp thời xử lý, giải quyết những khó khăn, vướng mắc về vốn đối ứng.

UBND thành phố Hà Nội, UBND Thành phố Hồ Chí Minh cần tích cực và quyết liệt đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, đáp ứng tiến độ thực hiện các dự án đường sắt đô thị.

Bộ Giao thông vận tải, UBND thành phố Hà Nội, UBND Thành phố Hồ Chí Minh tập trung nâng cao năng lực chủ đầu tư, ban quản lý dự án đường sắt đô thị.

Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải khẩn trương ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy phạm quản lý, vận hành, sửa chữa đối với đường sắt đô thị (bao gồm cả việc đồng bộ về vé tàu) để áp dụng đồng bộ đối với tất cả các dự án đường sắt đô thị nhằm đảm bảo tiện lợi nhất cho hành khách.

UBND thành phố Hà Nội và UBND Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục rà soát lại toàn bộ quy hoạch đường sắt đô thị, xác định những bất hợp lý  để kịp thời điều chỉnh, bảo đảm sự kết nối tốt giữa các tuyến nhằm tạo thuận tiện tối đa cho hành khách. Giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì kiểm tra thường xuyên vấn đề này.

Các chủ đầu tư hết sức lưu ý tổ chức thi công và các giải pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối trong quá trình thi công công trình.

Top