Hà Nội

Thông tin báo chí về chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

26/08/2015 17:54

Thủ tướng chỉ thị tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh than

Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị 21/CT-TTg yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh than.

Thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 25/4/2011 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; đồng thời để triển khai Luật Khoáng sản năm 2010, nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến, kinh doanh than, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi khai thác, vận chuyển và kinh doanh than trái phép; xử lý nghiêm theo quy định đối với cán bộ, công chức, viên chức có hành vi tiếp tay, bao che cho hoạt động sản xuất, kinh doanh than trái phép.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thường xuyên theo dõi việc thực thi pháp luật trong hoạt động sản xuất và kinh doanh than; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong quá trình thực hiện Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đồng thời rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động kinh doanh than nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh than; rà soát, sửa đổi bổ sung Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/12/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo hướng tăng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ và tiêu thụ hàng hóa là khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp.

Xử lý kịp thời việc khai thác, kinh doanh than trái phép

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương định kỳ tổ chức thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện sản xuất và kinh doanh than, công tác bảo đảm an toàn lao động trong hoạt động sản xuất than; kiểm tra các điểm khai thác, vận chuyển, chế biến, các bãi tập kết, mua bán than nhằm phát hiện và xử lý kịp thời việc khai thác, vận chuyển và kinh doanh than trái phép.

Bộ Quốc phòng chỉ đạo các lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, Bộ đội Biên phòng phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan (Quản lý thị trường, Công an,...) tăng cường kiểm tra, kiểm soát các tuyến biên giới, vùng biển và hải đảo để kịp thời ngăn chặn việc kinh doanh, xuất khẩu than trái phép, đặc biệt là thông qua đường biển.

Bộ Công an chỉ đạo lực lượng Công an (đặc biệt là Công an các tỉnh biên giới) phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan (Quản lý thị trường, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng,...) tăng cường các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh theo quy định đối với các hành vi buôn lậu và gian lận thương mại trong hoạt động kinh doanh than trên đất liền và các vùng nước thuỷ nội địa.

Bộ Công Thương phê duyệt biểu đồ cấp than cho sản xuất điện từ nguồn than trong nước do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Đông Bắc sản xuất và chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam mua than trong nước cho sản xuất điện từ hai đơn vị này.

Đẩy nhanh tiến độ thẩm định, cấp phép đầu tư mỏ than

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh tiến độ thẩm định, cấp phép để thực hiện các đề án thăm dò, dự  án đầu tư mỏ than theo tiến độ theo Quy hoạch đã  được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tại vùng than Quảng Ninh, trước mắt chỉ cấp Giấy phép thăm dò, khai thác cho Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Đông Bắc theo Quy hoạch đã được duyệt.

Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, khoanh định và công bố khu vực khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ đối với than theo quy định (đặc biệt là khu vực lộ vỉa than nhỏ lẻ trong ranh giới các mỏ than nằm xen kẽ trong các khu dân cư đã giao cho ngành than quản lý, khai thác); tập trung thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường trong khai thác, vận chuyển và kinh doanh than.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan nghiên cứu, đề xuất các biện pháp liên quan đến quản lý tài chính (hoá đơn, thuế, phí, lệ phí) nhằm nâng cao hiệu quả việc ngăn chặn gian lận thương mại trong hoạt động kinh doanh than, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu than.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có hoạt động sản xuất, kinh doanh than tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động sản xuất và kinh doanh than để ngăn chặn, xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật việc khai thác, chế biến, vận chuyển, tập kết và kinh doanh than trái phép; khẩn trương hoàn thành việc cập nhật, điều chỉnh hoặc lập và phê duyệt Quy hoạch các bến cảng, kho bãi kinh doanh than trên địa bàn quản lý theo thẩm quyền.

Đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương (Thuế, Quản lý thị trường, Tài nguyên và Môi trường, Công an, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng, Hải quan) đẩy mạnh kiểm tra việc thực hiện quy định về môi trường đối với các dự án khai thác, chế biến than trên địa bàn; kiểm tra các tuyến đường vận chuyển, bến bãi, cảng biển tập kết than; duy trì thường xuyên các lực lượng tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường bộ, sông, biển để phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp kinh doanh than trái phép theo quy định.

UBND tỉnh Quảng Ninh chủ trì cùng với hai đơn vị  được phép khai thác than trên địa bàn là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Đông Bắc phối hợp với các tỉnh, thành phố có liên quan đến hoạt động sản xuất và kinh doanh than ký Quy chế phối hợp trong công tác quản lý, trao đổi thông tin để kiểm tra, kịp thời xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về khai thác, kinh doanh than.

Tăng cường công tác chế biến để nâng cao chất lượng than

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc quản lý chặt chẽ ranh giới mỏ được giao; tăng cường công tác quản lý nguồn than từ nơi khai thác, trên đường vận chuyển đến các bãi, cảng tiêu thụ; quản lý tốt các phương tiện vận chuyển than đi tiêu thụ nội địa; quản lý chặt chẽ đất đá thải mỏ, bã sàng, đá xít có than.

Rà soát, hoàn thiện quy chế cung cấp than cho các hộ tiêu thụ trong nước; tăng cường kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý theo quy định các hoạt động khai thác, kinh doanh than trái phép trong ranh giới quản lý được giao; chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng và triển khai thực hiện tốt quy chế phối hợp trong việc quản lý, bảo vệ tài nguyên, ranh giới mỏ được giao; thường xuyên cung cấp thông tin có liên quan cho địa phương có hoạt động sản xuất, kinh doanh than về các quy định tiêu thụ than để phối hợp quản lý các hoạt động khai thác, kinh doanh than.

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc Tăng cường công tác chế biến để nâng cao chất lượng than đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước, giảm tồn kho các loại than chất lượng thấp; chỉ đạo các đơn vị thành viên thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn lao động, các quy định của pháp luật về khoáng sản và pháp luật khác có liên quan trong hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến và kinh doanh than.

 ---------------------------------

Nhân sự UBND tỉnh Long An

Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Phạm Văn Rạnh, để nhận nhiệm vụ mới.

 ----------------------------------

TCty Cảng hàng không VN làm chủ  đầu tư dự án sân bay Long Thành

Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam làm chủ đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Thủ tướng Chính phủ giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam chịu trách nhiệm sử dụng kinh phí từ nguồn vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp để tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 của dự án trình Thủ tướng Chính phủ trước khi báo cáo Hội đồng thẩm định nhà nước theo quy định của pháp luật.

Trước đó, dự án sân bay quốc tế Long Thành đã chính thức được Quốc hội thông qua vào sáng 25/6/2015.

Dự án sân bay quốc tế Long Thành sẽ triển khai tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Mục tiêu của dự án là xây dựng sân bay Long Thành đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), là sân bay quốc tế quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực.

Công suất dự kiến đạt 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm, được chia làm 3 giai đoạn. Trong đó giai đoạn 1 chậm nhất năm 2025 phải hoàn thành và đưa vào khai thác 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.

Giai đoạn 2 và 3 tiếp tục làm thêm đường cất hạ cánh và nhà ga để khi hoàn thành sẽ đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Tổng mức đầu tư khái toán cho toàn bộ dự án là 336.630 tỷ đồng (16,03 tỷ USD), trong đó giai đoạn 1 là 114.450 tỷ đồng (5,45 tỷ USD).

Dự án được sử dụng một phần vốn ngân sách Nhà nước, vốn cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước của ngành Hàng không, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn doanh nghiệp, vốn đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP) và các loại vốn khác theo quy định của pháp luật.

Diện tích đất của dự án là 5.000 ha, trong đó, diện tích xây dựng kết cấu hạ tầng sân bay là 2.750 ha; diện tích đất cho quốc phòng là 1.050 ha; diện tích đất dành cho hạng mục phụ trợ và công nghiệp hàng không, các công trình thương mại khác là 1.200 ha.

Dự án được áp dụng các công nghệ hiện đại trong việc xây dựng, quản lý và vận hành như các cảng hàng không quốc tế tiên tiến trên thế giới, bảo đảm năng lực khai thác đồng bộ theo tiêu chí an toàn, thuận tiện, chất lượng và hiệu quả.

-------------------------------------

Cấp điện cho xã đảo Lại Sơn, tỉnh Kiên Giang

Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề nghị của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và ý kiến của các Bộ về mục tiêu của Dự án cấp điện lưới quốc gia cho xã đảo Lại Sơn, tỉnh Kiên Giang.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu EVN thực hiện và chỉ đạo Tổng công ty Điện lực miền Nam triển khai thực hiện Dự án theo đúng các quy định hiện hành về đấu thầu, tự chịu trách nhiệm, đảm bảo chất lượng, tiến độ và tiết kiệm.

Tỉnh Kiên Giang và Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang phối hợp triển khai thực hiện dự án cấp điện lưới quốc gia cho 7 xã đảo của tỉnh: Hòn Heo-xã Sơn Hải, Hòn Nghệ (Kiên Lương); Hòn Đốc-xã Tiên Hải (thị xã Hà Tiên); Lại Sơn, An Sơn, Nam Du (Kiên Hải); Hòn Thơm (Phú Quốc) với tổng vốn đầu tư khoảng 1.506 tỉ đồng do Tổng Công ty Điện lực miền Nam làm chủ đầu tư.

Đây sẽ là điều kiện, cơ sở thuận lợi để các địa phương vùng biển đảo Kiên Giang khai thác hiệu quả kinh tế thủy sản; phát triển du lịch; mời gọi, thu hút đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế biển có lợi thế. Điện lưới quốc gia ra đảo góp phần nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của người dân, thu hút khách du lịch đến đảo, cải thiện môi trường xã hội vùng biển.

Các hạng mục công trình của dự án bao gồm đường dây 110kV An Minh-Lại Sơn vượt biển gần 44km, 2 trạm biến áp Lại Sơn 25 MVA, lưới điện trung thế trên không hơn 53km, cáp ngầm trung thế gần 38km.

Ngoài ra, dự án còn có lưới điện trung thế trên biển hơn 36km, lưới điện hạ thế 45,5km, trạm biến áp phân phối, công tơ, nhánh rẽ và hệ thống đấu nối sau côngtơ cho hơn 6.800 hộ dân trên các xã đảo.

Dự kiến trong tháng 9/2015 tới sẽ khởi công xây dựng công trình cấp điện quốc gia cho xã đảo Lại Sơn (Kiên Hải) đường dây 110 kV An Minh-Lại Sơn.

Dự án cung cấp điện quốc gia cho các xã đảo tỉnh Kiên Giang khi hoàn thành đưa vào vận hành cung cấp điện sinh hoạt, sản xuất ổn định cho hàng nghìn hộ dân sinh sống trên đảo, góp phần phát triển kinh tế biển và đảm bảo an ninh-quốc phòng.

 ---------------------------

Tiếp tục bố trí vốn củng cố  đê biển

Thủ tướng Chính phủ  đồng ý tiếp tục bố trí vốn đầu tư phát triển từ ngân sách trung ương giai đoạn 2016 - 2020 để thực hiện Chương trình đầu tư củng cố, bảo vệ và nâng cấp đê biển hiện có tại các tỉnh có đê từ Quảng Ninh đến Quảng Nam.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố rà soát lại quy mô các dự án đã phê duyệt (bao gồm cả các dự án đang đầu tư dở dang), sắp xếp thứ tự ưu tiên, gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp; chủ động bố trí kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, trong đó tập trung bố trí vốn thanh toán khối lượng đã thực hiện, xử lý nợ xây dựng cơ bản theo đúng Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 30/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ, chỉ bố trí vốn cho dự án khởi công mới sau khi có ý kiến thẩm định chủ trương đầu tư của cơ quan có thẩm quyền theo đúng quy định của Luật Đầu tư công.

Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính rà soát, tổng hợp danh mục các dự án có khối lượng nợ xây dựng cơ bản đến ngày 31/12/2014 của các địa phương;  tổng hợp danh mục dự án đầu tư giai đoạn 2016-2020, trong đó ưu tiên bố trí vốn xử lý nợ xây dựng cơ bản, các dự án đang triển khai đầu tư dở dang nhằm phát huy hiệu quả đầu tư; chỉ bố trí vốn cho các dự án khởi công mới thực sự cấp bách của các địa phương sau khi hoàn thành các thủ tục theo quy định của Luật Đầu tư công trên cơ sở đề xuất ưu tiên của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Rà soát lại hệ thống đê biển

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường kiểm tra, quản lý  quy hoạch, kỹ thuật theo chức năng, nhiệm vụ được giao; chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố và các Bộ, cơ quan liên quan rà soát lại quy hoạch hệ thống đê biển trong điều kiện tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và siêu bão, trên cơ sở đó có giải pháp chủ động ứng phó trong giai đoạn trước mắt, cũng như lâu dài, phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực; nghiên cứu xây dựng, ban hành cơ chế quản lý, duy tu bảo dưỡng, chống xuống cấp đê biển.

Chương trình đầu tư củng cố, bảo vệ và nâng cấp đê biển hiện có tại các tỉnh có đê từ Quảng Ninh đến Quảng Nam được triển khai bắt đầu từ năm 2006.

Mục tiêu của Chương trình nhằm chủ  động phòng, chống lụt bão, nước biển dâng, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra; tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương, góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng ven biển. Về lâu dài, xây dựng hệ thống đê điều kiên cố, bảo đảm an toàn phòng, chống lụt bão, lũ...

 ---------------------------------

Nâng cấp đường nội bộ khu tái định cư Trà Bui, Trà Đốc (Quảng Nam)

Thủ tướng Chính phủ  đồng ý Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sử dụng nguồn vốn dự phòng của Dự án thủy điện Sông Tranh 2 để hỗ trợ tỉnh Quảng Nam thực hiện đầu tư sửa chữa, nâng cấp đường giao thông nội bộ các khu tái định cư Trà Bui, Trà Đốc.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Quảng Nam làm việc với EVN để thống nhất việc hỗ trợ cụ thể; hoàn chỉnh thủ tục đầu tư Dự án theo quy định; quyết định cơ quan làm chủ đầu tư của Dự án phù hợp với năng lực và chủ trương phân cấp đầu tư.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam, đoạn đường 12,5 km/tổng số 21,2 km trong Khu tái định cư Trà Bui, Trà Đốc, huyện Bắc Trà My là đường cấp phối, nhiều đoạn đã bị xói lở hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến giao thông, sinh hoạt của nhân dân.

 ----------------------------------

Quy hoạch GTVT đường sắt theo hướng hiện đại, chi phí hợp lý

Giao thông vận tải đường sắt được quy hoạch phát triển theo hướng đồng bộ về kết cấu hạ tầng, phương tiện, dịch vụ vận tải và công nghiệp đạt trình độ tiên tiến, hiện đại, chất lượng cao, chi phí hợp lý, nhanh, an toàn...

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo đó, sẽ quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường sắt phù hợp với chiến lược phát triển giao thông vận tải Việt Nam, chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam; gắn kết chặt chẽ với quy hoạch phát triển của các lĩnh vực giao thông vận tải khác và các quy hoạch có liên quan; phát triển mạng đường sắt kết nối với các cảng biển lớn, các khu công nghiệp và các quốc gia có chung biên giới để thúc đẩy hội nhập quốc tế; nhanh chóng phát triển mạng đường sắt đô thị làm nòng cốt trong vận tải công cộng tại các thành phố lớn, trước mắt ưu tiên Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Từng bước nâng cao thị phần vận tải và phát triển vận tải đường sắt theo hướng hiện đại, chất lượng cao, chi phí hợp lý, nhanh, an toàn, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, tiết kiệm chi phí xã hội; phát triển mạnh vận tải đa phương thức, dịch vụ logistics và các công trình hỗ trợ cho vận tải hàng hóa...

Xây dựng một số tuyến đường sắt mới

Cụ thể, về vận tải đường sắt, phấn đấu giao thông vận tải đường sắt đáp ứng khoảng 3-4% về nhu cầu vận tải hành khách và khoảng 4-5% về nhu cầu vận tải hàng hóa trong tổng khối lượng vận tải của toàn ngành giao thông vận tải; tập trung phát triển dịch vụ vận tải đường dài; phát triển nhanh dịch vụ vận tải khối lượng lớn; mở rộng liên kết vận tải quốc tế, khu vực và các quốc gia có chung biên giới.

Về kết cấu hạ tầng, bên cạnh việc hoàn thành cải tạo, nâng cấp mạng đường sắt hiện có thì tiến hành xây dựng một số tuyến đường sắt mới như xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao; nghiên cứu, xây dựng các tuyến đường sắt kết nối với cảng biển, khu kinh tế, khu công nghiệp, du lịch; nghiên cứu, xây dựng các tuyến đường sắt ven biển; nghiên cứu, xây dựng các tuyến đường sắt kết nối các tỉnh khu vực Tây Nguyên...

 ------------------------------

Thoái vốn nhà nước tại TCty Thủy sản Việt Nam

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh vừa có  ý kiến chỉ đạo về việc thoái vốn nhà nước tại Tổng công ty Thủy sản Việt Nam.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo khẩn trương thực hiện việc quyết toán, bàn giao vốn từ công ty nhà nước sang công ty cổ phần theo quy định tại Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần và Thông tư số 202/2011/TT-BTC ngày 30/12/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn, xử lý tài chính và xác định giá trị doanh nghiệp, khi thực hiện chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần theo quy định tại Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu người đại diện phần vốn nhà nước tại Tổng công ty Thủy sản Việt Nam - Công ty cổ phần dừng việc thoái vốn (nếu có) tại các công ty con, công ty liên kết.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện bán hết phần vốn nhà nước đang nắm giữ tại Tổng công ty Thủy sản Việt Nam - Công ty cổ phần trong năm 2015 theo đúng quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện./.

Top