Hà Nội

Thông tin báo chí về chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

29/07/2015 17:38

Nhân sự một số Bộ

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định bổ nhiệm lại và kéo dài thời gian giữ chức vụ đối với một số lãnh đạo.

Cụ thể, tại Quyết định số 1174/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm lại ông Nguyễn Đồng Tiến giữ chức Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Đồng thời, tại Quyết định số 1175/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm lại ông Hoàng Văn Thắng giữ chức Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý kéo dài thời gian giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Y tế đối với bà Nguyễn Thị Xuyên sinh ngày 10/2/1956 đến thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.

Tại Quyết định 1177/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ quyết định bà Nguyễn Thúy Hiền thôi giữ chức Thứ trưởng Bộ Tư pháp để nhận nhiệm vụ mới.

Báo cáo Thủ tướng việc tạm dừng thu phí sử dụng đường bộ xe mô tô

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ Giao thông vận tải xem xét đề nghị của Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương về việc tạm dừng thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với xe mô tô từ ngày 1/1/2016, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/9/2015.

Trước đó, Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tạm thời dừng thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với xe mô tô.

Theo Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương, sau hơn 2 năm thực hiện chính sách thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với môtô, có thể thấy rõ công tác thu phí rất khó khăn, hiệu quả thấp. Năm 2013 và 2014 số thu chỉ đạt khoảng hơn 21% kế hoạch thu. Sang năm 2015, số thu 6 tháng đầu năm 2015 giảm rõ rệt so với cùng kỳ các năm trước và mới chỉ đạt 6,71% kế hoạch năm.

Số thu phí đối với xe mô tô thấp là do việc tổ chức thu ở cấp xã, phường chưa đồng bộ, chưa thống nhất từ khâu quản lý số lượng xe mô tô trên địa bàn đến việc tổ chức thu và nộp vào ngân sách. 

Ngoài ra, chế tài xử phạt được quy định tại Điều 11, Thông tư số 133/2014/TT-BTC ngày 11/9/2014 của Bộ Tài chính chưa khả thi, khó kiểm soát vì thẩm quyền xử phạt không phải do cơ quan công an mà do cơ quan thuế, thanh tra Sở chuyên ngành, UBND các cấp thực hiện.

Hiện nay có địa phương thực hiện thu, nhưng cũng có địa phương lại chưa thu hoặc dừng thu (như TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa...) tạo nên sự không công bằng và tạo dư luận không tốt trong xã hội.

Do đó, trong khi chờ sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép tạm thời dừng thu phí sử dụng đường bộ đối với mô tô từ ngày 1/1/2016.

Bổ sung vốn dự án “Cấp nước và nước thải đô thị”

Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải vừa đồng ý chủ trương bổ sung 20 triệu USD vốn vay Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) của WB cho Dự án “Cấp nước và nước thải đô thị - Giai đoạn I”, vay vốn WB.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan làm việc với WB để thống nhất mức phân bổ vốn bổ sung cho các dự án thành phần; trong trường hợp phát sinh thay đổi so với mức được phê duyệt, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng thống nhất với WB về hình thức tiếp nhận vốn bổ sung cho Hiệp định Tài trợ đã ký với WB để thực hiện các thủ tục tiếp theo.

Dự án “Cấp nước và nước thải đô thị - Giai đoạn I” gồm 2 Hợp phần: Hợp phần 1- Đầu tư hệ thống cấp và thoát nước thải gồm 14 dự án thành phần được thực hiện tại 10 tỉnh: Quảng Ninh, Ninh Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Trị, Quảng Nam, Kiên Giang, Lâm Đồng, Bình Dương, Bình Phước.

Hợp phần 2- Hỗ trợ kỹ thuật được thực hiện bởi 02 Cơ quan trung ương là Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Xây dựng.

Tổng vốn của Dự án là 236,2 triệu USD, gồm vay vốn IDA của WB 200 triệu USD, vốn đối ứng là 36,2 triệu USD. Thời gian thực hiện từ 2011-2016.

Đến nay, tiến độ thi công của Dự án đạt 57,4% và giải ngân đạt 45%, dự kiến Dự án sẽ đảm bảo hoàn thành theo đúng tiến độ cam kết với WB.

Thí điểm XNK, tái xuất hàng hóa qua Lối mở A Pa Chải

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý thí điểm hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu (XNK), tái xuất hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất qua Lối mở A Pa Chải, tỉnh Điện Biên; thời gian thí điểm đến hết năm 2016.

Phó Thủ tướng lưu  ý, việc XNK hàng hóa và tái xuất hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất qua Lối mở A Pa Chải phải tuân thủ đầy đủ các điều kiện theo quy định hiện hành.

Phó Thủ tướng giao UBND tỉnh Điện Biên làm việc với các Bộ, cơ quan liên quan để được hướng dẫn và bố trí lực lượng chức năng, bảo đảm cơ sở kỹ thuật ở Lối mở A Pa Chải theo đúng quy định; trên cơ sở đó, công bố và tổ chức thực hiện, bảo đảm tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của các Bộ, ngành liên quan.

UBND tỉnh Điện Biên chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan quản lý chặt chẽ hoạt động XNK và tái xuất hàng hóa qua Lối mở A Pa Chải; chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra buôn lậu, thẩm lậu.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc quá trình thực hiện; hết thời gian thí điểm, tổ chức đánh giá kết quả thực hiện, báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ.

Theo UBND tỉnh Điện Biên, Lối mở A Pa Chải từ lâu đã là lối đi truyền thống phục vụ mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới, giao lưu văn hóa giữa cư dân 2 bên biên giới Việt Nam-Trung Quốc.

Việc thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách tại Lối mở A Pa Chải, tỉnh Điện Biên là rất cần thiết, sẽ cho phép khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương; đồng thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thúc đẩy XNK, tạm nhập tái xuất hàng hóa, phát triển kinh tế biên mậu, tạo động lực thu hút đầu tư vào Lối mở A Pa Chải, góp phần xóa đói giảm nghèo, giữ vững ổn định chính trị, an ninh, quốc phòng vùng biên giới.

Hiện nay, cơ sở vật chất, kỹ thuật hạ tầng tại Lối mở A Pa Chải đã từng bước được đầu tư xây dựng hoàn thiện, hoạt động trao đổi mua bán hàng hóa ngày càng phát triển.

Yên Bái cần tiếp tục phát huy lợi thế của địa phương để phát triển

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu tỉnh Yên Bái tiếp tục phát huy lợi thế về địa lý, đất đai, tài nguyên, khoáng sản, du lịch, thủy điện, vùng nguyên liệu: gỗ, cây dược liệu,… để phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng, khai khoáng, chế biến nông lâm sản, dịch vụ thương mại nhanh và bền vững.

Tỉnh Yên Bái trong những năm qua vẫn quy trì được đà tăng trưởng (bình quân 5 năm 2011 – 2015 đạt 11,33%). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt 25 triệu đồng, tăng 2,1 lần so với năm 2010. Sản xuất công nghiệp đã có những chuyển biến đáng kể; sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, đảm bảo an ninh lương thực; xuất khẩu duy trì tốc độ tăng trưởng cao...

Trong 6 tháng đầu năm 2015, tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) tăng 9,39% so cùng kỳ. Sản xuất nông, lâm nghiệp tiếp tục phát triển ổn định và đạt kết quả khá; sản xuất công nghiệp đang dần được phục hồi. Kim ngạch xuất khẩu trực tiếp đạt 50,1% kế hoạch; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt khá.

Tuy nhiên, Yên Bái vẫn là một tỉnh nghèo, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiếu và lạc hậu; quy mô nền kinh tế nhỏ bé. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm; chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ từng ngành, lĩnh vực còn hạn chế, chưa thật sự rõ nét; chất lượng nguồn lao động còn thấp; thiên tai thường xuyên xảy ra.. 

Do đó, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu tỉnh Yên Bái cần quan tâm tập trung các nguồn lực đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng (kể cả nguồn vốn ODA), xã hội hóa đầu tư bằng các hình thức BOT, BO, BTO, PPP... và các hình thức khác, không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thu hút đầu tư vào địa phương. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).  

Đồng thời, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, xây lắp, sản xuất chế biến nông, lâm sản. Tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận vốn, thị trường tiêu thụ sản phẩm, kiểm soát việc thu mua nguyên vật liệu đầu vào, tránh tình trạng tranh mua, tranh bán một số nguyên liệu đầu vào phục vụ cho công nghiệp chế biến nông lâm sản.

Bên cạnh đó, tập trung đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Tái cơ cấu ngành, lĩnh vực có hiệu quả; từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trong đó chú trọng chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp, phát triển rừng; phát triển khoa học công nghệ, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến vào sản xuất và đời sống.

Yên Bái cũng cần lồng ghép, thực hiện tốt các chương trình xóa đói, giảm nghèo. Không để xảy ra thiếu đói, dịch bệnh; triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình giảm nghèo tại các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Có các biện pháp huy động tổng hợp các nguồn lực để thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ các đối tượng khó khăn, ổn định và cải thiện đời sống cho nhân dân, xóa đói giảm nghèo bền vững; ổn định dân cư, nhất là ổn định dân di cư tự do, tái định cư các dự án thủy điện trong vùng.

Hải Dương phấn đấu 25% số xã đạt nông thôn mới

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, tỉnh Hải Dương cần huy động mọi nguồn lực nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, phải xác định đây là nhiệm vụ chính trị, thường xuyên, lâu dài, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn.

Đồng thời làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, để người dân hiểu đây là việc của dân, do dân và vì dân, từ đó người dân sẽ chủ động và tự nguyện tham gia Chương trình. Phấn đấu hết năm 2015 toàn tỉnh Hải Dương đạt trên 25% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Hải Dương tiếp tục thực hiện tái cơ cấu kinh tế để nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, trong đó chú trọng tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, giá trị gia tăng cao, bền vững.

Theo đó, cần tổ chức sản xuất theo hướng phát triển mô hình liên kết trong sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, liên kết tự nguyện giữa nông dân với nông dân, nông dân với hợp tác xã, với doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò quyết định trong việc tìm đầu ra, đặt hàng sản xuất, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm sản xuất ổn định, bền vững.

Trước đó, ngày 10/7, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hải Dương về chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Trong chuyến đi thị sát này, Phó Thủ tướng đánh giá cao công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hải Dương và yêu cầu tỉnh tiếp tục tạo điều kiện để cho các mô hình hợp tác, tổ hợp tác kiểu mới hình thành nhiều hơn để sản xuất nông nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn nữa, sản phẩm nông nghiệp vươn ra các thị trường khác trên cả nước và cả nước ngoài.

* 6 tháng đầu năm 2015, tăng trưởng kinh tế của tỉnh Hải Dương tiếp tục đạt trên 7,8%; thu ngân sách tăng 11% so với cùng kỳ năm 2014; giải quyết việc làm mới cho trên 17.000 vạn lao động.

Chương trình xây dựng nông thôn mới được tỉnh Hải Dương tích cực triển khai và đạt nhiều kết quả, diện mạo nông thôn toàn tỉnh có nhiều thay đổi; sản xuất tiếp tục phát triển theo hướng kinh tế hàng hóa; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên; môi trường sinh thái từng bước được cải thiện. Đến nay toàn tỉnh Hải Dương đã có 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân các xã trong toàn tỉnh đạt 12,7 tiêu chí/xã.

Tuy nhiên, kinh tế của tỉnh Hải Dương tăng trưởng chưa bền vững, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp còn thấp... Chương trình xây dựng nông thôn mới chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Đời sống một bộ phận người lao động vẫn còn nhiều khó khăn do thiếu việc làm, thu nhập thấp.

Trình Chính phủ dự thảo Nghị định về miễn thị thực trước 15/8

Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh yêu cầu Bộ Công an chủ trì khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định việc miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài là vợ, chồng, con của người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc của công dân Việt Nam, trình Chính phủ trước ngày 15/8/2015.

Cho ý kiến về nội dung dự thảo Nghị định quy định việc miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài là vợ, chồng, con của người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc của công dân Việt Nam, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đồng ý với kiến nghị của Bộ Công an về các vấn đề sau: Quy định việc cấp giấy miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài là vợ, chồng, con của người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc của công dân Việt Nam nhập cảnh Việt Nam với mục đích thăm thân và giải quyết việc riêng.

Trường hợp đương sự không có giấy tờ chứng minh là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực của Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm xác minh đương sự là người gốc Việt Nam để xem xét, quyết định việc tiếp nhận hồ sơ xin miễn thị thực.

Về đối tượng áp dụng Nghị định, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh giao Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Công an chỉnh lý lại, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài được cấp giấy miễn thị thực về Việt Nam thăm thân và giải quyết việc riêng.

Bộ Công an và Bộ Ngoại giao cần xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ về quy trình, thủ tục cấp giấy miễn thị thực đảm bảo nhanh, gọn, thuận lợi cho các đối tượng.

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tư pháp, Ngoại giao khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định, trình Chính phủ trước ngày 15/8/2015./.

Top