Hà Nội

Thông tin báo chí về chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

27/05/2015 18:02

6 trường hợp cấp ý kiến pháp lý

Theo Nghị định về cấp ý kiến pháp lý vừa được Chính phủ ban hành, Bộ Tư pháp xem xét cấp ý kiến pháp lý đối với các văn bản mà Nhà nước, Chính phủ hoặc cơ quan Nhà nước là một bên trong 6 trường hợp.

6 trường hợp gồm:

1- Điều ước quốc tế về vay vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vay ưu đãi; văn bản liên quan khác mà Nhà nước, Chính phủ hoặc cơ quan Nhà nước là một bên (nếu có).

2- Thỏa thuận vay nhân danh Nhà nước, Chính phủ hoặc Bộ Tài chính.

3- Văn bản bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh hoặc văn bản phát hành trái phiếu quốc tế được Chính phủ bảo lãnh.

4- Thỏa thuận phát hành trái phiếu quốc tế của Chính phủ.

5- Dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) (bao gồm hợp đồng dự án, văn bản bảo lãnh Chính phủ (nếu có), hợp đồng thuê đất và các văn bản khác có liên quan đến dự án mà Nhà nước, Chính phủ hoặc cơ quan nhà nước là một bên).

6- Các trường hợp đặc biệt khác theo phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

3 điều kiện cấp ý kiến pháp lý

Nghị định nêu rõ, Bộ Tư pháp cấp ý kiến pháp lý khi đáp ứng đầy đủ 3 điều kiện:

1- Văn bản được xem xét cấp ý kiến pháp lý thuộc đối tượng cấp ý kiến pháp lý theo quy định nêu trên.

2- Có hồ sơ yêu cầu cấp ý kiến pháp lý đầy đủ theo đúng quy định và đã được làm rõ, chỉnh lý theo yêu cầu của Bộ Tư pháp.

3- Việc đàm phán, ký, phê duyệt hoặc phê chuẩn các văn bản được xem xét cấp ý kiến pháp lý đã được thực hiện đúng thẩm quyền, đúng quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Bộ Tư pháp từ chối cấp ý kiến pháp lý đối với trường hợp hồ sơ yêu cầu cấp ý kiến pháp lý không đáp ứng điều kiện cấp và hồ sơ cấp theo quy định; hồ sơ yêu cầu cấp ý kiến pháp lý không được bổ sung, chỉnh lý, làm rõ theo quy định.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/7/2015.

Xử lý nghiêm cán bộ bao che, tiếp tay cho buôn lậu thuốc lá

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ sơ kết Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 30/9/2014 về việc tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm cán bộ, công chức có dấu hiệu bao che, tiếp tay, bảo kê các đối tượng buôn lậu thuốc lá.

Theo thông báo kết luận, thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TTg, các Bộ, ngành, địa phương và lực lượng chức năng đã khẩn trương triển khai công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá và đạt những kết quả tích cực: từ tháng 10/2014 đến tháng 3/2015 đã bắt giữ hơn 5,1 triệu bao thuốc lá ngoại nhập lậu (tăng 45% so với cùng kỳ), lượng thuốc lá bán ra của các doanh nghiệp trong nước tăng trên 5%.

Tuy nhiên, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nói chung và mặt hàng thuốc lá nói riêng vẫn diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn cho phát triển kinh tế - xã hội và sản xuất trong nước, làm giảm tốc độ tăng trưởng, thất thu ngân sách và ảnh hưởng đến đời sống, việc làm của người lao động. Tình trạng thuốc lá ngoại nhập lậu vẫn được bầy bán công khai ở nhiều nơi ở các địa phương trên cả nước và gia tăng về chủng loại với hàm lượng tar (nhựa thuốc lá), nicotine vượt mức cho phép nhiều lần làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân.

Để làm tốt công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nói chung và chống buôn lậu thuốc lá nói riêng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các Bộ, ngành chức năng phải nhận thức rõ tầm quan trọng, đề cao trách nhiệm trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nói chung và công tác chống buôn lậu thuốc lá nói riêng nhằm bảo vệ sản xuất trong nước và sức khỏe nhân dân. Cần phát động phong trào quần chúng cung cấp thông tin, hỗ trợ các lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đi cùng với các biện pháp đồng bộ, kiên quyết để giải quyết vấn đề thuốc lá ngoại nhập lậu, không để tình trạng bày bán công khai.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Bộ trưởng các Bộ: Quốc phòng, Công an, Tài chính, Công Thương và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, kiểm tra, quán triệt, đôn đốc các lực lượng chức năng nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 30/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá; có sự phối hợp chặt chẽ, trao đổi thông tin trong công tác chống buôn lậu thuốc lá.

Đồng thời xây dựng cụ thể kế hoạch kiểm tra, kiểm soát, điều tra, bắt giữ các đối tượng chủ mưu, cầm đầu các tổ chức, đường dây buôn lậu thuốc lá trên các tuyến biên giới, địa bàn trọng điểm và tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh thuốc lá ngoại nhập lậu trên thị trường nội địa (đặc biệt là tại thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh) để ngăn chặn có hiệu quả và từng bước đẩy lùi tình trạng buôn lậu thuốc lá; xử lý nghiêm cán bộ, công chức có dấu hiệu bao che, tiếp tay, bảo kê các đối tượng buôn lậu thuốc lá.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tập trung tuyên truyền thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên nhận thức rõ tác hại của thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá ngoại nhập lậu.

Về một số giải pháp cụ thể nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian tới, đặc biệt là mặt hàng thuốc lá, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ bổ sung, hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại trong tình hình mới; trình Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 5/2015 các nội dung: sửa đổi, bổ sung Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo hướng giảm số lượng bao thuốc lá điếu nhập lậu vận chuyển, kinh doanh bị phát hiện làm căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự; dự thảo Quyết định thay thế Quyết định số 65/2010/QĐ-TTg ngày 25/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ về quy chế phối hợp trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền xem xét việc sử dụng Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá, đảm bảo có cơ chế sử dụng Quỹ hợp lý, nâng cao hiệu quả đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá và phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Điều chỉnh Quy hoạch KKT Đình Vũ - Cát Hải

Trên cơ sở đề nghị của UBND thành phố Hải Phòng, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc việc điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, thành phố Hải Phòng đến năm 2025.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, thành phố Hải Phòng đến năm 2025. Theo đó, Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải sẽ trở thành khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực của vùng duyên hải Bắc Bộ và của cả nước, hướng tới mục tiêu hình thành cửa ngõ logistic quốc tế với vai trò là trung tâm kinh tế biển của Đông Nam Á thông qua việc xây dựng Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, bảo đảm chức năng logistics và khu ngoại quan quy mô lớn gắn liền với cảng. Từng bước hình thành ngành công nghiệp tiên tiến và các khu đô thị có sức hút, tạo động lực thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.

Việc xây dựng Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải gắn với quy hoạch phát triển của thành phố Hải Phòng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng đã tạo sự liên kết chặt chẽ với Khu kinh tế Vân Đồn – Quảng Ninh.

UBND thành phố Hải Phòng đã đề nghị điều chỉnh, bổ sung so với Quy  hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đình Vũ-Cát Hải đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như bổ sung bến tầu khách du lịch quốc tế và bến cảng hàng lỏng; điều chỉnh vị trí ga tiền cảng ở đảo Cát Hải; bổ sung tính chất đảo Cái Tráp thành cây xanh sinh thái, kết hợp thương mại, nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp.

Theo UBND thành phố Hải Phòng, việc bổ sung các nội dung nêu trên là một bước để phát huy thế mạnh tổng hợp của Cảng cửa ngõ Lạch Huyện; sử dụng, khai thác tiềm năng khu vực đảo Cái Tráp cho du lịch, nghỉ dưỡng của vùng Bắc Bộ. Theo quy định tại Nghị định số 08/2005/NĐ-CP các nội dung bổ sung không làm thay đổi lớn đến định hướng phát triển của Khu Kinh tế Đình Vũ-Cát Hải.

Xét đề nghị của UBND thành phố Hải Phòng, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc việc điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, thành phố Hải Phòng đến năm 2025.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND thành phố Hải Phòng tiếp thu ý kiến của Bộ Xây dựng, tổ chức việc lập, thẩm định và phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, thành phố Hải Phòng đến năm 2025 theo đúng quy định pháp luật hiện hành.

Mở rộng hầm đường bộ Hải Vân

Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc việc đầu tư mở rộng hầm đường bộ Hải Vân với quy mô 4 làn xe và bổ sung vào Dự án hầm đường bộ Đèo Cả, tiếp tục giao Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả thực hiện.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và nhà đầu tư nghiên cứu, hoàn thiện các thủ tục đầu tư, bảo đảm tính khả thi, đúng quy định hiện hành.

Công trình Hầm đường bộ qua đèo Hải Vân, được khởi công xây dựng vào năm 2000 và khánh thành, đưa vào sử dụng vào năm 2005. Hầm đường bộ Hải Vân gồm 1 hầm chính, 1 hầm lánh nạn chạy song song với hầm chính, 1 hầm thông gió và 3 hầm lọc bụi tĩnh điện cùng 15 ống hầm thông ngang. Sau khi đưa vào sử dụng, Hầm đường bộ Hải Vân không chỉ rút ngắn đáng kể đoạn đường qua đèo từ 21km xuống còn hơn 6,2km, bảo đảm an toàn cho các phương tiện qua lại đèo Hải Vân mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch, dịch vụ cho các địa phương trong khu vực.

Tuy nhiên, mật độ phương tiện lưu thông trên Quốc lộ 1A, đặc biệt là đoạn qua miền Trung nói chung, hầm đường bộ Hải Vân nói riêng ngày càng gia tăng mạnh mẽ. Nên sau gần 10 năm khai thác, đến nay, hầm đường bộ Hải Vân đã trở nên quá tải, nhất là vào những lúc cao điểm, dẫn đến mất an toàn giao thông, gây ra ùn tắc, hỏa hoạn... Vì vậy, việc đầu tư mở rộng hầm đường bộ Hải Vân nhằm đáp ứng nhu cầu giao thông vận tải hiện tại và trong tương lai là vô cùng cần thiết.

Thực hiện cơ chế tạm tha có điều kiện trong thi hành án phạt tù

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án thực hiện cơ chế tạm tha có điều kiện trong thi hành án phạt tù, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Phó Thủ tướng lưu ý trong quá trình xây dựng Đề án, Bộ Công an cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và các cơ quan liên quan để kịp thời bổ sung các quy định về tạm tha có điều kiện vào dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, nhất là dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) và dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi). 

Đồng thời, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức các Đoàn khảo sát, nghiên cứu tham khảo kinh nghiệm về biện pháp tạm tha có điều kiện trong thi hành án phạt tù của một số nước, phục vụ việc xây dựng Đề án.

Bộ Tài chính bố trí kinh phí xây dựng Đề án trong dự toán kinh phí thường xuyên của Bộ Công an.

Làm rõ nguyên nhân chính ảnh hưởng đến sản lượng than khai thác

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp về tình hình thực hiện Đề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030.

Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 60/QĐ-TTg ngày 09/1/2012 (Quy hoạch 60) đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành và bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản của đất nước. Sau 3 năm thực hiện, cơ bản các nội dung Quy hoạch đã và đang triển khai theo đúng định hướng đề ra. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện một số vấn đề cần được cập nhật, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế.      

Để bảo đảm chất lượng quy hoạch điều chỉnh, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo đơn vị Tư vấn phân tích kỹ nguyên nhân, sự cần thiết phải điều chỉnh Quy hoạch 60. Trong đó cần làm rõ các nguyên nhân chính làm ảnh hưởng đến sản lượng than khai thác như: Công tác khảo sát, thăm dò, đánh giá tài nguyên - trữ lượng; sự chồng lấn giữa quy hoạch phát triển ngành than với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch phát triển của các ngành trên địa bàn,…   

Bên cạnh đó, so sánh, đánh giá trữ lượng các mỏ than các cấp theo quy định, để điều chỉnh sản lượng khai thác phù hợp với sự phân bố và nguồn tài nguyên than hiện có nhằm đáp ứng tốt nhất cho nhu cầu than trong nước, nhất là nhu cầu than cho sản xuất điện, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng của đất nước.

Dự báo nhu cầu than trong nước trên cơ sở kết hợp với đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VII để thực hiện cân đối cung cầu than theo từng chủng loại, theo từng vùng khai thác, từng khu vực tiêu thụ,… Đồng thời xác định nhu cầu nhập khẩu các chủng loại than, thị trường nhập khẩu bảo đảm tính khả thi nguồn nhập khẩu để đảm bảo cho nhu cầu thị trường.

Tổ chức hội thảo lấy ý kiến rộng rãi của các nhà khoa học đối với đề án Quy hoạch than điều chỉnh; chỉ đạo tư vấn tiếp thu, hoàn thiện, tổ chức thẩm định theo quy định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt vào cuối năm 2015.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Đông Bắc nghiên cứu triển khai đầu tư đồng bộ từ thăm dò, khai thác, chế biến, cung cấp than; đẩy nhanh quá trình cơ giới hóa khai thác than hầm lò; hoàn thiện, đổi mới cơ chế quản lý, quản trị tiên tiến, phù hợp với điều kiện thực tế; tăng cường huy động các nguồn lực xã hội… nhằm nâng cao năng lực sản xuất, hiệu quả kinh doanh; đề xuất các giải pháp đảm bảo đúng tiến độ các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án xây dựng các mỏ than hầm lò mới.

Trong quá trình tìm kiếm, thăm dò nguồn tài nguyên than, đối với các khu vực có triển vọng, không dừng lại ở cao trình - 300 mét mà tiếp tục thăm dò phần tài nguyên dưới sâu để tiết kiệm chi phí thăm dò sau này.

Đối với các khu vực khai thác khó khăn, doanh nghiệp trong nước chưa làm chủ được công nghệ khai thác thì chủ động đề xuất kêu gọi đầu tư nước ngoài (liên doanh, 100% vốn nước ngoài,…), báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; tổ chức tham khảo kinh nghiệm về thăm dò, khai thác than tiên tiến của các nước trong khu vực và trên thế giới để áp dụng vào điều kiện cụ thể của Việt Nam nhằm sử dụng có hiệu quả nhất nguồn tài nguyên than./.

Top