Hà Nội

Thông tin báo chí về chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

13/01/2015 18:56

Thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 04/2015/NĐ-CP quy định thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập (cơ quan, đơn vị) bao gồm: dân chủ trong nội bộ cơ quan, đơn vị; dân chủ trong quan hệ và giải quyết công việc với công dân, cơ quan, tổ chức có liên quan. Nghị định này thay thế Nghị định số 71/1998/NĐ-CP ngày 8/9/1998 của Chính phủ về ban hành Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan.

Cụ thể, về dân chủ trong nội bộ cơ quan, đơn vị, Nghị định mới quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị và của cán bộ, công chức, viên chức; những việc phải công khai để cán bộ, công chức, viên chức biết; những việc cán bộ, công chức, viên chức tham gia ý kiến, người đứng đầu cơ quan, đơn vị quyết định và những việc cán bộ, công chức, viên chức giám sát, kiểm tra.

Giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo

Theo đó, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải có trách nhiệm thực hiện dân chủ trong quản lý và điều hành hoạt động của cơ quan, đơn vị; trong quản lý, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Tổ chức các cuộc họp giao ban định kỳ, hàng tháng, hàng quý và 6 tháng để đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phải thực hiện trong thời gian tới của cơ quan, đơn vị; lắng nghe ý kiến phản ánh, phê bình của cán bộ, công chức, viên chức. Khi cán bộ, công chức, viên chức đăng ký được gặp và có nội dung, lý do cụ thể thì bố trí thời gian thích hợp để gặp và trao đổi.

Đồng thời, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải chỉ đạo việc cung cấp đầy đủ, kịp thời những thông tin, tài liệu, cách thức tổ chức thực hiện, trách nhiệm thực hiện và trách nhiệm giải trình những nội dung công việc trong cơ quan, đơn vị; xem xét, giải quyết kịp thời theo quy định của pháp luật các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cán bộ, công chức, viên chức; kịp thời xử lý người có hành vi cản trở việc thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan, đơn vị và người có hành vi trả thù, trù dập cán bộ, công chức, viên chức khiếu nại, tố cáo, kiến nghị theo quy định của pháp luật…

Nghị định cũng nêu rõ những việc cơ quan, đơn vị phải công khai để cán bộ, công chức, viên chức biết như: Chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước liên quan đến công việc của cơ quan, đơn vị; kế hoạch công tác; kinh phí hoạt động; tuyển dụng, đào tạo, điều động, bổ nhiệm; các vụ việc tiêu cực, tham nhũng trong cơ quan, đơn vị…

Xử lý kịp thời cán bộ sách nhiễu dân

Trong quan hệ và giải quyết công việc với công dân, cơ quan, tổ chức có liên quan, Nghị định 04/2015/NĐ-CP cũng quy định rõ người đứng đầu cơ quan, đơn vị có trách nhiệm chỉ đạo và kiểm tra cán bộ, công chức, viên chức trong việc giải quyết công việc của công dân, tổ chức; kịp thời có những biện pháp xử lý thích hợp theo quy định của pháp luật đối với những cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ, thiếu tinh thần trách nhiệm, sách nhiễu, gây phiền hà, tham nhũng trong việc giải quyết công việc của công dân, tổ chức; chỉ đạo việc bố trí nơi tiếp dân, thực hiện việc tiếp dân và tổ chức hòm thư góp ý.

Đồng thời phải thông báo để công dân, tổ chức của địa phương biết và tham gia đóng góp ý kiến đối với những chương trình, dự án có liên quan đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; cử người có trách nhiệm gặp và giải quyết công việc có liên quan khi công dân, tổ chức có yêu cầu theo quy định của pháp luật…

Nghị định cũng nêu rõ, khi công dân, tổ chức có yêu cầu, cán bộ, công chức, viên chức có trách nhiệm giải quyết các yêu cầu đó theo thẩm quyền. Những việc không thuộc thẩm quyền giải quyết, cán bộ, công chức, viên chức phải thông báo để công dân, tổ chức biết và hướng dẫn công dân, tổ chức đến nơi có thẩm quyền giải quyết. Cán bộ, công chức, viên chức không được quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng, gây khó khăn, phiền hà, sách nhiễu trong giải quyết công việc của công dân, tổ chức.

Công việc của công dân, tổ chức phải được cán bộ, công chức, viên chức nghiên cứu xử lý và kịp thời giải quyết theo đúng quy định của pháp luật và nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị. Những công việc đã có thời hạn giải quyết theo quy định thì cán bộ, công chức, viên chức phải chấp hành đúng thời hạn đó. Trường hợp phức tạp đòi hỏi phải có thời gian để nghiên cứu giải quyết thì cán bộ, công chức, viên chức có trách nhiệm báo cáo người phụ trách trực tiếp và kịp thời thông báo cho công dân, tổ chức biết…

Tăng cường chống buôn lậu thuốc lá

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả yêu cầu Bộ trưởng các Bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác chống buôn lậu thuốc lá.

Thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 30/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá; các Bộ, ngành, địa phương và lực lượng chức năng đã tích cực đấu tranh, phát hiện nhiều vụ buôn lậu thuốc lá lớn. Tuy nhiên, tình hình buôn lậu thuốc lá vẫn diễn biến phức tạp và có chiều hướng tiếp tục tăng, nhất là thời gian từ nay đến Tết nguyên đán Ất Mùi năm 2015.

Để tiếp tục đấu tranh có hiệu quả với tình trạng buôn lậu thuốc lá và kinh doanh thuốc lá ngoại nhập lậu, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng các Bộ Tài chính, Công an, Quốc phòng, Công Thương và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (đặc biệt là các tỉnh, thành phố địa bàn trọng điểm: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Trị, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang) chỉ đạo các lực lượng chức năng nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 30/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá.

Đồng thời xây dựng kế hoạch tuần tra, kiểm soát, điều tra, bắt giữ các tổ chức, đường dây buôn lậu thuốc lá và tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các hành vi kinh doanh thuốc lá ngoại nhập lậu trên thị trường nội địa (đặc biệt là tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh), nhất là thời gian từ nay đến Tết nguyên đán Ất Mùi năm 2015; tiếp tục quan tâm tạo công ăn việc làm để người dân khu vực biên giới ổn định cuộc sống, không tham gia tiếp tay cho buôn lậu.

Phó Thủ tướng giao Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao để sớm đưa ra truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật một số vụ án trọng điểm buôn lậu thuốc lá.

Bộ trưởng Bộ Tài chính khẩn trương có hướng dẫn cơ chế huy động, quản lý, sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ công tác phòng, chống buôn lậu thuốc lá và chống sản xuất, buôn bán thuốc lá giả theo Quyết định số 2371/QĐ-TTg ngày 26/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện tiêu hủy thuốc lá nhập lậu bị tịch thu.

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nắm chắc tình hình, kịp thời đề xuất biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá; đồng thời đề xuất Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại phê bình, yêu cầu xử lý tập thể, cá nhân thiếu trách nhiệm để xảy ra tình trạng buôn lậu thuốc lá diễn ra trong thời gian dài trên địa bàn.

Phó Thủ tướng yêu cầu Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng trong việc trao đổi, cung cấp thông tin về các tổ chức, cá nhân có hành vi buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá ngoại nhập lậu.

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tin báo chí tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tác hại của thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá nhập lậu đối với sức khỏe cộng đồng; phê phán, lên án những hành vi vi phạm và biểu dương các đơn vị, cá nhân làm tốt công tác chống buôn lậu thuốc lá.

Công nhận 12 bảo vật quốc gia

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định công nhận bảo vật quốc gia (đợt 3) cho 12 hiện vật, nhóm hiện vật.

12 bảo vật quốc gia gồm:

1- Trống đồng Hữu Chung (Văn hóa Đông Sơn, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Hải Dương).

2- Chuông Thanh Mai (Niên đại: năm 798, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Hà Nội).

3- 82 bia Tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội (Niên đại: 1484 - 1780), hiện lưu giữ tại Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Văn Miếu - Quốc Tử Giám, thành phố Hà Nội).

4- Bia "Khôn Nguyên Chí Đức Chi Bi" (Niên đại: thế kỷ XV, hiện lưu giữ tại Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Lam Kinh, tỉnh Thanh Hóa).

5- Bia Thủy Môn Đình (Niên đại: năm 1670, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn).

6- Tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay chùa Đào Xuyên (Niên đại: thế kỷ XVI, hiện lưu giữ tại chùa Đào Xuyên, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội).

7- Bộ tượng Di Đà Tam Tôn chùa Thầy (Niên đại: đầu thế kỷ XVII, hiện lưu giữ tại chùa Thầy, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội).

8- Tượng Phật giáo thời Tây Sơn chùa Tây Phương (Niên đại: cuối thế kỷ XVIII, hiện lưu giữ tại chùa Tây Phương, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội).

9- Ekamukhalinga/Linga có một đầu thần Siva (Niên đại: đầu thế kỷ VIII, hiện lưu giữ tại Ban Quản lý di tích lịch sử và du lịch Mỹ Sơn, tỉnh Quảng Nam).

10- Lan can thành bậc (Niên đại: đầu thế kỷ XII, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Nam Định).

11- Máy bay Mic 21 số hiệu 4324 (Hiện vật thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam).

12- Bản đồ Quyết tâm chiến dịch Hồ Chí Minh (Hiện vật trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam).

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch UBND các cấp nơi có bảo vật quốc gia, Thủ trưởng Bộ, ngành, người đứng đầu tổ chức được giao quản lý bảo vật quốc gia được công nhận nêu trên trong phạm vi và quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý đối với bảo vật quốc gia theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Nâng cấp hệ thống đê sông đồng bộ, hiệu quả

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương có liên quan thực hiện Chương trình nâng cấp hệ thống đê sông đến năm 2020 đảm bảo đồng bộ, hiệu quả.

Chương trình củng cố, nâng cấp đê sông đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 9/12/2009. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, qua 4 năm thực hiện (2010-2013), các địa phương đã phê duyệt, đang triển khai 277 dự án với tổng mức đầu tư 42.917 tỷ đồng, củng cố, nâng cấp 2.169 km đê; xây dựng, tu bổ 368 km kè chống sạt lở; sửa chữa, xây mới 722 cống dưới đê. Đã hoàn thành 166 dự án với 1.164 km đê được củng cố, nâng cấp; 332 km kè được xây dựng, tu bổ và 340 cống được sửa chữa, xây mới.

Để tiếp tục triển khai Chương trình nâng cấp hệ thống đê sông đến năm 2020 đảm bảo đồng bộ, hiệu quả, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương có liên quan thực hiện Chương trình nâng cấp đê sông đến năm 2020 theo chức năng quản lý nhà nước và nhiệm vụ được giao.

Đồng thời tăng cường quản lý về quy hoạch, kỹ thuật để đảm bảo việc củng cố, nâng cấp đê điều phù hợp với quy hoạch chung, theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn và hiệu quả.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các địa phương rà soát, đánh giá cụ thể hiện trạng các trọng điểm đê điều xung yếu, sắp xếp các hạng mục cần ưu tiên, dự kiến nhu cầu kinh phí đầu tư giai đoạn tới gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để làm căn cứ cân đối, bố trí kinh phí xử lý dứt điểm các trọng điểm xung yếu, đảm bảo an toàn đê điều.

Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tiếp tục ưu tiên cân đối, bố trí kinh phí hàng năm cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương để thực hiện các dự án thuộc Chương trình theo quy định.

UBND các tỉnh, thành phố có đê thuộc phạm vi Chương trình rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên các hạng mục, dự án đầu tư trên địa bàn; trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn, hàng năm phù hợp với khả năng cân đối ngân sách, trong đó tập trung đầu tư củng cố các đoạn, tuyến đê xung yếu, xóa dần các trọng điểm đê điều xung yếu, đảm bảo chủ động phòng chống lũ, bão.

Xử lý tổng thể khu vực kè Thanh Am và sạt lở đầu cầu Đuống

Trên cơ sở đề nghị của UBND thành phố Hà Nội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý về chủ trương UBND thành phố Hà Nội đầu tư xử lý tổng thể khu vực kè Thanh Am và sạt lở đầu cầu Đuống để đảm bảo ổn định lâu dài cho tuyến đê hữu sông Đuống và các công trình giao thông trong khu vực.

Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất về quy mô và giải pháp kỹ thuật cụ thể của dự án để đảm bảo phù hợp với quy hoạch chung, an toàn và hiệu quả. Trước mắt, UBND thành phố Hà Nội chủ động thực hiện các biện pháp hạn chế sạt lở nhằm đảm bảo an toàn đê điều, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân trong khu vực.

Về nguồn vốn thực hiện, Phó Thủ tướng giao UBND thành phố Hà Nội chủ động bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện. Căn cứ khả năng cân đối ngân sách, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất nguồn vốn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hỗ trợ phần vốn ngân sách trung ương cho địa phương để thực hiện dự án sau khi dự án được thẩm định, thỏa thuận nguồn theo quy định.

Theo UBND thành phố Hà Nội, khu vực kè Thanh Am và 2 đầu cầu Đuống là khu vực có diễn biến sạt lở hết sức phức tạp, dọc sông có những đoạn thắt hẹp, mở rộng đột ngột, xuất hiện tình trạng sạt lở, sụt lún. Thành phố Hà Nội đã phải chỉ đạo xử lý cấp bách một số đoạn sạt lở nguy hiểm uy hiếp an toàn đê điều nhằm đảm bảo tính mạng và tài sản cho nhân dân khu vực.

Với mục tiêu ngăn chặn tình trạng sạt lở, bảo đảm an toàn đê điều, bảo vệ người và tài sản của nhà nước và nhân dân trong khu vực, phát huy hiệu quả, khắc phục xử lý triệt để sự cố sạt, trượt, lún bờ sông khu vực thượng và hạ lưu cầu Đuống, đảm bảo an toàn đê điều kết hợp giao thông, việc triển khai xử lý tổng thể khu vực kè Thanh Am và sạt lở đầu cầu Đuống là hết sức cần thiết./.

Top