Hà Nội

Sinh hoạt chuyên đề về điểm mới trong Hiến pháp 2013

Chinhphu.vn) - Chiều 27/3, nhằm hưởng ứng Tháng Thanh niên 2014, tại Văn phòng Chính phủ (VPCP), Đoàn cơ sở Khối Hành chính đã phối hợp với Đoàn cơ sở Cục Quản trị tổ chức sinh hoạt chuyên đề “Những điểm mới của Hiến pháp 2013”.

27/03/2014 16:28

Ông Phạm Tuấn Khải -  Tổng Thư ký Hội đồng cải cách hành chính, Vụ trưởng Vụ Pháp luật, VPCP  trao đổi tại buổi sinh hoạt chuyên đề. Ảnh Huy Anh

Tại buổi sinh hoạt chuyên đề, ông Phạm Tuấn Khải, Tổng Thư ký Hội đồng cải cách hành chính, Vụ trưởng Vụ Pháp luật, VPCP đã trình bày tổng quan về lịch sử Hiến pháp, các loại Hiến pháp trên thế giới, Hiến pháp Việt Nam qua các thời kỳ, lý do của việc sửa đổi Hiến pháp 1992, nội dung và điểm mới của Hiến pháp 2013.

Theo ông Phạm Tuấn Khải, có 3 điểm trụ cột, động lực để sửa đổi Hiến pháp 1992, đó là: Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và thứ 3 là hội nhập kinh tế quốc tế.

Điểm mới trong Hiến pháp 2013 khác với Hiến pháp 1992 trải dài trong nhiều chương của Hiến pháp, từ cơ sở chính trị, quyền con người, nhân quyền và các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường, bảo vệ tổ quốc…

Các đoàn viên trao đổi, thảo luận tại buổi sinh hoạt. Ảnh Huy Anh

Tại buổi sinh hoạt chuyên đề, các đoàn viên đã đưa ra các câu hỏi, trao đổi, thảo luận xung quanh các vấn đề về những thay đổi quan trọng nhất của Hiến pháp 2013 so với Hiến pháp 1992; thay đổi quan trọng trong các chương về Quốc Hội, Chính phủ, Chủ tịch nước; về việc làm rõ khái niệm nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; về kỹ thuật lập hiến…

Theo ông Phạm Tuấn Khải, thay đổi lớn nhất của Hiến pháp 2013 là về mặt chính trị đã đáp ứng được yêu cầu của Đảng, ý chí của toàn dân. Về mặt nội dung, phản ánh được yêu cầu của quan hệ xã hội đặt ra trong thời kỳ mới, phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế trong khu vực và thế giới trên toàn bộ các quy định từ quyền con người, nghĩa vụ công dân, cơ cấu tổ chức…

Những thay đổi quan trọng nhất cũng thể hiện trong các chương về Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ. Trong đó, Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan thường trực của Quốc hội. Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội…

Ông Phạm Tuấn Khải khẳng định, Hiến pháp 2013 có 10 chương, 120 điều (Hiến pháp 1992 có 12 chương, 145 điều), ngắn gọn, thể hiện được kỹ thuật lập pháp tiến bộ, là bước tiến bộ trong lịch sử lập pháp Việt Nam.

Huy Anh

Top