Hà Nội

Quản lý các chương trình, dự án ODA tại Văn phòng Chính phủ

(Chinhphu.vn) - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Nguyễn Xuân Phúc vừa ban hành Quy chế điều chỉnh mọi hoạt động liên quan đến quy trình, thủ tục vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các chương trình, dự án sử dụng ODA, gồm viện trợ không hoàn lại, vốn vay ưu đãi hoặc vay hỗn hợp tại Văn phòng Chính phủ (VPCP).

16/07/2010 14:52

Theo đó, việc thu hút nguồn ODA đi đôi với yêu cầu nâng cao hiệu quả, phù hợp với nhu cầu, năng lực tiếp nhận, quản lý và sử dụng ODA của VPCP. Về nguyên tắc,  VPCP thống nhất quản lý các dự án ODA trên cơ sở công khai, minh bạch, đảm bảo sự phối hợp quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ, đồng thời phát huy tính chủ động của các đơn vị thực hiện, đảm bảo sử dụng hiệu quả các chương trình, dự án ODA.

Thẩm định dự án ODA trước khi phê duyệt

Quy chế quy định, tất cả các dự án ODA đều phải được thẩm định trước khi phê duyệt. Dự án đủ điều kiện thẩm định khi thỏa mãn 2 yêu cầu: Dự án thuộc danh mục các dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và nhà tài trợ đồng ý; có đủ hồ sơ thẩm định hợp lệ.

Tùy theo quy mô, đặc điểm và yêu cầu cụ thể của từng dự án, hoặc nếu việc thành lập Ban Chỉ đạo dự án được quy định trong văn kiện dự án đã được phê duyệt, Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì, phối hợp với Chủ dự án, Vụ Quan hệ quốc tế và các đơn vị có liên quan trình Bộ trưởng, Chủ nhiệm quyết định việc thành lập Ban Chỉ đạo dự án. Ban Chỉ đạo dự án do Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ làm Trưởng ban, Lãnh đạo đơn vị được giao làm Chủ dự án là Phó ban, thành viên là đại diện lãnh đạo của Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Quan hệ quốc tế và các đơn vị có liên quan, đại diện nhà tài trợ (nếu là điều kiện tiên quyết của Bên tài trợ).

Theo Quy chế, Vụ Quan hệ Quốc tế là đơn vị đầu mối giúp Bộ trưởng, Chủ nhiệm trong vận động, điều phối và quản lý các dự án ODA tại VPCP.

Trong trường hợp VPCP là một trong các cơ quan thụ hưởng (đồng thực hiện dự án do cơ quan khác chủ trì), việc thành lập Ban Quản lý dự án theo 2 phương án là thành lập Ban Quản lý dự án hoặc không thành lập Ban Quản lý dự án. Trong đó, đối với phương án 1-Thành lập Ban Quản lý dự án, Quy chế nêu rõ, căn cứ vào khối lượng, nội dung các hoạt động thuộc trách nhiệm thực hiện của VPCP hoặc trong văn kiện dự án có quy định các cơ quan đồng thực hiện phải thành lập Ban Quản lý dự án, Vụ Tổ chức cán bộ làm thủ tục trình Bộ trưởng, Chủ nhiệm cho phép thành lập Ban Quản lý dự án như quy định. Đối với phương án 2-Không thành lập Ban Quản lý dự án, Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì, phối hợp với Vụ Quan hệ quốc tế và các đơn vị có liên quan trình Bộ trưởng, Chủ nhiệm quyết định cử đơn vị đầu mối của VPCP tham gia dự án và cử người phù hợp với chức năng quản lý, chuyên môn tham gia vào Ban Quản lý dự án do Cơ quan chủ quản dự án thành lập.

Thành phần Ban Quản lý dự án gồm: Giám đốc, Phó Giám đốc, điều phối viên, kế toán trưởng, kế toán, các thành viên và các chức danh khác được quy định trong văn kiện dự án. Giám đốc dự án là Lãnh đạo của đơn vị chủ trì tiếp nhận dự án, có độ tuổi làm việc đủ trong thời gian dự án được thực hiện. Trong trường hợp dự án có liên quan đến nhiều lĩnh vực và đơn vị thực hiện, Giám đốc dự án có thể là Lãnh đạo VPCP. Thành viên Ban Quản lý dự án gồm đại diện của Vụ Quan hệ quốc tế, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Tài vụ và đại diện của các Vụ chuyên ngành có liên quan.

Tuân thủ các quy định của Nhà nước và nhà tài trợ khi thực hiện dự án

Các dự án đang được triển khai thực hiện cần kiện toàn công tác tổ chức, quản lý dự án trong vòng 30 ngày kể từ ngày Quy chế có hiệu lực; thực hiện nghiêm túc trách nhiệm báo cáo và các quy định của Quy chế này.

Chủ dự án và Ban Quản lý dự án có trách nhiệm tuân thủ các quy định hiện hành của Nhà nước và nhà tài trợ trong việc thực hiện dự án đã được phê duyệt và ký kết theo đúng chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được phân giao. Mọi vấn đề vượt quá thẩm quyền phải báo cáo Lãnh đạo VPCP hoặc Ban Chỉ đạo dự án để xem xét và quyết định.

Quá trình triển khai, thực hiện dự án cần lưu ý các hoạt động đấu thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho dự án phải thực hiện theo quy định hiện hành của Luật Đấu thầu.

Đối với các hoạt động tuyển dụng nhân sự của dự án (đối với các chức danh thuộc thẩm quyền phê duyệt của Giám đốc dự án), ngoài yêu cầu lựa chọn ứng viên phù hợp với yêu cầu về chức danh tuyển dụng đã được quy định trong văn kiện dự án, cần tuân thủ thêm các quy định quản lý nội bộ của cơ quan.

Quy chế nêu rõ, các dự án sử dụng vốn vay ODA, công tác quản lý tài chính thực hiện theo các điều khoản trong Hiệp định vay với nhà tài trợ và các quy định hiện hành của Chính phủ Việt Nam.

Đức Trung

Top