Hà Nội
Những cơ hội và thách thức với Việt Nam sau khủng hoảng tài chính toàn cầu
(Chinhphu.vn) – Hội thảo “Hướng tới giải pháp thúc đẩy phát triển KT-XH sau khủng hoảng tài chính toàn cầu” do VP Chính phủ phối hợp với các VP Trung ương Đảng, VP Quốc hội và VP Chủ tịch nước tổ chức vừa qua đã xem xét tổng quan diễn biến của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay, dự báo tình hình kinh tế thế giới sau khủng hoảng, làm rõ một số cơ hội và thách thức đối với Việt Nam, tìm kiếm các giải pháp nhằm tranh thủ những cơ hội và vượt qua khó khăn, thách thức do khủng hoảng đặt ra.
|
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Hội thảo“Hướng tới giải pháp thúc đẩy phát triển KT-XH sau khủng hoảng tài chính toàn cầu” - Ảnh Chinhphu.vn |
Các đồng chí nguyên là lãnh đạo Đảng và Nhà nước, lãnh đạo các Bộ, ngành, chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã có ý kiến phát biểu đóng góp vào các giải pháp thúc đẩy phát triển KT-XH sau khủng hoảng tài chính toàn cầu. Các ý kiến có tính chất tham mưu gợi mở một số vấn đề về chiến lược phát triển kinh tế bền vững, những giải pháp về ổn định kinh tế vĩ mô, công nghiệp, thương mại, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.
Dự báo diễn biến cuộc khủng hoảng
Đa số các ý kiến tại Hội thảo cho rằng nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng là sự mất cân đối vĩ mô của một số nền kinh tế lớn, kéo theo sự hệ lụy của hệ thống tài chính – tiền tệ toàn cầu, đồng thời mô hình kinh tế thị trường tự do tiềm ẩn nhiều rủi ro, thể chế kinh tế toàn cầu còn nhiều hạn chế…
Về chiều hướng sắp tới của cuộc khủng hoảng, các chuyên gia và tổ chức quốc tế cho rằng giai đoạn khó khăn nhất của kinh tế thế giới đã qua, nhưng quá trình phục hồi sẽ khó khă, tình trạng bấp bênh sẽ kéo dài ít nhất trong vòng 2-3 năm tới. Các nền kinh tế phát triển chủ chốt được dự báo có tốc độ tăng trưởng âm năm 2009, còn các nền kinh tế đang phát triển có tốc độ tăng trưởng thấp hơn rất nhiều mức năm 2008; đồng thời lạm phát năm 2009 giảm mạnh do nhu cầu giảm mạnh; một số nền kinh tế có thể phải đối diện với thiểu phát, giảm phát.
Kinh tế thế giới và khu vực châu Á năm 2010 được dự báo khả quan hơn; tăng trưởng có thể đạt mức gần bằng năm 2008, lạm phát nhìn chung vấn thấp. Tuy vậy, các dự báo cho năm 2009 còn khác nhau. Ngân hàng thế giới (WB) dự báo kinh tế thế giới tăng trưởng -2,9% trong năm 2009, các nước đang phát triển tăng ở mức 1,2%. Kinh tế thế giới vẫn còn bị đe dọa bởi đợt suy thoái mới. Sự phục hồi thường phải trải qua những giai đoạn nhất định, không diễn ra nhanh chóng và mạnh mẽ ở mọi quốc gia và trong mọi lĩnh vực, mà sẽ diễn ra ở từng nơi, từng bước.
Viễn cảnh kinh tế thế giới sau khủng hoảng
Một số nhận định tại hội thảo, cho rằng: Sau cuộc khủng hoảng các nước sẽ tập trung đánh giá lại mô hình tăng trưởng và mô hình phát triển, trong đó nhu cầu tái cấu trúc nền kinh tế sẽ diễn ra mạnh mẽ, tuy nhiên kinh tế thị trường vẫn là mô hình kinh tế chủ yếu nhưng có sự tham gia mạnh hơn của các cơ quan điều tiết nhà nước.
Hệ thống tài chính ngân hàng sẽ được cấu trúc lại theo hướng chịu sự quản lý và giám sát bởi những quy định chặt chẽ hơn và vì vậy bớt sôi động nhưng cân bằng và an toàn hơn; sự can thiệp của chính phủ các nước và các tổ chức tài chính, tiền tệ quốc tế vào hoạt động của thị trường tài chính và các định chế trung gian tài chính sẽ được tăng cường mạnh hơn. Sự giám sát trong khuôn khổ từng quốc gia và trên phạm vi toàn cầu sẽ chặt chẽ hơn.
Mặc dù một số nước có xu hướng gia tăng một số biện pháp bảo hộ mậu dịch, nhưng xu thế hội nhập và mở cửa vẫn sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ sau cuộc khủng hoảng.
Cuộc khủng hoảng hiện nay còn cho thấy, chiến lược hướng mạnh ra xuất khẩu một cách quá mức có thể đưa tới những khó khăn nghiêm trọng một khi thị trường ngoài nước chao đảo, do đó có thể sẽ diễn ra xu thế cơ cấu lại thị trường theo hướng cân bằng hơn giữa thị trường trong nước và ngoài nước, nhất là ở các nền kinh tế có dung lượng thị trường nội địa lớn.
Sau khủng hoảng, nền kinh tế toàn cầu nói chung và của từng quốc gia nói riêng có thể sẽ được cơ cấu lại, trong đó các ngành, các sản phẩm tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường sẽ được quan tâm do cuộc khủng hoảng kinh tế lần này gắn liền với cuộc khủng hoảng năng lượng và môi trường. WB và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cũng sẽ được kiện toàn nhằm nâng cao khả năng giám sát và hỗ trợ ổn định tài chính toàn cầu.
Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam
Khủng hoảng kinh tế - tài chính thế giới cũng cho thấy, ổn định và lành mạnh hóa chính sách kinh tế vĩ mô là rất quan trọng. Duy trì tăng trưởng kinh tế là một điều kiện cần thiết nhưng phải đi đôi và gắn chặt với ổn định kinh tế vĩ mô, như môi với răng. Tập trung nguồn lực nhằm đạt tăng trưởng bằng mọi giá có thể để lại những nguy cơ mất ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển KT-XH trong dài hạn.
Bối cảnh khủng hoảng tài chính thế giới và suy thoái kinh tế toàn cầu cũng là cơ hội nâng cao các khả năng cạnh tranh và tính thích nghi của các doanh nghiệp Việt Nam. Các vấn đề quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro, tái cấu trúc hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như đầu tư vào công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh, năng suất lao động, đào tạo kỹ năng cho lao động cần được các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc mới có hiệu quả.
Là một nước đang phát triển, tích cực tham gia tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam cần chủ động lựa chọn những biện pháp tận dụng những cơ hội và đối phó với những thách thức của cuộc khủng hoảng. Những kết quả tích cực đạt được đối với các giải pháp kích cầu của Chính phủ trong thời gian qua, đặc biệt là đối với kích thích hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như bảo đảm an sinh xã hội cho người nghèo, người có thu nhập thấp, người lao động mất việc làm, v.v.. là rất đáng khích lệ. Tuy nhiên những giải pháp này vẫn cần tiếp tục theo dõi để có những thay đổi, điều chỉnh chính sách kịp thời. Việt Nam cũng cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, hệ thống giám sát tài chính, xây dựng những nền tảng cơ bản cho phát triển thị trường vốn, thị trường đất đai, bất động sản…
Để đón bắt những cơ hội và thách thức hậu khủng hoảng, tại Hội thảo, các nhà lãnh đạo, chuyên gia kinh tế tập trung bàn thảo, hiến kế về những giải pháp phát triển kinh tế-xã hội.
Theo đó, Việt Nam cần tiếp tục chú trọng hơn đến thị trường nội địa, ngăn chặn nhập siêu thái quá, hoàn thiện nhanh thể chế kinh tế thị trường, điều chỉnh chính sách nhằm vừa thúc đẩy sản xuất kinh doanh và ngăn chặn nguy cơ tái lạm phát, tranh thủ thời cơ thuận lợi để thu hút vốn đầu tư có hiệu quả vào nền kinh tế, cải cách cơ cấu các ngành và sản phẩm, tăng cường khả năng cạnh tranh và hợp tác quốc tế, bảo đảm an sinh xã hội và cải cách hành chính mạnh mẽ hơn nữa.
Các nhóm giải pháp cụ thể trước mắt và giải pháp lâu dài cần tập trung là: Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô trong điều kiện mới, tạo nền tảng cho phát triển bền vững, đề phòng nguy cơ lạm phát trên toàn cầu do thâm hụt ngân sách từ các gói kích thích kinh tế khổng lồ trên thế giới. Tăng cường vai trò và năng lực quản lý, giám sát của Nhà nước đối với nền kinh tế nói chung và thị trường tài chính nói riêng, bảo đảm sự vận hành an toàn, thông suốt và cân đối của các thị trường…
Chính sách thương mại cần hướng vào phát triển thị trường trong nước, tăng tiêu dùng và đầu tư nội địa, quan tâm hơn đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho thị trường nội địa. Mặt khác cần tiếp tục đẩy mạnh và khuyến khích xuất khẩu thông qua cơ chế thuế, lãi suất, tỷ giá, xúc tiến thương mại, thủ tục hải quan… để từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh và kéo cả nền kinh tế đi lên; đồng thời cần hướng xuất khẩu vào việc khai thác các thị trường tiềm năng, mở rộng thị trường và tăng thị phần vào các thị trường truyền thống.
Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành, nâng cao tỷ trọng giá trị gia tăng công nghiệp trên giá trị sản xuất công nghiệp; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu, phát triển công nghiệp hỗ trợ; phát triển nhân lực chất lượng cao cho các ngành công nghiệp mới; gắn phát triển nguồn nhân lực với phát triển thị trường lao động, đổi mới hệ thống giáo dục và đào tạo.
Để thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, công khai, minh bạch, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.
Văn Hiến