Hà Nội
Nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao
(Chinhphu.vn) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao.
Trụ sở Bộ Ngoại giao |
Bộ Ngoại giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Nghị định 36/2012/NĐ-CP ngày 18/4/2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ.
Cụ thể, trình Chính phủ dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo nghị quyết, nghị định của Chính phủ theo chương trình, kế hoạch xây dựng pháp luật hằng năm của Bộ Ngoại giao đã được phê duyệt và các dự án, đề án theo phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và các cơ quan có liên quan xây dựng chương trình hoạt động đối ngoại Nhà nước, tổng hợp chương trình hoạt động đối ngoại của các bộ, ngành.
Bộ Ngoại giao đại diện cho Nhà nước trong quan hệ ngoại giao với các nước, các tổ chức quốc tế liên chính phủ; tiến hành các hoạt động đối ngoại của Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, quản lý các hoạt động hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam theo quy định của pháp luật; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan bảo vệ chủ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức và công dân Việt Nam ở nước ngoài theo pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế.
Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tham mưu về việc xác định biên giới quốc gia, các vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam; xác định phạm vi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên đất liền, vùng trời, các vùng biển, hải đảo và thềm lục địa.
Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng phương án hoạch định biên giới quốc gia; xác định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam với các nước láng giềng liên quan...
Cơ cấu tổ chức
Bộ Ngoại giao có 32 tổ chức gồm: 1- Vụ ASEAN; 2- Vụ Châu Âu; 3- Vụ Châu Mỹ; 4- Vụ Đông Bắc Á; 5- Vụ Đông Nam Á-Nam Á-Nam Thái Bình Dương; 6- Vụ Tây Á-Châu Phi; 7- Vụ Chính sách đối ngoại; 8- Vụ các Tổ chức quốc tế; 9- Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế; 10- Vụ Hợp tác kinh tế đa phương; 11- Vụ Tổng hợp kinh tế; 12- Vụ Văn hóa đối ngoại và UNESCO; 13- Vụ Thông tin báo chí; 14- Vụ Thi đua-khen thưởng và Truyền thống ngoại giao; 15- Vụ Tổ chức cán bộ; 16- Văn phòng Bộ; 17- Thanh tra Bộ; 18- Cục Cơ yếu; 19- Cục Ngoại vụ; 20- Cục lãnh sự; 21- Cục Lễ tân Nhà nước; 22- Cục Quản trị tài vụ; 23- Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh; 24- Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài; 25- Ủy ban Biên giới quốc gia; 26- Học viện Ngoại giao; 27- Cục Phục vụ ngoại giao đoàn; 28- Báo Thế giới và Việt Nam; 29- Trung tâm Hướng dẫn báo chí nước ngoài; 30- Trung tâm Biên phiên dịch quốc gia; 31- Trung tâm Thông tin; 32- Các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Các tổ chức từ 1-25 là các tổ chức giúp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao thực hiện chức năng quản lý Nhà nước; các tổ chức từ 26-31 là các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Ngoại giao.
Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài là cơ quan được Chính phủ thành lập và do Bộ Ngoại giao trực tiếp quản lý.
Hoàng Diên