Hà Nội
Mong muốn Pháp hỗ trợ vận hành công việc trên nền tảng điện tử
(Chinhphu.vn) - Sáng 4/10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng đã tiếp ông Henri Verdier, Đại sứ phụ trách kỹ thuật số của Bộ Ngoại giao Pháp nhân chuyến thăm của ông Henri Verdier tới Việt Nam.
![]() |
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng tiếp ông Henri Verdier, Đại sứ phụ trách kỹ thuật số của Bộ Ngoại giao Pháp - Ảnh: Gia Huy |
Tại buổi tiếp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đánh giá cao sự hỗ trợ hiệu quả của Chính phủ Pháp, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) với Việt Nam thời gian qua trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong phát triển Chính phủ điện tử, đã góp phần thúc đẩy thúc đẩy quan hệ chính trị ngoại giao, hợp tác đầu tư thương mại và làm sâu sắc hơn quan hệ Việt Nam - Pháp.
.
Đối với kết quả hợp tác với các cơ quan của Pháp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho biết, sau khi được Chính phủ giao thực hiện chức năng, nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, VPCP đã tìm hiểu, nghiên cứu kinh nghiệm của các quốc gia tiên tiến về cải cách thể chế - cải cách hành chính - cải thiện môi trường kinh doanh - phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số để có những tham khảo, lựa chọn, xác định nội dung tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
.
Tháng 4/2018, Đoàn công tác liên ngành do Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP làm Trưởng đoàn đã thăm chính thức và làm việc với các cơ quan chức năng của Pháp. VPCP đã ký Bản ghi nhớ hợp tác (MOU) với Bộ Kinh tế và Tài chính Pháp về phát triển Chính phủ điện tử và hiện đại hóa quản trị hành chính nhà nước; ký MOU với Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) về phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam.
.
Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam đã cử chuyên gia Pháp, hỗ trợ tổ chức 3 hội thảo về chia sẻ kinh nghiệm cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử cấp tỉnh, bảo vệ dữ liệu cá nhân và chuyển đổi số trong quản lý nhà nước. Việc hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Pháp đã phát huy hiệu quả tích cực cho phía Việt Nam.
.
Cụ thể, các chuyên gia đã chia sẻ kinh nghiệm của Pháp trong quá trình xây dựng Cổng dịch vụ công (kiến trúc công, thiết kế bảo mật, xác thực định danh, tài liệu chuẩn giao tiếp API; tham gia dự thảo về các nghị định về xác thực điện tử, bảo vệ thông tin và quyền riêng tư...), tham gia ý kiến, đề xuất giải pháp về Khung kiến trúc chính phủ điện tử và Cổng dịch vụ công quốc gia... Trong Nghị quyết về phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025, Việt Nam đặt ra mục tiêu phát triển Chính phủ điện tử dựa trên dữ liệu mở hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế và xã hội số.
![]() |
Ảnh: Gia Huy |
Đối với VPCP, hiện nay cơ quan đang gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện văn phòng phi giấy tờ, toàn bộ việc xử lý hồ sơ công việc được ký số và thực hiện trên môi trường điện tử. Đồng thời, từng bước triển khai Chính phủ phi giấy tờ thông qua việc thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử có ký số; đưa vào vận hành hệ thống e-Cabinet và đang xây dựng hệ thống tham vấn chính sách, hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, báo cáo Bộ, ngành, địa phương.
.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP mong muốn Chính phủ Pháp tiếp tục hỗ trợ Việt Nam xây dựng Cổng Dịch vụ công quốc gia, cụ thể là cử chuyên gia tư vấn, vận hành, thiết kế sang Việt Nam; hỗ trợ quá trình xây dựng Trung tâm báo cáo quốc gia, Trung tâm phục vụ sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ...
.
Cảm ơn Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đã trao đổi các thông tin hết sức thiết thực, ông Henri Verdier, Đại sứ phụ trách kỹ thuật số của Bộ Ngoại giao Pháp, cho rằng tình hữu nghị hai nước ngày một phát triển, mối quan hệ giữa người dân hai nước đang gắn bó chặt chẽ, quan hệ Việt Nam-Pháp đang phát triển tích cực trên mọi lĩnh vực.
.
Nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc chuyển đổi sang nền tảng kỹ thuật số, ông Henri Verdier cho biết đây vấn đề quan trọng, quá trình này phải nâng cao hiệu quả của dịch vụ công, giúp tiết kiệm hơn cho hoạt động của cơ quan nhà nước.
.
"Hơn nữa thời đại ngày nay, kỹ thuật số đã len lỏi vào các mặt của đời sống, vì vậy để bảo đảm chủ quyền quốc gia cũng như sự tự do của của người dân thì chúng ta phải làm chủ kỹ thuật số, nếu không chúng ta chỉ là người sử dụng thụ động công nghệ kỹ thuật số của các nước khác", ông Henri Verdier chia sẻ.
.
Cũng theo ông Henri Verdier, với thời điểm hiện tại, nền ngoại giao phải dựa trên kỹ thuật số, mang tính tổng thể trên các lĩnh vực, trên cơ sở nắm bắt kỹ thuật số mới bảo đảm các nền tảng trên internet, bảo đảm được an ninh, là công cụ hữu hiệu để phát triển hợp tác kinh tế, văn hóa... Ông Henri Verdier cho biết, trước khi trở thành Đại sứ phụ trách kỹ thuật số của Bộ Ngoại giao Pháp, ông đã phụ trách các dự án phát triển về Chính phủ điện tử nên ông hiểu rõ các mối quan tâm của Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP nêu tại buổi tiếp.
.
Với các bản MOU đã ký giữa VPCP với Bộ Kinh tế và Tài chính Pháp về phát triển Chính phủ điện tử và hiện đại hóa quản trị hành chính nhà nước và Cơ quan Phát triển Pháp về phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam, ông Henri Verdier cho rằng đây là khởi đầu trong quan hệ hợp tác Việt Nam và Pháp trong lĩnh vực phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam. Đồng thời, ông Henri Verdier sẽ tiếp tục trao đổi với các cơ quan liên quan để hợp tác tốt hơn nữa trong lĩnh vực này trên cơ sở các nền tảng có sẵn.
.
Gia Huy