Hà Nội

Kỷ niệm về cố Thủ tướng Phan Văn Khải với Cổng TTĐT Chính phủ

(Chinhphu.vn) – Hơn 12 năm trước, vào ngày 10/1/2006, với cương vị là người đứng đầu Chính phủ, ông đã nhấn nút phát lệnh khai trương Trang tin điện tử đầu tiên của Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam (Website Chính phủ, nay là Cổng TTĐT Chính phủ) hoà mạng inernet.

17/03/2018 16:12

Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải nhấn nút chính thức đưa Website Chính phủ lên mạng internet, ngày 10/1/2016.

Nhận được tin nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải từ trần, TS Nguyễn Công Hóa, nguyên Trưởng Ban Quản lý dự án Website Chính phủ đã gửi đến Cổng Thông tin điện tử Chính phủ bốn câu thơ tưởng nhớ một nhân cách lớn đã thanh thản đi về nơi vĩnh hằng:

THƯƠNG TIẾC ANH

Một áng sao băng lặn giữa trời

Tin buồn chợt đến nặng chơi vơi

Anh đi để lại ngàn thương tiếc

Nút Cổng Thông tin vẫn sáng ngời

TS Nguyễn Công Hóa cũng gửi bài viết nhắc lại những kỷ niệm về nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải với Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.

.

Sự kiện này như truyền thông thế giới đưa tin lúc đó, là dấu mốc quan trọng của mỗi quốc gia trong lịch sử phát triển của Chính phủ trong thời đại internet và toàn cầu hóa khi bước vào thế kỷ 21.

.

Lễ khai trương được Thủ tướng ấn định vào chiều 10/1/2006. Tham dự có đông đảo thành viên Chính phủ cùng khách mời trong nước và quốc tế. Trước giờ khai trương, ông đã bắt tay tôi chúc mừng và lúc đứng trên diễn đàn, ông lại quay sang hỏi tôi sẵn sàng chưa? Nhìn ông rất phấn khởi, tôi mời ông nhấn nút phát lệnh. Hiện nay tôi vẫn giữ máy phát lệnh với nút hình tam giác khoanh đỏ, dự định sẽ tặng lại Phòng Truyền thống của Văn phòng Chính phủ sau này.

.

Tôi vẫn nhớ là khi duyệt sửa bài phát biểu, ông rất tâm đắc với đoạn “…như một đại diện cho Chính phủ Việt Nam hiện diện cùng trang tin điện tử của các quốc gia khác trên mạng thông tin toàn cầu internet, việc đưa Trang tin điện tử Chính phủ vào hoạt động sẽ thu hẹp khoảng cách về không gian và thời gian trong giao tiếp, đối thoại  giữa Chính phủ với các tầng lớp nhân dân trong nước cũng như kiều bào ta ở nước ngoài, giữa Chính phủ với doanh nghiệp và các nhà đầu tư để cùng tìm ra phương án tốt nhất xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, dân chủ, văn minh; đồng thời Trang tin điện tử Chính phủ Việt Nam sẽ góp phần vào kho tri thức toàn cầu trên internet, làm cho bạn bè quốc tế ngày càng hiểu biết và tăng cường hợp tác với Việt Nam”. Bài phát biểu khai trương của ông vẫn lưu trên Cổng TTĐT Chính phủ:

http://chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/GioiThieu/giaidoanI/phatbieucuathutuongPhanVanKhai

.

Sau khi chính thức vận hành trên internet, hằng tuần/tháng Ban quản lý dự án đều phối hợp với Ban Biên tập Website Chính phủ thống kê cập nhật báo cáo về tình hình hoạt động cho Thủ tướng và Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP.

.

Hằng ngày, Thủ tướng Phan Văn Khải vẫn theo dõi tình hình hoạt động Website Chính phủ và chỉ thị cho Bộ, ngành, địa phương phải thường xuyên cung cấp thông tin và kịp thời trả lời công dân, doanh nghiệp trên Website Chính phủ.

. 

Tôi muốn kể lại một vài sự kiện liên quan đến quá trình này.

.

Với tư cách nguyên Trưởng Ban quản lý dự án này (Ban QLDA), tôi cho rằng góp vào kết quả thành công về mặt kỹ thuật, công nghệ của Website Chính phủ thực ra là nhờ Quyết định rất đúng đắn của Thủ tướng Phan Văn Khải từ 6 năm trước đó. Tóm tắt câu chuyện như sau:

.

Sau khi Chương trình mục tiêu Quốc gia về CNTT kết thúc, Ban chỉ đạo Chương trình trực thuộc Thủ tướng Chính phủ (BCĐCTQG) giải thể vào năm 1999, còn lại bộ phận mạng 2ITNet.vn - Mạng thông tin Web Intranet/Internet đầu tiên thuộc cơ quan Chính phủ Việt Nam trên Internet trước khi Việt Nam chính thức mở cổng Quốc gia vào ngày 19/11/1997. Hệ thống Itnet.vn và thư công vụ .@Itnet.vn tiếp tục hoạt động phục vụ công tác của Ban chỉ đạo giám sát và khắc phục sự cố Y2K (BCĐ Y2K) của Chính phủ đến năm 2004.

.

Trước đó, Giáo sư Phan Đình Diệu, nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực chuyên trách của BCĐCTQG (đến tháng 6/1997) khi đến tuổi nghỉ quản lý để chuyển về làm công tác đào tạo tại Đại học Quốc gia Hà Nội đã được Thủ tướng mời gặp mặt. Theo Giáo sư thông báo lại, anh đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cần tiếp tục sử dụng những thành quả hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu kinh tế-xã hội-khoa học công nghệ và hạ tầng kỹ thuật Mạng ITNet cùng với những nhân sự quản lý vận hành có trình độ một cách hiệu quả, sẽ giúp tiết kiệm ngân sách cho Chính phủ khi tiếp tục tiến hành tin học hóa quản lý nhà nước và triển khai các cơ sở dữ liệu quốc gia.

.

Tháng 6/1999, tôi được Phó Trưởng Ban BCĐCTQG, Giáo sư, Thiếu tướng Nguyễn Đình Ngọc thông báo rằng Trợ lý của Thủ tướng mời chúng tôi tham gia cuộc họp bàn về ITNet tại trụ sở VPCP. Với tư cách Giám đốc ITNet, tôi đã đề nghị các anh nên tổ chức làm việc tại nơi hoạt động của hệ thống ITNet, để xem xét thực tế vận hành luôn.

.

Vào ngày 1/7/1999, Thủ tướng đã cử đoàn công tác của VPCP và Ban Nghiên cứu của Thủ tướng do một đồng chí Phó Chủ nhiệm VPCP, Trợ lý Thủ tướng kiêm Phó Ban Nghiên cứu dẫn đầu đến khảo sát hệ thống và làm việc với các cán bộ quản lý ITNet tại trụ sở 14 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội.

.

Được sự đồng ý của Thủ tướng Phan Văn Khải nên sau khi hoàn thành công việc hỗ trợ BCĐ Y2K, hệ thống mạng cùng các cán bộ quản lý vận hành ITNet đã được điều động về VPCP từ 1/1/2000. Quyết định của Thủ tướng và sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Đoàn Mạnh Giao đã tạo động lực hoạt động cho ITNet khi chuyển về VPCP tiếp tục phát huy hiệu quả kịp thời, phục vụ Chính phủ và VPCP cho giai đoạn sau này.

.

Một trong những sự kiện tôi vẫn nhớ là, đầu năm 2000, chúng tôi trình bày với Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Đoàn Mạnh Giao, để có tư liệu tham khảo phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX họp vào năm 2001, đề nghị anh báo cáo với Thủ tướng được sử dụng ITNet để khai thác tư liệu tổng hợp thông tin của các nước (210 nước và lãnh thổ) trên thế giới qua internet về tình hình địa-chính trị và chiến lược phát triển kinh tế-xã hội trước khi bước vào thế kỷ 21. Riêng kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hiện đại hóa hệ thống hành chính nhà nước theo định hướng Chính phủ điện tử sẽ tổng hợp chi tiết kinh nghiệm thành công của một số nước đi trước để xây dựng kế hoạch 5 năm cho Việt Nam đến cấp mục tiêu và các nhóm dự án.

.

Thủ tướng Phan Văn Khải đã đồng ý và cho triển khai ngay với  sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đoàn Mạnh Giao. Sau 8 tháng, sản phẩm khai thác thông qua đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, 2 cuốn tư liệu đã được xuất bản thành ấn phẩm. Đặc biệt lần đầu tiên, VPCP đã phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia biên soạn sách chuyên khảo nhan đề “Các nước và lãnh thổ trên thế giới trước ngưỡng cửa thế kỷ 21-Thông tin tổng hợp" năm 2001. Sách gồm 804 trang và 30 trang phụ lục, được phát hành lần đầu 9.000 bản và gửi đến các đại biểu Đại hội Đảng lần thứ IX cũng như các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cơ quan hành chính từ Trung ương đến cấp quận, huyện cả nước.

.

Đặc biệt, lời giới thiệu cuốn này do Thủ tướng Phan Văn Khải viết. Cuốn sách đã kịp thời  phục vụ Đại hội IX của Đảng họp vào tháng 4/2001. Giá trị thông tin tư liệu của cuốn sách được đánh giá cao không chỉ ở các cơ quan hoạch định chính sách mà cả tại các cơ sở nghiên cứu, đào tạo trong những năm sau này.

.

Dữ liệu điện tử của các tài liệu này cũng đã được kịp thời bổ sung đưa vào các chuyên mục của Website Chính phủ trên internet ngày 10/1/2006.

.

Nhờ có hệ thống hạ tầng của ITNet, trong khi chờ các thủ tục đầu tư, đấu thầu mua sắm thi công hoàn thiện theo thiết kế kéo dài đến tháng 8/2006 hệ thống Website Chính phủ mới hoàn tất, chúng tôi đã khai thác để mô phỏng, thử nghiệm các kịch bản cho Website Chính phủ. Do đó, đã rút ngắn được thời gian hoàn thành và tiết kiệm được kinh phí đầu tư đáng kể cho Website Chính phủ. Ngay từ năm 2000, các máy chủ của ITNet thực hiện chức năng nhiệm vụ của Trung tâm Tin học VPCP đã hỗ trợ cho việc kiểm soát an toàn hệ thống thông tin dữ liệu cho hơn 300 máy của mạng nội bộ VPCP và những năm sau này giúp thiết lập mạng internet dùng riêng của VPCP đến cuối năm 2007.

Mặc dù sau 6 tháng hoạt động của Website Chính phủ, Thủ tướng Phan Văn Khải đã xin nghỉ trước khi kết thúc nhiệm kỳ, nhưng hoạt động của hệ thống này đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp nhận, khai thác rất hiệu quả ngay từ những tháng đầu (7/2006) ông đảm nhận vai trò Thủ tướng Chính phủ.

Giai đoạn Chính phủ do Thủ tướng Phan Văn Khải đứng đầu, tiếp tục triển khai thành quả của Chính phủ tiền nhiệm đã đưa đất nước phát triển rất ấn tượng trong nhiều lĩnh vực. Riêng lĩnh vực CNTT ở Việt Nam nói chung đã lưu lại những dấu ấn quan trọng sau đây:

1. Việt Nam chính thức mở cổng kết nối với Internet vào ngày 19/11/1997 ( giai đoạn đầu tư kết nối và thử nghiệm do nguyên Thủ tướng Võ  Văn Kiệt ban hành trước khi kết thúc nhiệm kỳ Chính phủ).


2. Việt Nam chính thức ký tham gia hiệp định khung eASEAN về Chính phủ điện tử (5/11/2000).

3. Việt Nam chính thức khai trương Trang tin điện tử Chính phủ nay là Cổng Thông tin điện tử Chính phủ) trên internet 10/01/2006.

4. Trình Quốc hội ban hành Luật về Công nghệ thông tin số 67/2006/QH11, ngày 29/6/2006. 


TS. Nguyễn Công Hóa

Nguyên Trưởng Ban Quản lý dự án Website Chính phủ

Top