Hà Nội
Chia sẻ kinh nghiệm về phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính
(Chinhphu.vn) - Hội thảo về Đề án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) đang được xây dựng thể hiện quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc rà soát toàn bộ TTHC liên quan đến người dân, doanh nghiệp để điều chỉnh thẩm quyền giải quyết; tiết kiệm thời gian, chi phí và tăng cường chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan quản lý Nhà nước.
* Triển khai xây dựng Đề án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính
Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC Ngô Hải Phan phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Gia Huy |
.
Tham dự tại các điểm cầu trực tuyến có đại diện các Bộ, cơ quan ngang Bộ, lãnh đạo 12 tỉnh, thành phố.
.
Cấp nào sát cơ sở, sát nhân dân nhất thì giải quyết TTHC
.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC Ngô Hải Phan nêu rõ, việc phân cấp, phân quyền đã được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng trong chiến lược phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 và Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng.
.
Triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Văn phòng Chính phủ cùng các Bộ, ngành, địa phương đang triển khai xây dựng Đề án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính nhằm giúp chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống; rút ngắn thời gian giải quyết TTHC, tăng cường chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan quản lý; tiết kiệm thời gian, chi phí, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội. . Dự kiến, trong quý I/2022, VPCP sẽ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về Đề án phân cấp trong giải quyết về TTHC. |
Chính phủ nhiệm kỳ khóa 15 đã xác định rõ quan điểm đẩy mạnh phân cấp, tạo quyền chủ động, sáng tạo cho chính quyền địa phương, tăng cường kiểm tra, giám sát và đề cao trách nhiệm cá nhân. Trong việc giải quyết thủ tục hành chính, Chính phủ đặt ra yêu cầu các bộ, địa phương phải thực hiện: “Đẩy mạnh phân cấp trong giải quyết TTHC theo hướng cấp nào sát cơ sở, sát nhân dân nhất thì giao cấp đó giải quyết, không để tình trạng nhiều tầng nấc, kéo dài thời gian giải quyết và gây nhũng nhiễu, tiêu cực”.
.
Chính phủ đã giao VPCP chủ trì cùng các bộ, ngành, địa phương triển khai, xây dựng Đề án phân cấp trong giải quyết TTHC.
.
Theo ông Ngô Hải Phan, hiện nay, TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các bộ, ngành Trung ương là 3.835 TTHC chiếm gần 60% so với các cấp chính quyền địa phương là 1.458 TTHC chiếm 22,3%, còn lại 1.242 TTHC là các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của cơ quan ngành dọc chiếm gần 18%.
.
Trên thực tế, với các TTHC chưa được cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4, trong khi đa số người dân, doanh nghiệp cư trú và có trụ sở đóng trên địa bàn các địa phương, thì việc phải giải quyết thủ tục hành chính tại cấp bộ, cấp tỉnh làm mất nhiều thời gian, công sức của đối tượng thực hiện, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống người dân, ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế - xã hội. Việc phải trực tiếp giải quyết nhiều TTHC khiến các bộ, cơ quan Trung ương sa vào sự vụ, không thể tập trung nguồn lực xây dựng cơ chế, chính sách, quản lý vĩ mô.
.
Chính vì vậy, Đề án phân cấp trong giải quyết TTHC đang được xây dựng thể hiện quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng trong việc rà soát toàn bộ TTHC liên quan đến người dân, doanh nghiệp để điều chỉnh thẩm quyền giải quyết. Việc phân cấp trong ban hành cơ chế, chính sách, cũng như phân cấp trong giải quyết công việc giữa các cơ quan quản lý nhà nước không liên quan đến người dân, doanh nghiệp không thuộc phạm vi của Đề án. Đề án không đi vào những vấn đề mang tính nguyên tắc mà trực tiếp xây dựng từng phương án phân cấp cụ thể để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
.
Để tạo thuận lợi trong quá trình triển khai rà soát, đánh giá TTHC, Văn phòng Chính phủ đã phát triển công cụ rà soát điện tử trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, trên cơ sở thông tin gốc là TTHC trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, nhằm tạo thuận lợi tối đa cho bộ, địa phương trong rà soát, tổng hợp, phân tích thông tin, dữ liệu phục vụ xây dựng Đề án.
.
Với những mục tiêu, nhiệm vụ ưu tiên của Việt Nam về phân cấp trong giải quyết TTHC đã nêu trên, theo ông Ngô Hải Phan, với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Pháp sẽ giúp Việt Nam có thêm những bài học cải cách thành công cũng như chưa thành công để từ đó có cách làm phù hợp, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, đáp ứng được kỳ vọng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Ông Besla Hegedus, Trưởng phòng Tư pháp-Pháp luật và Quản trị, Đại sứ quan Pháp tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Gia Huy |
.
TTHC đơn giản hơn nhờ phát triển Chính phủ điện tử
.
Ông Besla Hegedus cho biết, kinh nghiệm cải cách hành chính và phân cấp giải quyết TTHC của Pháp hữu ích cho Việt Nam bởi quá trình này đã được Pháp thực hiện từ nhiều năm qua. Hiện nay quá trình cải cách vẫn được Pháp tiếp tục thực hiện theo hướng dễ hiểu, minh bạch với người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là quá trình cải cách hiện nay gắn với với sự tham gia của công nghệ thông tin và công nghệ số. Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam cam kết tiếp tục đồng hành cùng với VPCP trong quá trình thực hiện đề án này.
.
Từ đầu cầu Paris (Pháp), chuyên gia Nicolas Tenzer đã chia sẻ về phân cấp, phân quyền và đơn giản hoá TTHC - kinh nghiệm của Cộng hoà Pháp. Chương trình đơn giản hoá TTHC tại Pháp được thực hiện từ hơn 40 năm nay và đạt nhiều kết quả. Năm 2018, khoảng 80% TTHC được người dân đánh giá là đơn giản hoặc rất đơn giản. Kết quả này đạt được nhờ việc phát triển Chính phủ điện tử và cắt giảm số lượng giấy tờ, tài liệu phải cung cấp khi thực hiện thủ tục.
.
Một số nguyên tắc Pháp thực hiện là: Không yêu cầu cung cấp các tài liệu giấy tờ mà cơ quan quản lý đã có; hài hoà các tiêu chí phân bổ; áp dụng phương pháp tiếp cận tích cực bằng cách thông báo cho người dân về quyền của mình. Bên cạnh đó, nền tảng dịch vụ công cũng giúp thu thập phản hồi của người dùng, vì từ phản hồi của người dùng cũng có thể đánh giá được mức độ phức tạp của mỗi thủ tục.
.
Nêu khuyến nghị với Việt Nam trong đơn giản hoá TTHC và phân cấp, phân quyền, ông Nicolas Tenzer cho rằng không thể áp dụng máy móc kinh nghiệm từ nước này sang nước khác do sự khác biệt trong tổ chức, sự phát triển về Chính phủ điện tử… Tuy nhiên, ông Nicolas Tenzer nêu kiến nghị: Đối với mỗi tài liệu giấy tờ được yêu cầu cung cấp để thực hiện thủ tục, hãy đặt câu hỏi xem có thực sự hữu ích không, tránh yêu cầu cung cấp tài liệu cơ quan quản lý đã có; có hệ thống đặt hẹn để tránh mất thời gian cho người dân, doanh nghiệp; có cơ chế lấy ý kiến phản hồi và trải nghiệm người dùng về các thủ tục được cung cấp…
.
Về kết quả triển khai xây dựng đề án phân cấp trong giải quyết TTHC, Cục Kiểm soát TTHC cho biết, hiện nay, các Bộ, ngành, địa phương về cơ bản đã nắm vững cách thức, phạm vi, nghiệp vụ và các thao tác rà soát trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ. Nhiều địa phương chủ động, tích cực tổ chức hội nghị hướng dẫn nghiệp vụ, triển khai biểu mẫu điện tử của mình để cấp huyện rà soát; một số địa phương đã bước đầu nhận được kết quả rà soát từ cấp huyện và các sở, ngành; hoàn thiện phương án trước khi báo cáo tỉnh để gửi các bộ, ngành và VPCP.
.
“Kết quả rà soát của các địa phương cho thấy mục tiêu mục tiêu đề xuất phân cấp giải quyết TTHC đạt ít nhất 20% đã đạt và vượt mục tiêu”, đại diện Cục Kiểm soát TTHC cho biết.
.
Từ kinh nghiệm của chuyên gia Pháp sẽ giúp Việt Nam có giải pháp phân cấp phù hợp, khả thi, hiệu quả, bảo đảm chất lượng, tiến độ xây dựng Đề án.
Hội thảo trực tuyến trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về phân cấp trong giải quyết TTHC. Ảnh: Gia Huy |
.
Đề xuất phân cấp giải quyết TTHC đạt ít nhất 20%
.
Tại hội thảo, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC Ngô Hải Phan đề nghị các bộ, ngành, địa phương quán triệt mục tiêu đề xuất phân cấp giải quyết TTHC đạt ít nhất 20%, đồng thời bảo đảm chất lượng và tiến độ theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
.
Căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của VPCP, các Bộ, ngành, địa phương cần chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nêu cao tinh thần trách nhiệm để rà soát, đề xuất phương án phân cấp để bảo đảm tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC, đồng thời giảm tải việc giải quyết TTHC cho các cơ quan Trung ương.
.
Cải cách TTHC phải kế thừa, phát huy những thành tựu đã đạt được giai đoạn vừa qua, tiếp thu những kinh nghiệm, những bài học thành công trong cải cách của các nước có nền hành chính phát triển, đặc biệt là phải xuất phát từ lợi ích của người dân, doanh nghiệp, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp.
.
Theo ông Ngô Hải Phan, việc phân cấp trong giải quyết TTHC phải được tiến hành đồng bộ, thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện thực tiễn và góp phần thúc đẩy thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển của đất nước theo từng giai đoạn.
.
Gia Huy