Hà Nội

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 24/9

24/09/2020 21:32

Thủ tướng ra công điện tiếp tục phòng, chống dịch bệnh COVID-19

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có Công điện 1300/CĐ-TTg yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để duy trì vững chắc thành quả phòng, chống dịch, tạo cơ sở thúc đẩy các hoạt động phục hồi, phát triển nền kinh tế, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Công điện nêu rõ, dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều nước trên thế giới. Mỗi ngày vẫn ghi nhận khoảng 250 ngàn ca mắc mới, khoảng 5 ngàn người tử vong và chưa có dấu hiệu chững lại; thậm chí đã lây lan nhanh trở lại tại một số nước sau khi nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. Theo nhiều dự báo, dịch bệnh có nguy cơ bùng phát mạnh tại nhiều nước trong thời gian tới.

Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh. Đã có 22 ngày liên tiếp không phát hiện các ca mắc mới trong cộng đồng. Cả nước đã tăng cường triển khai các giải pháp thực hiện mục tiêu kép đạt kết quả bước đầu. Đây là thành quả quan trọng góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh vẫn thường trực, nhất là từ người nhập cảnh nhưng không chấp hành nghiêm quy định về cách ly, giám sát y tế, từ người nhập cảnh trái phép, nguồn bệnh từ các đợt dịch trước nhưng chưa được phát hiện, từ hàng hóa nhập khẩu… Tại một số nơi, ngay cả trong một số cơ quan của Nhà nước và trong nhân dân đã bắt đầu xuất hiện tâm lý chủ quan, thực hiện không đúng, không đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch.

Để duy trì vững chắc thành quả phòng, chống dịch, tạo cơ sở thúc đẩy các hoạt động phục hồi, phát triển nền kinh tế, bảo vệ sức khỏe nhân dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục đề cao cảnh giác, tuyệt đối không lơ là, chủ quan trước nguy cơ dịch bệnh, tổ chức thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, trong đó:

a- Thực hiện nghiêm các biện pháp: đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, tại các địa điểm và trên phương tiện giao thông công cộng; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; hạn chế tụ tập đông người tại nơi công cộng; giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc. Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể việc thực hiện các biện pháp này.

b- Tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh, bảo đảm thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch trong phạm vi quản lý, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm.

c- Chú trọng phòng, chống dịch tại các đô thị lớn, địa bàn tập trung đông dân cư, các khu vực thường xuyên có tập trung đông người, trường học, khu công nghiệp, chợ, siêu thị, cơ sở cách ly…; đặc biệt chú ý bảo đảm an toàn, quyết không để dịch bệnh xuất hiện, lây lan trong các cơ sở y tế. Xét nghiệm ngay các đối tượng có biểu hiện ho, sốt trong cộng đồng; thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho người cao tuổi, người có bệnh lý nền.

d- Chủ động chuẩn bị các kịch bản, bảo đảm cơ sở vật chất, nhân lực đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch; thường xuyên tổ chức diễn tập, tập huấn các biện pháp ứng phó với các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra.

đ- Từng cơ quan, đơn vị, tổ chức phải có phương án cụ thể và thường xuyên rà soát, kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch theo các tiêu chí do Bộ Y tế quy định. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm về phòng, chống dịch tại cơ quan, đơn vị và trong phạm vi quản lý.

e- Trường hợp xuất hiện dịch bệnh, tập trung chỉ đạo thực hiện các biện pháp khoanh vùng thật gọn, cách ly triệt để, xét nghiệm ngay ở phạm vi cần thiết, kịp thời truy vết nhanh, bảo đảm ngăn chặn, kiên quết không để dịch lây lan trên diện rộng.

2- Bộ Y tế:

a- Rà soát, hoàn thiện các quy định, hướng dẫn về phòng, chống dịch trong các hoạt động kinh tế - xã hội, bảo đảm rõ quy trình, thủ tục, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền trong thực hiện phòng, chống dịch, nhất là đối với các cơ sở y tế và quản lý người nhập cảnh khi mở lại các đường bay thương mại quốc tế.

b- Kịp thời hỗ trợ điều trị các ca bệnh nặng vượt quá khả năng ứng phó của địa phương; tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch tại các bộ, ngành, địa phương.

c- Hướng dẫn cụ thể việc bảo đảm an toàn các cơ sở y tế, có tiêu chí đánh giá an toàn đối với từng khoa, phòng và cả cơ sở y tế; tăng cường việc đăng ký khám bệnh qua mạng; siết chặt việc thực hiện phân luồng người đi lại giữa các khoa trong nội bộ cơ sở y tế; có phương án xét nghiệm, kết nối giữa các bệnh viện trong việc tiếp nhận, xét nghiệm, giới thiệu xét nghiệm người bệnh khi có biểu hiện bệnh COVID-19; hết sức chú trọng bảo đảm an toàn cho bệnh nhân nặng điều trị tại cơ sở y tế. Từng khoa, phòng thuộc cơ sở y tế, cơ sở y tế đều phải kiểm tra, đánh giá hàng ngày về mức độ bảo đảm an toàn của khoa, phòng, cơ sở y tế.

Người đứng đầu cơ sở y tế, cơ quan chủ quản của cơ sở y tế chịu trách nhiệm về kết quả phòng, chống dịch tại cơ sở y tế và địa bàn phụ trách.

3- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động áp dụng các biện pháp phù hợp đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch, đồng thời không để ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân.

4- Các Bộ: Công an, Quốc phòng, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tiếp tục kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép.

5- Bộ Quốc phòng tiếp tục quản lý chặt chẽ các cơ sở cách ly tập trung; Bộ Công an, chính quyền và ngành y tế các địa phương chịu trách nhiệm tổ chức cách ly tại các cơ sở lưu trú, giám sát y tế chặt chẽ đối với các trường hợp nhập cảnh, không để dịch bệnh lây chéo trong các cơ sở cách ly và lây lan ra cộng đồng.

6- Việc mở lại các đường bay thương mại quốc tế phải bảo đảm an toàn. Tất cả người nhập cảnh đều phải khai báo y tế, xét nghiệm, cách ly, giám sát y tế phù hợp và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

7- Các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Y tế, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan báo chí tiếp tục truyền thông về phòng, chống dịch, chú trọng truyền thông về thực hiện thông điệp 5K, cài đặt và sử dụng các ứng dụng khai báo y tế tự nguyện, Bluezone.

Phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo quyết định, quy hoạch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phải đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh; bảo đảm sự phát triển bền vững, hài hòa các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh; bảo đảm kết hợp quản lý ngành với quản lý lãnh thổ; phù hợp với khả năng cân đối, huy động nguồn lực triển khai của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Khai thác và phát huy hiệu quả các tiềm năng và lợi thế so sánh của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về hệ thống cảng biển, dịch vụ logistics, du lịch biển và các ngành kinh tế biển khác; phân bố không gian phát triển kinh tế hợp lý giữa các ngành kinh tế quan trọng: công nghiệp, cảng biển, du lịch, nông nghiệp, tạo sự hỗ trợ phát triển lẫn nhau, đồng thời bảo đảm xử lý tốt những tác động xung đột phát triển giữa các ngành, xây dựng Bà Rịa-Vũng Tàu trở thành một địa phương phát triển thịnh vượng, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Một trong những mục tiêu lập quy hoạch nhằm cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về không gian các hoạt động kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, kết cấu hạ tầng, phân bổ đất đai, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên cơ sở kết nối quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.

Quy hoạch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là căn cứ khoa học và công cụ pháp lý để chính quyền các cấp của tỉnh sử dụng khi hoạch định chính sách và kiến tạo động lực phát triển; tổ chức không gian phát triển kinh tế-xã hội đảm bảo yêu cầu kết nối đồng bộ giữa quy hoạch quốc gia với quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh nhằm khai thác, phát huy có hiệu quả tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của tỉnh đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội bền vững.

Yêu cầu về nội dung lập quy hoạch cần xây dựng và cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh xã hội; chú trọng thúc đẩy phát triển các khu vực có điều kiện khó khăn; các vùng động lực phát triển của tỉnh; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; phân bổ, khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên gắn với bảo tồn các giá trị lịch sử-văn hóa, di sản thiên nhiên cho các thế hệ hiện tại và tương lai.

Nội dung quy hoạch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải thể hiện những yêu cầu đặc thù riêng của tỉnh trong từng nội dung như yêu cầu về phân tích, đánh giá, dự báo các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của tỉnh; đánh giá thực trạng phát triển kinh tế-xã hội, hiện trạng sử dụng đất, hiện trang hệ thống đô thị và nông thôn...

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu căn cứ nội dung nhiệm vụ được phê duyệt, tổ chức lập quy hoạch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 bảo đảm phù hợp quy định của Luật Quy hoạch và các quy định hiện hành, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

 

Vĩnh Phúc đầu tư nút IC2, IC5 đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp với UBND tỉnh Vĩnh Phúc và các Bộ liên quan để phân giao nhiệm vụ đầu tư IC2 và IC5 thuộc Dự án đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai qua địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc để UBND tỉnh Vĩnh Phúc sử dụng vốn ngân sách của địa phương thực hiện đầu tư theo đúng quy định pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp với UBND tỉnh Vĩnh Phúc và các Bộ liên quan để phân giao nhiệm vụ đầu tư IC2 và IC5 thuộc Dự án đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai qua địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc để UBND tỉnh Vĩnh Phúc sử dụng vốn ngân sách của địa phương thực hiện đầu tư theo đúng quy định pháp luật.

Xét đề nghị của UBND tỉnh Vĩnh Phúc và ý kiến của các bộ, cơ quan liên quan về việc đầu tư nút giao IC2, IC5 đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai qua địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, sử dụng ngân sách địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến: Do ngân sách Trung ương còn khó khăn, trong khi thực tế đòi hỏi phát triển kinh tế-xã hội ở các địa phương rất cần thiết. Gần đây nhiều địa phương đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư đường quốc lộ đi qua các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Để tạo điều kiện cho tỉnh Vĩnh Phúc chủ động đầu tư các dự án nằm trên địa bàn Tỉnh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp với UBND tỉnh Vĩnh Phúc và các bộ liên quan để phân giao nhiệm vụ đầu tư IC2 và IC5 thuộc Dự án đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai qua địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc để UBND tỉnh Vĩnh Phúc sử dụng vốn ngân sách của địa phương thực hiện đầu tư theo đúng quy định pháp luật.

 

Bổ sung KCN Nhân Cơ 2 vào Quy hoạch phát triển các KCN

Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung khu công nghiệp Nhân Cơ 2 với diện tích 400 ha thuộc địa phận xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông vào Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam đến năm 2020.

Các khu công nghiệp khác của tỉnh Đắk Nông nằm trong Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam đến năm 2020 được phê duyệt tại Quyết định số 1107/2006/QĐ-TTg ngày 21/8/2006 và công văn số 565/TTg-KTN ngày 22/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ không thay đổi.

UBND tỉnh Đắk Nông chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu báo cáo; quy mô diện tích, vị trí đề xuất bổ sung quy hoạch khu công nghiệp Nhân Cơ 2; sự phù hợp, tính khả thi, liên kết, đồng bộ, kế thừa và khả năng tích hợp của phương án phát triển hệ thống khu công nghiệp trên địa bàn Tỉnh trong nội dung quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 theo quy định của pháp luật về quy hoạch. Đảm bảo không để xảy ra các tranh chấp, khiếu kiện trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch; cập nhật khu công nghiệp Nhân Cơ 2 vào Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030 theo quy định của pháp luật về quy hoạch và pháp luật có liên quan.

Bên cạnh đó, thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo chỉ tiêu đã được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 10/5/2018 về Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) tỉnh Đắk Nông; tập trung thực hiện đồng bộ việc quy hoạch, phát triển các khu công nghiệp với các công trình nhà ở công nhân, các công trình xã hội và văn hóa thể thao cho người lao động trong khu công nghiệp; đảm bảo việc cung cấp hạ tầng kỹ thuật và xã hội ngoài hàng rào phục vụ cho hoạt động của khu công nghiệp.

Đồng thời, chịu trách nhiệm về việc thực hiện thu hồi khoáng sản trong khu vực quy hoạch khu công nghiệp Nhân Cơ 2 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 853/TTg-CN ngày 07/7/2020, lưu ý đảm bảo tiến độ thực hiện thu hồi khoáng sản để tạo thuận lợi cho việc triển khai đầu tư xây dựng khu công nghiệp.

Thực hiện lựa chọn và thu hút nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp có tiềm lực về tài chính và kinh nghiệm để đầu tư khu công nghiệp Nhân Cơ 2 theo quy định của pháp luật; chỉ đạo các cơ quan có liên quan và nhà đầu tư cụ thể hóa phương án khai thác, thu hồi và tiêu thụ quặng bô-xít, phương án đền bù giải phóng mặt bằng và kết nối hạ tầng, phương án cung cấp nguồn nhân lực, đầu tư hạ tầng điện nước và các yếu tố cần thiết khác để đảm bảo hiệu quả kinh tế xã hội của khu công nghiệp Nhân Cơ 2 trong quá trình lập dự án và lựa chọn nhà đầu tư.

UBND tỉnh Đắk Nông chịu trách nhiệm lập báo cáo gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường kết quả thu hồi quặng bô-xít trong khu vực thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu công nghiệp Nhân Cơ 2 hàng năm và khi kết thúc dự án./.

Top