Hà Nội

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 16/10

16/10/2020 21:01

Liên thông thủ tục đăng ký thành lập DN, cấp mã số BHXH, đăng ký hóa đơn

Chính phủ ban hành Nghị định số 122/2020/NĐ-CP quy định về phối hợp, liên thông thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, khai trình việc sử dụng lao động, cấp mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội, đăng ký sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp.

Nghị định quy định cơ quan đăng ký kinh doanh là cơ quan đầu mối tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, khai trình việc sử dụng lao động, cấp mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội, đăng ký sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp.

Việc phối hợp, liên thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện qua phương thức kết nối, chia sẻ dữ liệu số giữa các hệ thống công nghệ thông tin.

Cơ quan quản lý nhà nước về lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội, cơ quan thuế không yêu cầu doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện cung cấp bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, các thông tin về đăng ký doanh nghiệp đã được chia sẻ từ cơ quan đăng ký kinh doanh trừ tên, mã số doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện khi thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan.

Quy trình liên thông

Nghị định quy định rõ quy trình phối hợp, liên thông giữa các cơ quan.

Về quy trình phối hợp, liên thông giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan bảo hiểm xã hội, Nghị định quy định sau khi cấp đăng ký thành lập doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, cơ quan đăng ký kinh doanh chia sẻ thông tin về Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện và thông tin về tổng số lao động dự kiến, ngành, nghề kinh doanh, phương thức đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

Khi có sự thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, cơ quan đăng ký kinh doanh chia sẻ thông tin về Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

Mã số doanh nghiệp, mã số chi nhánh, văn phòng đại diện được sử dụng làm mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội.

Khi doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện đóng bảo hiểm xã hội, cơ quan bảo hiểm xã hội chia sẻ thông tin về số lượng lao động đóng bảo hiểm xã hội cho cơ quan đăng ký kinh doanh để thực hiện quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập.

Quy trình phối hợp, liên thông giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế trong đăng ký sử dụng hóa đơn được quy định như sau: Trường hợp hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện đã hợp lệ, cơ quan đăng ký kinh doanh chia sẻ thông tin đăng ký thành lập của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện và thông tin đăng ký sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp, chi nhánh cho cơ quan thuế.

Cơ quan thuế chia sẻ thông tin về mã số doanh nghiệp, mã số chi nhánh, văn phòng đại diện, phân cấp cơ quan thuế quản lý trực tiếp được tạo tự động bởi Hệ thống thông tin đăng ký thuế cho cơ quan đăng ký kinh doanh.

Trên cơ sở thông tin do cơ quan thuế phản hồi, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện và Thông báo về cơ quan thuế quản lý cho doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện.

Doanh nghiệp, chi nhánh có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện về việc sử dụng hóa đơn theo quy định của pháp luật.

Quy định trên có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2020.

 

Cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” cho 13 Liệt sĩ hy sinh tại Rào Trăng 3

Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định 1594/QĐ-TTg cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” cho 13 Liệt sĩ thuộc Bộ Quốc phòng và tỉnh Thừa Thiên Huế đã hy sinh ngày 13/10/2020 khi đang thực hiện công tác tìm kiếm, cứu nạn tại công trình thủy điện Rào Trăng 3, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Cụ thể, 13 Liệt sĩ được cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” gồm:

1- Đại tá Nguyễn Hữu Hùng - Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn, Bộ Tổng Tham mưu - Nguyên quán/trú quán: Xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội.

2- Thiếu tướng Nguyễn Văn Man - Phó Tư lệnh Quân khu 4 – Nguyên quán: Lý Ninh, Đồng Hới, Quảng Bình; trú quán: Phường Nam Lý, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.

3- Thượng tá Bùi Phi Công - Phó Chủ nhiệm Hậu cần, Cục Hậu cần, Quân khu 4 – Nguyên quán: Xã Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị; trú quán: Phường 5, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.

4- Thượng tá Nguyễn Tiến Dũng - Phó Trưởng phòng Tác chiến, Phòng Tác chiến, Bộ Tham mưu, Quân khu 4 – Nguyên quán: Xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An; trú quán: Xã Nghi Thịnh, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.

5- Đại tá Hoàng Mai Vui - Phó Trưởng phòng Xe máy, Cục Kỹ thuật, Quân khu 4 – Nguyên quán: Xã Phương Hưng, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương; trú quán: Phường Điện Biên, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

6- Thượng tá Trần Minh Hải - Phó Tham mưu trưởng, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế - Nguyên quán: Phường Phương Hồ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế; trú quán: Phường Thuận Lộc, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

7- Thượng tá Lê Tất Thắng - Phó Lữ đoàn trưởng Tham mưu trưởng Lữ đoàn Thông tin 80, Quân khu 4 – Nguyên quán: Xã Hồng Long, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An; trú quán: Xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

8- Thiếu tá Tôn Thất Bảo Phúc - Trưởng ban Công binh, Phòng Tham mưu, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế - Nguyên quán/trú quán: Phường An Cựu, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

9- Thiếu tá Nguyễn Cảnh Cường - Đại đội trưởng Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Thông tin 80, Quân khu 4 – Nguyên quán: Xã Cao Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An; trú quán: Xã Nghi Liên, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.

10- Đại úy QNCN Đinh Văn Trung - Đài trưởng 15W, Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Thông tin 80, Quân khu 4 – Nguyên quán/Trú quán: Phường Bến Thủy, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.

11- Đại úy QNCN Trương Anh Quốc - Nhân viên Điệp báo, Phòng Tham mưu, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế - Nguyên quán/Trú quán: Xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

12- Ông Nguyễn Văn Bình - Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế - Nguyên quán/Trú quán: Xã Phong An, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

13- Ông Phạm Văn Hướng - Trưởng phòng Thông tin tuyên truyền, Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thừa Thiên - Huế, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế - Nguyên quán: Xã Hoa Lư, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình; Trú quán: Phường Xuân Phú, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

 

Bà Đỗ Thị Minh Hoa được giao quyền Chủ tịch tỉnh Bắc Kạn

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định 1588/QĐ-TTg giao quyền Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn nhiệm kỳ 2016 – 2021.

Cụ thể, Thủ tướng giao quyền Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn nhiệm kỳ 2016 – 2021 đối với bà Đỗ Thị Minh Hoa, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Kạn nhiệm kỳ 2016 – 2021 cho đến khi HĐND tỉnh Bắc Kạn bầu và trình Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn nhiệm kỳ 2016 – 2021 theo quy định của pháp luật.

Bà Đỗ Thị Minh Hoa được giao quyền Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn do ông Lý Thái Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn đã nghỉ hưu từ ngày 1/10.

Bà Đỗ Thị Minh Hoa sinh năm 1976 tại xã Linh Sơn, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên. Trước khi giữ vị trí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, bà Hoa đã đảm nhiệm qua các chức vụ: Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ba Bể, Phó Chủ tịch và Chủ tịch UBND huyện Ba Bể, Bí thư Huyện ủy Ba Bể.

 

Thị xã Sơn Tây (Hà Nội) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới

Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND Thành phố Hà Nội có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định; chỉ đạo UBND thị xã Sơn Tây tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng tiêu chí về sản xuất và môi trường để bảo đảm tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới.

Nổi bật trong bức tranh xây dựng NTM ở Sơn Tây đó là đầu tư cho hạ tầng ở các xã xây dựng NTM với mục tiêu thay đổi diện mạo khu vực nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Từ năm 2010 đến nay, thị xã đã bố trí gần 367,3 tỷ đồng cho 156 dự án về phát triển giao thông nông thôn dài 221,53km. Trong đó, đường trục xã, liên xã đã nhựa hóa, bê tông hơn 58km, đạt 100% theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải; đường trục thôn, liên thôn đã nhựa hóa, bê tông hóa 129,2km, đạt 100%.

Song song đầu tư cơ sở hạ tầng, để bảo đảm các vùng sản xuất, phục vụ phát triển nông nghiệp, thị xã quy hoạch các vùng trồng trọt, chăn nuôi, phát triển trang trại, gia trại, vùng trồng rau an toàn, cây ăn quả... đồng thời, tập trung cho công tác dồn điền, đổi thửa, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ vào sản xuất, góp phần tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Hiện, thị xã Sơn Tây có 21 hợp tác xã đang hoạt động, trong đó, có 18 hợp tác xã hoạt động lĩnh vực nông nghiệp, 3 hợp tác xã hoạt động lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, thương mại. Các hợp tác xã đều hoạt động có hiệu quả và giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn. Để các hợp tác xã, tổ hợp tác phát triển thuận lợi, thị xã đã quan tâm, tạo điều kiện xây dựng các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực bảo đảm bền vững.

Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của thị xã năm 2019 đạt 46,6 triệu đồng/người/năm, tăng 29,9 triệu đồng/người/năm so với năm 2010. Có thể thấy, chương trình xây dựng NTM đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo ở vùng quê nông thôn ở Sơn Tây.

Xác định chương trình xây dựng NTM là không có điểm dừng, với kết quả đạt được, thị xã Sơn Tây đã có kế hoạch nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM trong giai đoạn tiếp theo. Trong đó, năm 2020, sẽ phấn đấu có một xã đạt chuẩn NTM nâng cao; giai đoạn 2021-2025 có thêm từ 2 xã trở lên đạt chuẩn NTM nâng cao.

 

Huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận đạt chuẩn nông thôn mới

Thủ tướng Chính phủ đã quyết định công nhận huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019.

Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định, chỉ đạo huyện Ninh Phước tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng các tiêu chí về sản xuất và môi trường để đảm bảo tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới.

Qua 10 năm triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở huyện Ninh Phước, hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư khá đồng bộ, từng bước hiện đại, đảm bảo phục vụ tốt phát triển kinh tế-xã hội; cơ cấu lại ngành nông nghiệp được chú trọng, nhiều mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết có hiệu quả; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2019 giảm còn 3,69%; thu nhập bình quân đầu người đạt 43 triệu đồng/năm; bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới khang trang.

Mục tiêu phấn đấu của huyện đến cuối năm 2025 có 8/8 xã đạt nông thôn nâng cao, trong đó có 1 đến 2 xã kiểu mẫu và nâng cao chất lượng huyện nông thôn mới.

 

Điều chỉnh quy hoạch phát triển các KCN tỉnh Bắc Ninh

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến về Đề án điều chỉnh quy hoạch phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đến năm 2020.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đến năm 2020. Cụ thể, giảm 78,68 ha quy hoạch Khu công nghiệp An Việt - Quế Võ 6 tại các xã Nhân Hòa và Phương Liễu, huyện Quế Võ; bổ sung 78,68 ha quy hoạch Khu công nghiệp An Việt – Quế Võ 6 tại các xã Quế Tân và Phú Lương, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh và giữ nguyên diện tích quy hoạch.

Giảm 250 ha quy hoạch Khu công nghiệp Thuận Thành I tại các xã Song Liễu và Ngũ Thái, huyện Thuận Thành; bổ sung 250 ha quy hoạch Khu công nghiệp Thuận Thành I tại các xã Trạm Lộ, Ninh Xá và Nghĩa Đạo, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh và giữ nguyên diện tích quy hoạch.

Giảm diện tích quy hoạch Khu công nghiệp Nam Sơn – Hạp Lĩnh từ 432 ha xuống 300 ha tại các phường Nam Sơn và Hạp Lĩnh, thành phố Bắc Ninh và xã Lạc Vệ, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh; tăng diện tích quy hoạch Khu công nghiệp Thuận Thành III từ 504 ha lên thành 536,32 ha tại các xã Gia Đông, Thanh Khương, Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Quy hoạch các khu công nghiệp khác trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh tiếp tục thực hiện theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1511/TTg-KTN ngày 20/8/2014.

Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu báo cáo, quy mô diện tích, vị trí đề xuất điều chỉnh quy hoạch khu công nghiệp; đảm bảo sự phù hợp, tính khả thi, liên kết, đồng bộ, kế thừa và khả năng tích hợp của phương án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong nội dung quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 theo quy định của pháp luật về quy hoạch. Không để xảy ra các tranh chấp, khiếu kiện trong quá trình triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, thực hiện đồng bộ việc quy hoạch, phát triển khu công nghiệp với các công trình nhà ở, xã hội và văn hóa thể thao cho người lao động trong khu công nghiệp. Đảm bảo việc cung cấp hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội ngoài hàng rào phục vụ cho hoạt động của khu công nghiệp. Có giải pháp ổn định đời sống và xây dựng phương án hỗ trợ việc làm, đào tạo nghề cho người dân bị thu hồi đất.

Tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành và thực hiện các giải pháp nêu tại Đề án. Thực hiện thủ tục đầu tư, thành lập, xây dựng khu công nghiệp theo từng giai đoạn, phù hợp với khả năng thu hút đầu tư và tuân thủ các điều kiện, trình tự, thủ tục quy định tại Nghị định số 82/2018/NĐ-CP, quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng và pháp luật có liên quan.

UBND tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, làm rõ nguyên nhân của việc chưa cập nhật đầy đủ diện tích quy hoạch phát triển các khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào Nghị quyết số 35/NQ-CP; trên cơ sở đó báo cáo cấp có thẩm quyền thực hiện việc điều chỉnh các quyết định đã ban hành, đảm bảo tổng diện tích quy hoạch phát triển các khu công nghiệp phù hợp với chỉ tiêu sử dụng đất công nghiệp phân bổ cho tỉnh Bắc Ninh.

Thực hiện việc kiểm tra việc quy hoạch và thành lập khu công nghiệp; cấp Giấy chứng nhận đầu tư/Quyết định chủ trương đầu tư cho các dự án đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh trong thời gian qua để làm rõ các tồn tại, nguyên nhân và trách nhiệm, đồng thời đề xuất phương án xử lý các vấn đề phát sinh, trong đó có các văn bản, quyết định ban hành chưa đúng trình tự, thủ tục, quy định của pháp luật.

Chấn chỉnh công tác lập, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch, trong đó có quy hoạch phát triển khu công nghiệp theo đúng quy định tại Nghị định số 82/2018/NĐ-CP và các quy định pháp luật khác có liên quan. Kiểm tra, rà soát quy hoạch phát triển khu công nghiệp, quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, quy hoạch chi tiết xây dựng khu công nghiệp và các quy hoạch có liên quan để đảm bảo tính thống nhất về vị trí, diện tích quy hoạch khu công nghiệp trong quy hoạch phát triển khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp chậm triển khai. Xem xét việc đưa ra khỏi quy hoạch hoặc điều chỉnh giảm diện tích khu công nghiệp theo quy định tại Nghị định số 82/2018/NĐ-CP đối với khu công nghiệp nằm trong quy hoạch nhưng không có khả năng triển khai. Áp dụng quy định của pháp luật để thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/Quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp không có khả năng thực hiện.

 

Điều chỉnh xây đường nối Vùng kinh tế biển Nam Định với cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường trục phát triển nối Vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (Dự án).

Cụ thể, tổng mức đầu tư Dự án là 5.326,5 tỷ đồng (tăng 340,5 tỷ đồng). Được chia làm 2 giai đoạn.

Giai đoạn I (2017 - 2021): 2.839 tỷ đồng (tăng 243 tỷ đồng). Giai đoạn II (2021 - 2025): 2.487,5 tỷ đồng (tăng 97,5 tỷ đồng); được triển khai khi có chủ trương về nguồn vốn và khả năng cân đối vốn theo quy định của pháp luật.

Về cơ cấu nguồn vốn, giai đoạn I, vốn ngân sách trung ương (trái phiếu Chính phủ) là 1.200 tỷ đồng (đã bao gồm 10% dự phòng theo quy định của pháp luật); vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác là 1.639 tỷ đồng (tăng 243 tỷ đồng).

Giai đoạn II, cân đối trong kế hoạch vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Từ năm 2017 đến năm 2021, thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng hoàn chỉnh nền đường và cầu cống trên tuyến theo quy mô Dự án đối với những đoạn chưa có tuyến; triển khai thông tuyến theo quy mô mặt đường giai đoạn I của Dự án.

Từ năm 2021 đến năm 2025, triển khai giai đoạn II của Dự án; hoàn thành toàn tuyến theo quy mô Dự án.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Nam Định chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh quyết định đầu tư Dự án theo đúng quy định pháp luật.

Đồng thời, tập trung nguồn lực, bố trí đủ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện, hoàn thành dứt điểm Dự án giai đoạn I năm 2021. Ưu tiên bố trí nguồn vốn trong kế hoạch trung hạn 2021 - 2025 và các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai giai đoạn II và hoàn thành toàn tuyến theo đúng tiến độ.

Tổ chức triển khai thực hiện Dự án theo quy hoạch được duyệt, đúng quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đấu thầu; chịu trách nhiệm toàn diện về thông tin, số liệu, nội dung giải trình liên quan đến dự án và hiệu quả đầu tư dự án; không để xảy ra thất thoát, lãng phí trong quá trình thực hiện Dự án./.

 

Top