Hà Nội

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 15/9/2017

15/09/2017 19:51

Thủ tướng bổ nhiệm 2 Thứ trưởng
Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định bổ nhiệm 2 Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Cụ thể, tại Quyết định 1368/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm ông Lê Tấn Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Tại Quyết định 1369/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm ông Lê Quân, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khóa XIV, giữ chức Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

---------------------
Nhân sự UBATGT Quốc gia, Hội đồng cạnh tranh
Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định nhân sự Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Hội đồng cạnh tranh.
Cụ thể, tại Quyết định 1363/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ kiện toàn nhân sự Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình làm Chủ tịch Ủy ban.
Các Phó Chủ tịch Ủy ban gồm: Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trương Quang Nghĩa (Phó Chủ tịch thường trực); ông Khuất Việt Hùng (Phó Chủ tịch chuyên trách); Thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Nguyễn Văn Sơn.
Các Ủy viên thường trực Ủy ban gồm: Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê  Đình Thọ; Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến; Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục.
Các Ủy viên Ủy ban gồm: Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Bế Xuân Trường; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa; Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Tiến Châu; Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng; Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Lâm Kiết Tường; Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Vũ Hải; Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Đinh Đăng Quang; Phó Tổng Biên tập Báo Nhân dân Phan Huy Hiền; Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh; Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Nguyễn Phi Long; Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Trần Thị Hương; Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn; Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Trung tướng Nguyễn Song Phi.
* Tại Quyết định 1366/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm ông Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, kiêm giữ chức vụ Ủy viên Hội đồng cạnh tranh.

--------------------------
Bộ KHCN cấp phép sử dụng tên quốc gia để đăng ký nhãn hiệu tại nước ngoài
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 91/NQ-CP về việc cấp phép sử dụng dấu hiệu chỉ dẫn nguồn gốc địa lý thuộc phạm vi quốc gia.
Cụ thể, Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ cấp phép sử dụng chữ "Việt" hoặc "Việt Nam", chữ tiếng Anh tương ứng "Viet" hoặc "Vietnam" để đăng ký nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm, dịch vụ quốc gia của Việt Nam tại nước ngoài; trước mắt cấp phép cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để  đăng ký nhãn hiệu chứng nhận đối với sản phẩm gạo của Việt Nam tại nước ngoài.
Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về việc sử dụng tên quốc gia, bao gồm dạng đầy đủ, dạng rút ngắn, các chữ tiếng Anh tương ứng và các dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý thuộc phạm vi quốc gia trong việc đăng ký chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu (nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể) cho các sản phẩm, dịch vụ tại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, trình cấp có thẩm quyền theo quy định.

-------------------------
Triển khai thi hành Bộ luật Hình sự
Để triển khai thi hành Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 (Bộ luật Hình sự năm 2015) kịp thời, thống nhất và có hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Bộ luật Hình sự.
Theo kế hoạch, sẽ rà soát các vụ án hình sự và đối tượng thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 2 của Nghị quyết số 41/2017/QH14 để thực hiện việc đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án, chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân, miễn chấp hành hình phạt, xóa án tích cho người bị kết án.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân tiến hành rà soát các vụ  án hình sự cơ quan, đơn vị mình đang thụ lý để xem xét khởi tố, điều tra mà bị can thuộc diện không bị xử lý hình sự theo quy định tại các điểm d, đ và e khoản 2 Điều 2 của Nghị quyết số 41/2017/QH14 và đình chỉ điều tra đối với bị can đó.
Bên cạnh đó, chỉ  đạo, hướng dẫn các trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân phối hợp với Tòa án có thẩm quyền rà soát các đối tượng người bị kết án thuộc diện được chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân theo quy định tại các điểm a, b, c khoản 2 Điều 2 của Nghị quyết số 41/2017/QH14 mà cơ quan, đơn vị mình đang quản lý  để lập hồ sơ trình Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân; tiến hành rà soát các đối tượng người bị kết án thuộc diện được miễn chấp hành hình phạt theo quy định tại các điểm d, đ và e khoản 2 Điều 2 của Nghị quyết số 41/2017/QH14 mà cơ quan, đơn vị mình đang quản lý và làm thủ tục đề nghị Tòa án có thẩm quyền miễn chấp hành hình phạt cho họ, đồng thời, gửi danh sách các đối tượng được đề nghị miễn chấp hành hình phạt theo quy định tại các điểm d, đ và e khoản 2 Điều 2 của Nghị quyết số 41/2017/QH14 cho Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia để cập nhật thông tin xóa án tích đương nhiên vào Lý lịch tư pháp của người bị kết án đó.
Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan Hải quan, cơ quan Kiểm lâm tiến hành rà soát các vụ án hình sự cơ quan, đơn vị mình đang thụ lý để xem xét khởi tố, điều tra mà bị can thuộc diện không bị xử lý hình sự theo quy định tại các điểm d và đ khoản 2 Điều 2 của Nghị quyết số 41/2017/QH14 và đình chỉ điều tra đối với bị can đó.
Bộ Tư pháp chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thi hành án dân sự tiến hành rà soát các đối tượng người bị kết án phạt tiền thuộc diện được miễn chấp hành hình phạt theo quy định tại các điểm d và đ khoản 2 Điều 2 của Nghị quyết  số 41/2017/QH14 và làm thủ tục đề nghị Tòa án có thẩm quyền miễn chấp hành hình phạt tiền cho họ; chỉ đạo, hướng dẫn Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, các Sở Tư pháp tiến hành rà soát các đối tượng người bị kết án thuộc diện đương nhiên được xóa án tích theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 2 của Nghị quyết số 41/2017/QH14 và cập nhật thông tin vào Lý lịch tư pháp của người đó và cấp Phiếu lý lịch tư pháp ghi “không có án tích” cho họ khi có yêu cầu.
Đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo, hướng dẫn các Viện kiểm sát và cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương tiến hành rà soát các vụ án hình sự cơ quan, đơn vị mình đang thụ lý điều tra, truy tố mà bị can thuộc diện không bị xử lý hình sự theo quy định tại các điểm d, đ và e khoản 2 Điều 2 của Nghị quyết số 41/2017/QH14 và đình chỉ vụ án đối với bị can đó; chỉ đạo, hướng dẫn các Viện kiểm sát phối hợp với cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong việc rà soát các vụ án đang trong quá trình khởi tố, điều tra mà bị can thuộc diện không bị xử lý hình sự theo quy định tại các điểm d, đ và e khoản 2 Điều 2 của Nghị quyết số 41/2017/QH14 để đình chỉ điều tra đối với họ.
Đề nghị Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo, hướng dẫn các Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự các cấp, các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao tiến hành rà soát các vụ án hình sự mà Tòa án, đơn vị mình đang thụ lý, giải quyết; nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 2 của Nghị quyết số 41/2017/QH14 thì tiếp tục thực hiện việc chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân, miễn chấp hành phần hình phạt còn lại hoặc miễn chấp hành toàn bộ hình phạt, đình chỉ vụ án theo khoản 2 Điều 2 của Nghị quyết số 41/2017/QH14.
Phối hợp với Viện Kiểm sát, các cơ sở giam giữ, cơ quan thi hành án hình sự, cơ quan thi hành án dân sự rà soát các đối tượng người bị kết án thuộc diện được chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân hoặc được miễn hình phạt theo Nghị quyết số 41/2017/QH14 để làm thủ tục chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân hoặc miễn chấp hành hình phạt cho họ.
Các nội dung khác của kế hoạch là tổ chức quán triệt, tập huấn báo cáo viên, phổ biến, tuyên truyền Bộ luật Hình sự năm 2015 và Nghị quyết số 41/2017/QH14; tổ chức tập huấn chuyên sâu về Bộ luật Hình sự năm 2015 và Nghị quyết số 41/2017/QH14; rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến Bộ luật Hình sự năm 2015, đặc biệt là các nghị  định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực và đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm thi hành hiệu quả Bộ luật.

------------------------
Quy chế hoạt động BCĐQG khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam vừa ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo này.
Quy chế này quy định nguyên tắc hoạt động, chế độ làm việc, trách nhiệm, mối quan hệ công tác của các thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 701/QĐ-TTg ngày 24/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ (Ban Chỉ đạo).
Trong đó, về nguyên tắc, chế độ làm việc, Ban Chỉ đạo làm việc theo nguyên tắc tập trung thống nhất, các Ủy viên Ban Chỉ  đạo chịu trách nhiệm về phần việc được phân công; Trưởng ban hoặc người được Trưởng ban ủy quyền quyết định các vấn đề của Ban Chỉ đạo.
Trưởng ban, các Phó Trưởng ban, các Ủy viên Ban Chỉ đạo làm việc theo chế  độ kiêm nhiệm, thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ cụ thể quy định của Quy chế này, được hưởng các chế  độ theo quy định của pháp luật; Trưởng Ban Chỉ  đạo ủy quyền cho Phó Trưởng Ban Chỉ đạo xử lý những vấn đề cụ thể thuộc lĩnh vực được phân công.
Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành về khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh; các giải pháp huy động, vận động tài trợ nhằm thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước để nhanh chóng khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xây dựng kế hoạch 5 năm và hàng năm để thực hiện chương trình, kế hoạch hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh; điều phối công tác khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương liên quan trong quá trình thực hiện chương trình, kế hoạch đã được phê duyệt.
Đồng thời, giúp Thủ tướng Chính phủ đôn đốc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương liên quan trong việc thực hiện những vấn đề liên ngành về khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học sau chiến tranh.
Quy chế cũng quy định cụ thể nhiệm vụ và quyền hạn của Trưởng Ban Chỉ  đạo; Phó Trưởng ban Thường trực - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Phó Trưởng ban là: Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Ủy viên Ban Chỉ đạo.

--------------

 Quy định mới về phạt VPHC trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 104/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều.
Nghị định này quy định hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê  điều.
Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền.
Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây: Tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Ngoài các hình thức xử phạt nêu trên, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép; buộc khắc phục tình trạng ô nhiễm nước trong công trình thủy lợi; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do hành vi vi phạm hành chính;...
Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về phòng, chống thiên tai là 50 triệu đồng; mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều là 100 triệu đồng.
Khai thác trái phép cát, sỏi làm tăng rủi ro thiên tai phạt đến 25 triệu đồng
Trong đó, Nghị định quy định rõ mức phạt đối với hành vi vi phạm làm cản trở sự vận hành và làm hư hại công trình phòng, chống thiên tai, trừ công trình khí tượng, thủy văn. Cụ thể, phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với hành vi cản trở sự vận hành của công trình phòng, chống thiên tai; đối với hành vi neo đậu không đúng nơi quy định của tàu thuyền và các phương tiện khác vào công trình phòng, chống thiên tai sẽ bị phạt tiền từ 6-8 triệu đồng; phạt tiền từ 8-15 triệu đồng đối với hành vi cố ý sử dụng sai mục đích của công trình phòng, chống thiên tai.
Phạt tiền từ 15-25 triệu đồng đồng đối với một trong các hành vi sau: Lấn chiếm bãi sông, lòng sông làm tăng rủi ro thiên tai mà không có biện pháp xử lý, khắc phục; khai thác trái phép cát, sỏi, khoáng sản làm tăng rủi ro thiên tai mà không có biện pháp xử lý, khắc phục.
Đối với hành vi làm hư hại công trình phục vụ phòng, chống thiên tai phạt tiền từ 25-40 triệu đồng.
Phạt nặng hành vi gây lãng phí cho cơ quan cứu hộ
Phạt tiền từ 5 -10 triệu đồng đối với hành vi không chủ động cứu giúp hoặc không thông tin kịp thời để lực lượng khác đến ứng cứu người, phương tiện bị nạn trên biển, sông, suối, ao, hồ khi có điều kiện mà không thực hiện.
Đối với hành vi yêu cầu cấp cứu khẩn cấp nhưng không hợp tác khi lực lượng cứu hộ tiếp cận gây lãng phí cho cơ quan cứu hộ sẽ bị phạt tiền từ 20-40 triệu đồng.
Về mức phạt đối với vi phạm quy định trong khắc phục hậu quả thiên tai, phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với hành vi cố ý kê khai, báo cáo sai sự thật về thiệt hại do thiên tai gây ra.
Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Sử dụng sai mục đích, làm thất thoát tiền, hàng cứu trợ và cứu trợ không đúng đối tượng; thực hiện nhiệm vụ cứu trợ không kịp thời.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/11/2017 và thay thế Nghị  định số 139/2013/NĐ-CP ngày 22/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều; phòng, chống lụt, bão.

-------------------------
Cơ chế tài chính đối với Cục Tần số vô tuyến điện
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 40/2017/QĐ-TTg về việc áp dụng cơ chế tài chính đối với Cục Tần số vô tuyến điện.
Theo đó, Cục Tần số vô tuyến điện được thực hiện cơ chế tự chủ tài chính như đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư theo quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập và Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ Quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực kinh tế và sự nghiệp khác và các văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định này.
Cục Tần số vô tuyến điện được sử dụng nguồn thu phí được để lại để chi cho các hoạt động của Cục, trong đó có: Chi đầu tư; chi mua sắm, sửa chữa lớn tài sản, máy móc, thiết bị; chi bổ sung thu nhập cho người lao động; chi các nhiệm vụ đặc thù theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cục Tần số vô tuyến điện.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 15/11/2017 và áp dụng từ năm ngân sách 2017; thay thế Quyết định số 88/2008/QĐ-TTg ngày 04/7/2008 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Tần số vô tuyến điện thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.

------------------------
Đặt hàng đào tạo một số ngành văn hóa nghệ thuật đặc thù
Cần thực hiện cơ chế Nhà nước đặt hàng đào tạo một số ngành, chuyên ngành văn hóa nghệ thuật đặc thù, nghệ thuật truyền thống, khó tuyển sinh, đang thiếu nhân lực.
Trước mắt, đồng ý chủ trương đặt hàng (ngân sách trung ương đảm bảo 100% kinh phí đào tạo) khoảng 300 chỉ tiêu như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo.
Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại buổi làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về thực hiện Thông báo số 154/TB-VPCP ngày 23/3/2017 và đặt hàng đào tạo các ngành văn hóa nghệ thuật.
Phó Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch rà soát các ngành, chuyên ngành và chỉ tiêu đào tạo, các cơ sở đào tạo; xây dựng Đề án Đặt hàng đào tạo (hoặc giao nhiệm vụ  đào tạo gắn với cấp kinh phí) các ngành thuộc lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Về chính sách hỗ trợ, ưu đãi học sinh, sinh viên theo học các ngành văn hóa nghệ thuật, Phó Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng quy định về chế  độ ưu đãi đối với học sinh, sinh viên các ngành nghệ thuật khi thực hiện tác phẩm tốt nghiệp; các ngành nghệ thuật truyền thống, đặc thù, khó tuyển sinh; báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

-----------------------
Khẩn trương thẩm định hồ sơ thành lập Học viện Múa Việt Nam
Chỉ đạo triển khai thực hiện kết luận tại Thông báo số 154/TB-VPCP ngày 23/3/2017, Phó Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương thẩm định hồ sơ thành lập Học viện Múa Việt Nam với các điều kiện đặc thù về quỹ  đất và đội ngũ giảng viên chuyên ngành, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi bổ sung các quy định về chính sách, chế độ làm việc đặc thù, cần thiết đối với giảng viên, giáo viên các ngành văn hóa nghệ thuật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10/2017.
Về đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng tại các cơ sở giáo dục đại học văn hóa nghệ thuật, Phó Thủ tướng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai thực hiện, bảo đảm phù hợp với đặc thù đào tạo văn hóa nghệ thuật.

Top