Hà Nội

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 12/4/2017

12/04/2017 18:08

Tăng mức phạt đối với hành vi vi phạm trong hoạt động thủy sản

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 41/2017/NĐ-CP, trong đó, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 103/2013/NĐ-CP ngày 12/9/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản theo hướng điều chỉnh tăng mức phạt đối với một số hành vi vi phạm.

Cụ thể, Nghị định số 41/2017/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 1-40 triệu đồng đối với hành vi khai thác, vận chuyển, thu gom, lưu giữ thủy sản nếu khối lượng các loài thủy sản có kích thước nhỏ hơn kích thước cho phép khai thác vượt quá mức cho phép khai thác lẫn hoặc khai thác ngoài tự nhiên giống, loài thủy sản có kích thước nhỏ hơn kích thước cho phép. Đối với hành vi vi phạm này, Nghị định số 103/2013/NĐ-CP quy định chỉ phạt tiền từ 300 nghìn đồng - 12 triệu đồng.

Đối với hành vi vi phạm các quy định về thời gian cấm khai thác, vùng cấm, nghề cấm khai thác theo quy định của pháp luật cũng bị phạt từ 1-40 triệu đồng.

Đồng thời, Nghị định số 41/2017/NĐ-CP cũng điều chỉnh tăng mức phạt đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện hoặc sử dụng trực tiếp điện từ máy phát điện trên tàu cá hoặc phương tiện nổi khác để khác thác thủy sản lên tới 50 triệu đồng thay vì 30 triệu đồng như Nghị định số 103/2013/NĐ-CP.

Nghị định số 41/2017/NĐ-CP cũng bổ sung thêm mức phạt đối với hành vi nuôi sinh trưởng, sinh sản và trồng cấy các loài thủy sinh hoang dã có nguồn gốc hợp pháp nhưng không đăng ký trại nuôi. Mức phạt từ 1-7 triệu đồng tùy theo hành vi vi phạm.

Ngoài ra, Nghị định số 41/2017/NĐ-CP cũng sửa đổi phạt tiền từ 7-100 triệu đồng đối với chủ tàu cá hoặc thuyền trưởng hoặc tổ chức, cá nhân có hành vi môi giới, đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác thủy sản trái phép tại vùng biển của quốc gia hoặc lãnh thổ khác.

Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định trên là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức vi phạm gấp hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Quy hoạch xây dựng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch xây dựng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, đến năm 2030.

Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn gồm 4 huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh và Quản Bạ của tỉnh Hà Giang có quy mô diện tích tự nhiên khoảng 232.606 ha.

Quy mô dân số hiện trạng khoảng 283 nghìn người (năm 2014), dự báo đến năm 2020 dân số khoảng 320-325 nghìn người, đến năm 2030 dân số khoảng 370 - 375 nghìn người.

Về quy mô khách du lịch, hiện trạng khoảng 0,6 triệu lượt khách (năm 2014), dự báo đến năm 2020 đạt khoảng 0,7 - 0,8 triệu lượt khách/năm, đến năm 2030 khoảng 1 - 1,1 triệu lượt khách/năm.

Vùng bảo tồn di sản địa chất diện tích khoảng 35.840 ha

Về phân vùng phát triển không gian, định hướng và quản lý phát triển Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn với các vùng: Vùng bảo tồn di sản địa chất; vùng bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; vùng phát triển bền vững tài nguyên thiên nhiên; vùng bảo vệ cảnh quan, danh lam thắng cảnh; vùng phát triển đô thị và các khu trung tâm du lịch; vùng nguyên liệu nông, lâm sản gắn với chế biến công nghệ cao; vùng phát triển mạng lưới điểm dân cư nông thôn; vùng phát triển dược liệu chất lượng cao.

Trong đó, vùng bảo tồn di sản địa chất diện tích khoảng 35.840 ha, khoanh định 139 Di sản địa chất hiện hữu (cấp quốc tế, quốc gia và địa phương) phân bổ tại các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc thành 30 cụm di sản.

Vùng bảo vệ cảnh quan, danh lam thắng cảnh có tổng diện tích 2.564 ha gồm khu vực bảo vệ cảnh quan Mã Pì Lèng; khu vực bảo vệ cảnh quan di tích Cột cờ Lũng Cú; khu vực xã: Cán Tỷ (huyện Quản Bạ), Thài Phìn Tủng (huyện Đồng Văn).

Tại các khu vực nêu trên, hạn chế xây dựng mới, tôn tạo các công trình văn hóa, lịch sử hiện có. Nâng cấp, cải tạo hạ tầng các điểm dân cư nông thôn gắn với các hoạt động sản xuất, phát triển du lịch sinh thái, homestay, đảm bảo không gây ảnh hưởng tiêu cực tới cảnh quan môi trường tự nhiên.

Phát triển các đô thị đóng vai trò trung tâm du lịch

Về định hướng phát triển đô thị, sẽ phát triển các đô thị đóng vai trò trung tâm du lịch. Đảm bảo liên kết, chia sẻ giữa các khu vực nội vùng và giữa vùng với khu vực bên ngoài. Nâng cao chất lượng hạ tầng xã hội, kỹ thuật và dịch vụ đô thị, không gian công cộng, sinh hoạt văn hóa cộng đồng cho người dân và khách du lịch.

Tập trung phát triển các khu chức năng đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch, dịch vụ thương mại. Bảo tồn các giá trị di sản đặc trưng tại các đô thị. Nâng cấp chất lượng hạ tầng và dịch vụ tại các làng truyền thống trong đô thị phục vụ du lịch cộng đồng. Các hoạt động xây dựng đảm bảo không ảnh hưởng tiêu cực tới cảnh quan thiên nhiên và môi trường tại các đô thị.

Hệ thống các đô thị gồm: Thị trấn Phó Bảng, thị trấn Đồng Văn (huyện Đồng Văn); thị trấn Mèo Vạc, thị trấn Xín Cái (huyện Mèo Vạc); thị trấn Tam Sơn, thị trấn Quyết Tiến (huyện Quản Bạ); đô thị (loại IV) Yên Minh, thị trấn Mậu Duệ (huyện Yên Minh). Đảm bảo định hướng phát triển về quy mô, tính chất, chức năng theo yêu cầu phát triển.

Quy hoạch chung xây dựng bốn đô thị - trung tâm du lịch gồm: Thị trấn Đồng Văn - Trung tâm du lịch văn hóa lịch sử; thị trấn Mèo Vạc - Trung tâm du lịch khoa học, mạo hiểm và thương mại cửa khẩu; đô thị Yên Minh - Trung tâm du lịch sinh thái, đô thị xanh; thị trấn Tam Sơn - Trung tâm du lịch, vui chơi giải trí.

Đầu tư xây dựng 3 trụ sở cơ quan nhà nước

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt 3 dự án đầu tư, cải tạo trụ sở cơ quan nhà nước với tổng mức vốn đầu tư hơn 187 tỷ đồng.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Cải tạo Trụ sở làm việc Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tại Hà Nội do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam quản lý dự án với tổng mức đầu tư 53 tỷ đồng.

Mục tiêu đầu tư xây dựng cải tạo công trình Trụ sở làm việc Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và khắc phục tình trạng xuống cấp, phát huy tính bền vững, hiệu quả sử dụng của công trình.

Thủ tướng Chính phủ cũng phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Trụ sở Cơ quan Đại diện phía Nam, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam quản lý dự án với mục tiêu nâng cao chất lượng cơ sở vật chất và điều kiện làm việc cho cán bộ Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, thông qua đó củng cố và phát triển các hoạt động nhân đạo của Hội; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và khắc phục tình trạng xuống cấp, phát huy tính bền vững, hiệu quả sử dụng của công trình. Tổng mức đầu tư Dự án là 121,5 tỷ đồng.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Trụ sở các cơ quan của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam quản lý dự án với tổng mức đầu tư 13 tỷ đồng.

Mục tiêu đầu tư nhằm xây dựng không gian làm việc cho tập thể cán bộ, công chức, viên chức của Liên hiệp và các cơ quan thuộc Liên hiệp, cơ quan thành viên của Liên hiệp, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác, phục vụ nhiệm vụ chính trị xã hội được giao về đối ngoại nhân dân và vận động tài trợ phi chính phủ; giải quyết nhu cầu hết sức cần thiết và cấp bách nhằm đảm bảo điều kiện phục vụ đối ngoại nhân dân, giao lưu văn hoá, hợp tác quốc tế, góp phần hỗ trợ cho các hoạt động của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam; trở thành địa điểm lý tưởng là nơi tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị, dịch vụ, phục vụ các đoàn khách, các nhà khoa học trong nước và quốc tế về dự hội nghị, phục vụ đối ngoại...

Phấn đấu cả nước có ít nhất 31% xã nông thôn mới

Phấn đấu cả nước có ít nhất 31% số xã (ít nhất khoảng 2.765 xã) đạt chuẩn nông thôn mới; có ít nhất 38 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân từ 1,3-1,5%/năm (riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%/năm; hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 3-4%/năm) theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2016 - 2020.

Đây là mục tiêu tại Chương trình công tác năm 2017 của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Nhiệm vụ trọng tâm của Ban Chỉ đạo là rà soát, tham mưu báo cáo Thủ tướng Chính phủ hoàn thiện hệ thống các văn bản nhằm đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý để tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Tiếp tục kiện toàn Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia và cơ quan giúp việc Ban Chỉ đạo ở các cấp theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, tham mưu đề xuất các giải pháp đa dạng hóa các nguồn vốn huy động đảm bảo nguồn lực thực hiện hoàn thành mục tiêu của từng chương trình trong giai đoạn 2016 - 2020 theo hướng ngân sách Trung ương chỉ đóng vai trò "hỗ trợ", địa phương chịu trách nhiệm cân đối bổ sung ngân sách địa phương và tăng cường huy động các nguồn vốn từ xã hội hóa, đóng góp hợp pháp của cộng đồng; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xây dựng cơ bản (nhất là nợ xây dựng cơ bản trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới) để kịp thời chấn chỉnh và không để phát sinh nợ mới sai quy định trong thực hiện từng chương trình.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện từng chương trình mục tiêu quốc gia để nâng cao hiệu quả thực hiện các chương trình, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2017.

Lập Ban chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập

Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ làm Trưởng ban.

2 Phó Trưởng ban gồm: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (Phó Trưởng ban thường trực); Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Các ủy viên là Bộ trưởng, Thứ trưởng một số bộ và lãnh đạo một số cơ quan.

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra các định hướng, chiến lược để triển khai có hiệu quả nội dung Kết luận số 37-TB/TW ngày 26/5/2011 của Bộ Chính trị về Đề án “Đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công”, Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập và các quy định của pháp luật về đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Bên cạnh đó, chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai xây dựng, hoàn thiện các chính sách có liên quan đến việc đổi mới cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng giao quyền tự chủ cho các đơn vị, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công; giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành liên quan đến đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Đồng thời, chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai đồng bộ các chủ trương, chính sách về đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công.

Kiện toàn Ban Chỉ đạo "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định kiện toàn nhân sự Ban Chỉ đạo Trung ương Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Theo Quyết định, Trưởng ban Chỉ đạo là Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam. Phó Trưởng ban là Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện.

Ủy viên Ban chỉ đạo là lãnh đạo các cơ quan: Ban Tuyên giáo Trung ương; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Ban Dân vận Trung ương; Bộ Công an; Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (Bộ Quốc phòng); Bộ Nội vụ; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Xây dựng; Bộ Thông tin và truyền thông; Bộ Lao động-Thương binh và xã hội; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Y tế; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Ủy ban Dân tộc; Văn phòng Chính phủ; Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; Hội Cựu chiến binh Việt Nam; Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Đài Truyền hình Việt Nam; Đài Tiếng nói Việt Nam; Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam; Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; Hội Người cao tuổi Việt Nam; Hội Khuyến học Việt Nam.

Yêu cầu Bộ Công an điều tra vụ 'ép DN vận tải đóng tiền bảo kê'

Báo Tuổi trẻ ngày 3/4/2017 có bài "Ép doanh nghiệp vận tải đóng tiền bảo kê 1 triệu đồng/tháng", phản ánh về nhóm đối tượng tự xưng là cán bộ Công an tỉnh Phú Yên có mạng lưới hoạt động rộng khắp từ các tỉnh phía Nam ra Bắc, ép doanh nghiệp vận tải đóng tiền "bảo kê" 1 triệu đồng/tháng nếu không sẽ chặn, bắt xe.

Về việc này, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình giao Bộ Công an điều tra, xác minh làm rõ, nếu đúng như nội dung bài báo phản ánh thì phải có các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm theo đúng quy định của pháp luật./.

Top