Hà Nội

Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 05/02

05/02/2021 19:28

Nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã (HTX) kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021 - 2025.
Theo đó, mục tiêu đến 2025 lựa chọn được tối thiểu 300 HTX/liên hiệp HTX xã tham gia, hoạt động theo 12 mô hình của Đề án; 100% HTX thí điểm hoạt động hiệu quả cao, được đánh giá xếp loại Tốt, đạt từ 80 điểm trở lên theo Thông tư số 01/2020/TT-BKHĐT ngày 19/1/2020 của Bộ Kế hoạch và  Đầu tư hướng dẫn và đánh giá HTX; xây dựng Phương án nhân rộng các mô hình HTX kiểu mới hiệu quả trên phạm vi cả nước trong 5 năm tiếp theo (giai đoạn 2026-2030).
Đối tượng tham gia Đề án là các HTX, liên hiệp HTX đang hoạt động hiệu quả trên phạm vi cả nước, có nhu cầu tham gia Đề án, được các địa phương lựa chọn, đáp ứng các điều kiện tham gia.
Về số lượng tham gia, khoảng 300 HTX trên phạm vi cả nước, trong đó mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lựa chọn tối đa 5 HTX tham gia.
Thời gian thực hiện Đề  án gồm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1: Lựa chọn mô hình HTX thí điểm (trong năm 2021); giai đoạn 2: Hoàn thiện mô hình thí điểm, nhân rộng một số mô hình HTX kiểu mới đã hoàn thiện (đến ngày 30/6/2025); giai đoạn 3: Tổng kết, đề xuất phương án nhân rộng các mô hình HTX kiểu mới hiệu quả (6 tháng cuối năm 2025).
Điều kiện tham gia Đề án
Quyết định nêu rõ  điều kiện tham gia Đề án gồm:
Điều kiện bắt buộc: HTX hoạt động theo quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012; HTX đang hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát triển theo các mô hình được Đề án lựa chọn; HTX kinh doanh hiệu quả, có lãi liên tục trong 3 năm tài chính; HTX nộp đầy đủ hồ sơ đăng ký tham gia Đề án, trong đó có Bản đánh giá HTX năm 2020 đạt loại Khá (65 điểm) trở lên; UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thể ban hành thêm các điều kiện khác, tùy theo nguồn lực và tình hình thực tế các HTX thí điểm trên địa bàn.
Điều kiện ưu tiên: Các HTX có nhiều thành viên tham gia, được sự đồng tình, nhất trí của thành viên và Chính quyền cơ sở nơi HTX đặt trụ sở. Tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; các HTX sản xuất quy mô lớn, sản phẩm chủ lực của địa phương theo hướng xuất khẩu, liên kết với doanh nghiệp, tham gia chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học công nghệ cao, gắn với tăng trưởng xanh; các HTX có đông thành viên là nữ hoặc phụ nữ tham gia quản lý; vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; tạo việc làm, hỗ trợ cho người yếu thế; do thanh niên khởi nghiệp; các HTX đã tham gia thí điểm HTX kiểu mới đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 21/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Các mô hình HTX lựa chọn hoàn thiện như mô hình HTX vừa sản xuất, vừa tham gia thị trường (sàn giao dịch nông sản); mô hình HTX tích tụ, tập trung ruộng đất có quy mô lớn và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; mô hình HTX nông nghiệp đảm nhiệm các dịch vụ đầu vào, sơ chế/chế biến và  đầu ra trong chuỗi giá trị nông sản; mô hình HTX hoạt động xây dựng; mô hình HTX giao thông vận tải; mô hình HTX tiểu thủ công nghiệp gắn với phục hồi và phát triển làng nghề truyền thống;...
Về chính sách hỗ trợ, Quyết định nêu rõ: Hỗ trợ các HTX thực hiện thí  điểm theo quy định tại Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã năm 2012, Nghị định số 107/2017/NĐ-CP ngày 15/9/2017 của Chính phủ sửa đổi, bỏ sung một số điều của Nghị định 193/2013/NĐ-CP; theo Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021 - 2025, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% cho HTX thí điểm.
Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030.
Chương trình nhằm tạo tiền đề vững chắc cho việc xây dựng và phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường lao động, góp phần huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, bảo đảm kết nối thị trường lao động trong nước với thị trường lao động của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Mục tiêu cụ thể là tăng số lao động có kỹ năng phù hợp với nhu cầu thị trường lao động; tỷ lệ qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ  đạt 30% vào năm 2025 và đạt 35-40% vào năm 2030; chỉ số Lao động có kiến thức chuyên môn trong Chỉ số  đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc nhóm 60 nước đứng đầu vào năm 2025 vào thuộc nhóm 55 nước đứng đầu vào năm 2030; tỷ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin đạt 80% năm 2025 và 90% năm 2030; phấn đấu giảm tỷ lệ thanh niên không có việc làm, không đi học hoặc không được đào tạo dưới 8%;...
Để đạt mục tiêu trên, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Chương trình gồm: Hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật đồng bộ, thống nhất để thị trường lao động phát triển theo hướng hiện đại; hỗ trợ phát triển cung - cầu lao động; hỗ trợ phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, kết nối cung - cầu lao động; hỗ trợ phát triển lưới an sinh và bảo hiểm; hỗ trợ kết nối thị trường lao động trong và ngoài nước, phát triển các thị trường lao động đặc thù; nâng cao hiệu quả tổ chức, vận hành thị trường lao động.
Trong đó, về nâng cao hiệu quả tổ chức, vận hành thị trường lao động, sẽ tiếp tục sắp xếp, đổi mới tổ chức và quản lý nhà nước về việc làm và thị trường lao động, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị việc làm và thị trường lao động theo hướng thống nhất, rõ ràng về chức năng nhiệm vụ và cơ chế phối hợp.
Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về pháp luật lao động, quan hệ lao động và trách nhiệm, lợi ích của các đối tác xã hội trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng suất và tính cạnh tranh của nền kinh tế.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chế tài xử lý đối với những hành vi vi phạm quy định pháp luật về lao động, đặc biệt về ký kết hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội và các chế độ an sinh xã hội khác cho người lao động; xây dựng hệ thống chỉ số đánh giá phát triển thị trường lao động, việc làm và thu nhập theo hướng so sánh trong khu vực và trên thế giới; đánh giá về chênh lệch trong mức độ phát triển thị trường lao động, khả năng tạo việc làm, thu nhập giữa các tỉnh, các vùng của Việt Nam.
Chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ đến năm 2030
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ đến năm 2030.
Mục tiêu tổng quát của Chiến lược nhằm ứng dụng rộng rãi thành tựu của khoa học và công nghệ vũ trụ; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm một số lĩnh vực có liên quan đến quốc phòng, an ninh, quản lý tài nguyên và môi trường, giám sát và hỗ trợ giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, cung cấp đa dạng dịch vụ cho người dân; nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ của đất nước, góp phần bảo đảm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, thúc đẩy phát triển mọi mặt kinh tế - xã hội và bảo đảm các lợi ích quốc gia khác.
Về đầu tư trọng tâm, trọng điểm, Chiến lược phấn đấu làm chủ  được công nghệ thiết kế, chế tạo, tích hợp các cảm biến quang học, ra-đa cho vệ tinh quan sát Trái đất; lắp ráp, tích hợp, kiểm tra ở trong nước vệ tinh nhỏ có  độ phân giải cao, siêu cao; làm chủ được công nghệ thiết kế, chế tạo thiết bị đầu cuối, trạm mặt đất điều khiển và thu nhận dữ liệu vệ tinh, các bộ phát đáp cho vệ tinh viễn thông; hình thành năng lực định vị dẫn đường của Việt Nam, giảm sự phụ thuộc vào các hệ thống định vị dẫn đường sử dụng vệ tinh toàn cầu hiện có.
Về ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ, mục tiêu đặt ra là chủ  động, kịp thời giám sát, hỗ trợ ra quyết định ứng phó với các hoạt động, biến đổi của thiên nhiên, các biến động xã hội trên diện rộng trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam; cung cấp đa dạng các dịch vụ viễn thông, định vị, dẫn đường, cảnh báo dựa trên dữ liệu vệ tinh cho người dân.
Về phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ vũ trụ, Chiến lược phấn đấu đào tạo được đội ngũ khoảng 300 chuyên gia, 3000 kỹ sư triển khai trong lĩnh vực khoa học và công nghệ vũ trụ; đầu tư nâng cấp khoảng 10 phòng thí nghiệm chuyên sâu; phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh về khoa học vũ trụ, công nghệ vũ trụ, ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ…
Để đạt được những mục tiêu trên, Chiến lược sẽ thực hiện hoàn thiện thể chế, khung pháp lý quốc gia; nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật; phát triển nguồn nhân lực; phát triển thị trường…
Trong đó, Chiến lược sẽ thực hiện hoàn thành đầu tư dự án Trung tâm vũ trụ Việt Nam theo tiến độ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đầu tư nâng cấp các phòng thí nghiệm chuyên sâu phục vụ nghiên cứu về vật lý  địa cầu, vật lý thiên văn, vũ trụ học, môi trường không trọng lực, y sinh học vũ trụ, thời tiết vũ trụ; nâng cao năng lực nghiên cứu, làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo, tích hợp, kiểm thử vệ tinh nhỏ; nghiên cứu xây dựng, triển khai phương án kịp thời thay thế 02 vệ tinh viễn thông VINASAT-1, VINASAT-2…
Bổ sung KCN hỗ trợ khu công nghệ cao Đà Nẵng vào quy hoạch
Thủ tướng Chính phủ đồng ý đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc điều chỉnh quy hoạch phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Cụ thể, điều chỉnh giảm diện tích khu công nghiệp Hòa Nhơn tại xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang từ 393,57 ha xuống 360,59 ha; bổ sung khu công nghiệp hỗ trợ khu công nghệ cao Đà Nẵng với quy mô diện tích là 58,531 ha vào quy hoạch phát triển các khu công nghiệp.
Việc điều chỉnh diện tích các khu công nghiệp Hòa Cầm, khu công nghiệp Hòa Ninh và khu công nghiệp Hòa Cầm - giai đoạn 2 thuộc thẩm quyền của UBND thành phố Đà Nẵng và thực hiện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 11 Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế.
Ngoài các khu công nghiệp đã được điều chỉnh nêu trên, các khu công nghiệp khác nằm trong quy hoạch các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng tại Quyết định số 555/TTg-CN ngày 18/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ không thay đổi.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND thành phố Đà Nẵng thực hiện đồng bộ việc quy hoạch, phát triển khu công nghiệp với các công trình nhà ở, xã hội và văn hóa thể thao cho người lao động trong khu công nghiệp; đảm bảo việc cung cấp hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội ngoài hàng rào phục vụ cho hoạt động của khu công nghiệp; yêu cầu các nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng tập trung xây dựng các công trình nhà máy xử lý nước thải tập trung của các khu công nghiệp trước khi đi vào hoạt động theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; có giải pháp ổn định đời sống và xây dựng phương án hỗ trợ việc làm, đào tạo nghề cho người dân bị thu hồi đất.
Chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện các thủ tục để sớm đầu tư xây dựng sau khi các khu công nghiệp được bổ sung vào quy hoạch phát triển khu công nghiệp; xem xét, huy động các nguồn vốn để đầu tư, phát triển đồng bộ hạ tầng khu công nghiệp theo đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng và phù hợp với quy định của pháp luật; đảm bảo hiệu quả sử dụng nguồn lực đất đai và thu hút đầu tư;...
Điều chỉnh giảm diện tích KCN Thốt Nốt
Thủ tướng Chính phủ đồng ý đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc điều chỉnh quy hoạch phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ.
Cụ thể, điều chỉnh giảm diện tích khu công nghiệp Thốt Nốt từ 600 ha xuống 200 ha; đưa khu công nghiệp Ô Môn có diện tích 600 ha và khu công nghiệp Bắc Ô Môn có diện tích 400 ha ra khỏi Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam.
Bổ sung quy hoạch khu công nghiệp Ô Môn - Cần Thơ (diện tích là 500 ha, vị trí tại phường Trường Lạc, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ) và khu công nghiệp Vĩnh Thạnh (diện tích là 900 ha; vị trí tại xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ) vào Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp.
Các khu công nghiệp khác trên địa bàn thành phố Cần Thơ nằm trong Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam được phê duyệt tại công văn số 2628/TTg-KTN ngày 22/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ không thay đổi.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND thành phố Cần Thơ chỉ đạo Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp thành phố Cần Thơ phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn và yêu cầu nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ đảm bảo việc xây dựng và  đưa vào vận hành nhà máy xử lý nước thải tập trung để đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, thực hiện lựa chọn và thu hút nhà đầu tư hạ tầng có tiềm lực về tài chính và kinh nghiệm để đầu tư khu công nghiệp Ô Môn - Cần Thơ và khu công nghiệp Vĩnh Thạnh theo quy định của pháp luật; chỉ đạo các cơ quan có liên quan và nhà đầu tư cụ thể hóa phương án đền bù giải phóng mặt bằng, kết nối hạ tầng, phương án cung cấp nguồn nhân lực, đầu tư hạ tầng điện nước và các yếu tố cần thiết khác để đảm bảo hiệu quả kinh tế xã hội của các khu công nghiệp trong quá trình lập dự án và lựa chọn nhà đầu tư.
Điều chỉnh 2 KCN tại tỉnh Hải Dương
Thủ tướng Chính phủ đồng ý điều chỉnh, bổ sung quy hoạch khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đồng ý đưa KCN Bình Giang (diện tích 150 ha) tại xã Tân Việt, xã Vĩnh Hồng và xã Hùng Thắng, huyện Bình Giang và KCN Thanh Hà (diện tích 150 ha) tại xã Tân An, xã Tiền Tiến và xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà ra khỏi quy hoạch phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
 
Đồng thời, bổ sung quy hoạch KCN Bình Giang (diện tích 150 ha) tại xã Thái Học, xã Nhân Quyền, xã Bình Minh, xã Thái Hòa và xã Bình Xuyên, huyện Bình Giang và KCN Thanh Hà (diện tích 150 ha) tại xã Thanh Hồng và xã Thanh Cường, huyện Thanh Hà vào quy hoạch phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
Các khu công nghiệp khác trên địa bàn tỉnh Hải Dương nằm trong Quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam đến năm 2020 được phê duyệt tại công văn số 1156/TTg-KTN ngày 14/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ không thay đổi.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Hải Dương chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu báo cáo, quy mô diện tích, vị trí đề xuất điều chỉnh quy hoạch KCN; bảo đảm sự phù hợp, tính khả thi, liên kết, đồng bộ, kế thừa và khả năng tích hợp của phương án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển KCN trên địa bàn tỉnh trong nội dung quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030 theo quy định của pháp luật về quy hoạch; không để xảy ra các tranh chấp, khiếu kiện trong quá trình triển khai thực hiện; lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng KCN đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu, đất đai, kinh doanh bất động sản và pháp luật khác có liên quan.
Đồng thời, thực hiện đồng bộ việc quy hoạch, phát triển KCN với các công trình nhà ở, thiết chế văn hóa, xã hội và thể thao cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp; đảm bảo việc cung cấp hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội ngoài hàng rào phục vụ cho hoạt động của KCN; có giải pháp ổn định đời sống và xây dựng phương án hỗ trợ việc làm, đào tạo nghề cho người dân bị thu hồi đất…
Điều chỉnh quy hoạch các KCN tỉnh Bình Dương
Thủ tướng Chính phủ đồng ý đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc điều chỉnh quy hoạch phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đồng ý giảm diện tích 141 ha tại phía Bắc và 120 ha tại phía Tây, bổ sung diện tích 261 ha theo phía Đông của khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III. Vị trí khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III sau khi điều chỉnh tại xã Hội Nghĩa, thị xã Tân Uyên và xã Tân Lập, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.
Đưa khu công nghiệp Cây Trường với quy mô diện tích 700 ha tại xã Cây Trường II, huyện Bàu Bàng ra khỏi quy hoạch phát triển các khu công nghiệp.
Đồng thời, bổ sung khu công nghiệp Cây Trường với quy mô diện tích 700 ha tại xã Cây Trường II và thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương vào quy hoạch phát triển các khu công nghiệp.
Các khu công nghiệp khác trên địa bàn tỉnh Bình Dương nằm trong Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam đến năm 2020 được phê duyệt tại công văn số 173/TTg-KTN ngày 28 tháng 01 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ không thay đổi.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Bình Dương chịu trách nhiệm về tính chính xác về số liệu báo cáo; xác định vị trí quy hoạch khu công nghiệp và quy mô diện tích, vị trí đề xuất điều chỉnh, bổ sung quy hoạch khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III và khu công nghiệp Cây Trường; sự phù hợp, tính khả thi, liên kết, đồng bộ, kế thừa và khả năng tích hợp của phương án phát triển hệ thống khu công nghiệp trên địa bàn Tỉnh trong nội dung quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 theo quy định của pháp luật về quy hoạch. Đảm bảo không để xảy ra các tranh chấp, khiếu kiện trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch. Tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành và Bộ Kế hoạch và  Đầu tư.
Chỉ đạo các cơ quan liên quan cập nhật nhu cầu sử dụng đất của khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III và khu công nghiệp Cây Trường vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện có liên quan để tổ chức thực hiện. Phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và các bộ, ngành có liên quan để thực hiện việc điều chỉnh phương án sử dụng đất của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam theo quy định của pháp luật; có trách nhiệm điều chỉnh quy hoạch phát triển khu công nghiệp và trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trong trường hợp việc điều chỉnh phương án sử dụng đất của Tập đoàn Cao su Việt Nam, Tổng công ty Becamex IDC có sự thay đổi về quy mô diện tích đất được phép chuyển mục đích sử dụng đất của cấp có thẩm quyền.
Chịu trách nhiệm đảm bảo việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng cây lâu năm (trồng cây cao su) trong chỉ tiêu chuyển mục đích sử dụng đất được Chính phủ cho phép tại Nghị quyết số 59/NQ-CP và kế hoạch sử dụng đất cấp huyện được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về quản lý và sử dụng tài sản công; xử lý tài sản công và thực hiện lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp theo quy định của pháp luật.
Quản lý, sử dụng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất và lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án tại diện tích đất đưa ra ngoài quy hoạch khu công nghiệp theo quy định của pháp luật; bảo đảm điều kiện, trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật, không làm thất thoát tài sản nhà nước; đảm bảo hài hòa quyền lợi của các bên có liên quan khi chuyển đổi đất khu công nghiệp đã đền bù giải phóng mặt bằng sang phát triển đất khác; thực hiện công khai, minh bạch; không để xảy ra khiếu nại, khiếu kiện; các dự án chỉ được thực hiện sau khi được cấp có thẩm quyền chấp thuận; đảm bảo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt và tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu, đất đai, nhà ở, đầu tư và pháp luật khác có liên quan.
Tỉnh Bình Dương chỉ  đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương và các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy định quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng hệ thống thoát nước, xử lý nước thải theo quy định pháp luật; thực hiện đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Luật Thủy lợi và Luật Tài nguyên nước của các doanh nghiệp phát triển hạ tầng khu công nghiệp; thực hiện lấy ý kiến cộng đồng khu vực chịu ảnh hưởng của các dự  án phát triển hạ tầng khu công nghiệp trong trường hợp dự án có quy mô khai thác sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước theo quy định…
Tiếp tục nâng cấp, cải tạo đường ngang qua đường sắt
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đồng ý kéo dài thời gian thực hiện Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 19/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ đối với lĩnh vực đường sắt đến năm 2023 để tiếp tục thực hiện, hoàn thành nâng cấp, cải tạo các đường ngang còn lại và sửa chữa, bổ sung đầy đủ hệ thống tín hiệu theo quy định đối với 566 đường ngang có người gác.
Về kinh phí thực hiện nâng cấp, cải tạo, sửa chữa đường ngang, đối với việc chuyển nguồn từ năm 2020 sang năm 2021 (số tiền 111,58 tỷ đồng), tiếp thu ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải rà soát các khoản chi mua sắm thiết bị, trường hợp hợp đồng mua sắm trang thiết bị ký trước ngày 31 tháng 12 năm thực hiện còn thời hạn thực hiện thanh toán và đơn vị sử dụng ngân sách thực hiện đối chiếu làm thủ tục chuyển nguồn với Kho bạc nhà nước thì được chuyển nguồn sang năm sau; trường hợp không thuộc đối tượng được chuyển nguồn thì hủy dự toán.
Đối với số kinh phí còn lại của năm 2020 (số tiền 108,42 tỷ đồng), Bộ Giao thông vận tải hủy dự toán theo quy định.
Đối với kinh phí từ năm 2021 - 2023, Bộ Tài chính bố trí đầy đủ và kịp thời nguồn vốn từ năm 2021 - 2023, trong đó, năm 2021, ưu tiên bố trí nguồn vốn để Bộ Giao thông vận tải giao cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tiếp tục thực hiện, hoàn thành nâng cấp, cải tạo các đường ngang còn lại nêu trên và triển khai ngay công tác chuẩn bị, thực hiện đầu tư sửa chữa, bổ sung đầy đủ hệ thống tín hiệu đối với 566 đường ngang theo quy định, nhằm hoàn thành toàn bộ dự án trong năm 2023.
Để tránh tình trạng nợ đọng kéo dài, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải giao dự toán cấp bù kinh phí cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam để thanh quyết toán việc nâng cấp, cải tạo, sửa chữa 10 đường ngang đã được thực hiện, hoàn thành năm 2017.
Hoàn thiện Đề án quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tiếp thu đầy đủ ý kiến của Bộ Tư pháp, khẩn trương hoàn thiện Đề án quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư (Đề án), trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Phó Thủ tướng yêu cầu trong thời gian Đề án chưa được phê duyệt, Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm toàn diện về việc quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư; chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam duy trì hoạt động bảo trì thường xuyên, liên tục; bảo đảm hoạt động giao thông vận tải đường sắt thông suốt, trật tự, an toàn, chính xác và hiệu quả, theo đúng quy định pháp luật./.

Top