Hà Nội
Bảo đảm đủ lương thực, thực phẩm trong mọi tình huống
(Chinhphu.vn) - Bảo đảm đủ lương thực, thực phẩm cho tiêu dùng trong nước trong mọi tình huống và một phần cho xuất khẩu; nâng cao thu nhập cho người dân để bảo đảm tiếp cận được lương thực chất lượng, an toàn thực phẩm; từng bước nâng cao tầm vóc, thể lực, trí lực người dân Việt Nam.
Ảnh minh họa |
Nghị quyết nêu rõ, vấn đề an ninh lương thực (bao gồm lương thực, thực phẩm) luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, chỉ đạo, nhằm bảo đảm an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài. Sau hơn 10 năm (2009 - 2019) thực hiện Kết luận số 53-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về Đề án An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020 đã đạt được những thành tựu quan trọng, nổi bật là: Bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống, góp phần quan trọng ổn định kinh tế - chính trị - xã hội và phát triển đất nước, nhất là khi có biến động khủng hoảng kinh tế thế giới và tác động của đại dịch COVID-19; tham gia vào nguồn cung lương thực, thực phẩm cho thế giới;...
Tuy nhiên, vấn đề an ninh lương thực, thực phẩm nước ta vẫn còn một số hạn chế, yếu kém: Có lúc, có nơi việc sản xuất chưa theo quy hoạch, dẫn đến còn dư thừa cục bộ về lương thực, thực phẩm ảnh hưởng đến người sản xuất. Thu nhập của người trồng lúa còn thấp, đời sống của một bộ phận còn khó khăn. Tổ chức sản xuất, chế biến, thương mại, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập. Tầm vóc, thể trạng người Việt Nam được cải thiện, nhưng còn chậm. Đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm cấp hộ gia đình một số nơi chưa vững chắc; khả năng tiếp cận lương thực đa dạng, kịp thời, đủ dinh dưỡng vẫn là thách thức lớn đối với người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
An ninh lương thực quốc gia là vấn đề quan trọng của đất nước trước mắt cũng như lâu dài; để triển khai thực hiện Kết luận số 81-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về “Bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030”, Chính phủ ban hành Nghị quyết về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030.
Mục tiêu cụ thể của Nghị quyết là sử dụng linh hoạt quỹ đất lúa, nâng cao hiệu quả sử dụng đất lúa, giữ ổn định 3,5 triệu ha đất trồng lúa, hàng năm sản xuất ít nhất 35 triệu tấn lúa, làm nòng cốt bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, chế biến, dự trữ và xuất khẩu. Phát triển rau đậu các loại với diện tích 1,2 - 1,3 triệu ha và sản lượng 23 - 24 triệu tấn; cây ăn quả với diện tích 1,3 - 1,4 triệu ha và sản lượng 16 - 17 triệu tấn; sản lượng thịt xẻ các loại 6,0 - 6,5 triệu tấn, sữa tươi 2,6 triệu tấn, trứng gia cầm 23 tỷ quả; sản lượng thủy sản 9 - 10 triệu tấn...
Nông dân sản xuất lúa ở các vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung quy mô lớn có lãi bình quân trên 35% so với giá thành sản xuất. Thu nhập của người dân nông thôn cao hơn 2 lần năm 2020. Phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng, hệ thống lưu thông, phân phối để tăng cơ hội tiếp cận lương thực cho người dân...
Bảo đảm nhu cầu dinh dưỡng với khẩu phần ăn cân đối, giảm tỷ trọng sử dụng gạo, tăng sử dụng thịt, sữa, trứng, cá, rau, quả các loại góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân, đặc biệt là trẻ em tuổi học đường. Nâng cao mức tiêu thụ calo lên trên 2.500 Kcal/người/ngày; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi thể thấp còi còn dưới 19% và thể nhẹ cân còn dưới 10,5%; tỷ lệ béo phì của trẻ em dưới 5 tuổi ở nông thôn dưới 5% và thành thị dưới 10%.
Trên cơ sở các mục tiêu trên, Nghị quyết đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp: Đẩy mạnh phát triển, cơ cấu lại sản xuất lương thực, gắn với thị trường; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất lương thực; tăng cường nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến lương thực; đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất lương thực; đổi mới cơ chế chính sách bảo đảm an ninh thực quốc gia; phát triển hệ thống lưu thông, tăng khả năng tiếp cận lương thực, thực phẩm cho người dân ở mọi lúc, mọi nơi;...
Chí Kiên