Hà Nội

VPCP: Nỗ lực để xứng đáng là cơ quan tham mưu, giúp việc tin cậy của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

(Chinhphu.vn) - Trong thời gian qua, Văn phòng Chính phủ (VPCP) đã đóng góp tích cực, có hiệu quả vào kết quả hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, góp phần vào việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

12/09/2023 08:58
VPCP: Nỗ lực để xứng đáng là cơ quan tham mưu, giúp việc tin cậy của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với cán bộ chủ chốt VPCP vào ngày 04/03/2023 - Ảnh: VGP

Đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước

Ngày 28/8/1945 đã đi vào lịch sử của dân tộc ta. Đó là ngày Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu ra tuyên cáo trước quốc dân đồng bào và với toàn thế giới về việc thành lập Chính phủ của nước Việt Nam mới.

Đây cũng là ngày đánh dấu sự ra đời của bộ máy Văn phòng giúp việc Chính phủ và Văn phòng các cơ quan hành chính nhà nước ở Trung ương và địa phương. Từ năm 2004, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 28 tháng 8 hàng năm là Ngày truyền thống Văn phòng cơ quan hành chính nhà nước.

Chặng đường 78 năm xây dựng và phát triển, với những tên gọi khác nhau và chức năng, nhiệm vụ được giao qua từng thời kỳ, VPCP đã luôn đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của Chính phủ và đất nước.

Những năm gần đây, đặc biệt là từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường; khó khăn, thách thức mới xuất hiện gay gắt, nặng nề. Ở trong nước, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi.

Trước bối cảnh đó, với phương châm hành động "Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả", Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã bám sát các Nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và của Quốc hội chỉ đạo, điều hành các cấp, các ngành, các địa phương giữ vững đoàn kết, tự lực, tự cường, chủ động thích ứng, hành động quyết liệt, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục chuyển biến tích cực, các tổ chức, chuyên gia uy tín trong nước, quốc tế đánh giá cao và tiếp tục dự báo triển vọng tích cực về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm cao, VPCP đã chủ động tham mưu, đề xuất triển khai các nhiệm vụ trọng tâm; chủ động hơn trong theo dõi, đôn đốc thực hiện Chương trình công tác của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng; đóng góp tích cực trong công tác hoàn thiện thể chế, chính sách, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội; đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vấn đề tồn tại kéo dài; tham mưu thực hiện hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số.

Công tác thông tin truyền thông có nhiều đổi mới, góp phần định hướng chính sách, tạo đồng thuận xã hội và lan tỏa quyết tâm trong triển khai các giải pháp chỉ đạo, điều hành. Công tác hậu cần, kỹ thuật cơ bản được thực hiện chu đáo, an ninh, an toàn, chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu đạt ra.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, nhiều kết quả nổi bật đã được VPCP thực hiện như tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023; các Nghị quyết phiên họp thường kỳ, Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ.

Đặc biệt, VPCP đã tham mưu Chính phủ tiếp tục triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, để xây dựng và phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội ban hành và tổ chức thực hiện Nghị quyết về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội.

Tham mưu Chính phủ kiểm tra đôn đốc tình hình giải ngân vốn đầu tư công, việc thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia; đề ra những giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt để phấn đấu năm 2023 giải ngân đạt tỷ lệ trên 95%; thành lập 5 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; thành lập 26 Đoàn công tác do các thành viên Chính phủ làm trưởng đoàn làm việc với các địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại các địa phương.

Bên cạnh đó, VPCP tham mưu Chính phủ chỉ đạo khẩn trương xây dựng nhiều chương trình hành động, nhằm đưa các Nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống, cụ thể như: Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới; Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao"; Chương trình hành động tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa...

VPCP cũng tham mưu Chính phủ trình Quốc hội về dự thảo Nghị quyết giảm 2% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng (từ 10% xuống 8%) để kích cầu tiêu dùng; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn; ban hành Nghị định gia hạn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023; Nghị định gia hạn thời gian nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; Quyết định số 01/2023/QĐ-TTg về việc giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19…

Cũng trong 6 tháng đầu năm 2023, VPCP đã phục vụ Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng thực hiện hơn 40 chuyến công tác, làm việc với các địa phương; xử lý hơn 200 kiến nghị của các địa phương, cơ quan, đơn vị; 941 hội nghị, cuộc họp với các bộ, cơ quan, địa phương để xử lý các công việc theo thẩm quyền.

VPCP - Ảnh 1.

Đoàn công tác VPCP do Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn làm trưởng đoàn đi khảo sát thực tế, nắm bắt khó khăn, vướng mắc tại tỉnh Nam Định - Ảnh: VGP

Đáng chú ý, VPCP đã tham mưu, tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông và xây dựng Chính phủ điện tử. Hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ về thực hiện việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; quản lý, theo dõi Hệ thống thông tin tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Tiếp tục phát triển, hoàn thiện các hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp.

Trong lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính, 6 tháng đầu năm, VPCP đã thẩm tra, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 2 nghị định, 8 quyết định và 3 chỉ thị; chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng và ban hành 01 Thông tư và 3 văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương, quyết liệt triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo chấn chỉnh về hành vi gây khó khăn, nhũng nhiễu, trục lợi trong giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai tại tỉnh Tuyên Quang. Đồng thời, chủ động phối hợp với Bộ Công an triển khai có hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ, bảo đảm gắn kết chặt chẽ cải cách thủ tục hành chính với chuyển đổi số quốc gia.

Trong công tác thông tin truyền thông, Cổng TTĐT Chính phủ (VPCP) đã chủ động thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác về các hoạt động đối nội, đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; chủ động theo dõi, phối hợp, nắm tình hình thực tiễn để kịp thời tham mưu, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo xử lý những vấn đề cấp bách, nổi cộm, bức xúc, dư luận xã hội quan tâm; đồng thời, cung cấp đầy đủ thông tin cho người dân và doanh nghiệp về các hoạt động chủ yếu, những quyết định quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; thực hiện thông cáo báo chí theo quy định của pháp luật.

VPCP - Ảnh 2.

Hội nghị "Trao đổi kinh nghiệm hoạt động Cổng TTĐT các Bộ, ngành năm 2023” - Ảnh: VGP

"Kỷ cương - Trách nhiệm - Linh hoạt - Đổi mới - Hiệu quả"

Trong thời gian tới, VPCP tiếp tục phối hợp chặt chẽ, kịp thời với các bộ, ngành, địa phương để triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tại các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ; thường xuyên theo dõi, đôn đốc, đánh giá tình hình thực hiện, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch năm 2023.

Chủ động đề xuất và đôn đốc các bộ, ngành, địa phương trong việc tích hợp các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành với hệ thống báo cáo Chính phủ và Trung tâm thông tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác tham mưu, tổng hợp phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đẩy mạnh việc gửi nhận văn bản điện tử có ký số và tiếp tục vận hành Cổng Dịch vụ công quốc gia phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, tích cực nắm bắt thông tin, dư luận xã hội quan tâm, chủ động phối hợp cung cấp kịp thời thông tin về chủ trương, chính sách, giải pháp, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đến người dân. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tạo niềm tin và động lực phát triển; kịp thời phản bác thông tin sai trái, xuyên tạc gây hoang mang dư luận trong xã hội.

Phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy trong thực hiện nhiệm vụ chính trị; đổi mới lề lối làm việc, xây dựng VPCP chuyên nghiệp, hiện đại; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý hồ sơ công việc, trong quản lý hồ sơ cán bộ, đảng viên; khắc phục việc chậm trễ trong giải quyết công việc, nợ đọng văn bản và phải đính chính văn bản. Đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu các đơn vị trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Tiếp tục đẩy mạnh việc cải cách thủ tục hành chính và đổi mới cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính tại các bộ, ngành, địa phương, nhất là việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

Đẩy mạnh việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật hành chính; đôn đốc cán bộ, đảng viên đẩy nhanh tiến độ xử lý công việc, bảo đảm nâng cao chất lượng xử lý văn bản, hồ sơ công việc theo đúng quy chế làm việc của Chính phủ và quy chế làm việc của VPCP; phát huy tinh thần trách nhiệm, phấn đấu thực hiện công tác theo phương châm: "Kỷ cương - Trách nhiệm - Linh hoạt - Đổi mới - Hiệu quả".

Hoàng Giang

Top