Hà Nội

Xử lý chồng chéo trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành

(Chinhphu.vn) – Cần cắt bỏ mạnh những kiểm tra chuyên ngành không cần thiết. Khi có sự chồng chéo giữa các bộ, tinh thần là chỉ giao cho một bộ, chứ không thể “một anh giữ đầu, một anh giữ chân”. Tiến tới giao cho một cơ quan đầu mối là hải quan, đồng thời thay đổi phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm của các bộ, ngành.

15/10/2019 15:13

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng chủ trì buổi làm việc. Ảnh: Hoàng Anh

Sáng 15/10, tại trụ sở Văn phòng Chính phủ (VPCP), Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng chủ trì buổi làm việc với các bộ, ngành, cơ quan liên quan về phương án xử lý tập trung một đầu mối chủ trì thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với các nhóm sản phẩm, hàng hóa, gồm: “Hệ thống lạnh”, “Rada”, “Nguyên liệu sản xuất nước giải khát”, “Sữa chế biến, các sản phẩm khác từ sữa”; “Bột, tinh bột có nguồn gốc thực vật”, “Chất hỗ trợ chế biến Casein” và “Dược liệu”.

.

Một mặt hàng chịu nhiều hình thức kiểm tra chuyên ngành

.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhắc lại quyết tâm của Thủ tướng về xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Nhiệm vụ cải cách luôn được Thủ tướng nêu tại tất cả các phiên họp Chính phủ với những chỉ đạo quyết liệt về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

.

Lãnh đạo Chính phủ đã chủ trì nhiều cuộc họp, hội nghị có nội dung liên quan đến công tác cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính; luôn luôn lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo điều hành về cải cách thủ tục hành chính, cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành, điều kiện kinh doanh. 

.

Trong thời gian qua, các Bộ, ngành đã thực hiện cải cách toàn diện hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu như: loại bỏ những quy định chồng chéo trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành; rà soát, cắt giảm danh mục hàng hóa thuộc diện quản lý và kiểm tra chuyên ngành; ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với các nhóm hàng phải kiểm tra chuyên ngành…

.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn không ít trường hợp chồng chéo khi hàng hóa phải cùng lúc thực hiện nhiều thủ tục, chịu nhiều hình thức quản lý kiểm tra chuyên ngành do nhiều đơn vị cùng một bộ hoặc nhiều bộ quy định.

.

Báo cáo tổng hợp của VPCP cho thấy, đối với mặt hàng ra đa, ra đa là thiết bị phát, thu – phát sóng vô tuyến điện khi hoạt động có nguy cơ gây mất an toàn, có nguy cơ gây nhiễu có hại cho các thiết bị khác, thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ TT&TT.

.

Qua rà soát cho thấy thiết bị ra đa cũng được quy định trong Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ GTVT. Bộ GTVT đang thực hiện quản lý chuyên ngành đối với sản phẩm ra đa được sử dụng lắp đặt trên tàu biển. Vì vậy, cần xem xét trong việc quy định về quản lý đối với sản phẩm này nhằm tránh việc có nhiều cơ quan khác nhau cùng thực hiện kiểm tra phương tiện mỗi lần kiểm định.

.

Đối với “hệ thống lạnh”, hiện nay vừa phải kiểm tra chất lượng trước thông quan theo quy định của Bộ LĐTB&XH, vừa phải kiểm tra hiệu suất năng lượng tối thiếu theo quy định của Bộ Công thương.

.

Đối với “nguyên liệu sản xuất nước giải khát”, “sữa chế biến và các sản phẩm khác từ sữa”, “bột và tinh bột có nguồn gốc thực vật” vừa phải kiểm tra an toàn thực phẩm của Bộ Công thương, vừa phải kiểm dịch của Bộ NN&PTNT.

.

Đối với “chất hỗ trợ chế biến Casein”, vừa phải kiểm tra an toàn thực phẩm của Bộ Y tế, vừa phải kiểm dịch của Bộ NN&PTNT.

.

Đối với dược liệu, vừa phải có giấy phép nhập khẩu, kiểm tra chuyên ngành của Bộ Y tế, vừa phải kiểm dịch thực vật của Bộ NN&PTNT.

.

Tại buổi làm việc, đại diện các Bộ TT&TT, Công thương, GTVT, Y tế, NN&PTNT, LĐTB&XH, Tài chính, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân… đã cùng trao đổi về phương án xử lý tập trung một đầu mối chủ trì thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với các nhóm sản phẩm, hàng hóa trên.

.

Đơn cử như đại diện Bộ TT&TT cho rằng, để việc quản lý, kiểm tra thiết bị ra đa được thống nhất, phù hợp với quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia, chất lượng phát xạ vô tuyến và bảo đảm tương tích điện từ đối với toàn bộ các thiết bị phát, thu – phát sóng vô tuyến điện khi hoạt động, Bộ TT&TT đề xuất để Bộ tiếp tục quản lý, kiểm tra đối với thiết bị Ra đa theo các quy định hiện hành.

.

Hay đại diện Bộ Y tế kiến nghị nên bỏ kiểm dịch thực vật đối với sản phẩm hỗ trợ chế biến Casein vì đây chỉ là chất hỗ trợ chế biến dùng trong chế biến thực phẩm không sử dụng trực tiếp. Ngoài ra, kiểm dịch chỉ nên tiến hành đối với sản phẩm tươi sống, đông lạnh, không nên áp dụng đối với các sản phẩm đã qua chế biến. Do đó, đối với kiểm tra chuyên ngành “chất hỗ trợ chế biến Casein” chỉ nên giao một đầu mối là Bộ Y tế.

.

Ảnh: Hoàng Anh

“Chúng ta kiểm tra rất nhiều nhưng tỷ lệ phát hiện rất thấp”

.

Sau khi lắng nghe các ý kiến, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, các vấn đề nêu lên tại buổi làm việc sẽ được tập hợp, báo cáo phiên họp Chính phủ gần nhất để xử lý. Đồng thời đề xuất các phương án như: đối với “nguyên liệu sản xuất nước giải khát”, giao Bộ NN&PTNT; “sữa chế biến và các sản phẩm khác từ sữa” giao Bộ Công thương; “bột và tinh bột có nguồn gốc thực vật” giao Bộ NN&PTNT; “dược liệu” giao Bộ Y tế…

.

Nhấn mạnh sự quyết tâm, chung tay của Chính phủ trong việc đẩy mạnh triển khai cải cách công tác quản lý và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu theo tinh thần tạo thuận lợi nhưng phải đảm bảo tăng cường chống gian lận thương mại, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, VPCP sẽ tiếp tục gặp gỡ, làm việc với các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng để rà soát, tổng hợp và đề xuất những cải cách. Đồng thời đề nghị các bộ trong công tác kiểm tra chuyên ngành phải làm thực chất, đúng với tinh thần Chính phủ kiến tạo.

.

“Các bộ rà soát, nếu thấy mặt hàng nào cắt bỏ được việc kiểm tra chuyên ngành thì cần chủ động cắt bỏ”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, thực tế hiện nay chúng ta tiến hành kiểm tra rất nhiều nhưng tỷ lệ phát hiện sai phạm rất thấp. Do đó, cần rà soát, cắt giảm danh mục hàng hóa thuộc diện quản lý và kiểm tra chuyên ngành, cắt bỏ những kiểm tra chuyên ngành không cần thiết. Khi có sự chồng chéo giữa các bộ, tinh thần là chỉ giao cho một bộ. Tiến tới thay đổi phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm của các bộ, ngành và giao cho một cơ quan đầu mối là hải quan tại cửa khẩu, do đó hải quan cần tăng cường năng lực kiểm tra.

.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cũng khẳng định, dù cắt giảm hay đơn giản hoá thủ tục kiểm tra chuyên ngành thì vẫn phải bảo đảm an ninh, an toàn quốc gia, vấn đề môi trường, sức khoẻ con người…nhưng không vì thế mà trói buộc doanh nghiệp vào các thủ tục kiểm tra chuyên ngành không cần thiết.

.

Hoàng Anh

Top