Hà Nội

Về Hòa Bình thăm chiến khu xưa

(Chinhphu.vn) – Ngày 05/12, tại Hòa Bình, Chi bộ Vụ Công tác Quốc hội, địa phương và đoàn thể (Văn phòng Chính phủ) phối hợp với Chi bộ Vụ Phục vụ hoạt động giám sát (Văn phòng Quốc hội) tổ chức sinh hoạt chuyên đề tại Khu di tích Nhà máy in tiền, xã Phú Nghĩa (huyện Lạc Thủy) và chiến khu Mường Khói (huyện Lạc Sơn).

05/12/2020 21:29

Hai chi bộ dâng hương tại khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (Ngôi nhà trung tâm của đồn điền Chi Nê xưa)

Sau khi cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nền tài chính nước ta lâm vào tình trạng kiệt quệ do hậu quả của gần 100 năm dưới sự đô hộ của thực dân Pháp. Năm 1946, thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời, ông Đỗ Đình Thiện, một nhà tư sản yêu nước đứng tên và bỏ tiền mua lại toàn bộ nhà in Tô-panh ở Cửa Nam, TP.Hà Nội để hiến tặng cho cách mạng.

.

Đến tháng 3/1946, trước nguy cơ bị lộ việc in tiền tại nhà in Tô-panh là rất lớn, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ và Bộ Tài chính quyết định sơ tán nhà in lên đồn điền Chi Nê nay thuộc địa bàn xã Phú Nghĩa. Tại đây, gia đình ông Đỗ Đình Thiện, chủ đồn điền đã dành vị trí thích hợp, cho mượn nhà xưởng, máy điện, nước, nhà kho để lắp đặt Nhà máy in tiền.

.

Chính tại nơi đây, tờ bạc 100 đồng Việt Nam, còn được gọi là tờ bạc "con trâu xanh” ra đời, mang theo sứ mệnh lịch sử vô cùng quan trọng, góp phần đấu tranh tiền tệ với địch để bảo vệ nền độc lập dân tộc và trở thành vũ khí đấu tranh trên mặt trận kinh tế - tài chính - tiền tệ, loại bỏ đồng tiền Đông Dương của thực dân Pháp ra khỏi nước ta, góp phần quyết định vào việc cung cấp nhu cầu vật chất, lưu thông hàng hoá trong cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ của nhân dân ta.

.

Hai chi bộ tặng quà, chụp ảnh lưu niệm tại Khu di tích Nhà máy in tiền, xã Phú Nghĩa (huyện Lạc Thủy)

Năm 2007, khu đồn điền Chi Nê, nơi đặt Nhà máy in tiền đầu tiên của Việt Nam trở thành khu di tích lịch sử, được Bộ VHTT&DL xếp hạng cấp quốc gia. Tại nhà Bảo tàng có trên 200 hiện vật, ảnh trưng bày, giới thiệu về Nhà máy in tiền, tờ bạc đầu tiên được in tại nhà máy, những kỷ vật 2 lần Bác Hồ về thăm, làm việc và giới thiệu về gia đình nhà tư sản yêu nước Đỗ Đình Thiện.

.

Tại đây, hai chi bộ đã dâng hương tại khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (Ngôi nhà trung tâm của đồn điền Chi Nê xưa); thăm Xưởng in tiền đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1946 - 1947); Kho để tiền, Khu Di tích lịch sử Nhà máy in tiền đầu tiên của chính quyền cách mạng Việt Nam. Đây là những điểm đến nhắc nhở thế hệ sau ghi nhớ mốc son chói lọi của nền Tài chính trong lịch sử Việt Nam.

.

Đoàn thăm Xưởng in tiền đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Cũng dịp này, hai chi bộ đã đến thăm chiến khu Mường Khói - một trong những cái nôi của phong trào cách mạng tỉnh Hoà Bình. Trong phong trào khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945, Mường Khói là nơi các lực lượng cách mạng và quần chúng nhân dân huyện Lạc Sơn, tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền thành công đầu tiên ở tỉnh Hoà Bình.

.

Mường Khói xưa gồm 2 xã Hoài Ân và Hiếu Nghĩa, nay thuộc 2 xã Ân Nghĩa và Tân Mỹ, nằm ở phía Đông Nam huyện Lạc Sơn. Với địa hình núi rừng hiểm trở thuận lợi cho phong trào hoạt động cách mạng nên Xứ ủy Bắc Kỳ đã quyết định chọn Mường Khói để xây dựng chiến khu cách mạng, chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền.

.

Với khí thế cách mạng sục sôi, trung đội tự vệ chiến khu cách mạng Mường Khói với vũ khí thô sơ như: dao, nỏ, giáo mác, gậy gộc ngày đêm luyện tập, sẵn sàng chờ thời cơ tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Ban cán sự Đảng tỉnh Hòa Bình đã chọn nơi đây mở lớp huấn luyện quân sự cho 12 thanh niên Vụ Bản và 40 thanh niên của 2 xã Hoài Ân và Hiếu Nghĩa.

.

Đoàn dâng hương tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ (Khu di tích Chiến khu Mường Khói)

Sáng 21/8/1945, gần 50 chiến sỹ tự vệ cùng hàng trăm quần chúng cứu quốc của chiến khu Mường Khói và thị trấn Vụ Bản đã giương cao cờ đỏ sao vàng, theo đường 12A tiến ra thị xã Hòa Bình, phối hợp cùng lực lượng của các chiến khu: Cao Phong - Thạch Yên, Tu Lý - Hiền Lương giành chính quyền tỉnh lỵ vào ngày 23/8/1945.

.

Dâng hương tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ, thăm nhà truyền thống cách mạng - nơi trưng bày hiện vật lịch sử Khu di tích Chiến khu Mường Khói, các đảng viên của hai chi bộ như được sống lại không khí sục sôi, hào hùng cách đây 75 năm và càng hiểu rõ hơn những năm tháng đầy khó khăn, gian khổ, hy sinh, cống hiến to lớn của những chiến sĩ thời đó đã góp phần không nhỏ tạo nên thành công của cách mạng tháng Tám năm 1945.

.

Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Vụ Công tác Quốc hội, địa phương và đoàn thể (VPCP) Lê Tuấn Dũng cho biết, trong thời gian qua, Chi ủy Vụ Công tác quốc hội, địa phương, đoàn thể đã thường xuyên phối hợp với lãnh đạo Vụ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn; chủ động nắm chắc thông tin, tình hình, kịp thời phát hiện báo cáo những vấn đề nhạy cảm, dư luận xã hội quan tâm.

.

Công tác tham mưu đã có sự thay đổi về chất lượng, chủ động và mạnh dạn hơn trong tham mưu tổng hợp, điều phối giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, công tác Quốc hội, địa phương và đoàn thể, phục vụ hiệu quả hoạt động chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và VPCP.

.

Trong công tác xây dựng Đảng, Chi bộ Vụ Công tác Quốc hội, địa phương và đoàn thể luôn coi trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, phòng chống những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và quản lý đảng viên; nắm chắc diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên thông qua sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt các đoàn thể và quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Sinh hoạt Chi bộ định kỳ được duy trì đều đặn hàng tháng với chất lượng và nội dung luôn được cải tiến, nâng cao…

.

Hai chi bộ chụp ảnh lưu niệm trước Nhà truyền thống Khu di tích Chiến khu Mường Khói

Theo đồng chí Lê Tuấn Dũng, việc đổi mới hình thức sinh hoạt Chi bộ có ý nghĩa quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt Chi bộ. Đồng thời, xem đây là khâu đột phá trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cho tổ chức cơ sở đảng và đảng viên, góp phần thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Chi bộ trong sạch, vững mạnh.

.

Buổi sinh hoạt chuyên đề thực tế đã góp phần giúp các đảng viên gắn kết hơn, tự liên hệ tốt hơn với thực tế công tác, chủ động nghiên cứu để đề xuất cải tiến nội dung và hình thức, nâng cao chất lượng sinh hoạt Chi bộ, họp giao ban công tác chuyên môn, sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể, phát động thi đua với những nội dung chủ yếu về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, truyền thống cách mạng của dân tộc phù hợp với đặc điểm, tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị của hai cơ quan VPCP và VPQH để thực hiện tốt các Nghị quyết của Đảng.

.

Theo Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Vụ Phục vụ hoạt động giám sát (VPQH) Nguyễn Ngọc Sơn, trong thời gian qua, 2 Vụ đã phối hợp chặt chẽ với nhau trong công tác. Thông qua sinh hoạt ngoại khóa, các đảng viên của 2 chi bộ có cơ hội được tăng cường giao lưu, gắn bó hơn nữa, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ của hai Vụ, hai cơ quan.

Hoàng Giang

Top