Hà Nội

VPCP tham vấn ý kiến của chuyên gia về dự thảo Luật tiếp cận thông tin

(Chinhphu.vn) – Tọa đàm Tham vấn ý kiến chuyên gia về dự thảo Luật tiếp cận thông tin với mục tiêu tham vấn chuyên gia để cung cấp thông tin cho VPCP với tư cách là cơ quan tham mưu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ có các ý kiến chính thức cũng như các ý kiến phản biện về dự án Luật làm cơ sở để các thành viên Chính phủ thảo luận tại phiên họp sắp tới.

10/07/2015 12:44

Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính Trung ương, Vụ trưởng Vụ Pháp luật VPCP Phạm Tuấn Khải phát biểu khai mạc buổi Tọa đàm. Ảnh: Trung Hiếu

.

Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính Trung ương, Vụ trưởng Vụ Pháp luật VPCP Phạm Tuấn Khải cho biết tại Tọa đàm tham vấn ý kiến chuyên gia về dự thảo Luật tiếp cận thông tin do Vụ Pháp luật – VPCP phối hợp cùng Cơ quan hợp tác phát triển CHLB Đức (GIZ) tổ chức ngày 9/7.

.

Đây là một trong những nội dung nhằm thực hiện chương trình công tác của Văn phòng Chính phủ về công tác thẩm tra các dự án luật, văn bản pháp luật, trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa VPCP và CHLB Đức năm 2015 về hỗ trợ năng lực xây dựng pháp luật.

.

Hơn 60 đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đến từ các bộ, ngành, cơ quan ở Trung ương; các viện nghiên cứu, trường đại học, đại diện các sở, ngành địa phương, cùng nhóm các chuyên gia của Tổ chức hợp tác quốc tế CHLB Đức GIZ… đã tham dự và đóng góp ý kiến tại cuộc tọa đàm.

.

Trong phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính Trung ương, Vụ trưởng Vụ Pháp luật VPCP Phạm Tuấn Khải cho biết, Luật tiếp cận thông tin được Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo, bao gồm 7 chương, 32 điều, trong đó nêu rõ nguyên tắc mọi công dân có quyền bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin; các cơ quan, chủ thể có nhiệm vụ cung cấp thông tin, các hình thức công khai thông tin... Đây là dự án luật khó xây dựng, liên quan rất nhiều đến việc thực hiện dân chủ và quyền con người ở Việt Nam. Đặc biệt tại tọa đàm lần này có các chuyên gia của CHLB Đức sẽ tham gia đóng góp ý kiến cũng như chia sẻ các kinh nghiệm trong công tác xây dựng pháp luật và trong quá trình áp dụng luật vào cuộc sống thực tiễn.

.

Ông Phạm Tuấn Khải cho hay, tọa đàm lần này với mục tiêu tham vấn chuyên gia để cung cấp thông tin cho VPCP với tư cách là cơ quan tham mưu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ có các ý kiến chính thức cũng như các ý kiến phản biện về dự án Luật làm cơ sở để các thành viên Chính phủ thảo luận tại phiên họp sắp tới.

.

“Ý kiến thẩm tra của VPCP tại dự án Luật tiếp cận thông tin là cơ sở để các thành viên Chính phủ xem xét, thảo luận tại Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7/2015”, ông Phạm Tuấn Khải nói.

.

Ông Phạm Tuấn Khải bày tỏ tin tưởng, với các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học, tọa đàm lần này sẽ thảo luận sôi nổi, trực diện về những vấn đề đặt ra và sẽ thu được những kết quả tham vấn quan trọng, được cơ quan chủ trì soạn thảo lắng nghe, tiếp thu, hoàn thiện, đây cũng sẽ là các luận cứ thuyết phục trong quá trình nghiên cứu, thẩm tra dự án luật của VPCP đối với dự án Luật này. 

.

Thay mặt Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự thảo Luật tiếp cận thông tin, PGS.TS Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp trình bày một số nội dung cơ bản trong Luật Tiếp cận thông tin, sự cần thiết phải ban hành Luật. Theo đó, Luật tiếp cận thông tin được Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo, bao gồm 7 chương, 32 điều, trong đó nêu rõ nguyên tắc mọi công dân có quyền bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin; các cơ quan, chủ thể có nhiệm vụ cung cấp thông tin, các hình thức công khai thông tin... nhằm đưa ra cái nhìn tổng thể về dự thảo Luật này.

.

 PGS.TS Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp trình bày một số nội dung cơ bản trong Luật Tiếp cận thông tin. Ảnh: Trung Hiếu

.

PSG. TS Hoàng Thế Liên cho biết, những nội dung chính được thảo luận sẽ là cơ sở để Ban soạn thảo, tổ biên tập nghiên cứu tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật tiếp cận thông tin với chất lượng tốt nhất, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.

 

Tham gia góp ý cho dự thảo Luật tiếp cận thông tin của Việt Nam, Tiến sĩ Heribert Schmitz, Bộ Nội vụ Đức đã chia sẻ một số kinh nghiệm lập pháp trong xây dựng Luật tự do thông tin của Đức, trình bày những nội dung cơ bản của Luật tự do thông tin ở CHLB Đức, trách nhiệm của các cơ quan Chính phủ CHLB Đức trong việc cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí, truyền thông để đưa thông tin ra công chúng.

.

Góp ý về điều 21 của dự án Luật tiếp cận thông tin qui định người yêu cầu cung cấp thông tin phải trả phí, lệ phí, ông Heribert Schmitz cho rằng, cần lưu ý nếu có thu phí cũng phải ở mức hợp lý nếu không người dân sẽ ngần ngại tiếp cận thông tin. “Trong đa số trường hợp, nên miễn phí cho người dân, không nên tạo thêm gánh nặng cho họ khi có nhu cầu cung cấp thông tin”, ông Heribert Schmitz nói.

.

Ông Smith cũng chỉ rõ các trường hợp ngoại lệ không được tiết lộ thông tin quy định trong Luật tự do thông tin của CHLB Đức, giới thiệu về phạm vi thông tin, chủ đề thông tin, những trường hợp ngoại lệ trong Luật tự do thông tin của Đức, đồng thời so sánh, nêu một số điểm khác biệt giữa hai Luật của Việt Nam và CHLB Đức. Theo ông Smith, CHLB Đức có 4 chủ thể thực hiện giám sát Luật tự do thông tin, đó là thủ trưởng cơ quan cung cấp thông tin, cơ quan bảo vệ dữ liệu liên bang, hệ thống tòa án, cơ quan báo chí.

.

Theo Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, việc dự luật chỉ hạn chế các chủ thể là không đầy đủ. Theo ông Thuyết, tất cả các cơ quan, đơn vị thụ hưởng ngân sách đều phải có trách nhiệm cung cấp thông tin kể cả các cơ quan đoàn thể, tổ chức chính trị… “Người dân nhiều khi họ không quan tâm nhiều đến thông tin vĩ mô ở cấp Chính phủ, nhưng họ cần thông tin về viện phí, học phí, việc sử dụng học phí, viện phí…ở bệnh viện, trường học thì luật cần qui định các trường đại học, bệnh viện phải có trách nhiệm cung cấp thông tin”, ông Thuyết nói.

.

Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Như Phát nguyên Viện trưởng Viện Nhà nước và pháp luật Việt Nam cũng cho rằng, chủ thể cung cấp thông tin không nên chỉ là các cơ quan nhà nước mà nên là cả các cơ quan Đảng, đoàn thể. “Tất cả các đơn vị, cơ quan sử dụng tiền thuế của dân đóng góp đều phải có trách nhiệm phục vụ dân, cung cấp thông tin cho dân”, ông Phát nêu quan điểm. Ông cũng đề nghị dự thảo luật phải liệt kê đầy đủ hơn tất cả các cơ quan, đơn vị ở địa phương có trách nhiệm cung cấp, công khai thông tin.

Toàn cảnh buổi Tọa đàm. Ảnh: Trung Hiếu

.

Một số đại biểu cũng đề nghị dự án Luật tiếp cận thông tin cần đồng bộ với các luật khác như Pháp lệnh bí mật Nhà nước, Luật Báo chí… vì hiện nay, danh mục văn bản mật nằm rải rác ở nhiều ngành, qui định không thống nhất và có nhiều văn bản “mật” tràn lan, có thể hạn chế quyền tiếp cận thông tin của người dân. Một số  ý kiến khác cho rằng, cần qui định rõ thời hạn cung cấp thông tin của cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin, trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác, có chế tài rõ ràng để xử lý khi các cơ quan, tổ chức không cung cấp thông tin, cản trở việc tiếp cận thông tin của công dân; hoặc trường hợp đưa thông tin sai sự thật… để các quy định của Luật tiếp cận thông tin khi được thực hiện có tính khả thi cao.

.

Theo TS. Nguyễn Minh Phong, Phó Ban tuyên truyền lý luận – Báo Nhân dân, tinh thần chung của dự thảo Luật chứa đựng nhiều nội dung và quan điểm tích cực, phù hợp với chủ trương đổi mới, dân chủ của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, ông Phong cho rằng cần điều chỉnh dự thảo Luật theo hướng làm rõ hơn và đầy đủ hơn những từ ngữ, thuật ngữ giải thích trong Luật; bổ sung một số quy định trong các điều về nguyên tắc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, quyền và nghĩa vụ của công dân trong việc tiếp cận thông tin, về cơ quan cung cấp thông tin; ràng buộc chặt chẽ và minh bạch hơn quy định từ chối cung cấp thông tin để trách sự lạm dụng, thiếu trách nhiệm của cơ quan cung cấp thông tin; bổ sung yêu cầu công khai kết quả giám sát và xử lý giám sát quyền tiếp cận thông tin…

.

Tọa đàm đã thu được nhiều ý kiến tham vấn, phản biện chuyên sâu của các chuyên gia và các cơ quan liên quan về một số vấn đề lớn của dự thảo Luật tiếp cận thông tin. Đây là cơ sở để VPCP nghiên cứu tiếp thu, xây dựng báo cáo thẩm tra để trình Chính phủ thảo luận, xem xét tại Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 7/2015.

.

Trung Hiếu

 

Top