Hà Nội

Triển khai kết nối, liên thông hệ thống thông tin giữa VPCP và Đồng Nai

(Chinhphu.vn) - Phó Chủ nhiệm VPCP Lê Mạnh Hà đề nghị Cổng TTĐT Chính phủ hỗ trợ, phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh Đồng Nai tổ chức nghiên cứu, thống nhất phương án, kế hoạch triển khai kết nối, liên thông hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc của UBND tỉnh Đồng Nai với hệ thống của VPCP.

23/07/2015 10:35

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Phan Hoàng

.

Chiều 22/7, Phó Chủ nhiệm VPCP Lê Mạnh Hà đã có buổi làm việc với các ban ngành chức năng tỉnh Đồng Nai, bàn về một số nội dung xung quanh công tác đổi mới doanh nghiệp nhà nước và công tác triển khai hệ thống thông tin phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

.

Cùng dự buổi làm việc, về phía VPCP có Phó Tổng Giám đốc Cổng TTĐT Chính phủ Nguyễn Lê Phúc, đại diện lãnh đạo Ban Hành chính điện tử, Trung tâm dữ liệu, Văn phòng – Cổng TTĐT Chính phủ. Về phía tỉnh Đồng Nai có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, các thành viên trong Ban Chỉ đạo ứng dụng CNTT tỉnh, cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

.

Về việc ứng dụng CNTT vào hoạt động quản lý nhà nước tại địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Trần Văn Vĩnh cho biết, Đồng Nai là một trong những địa phương tiên phong của cả nước về ứng dụng CNTT phục vụ công tác quản lý nhà nước từ chính quyền cấp tỉnh đến chính quyền các cấp huyện, xã, phường, phổ biến ở nhiều lĩnh vực.

.

Tính đến tháng 6/2015, toàn tỉnh đã triển khai mô hình một cửa điện tử, một cửa liên thông hiện đại tại 5 sở, 11/11 UBND cấp huyện, 37/171 xã, phường, thị trấn. Thực tế việc triển khai hệ thống cho thấy, tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính tại các mô hình này khá thuần thục, thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

.

Một số địa phương như huyện Nhơn Trạch, cả 12/12 xã đã đưa vào hoạt động bộ phận một cửa, một cửa liên thông hiện đại. Bộ phận này thực hiện tiếp nhận và trả kết quả 14 lĩnh vực như hành chính tư pháp, cho nhận con nuôi, bổ trợ tư pháp, tôn giáo, dân tộc… Riêng nội dung liên thông, UBND huyện đã triển khai mô hình liên thông “3 trong 1” về đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi.

.

Kết quả đáng chú ý nữa là việc ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực quản lý đất đai và môi trường tại Đồng Nai, đến nay dữ liệu đất đai của toàn bộ 11 huyện, thị xã và thành phố của tỉnh, với hơn 1,5 triệu thửa đất đã được xây dựng và quản lý trên cơ sở dữ liệu tập trung tại Hệ thống Điều hành và tích hợp dữ liệu tài nguyên môi trường tỉnh Đồng Nai.

.

Khẳng định quyết tâm thực hiện việc kết nối liên thông với hệ thống thông tin dữ liệu của Chính phủ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Trần Văn Vĩnh cho biết, tới đây Đồng Nai sẽ tiếp tục tập trung các nguồn lực vào phát triển ứng dụng CNTT nhằm từng bước hướng tới xây dựng chính quyền điện tử; đồng thời bày tỏ mong muốn VPCP có chỉ đạo, hướng dẫn và phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai để nâng cao hơn nữa năng lực phát triển ứng dụng CNTT trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, khó khăn lớn nhất của tỉnh hiện nay là việc kết nối giữa hệ thống Một cửa liên thông và Một cửa liên thông hiện đại. Bên cạnh đó, còn có những vấn đề liên quan đến việc tổ chức kết nối liên thông giữa địa phương và các cơ quan Trung ương… Để giải quyết những vấn đề này, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các ngành chức năng tại địa phương, cũng như sự hỗ trợ của các cơ quan Trung ương để có biện pháp xử lý phù hợp.

.

Đánh giá cao mô hình ứng dụng CNTT của Đồng Nai, Phó Chủ nhiệm VPCP Lê Mạnh Hà cho rằng Đồng Nai hiện đang là một trong những “điểm sáng” của cả nước về ứng dụng CNTT phục vụ hoạt động trong các cơ quan, đơn vị nhà nước. Trên cơ sở điều kiện hạ tầng và nền tảng CNTT đã có, UBND tỉnh Đồng Nai cần tiếp tục tập trung nguồn lực, ưu tiên kinh phí để nâng cao hơn nữa hiệu quả ứng dụng CNTT vào hoạt động các cơ quan hành chính nhà nước tại địa phương.

.

Đối với những khó khăn vướng mắc của Đồng Nai hiện nay, Phó Chủ nhiệm VPCP Lê Mạnh Hà đề nghị Cổng TTĐT Chính phủ hỗ trợ, phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh Đồng Nai tổ chức nghiên cứu, thống nhất phương án, kế hoạch triển khai kết nối, liên thông hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc của UBND tỉnh Đồng Nai với hệ thống của VPCP. Đồng thời đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các Bộ, ngành, cơ quan liên quan tập trung nghiên cứu, ban hành hướng dẫn kỹ thuật đối với trục liên thông tích hợp dữ liệu điện tử để các tỉnh, thành phố khác trên cả nước có căn cứ triển khai thực hiện.

.

Nhiều khó khăn trong việc cổ phần hóa DNNN

.

Liên quan đến nội dung công tác đổi mới doanh nghiệp nhà nước tại Đồng Nai, đại diện Sở Tài chính tỉnh Đồng Nai cho biết, từ đầu năm đến nay, mặc dù tỉnh đang tích cực triển khai nhưng thực tế công tác này lại gặp không ít khó khăn.

.

Cụ thể, bên cạnh một số vấn đề liên quan đến thuế đất làm ảnh hưởng đến quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp thì việc thực hiện thoái vốn của một số doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn đầu tư vào các lĩnh vực tài chính-ngân hàng đến nay vẫn chưa thể triển khai. Nguyên nhân là do chưa có ý kiến của Ngân hàng Nhà nước về việc thoái vốn của các doanh nghiệp tại các Ngân hàng thương mại trên địa bàn.

.

Theo báo cáo của Sở Tài chính tỉnh Đồng Nai, trong 6 tháng đầu năm 2015, tỉnh Đồng Nai đã tích cực triển khai phương án sắp xếp doanh nghiệp nhà nước. Kết quả đến nay, đã xác định giá trị cổ phần hóa 4 doanh nghiệp; tổ chức tái cơ cấu hoạt động 2 doanh nghiệp và đang tiến hành làm thủ tục giải thể đối với 2 doanh nghiệp.

.

Về thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước, tỉnh đã thực hiện thoái 100% vốn tại Công ty CP Sài Gòn Đồng Nai trị giá 6 tỷ đồng, thoái vốn tại Công ty Amata VN từ 30% xuống còn 10%, thoái 10,61% vốn cổ phiếu (giá trị 1,645 tỷ đồng) tại Công ty CP Điện cơ Đồng Nai, thoái 100% vốn tại các Công ty CP phát hành sách và Công ty Chế biến XNK-NSTP Đồng Nai thu về hơn 5,8 tỷ đồng.

.

Đánh giá kết quả thực hiện phương án sắp xếp doanh nghiệp nhà nước tại Đồng Nai trong 6 tháng vừa qua, Vụ trưởng Vụ Đổi mới Doanh nghiệp VPCP Nguyễn Trọng Dũng cho rằng, thời gian tới, các ngành chức năng tỉnh Đồng Nai cần đẩy nhanh công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước bởi trên địa bàn tỉnh đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào được phê duyệt chính thức - dù số lượng doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh không nhiều.

.

Ghi nhận những khó khăn của Đồng Nai trong công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, ông Dũng cho biết, Đoàn công tác sẽ tổng hợp báo cáo, sớm có ý kiến tham mưu, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành chức năng nghiên cứu các biện pháp hỗ trợ phù hợp. Trước mắt, các ngành chức năng tỉnh Đồng Nai cần tiếp tục tập trung hoàn thiện mọi thủ tục liên quan, khẩn trương phê duyệt kế hoạch, tổ chức công bố cổ phần hóa đối với các doanh nghiệp nhà nước đã thực hiện xong các thủ tục xác định giá trị doanh nghiệp…, nhằm đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu công tác chung của tỉnh trong năm 2015.

.

Phan Hoàng

Top