Hà Nội

Trao đổi kinh nghiệm cải cách thủ tục hành chính

(Chinhphu.vn) - Chiều 31/5, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Kiều Đình Thụ đã chủ trì buổi làm việc, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm tiến hành cải cách thủ tục hành chính với hai đoàn công tác của Chính phủ và doanh nghiệp Nepal và Papua New Guinea.

31/05/2012 18:12

Buổi làm việc trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm tiến hành cải cách thủ tục hành chính - Ảnh VGP/Xuân Tuyến

Dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ và doanh nghiệp Nepal là ông Uma Kant Jha, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp. Tham gia đoàn có Thứ trưởng Bộ Thương mại và Cung ứng, Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương, đại diện Văn phòng Thủ tướng và Hội đồng Bộ trưởng, một số bộ, ngành và hiệp hội doanh nghiệp của Nepal.

Đoàn đại biểu Papua New Guinea do ông Ronal Maru, Phó Vụ trưởng Vụ Thương mại và Công nghiệp, Bộ Công thương, dẫn đầu. Tham gia đoàn có lãnh đạo Văn phòng Thủ tướng, đại diện doanh nghiệp.

Về phía Việt Nam, cùng tham dự buổi làm việc có lãnh đạo Cục Kiểm soát Thủ tục Hành chính và một số vụ chức năng của Văn phòng Chính phủ (VPCP). Ngoài ra, còn có đại diện của Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) tại Việt Nam trong vai trò là thành viên của Hội đồng Tư vấn Cải cách Thủ tục Hành chính và là cầu nối giữa hai đoàn công tác với Chính phủ Việt Nam tham dự.

Tại buổi làm việc, ông Lal Many Joshi, Thứ trưởng Bộ Thương mại và Cung ứng Nepal, đại diện cho cả hai đoàn công tác, cho biết Việt Nam đã thu được nhiều thành công trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng, bình đẳng giữa các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, mà nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ quyết tâm và việc tổ chức thực hiện thành công cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính (TTHC).

Trong chuyến thăm và làm việc lần này, đoàn công tác của Chính phủ và doanh nghiệp Nepal và Papua New Guinea mong muốn tìm hiểu các chính sách và chương trình cải cách TTHC của Chính phủ Việt Nam trong giai đoạn vừa qua và kế hoạch cho các năm tiếp theo, chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.

Đặc biệt, hai đoàn công tác cũng mong muốn tìm hiểu về mô hình tổ chức, hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước về kiểm soát TTHC đặt tại Văn phòng Chính phủ; kinh nghiệm và mô hình tổ chức thực hiện Đề án 30.

Kết quả nổi bật của Đề án 30

Chia sẻ với các thành viên của hai đoàn công tác, Phó Chủ nhiệm VPCP Kiều Đình Thụ khẳng định những kết quả nổi bật trong công tác cải cách TTHC của Chính phủ thời gian qua.

Lần đầu tiên Chính phủ Việt Nam công bố Bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC tại 4 cấp chính quyền và công khai trên mạng internet toàn cầu, với trên 5.700 TTHC, trên 9.000 văn bản quy định và trên 100.000 biểu mẫu thống kê TTHC.

Chính phủ Việt Nam đã ban hành 25 nghị quyết chuyên đề vào tháng 12/2010 về đơn giản hóa gần 4.800 /5.400 TTHC được rà soát và giao cho các Bộ, ngành soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi về những vấn đề liên quan để thực hiện đơn giản hoá TTHC.

Đến nay, Việt Nam đã đơn giản hóa được trên 3.000 TTHC (đạt 70%), trong đó có nhiều thủ tục có tác động trực tiếp tới hoạt động kinh doanh và đời sống của nhân dân (như các thủ tục về thuế, hải quan, xây dựng, giấy phép lái xe, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, v.v…)

Để duy trì các kết quả của Đề án 30, Chính phủ Việt Nam đã xác định cải cách TTHC là công việc làm thường xuyên, liên tục của bộ máy hành chính các cấp. Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị định, Nghị quyết về kiểm soát TTHC; tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính; ban hành chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020... làm cơ sở pháp lý cho hoạt động cải cách TTHC.

Hệ thống cơ quan, đơn vị kiểm soát TTHC từ Trung ương đến địa phương đã được thiết lập, gồm Cục Kiểm soát TTHC thuộc Văn phòng Chính phủ, Phòng Kiểm soát TTHC thuộc Văn phòng 24 Bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố. Mô hình này đến nay đã khẳng định được hiệu quả trong việc tham mưu trực tiếp cho các cấp lãnh đạo trong việc ban hành các văn bản pháp luật có TTHC hay kiểm soát việc tổ chức thực hiện TTHC ở các cấp chính quyền.

Năm 2011, VPCP đã tập trung nâng cao trình độ cho đội ngũ công chức làm công tác kiểm soát thủ tục hành chính; kiểm tra việc thực hiện công tác kiểm soát thủ tục hành chính trên phạm vi cả nước tại 63 địa phương và 24 Bộ, ngành với nội dung là: tình hình niêm yết công khai tại nơi giải quyết TTHC; công tác tham gia ý kiến đối với các văn bản quy phạm pháp luật; công tác đánh giá tác động về TTHC; công tác truyền thông; công tác tập huấn, xây dựng năng lực cho bộ máy Kiểm soát TTHC; công tác kiểm tra việc thực hiện.

Để duy trì kết quả cải cách và đưa cải cách thể chế đi vào chiều sâu, Quốc hội đã có Nghị quyết chuyên đề số 57/2010/QH12 ngày 26/11/2010 về giám sát tối cao về cải cách TTHC, yêu cầu định kỳ hàng năm Chính phủ báo cáo trực tiếp Quốc hội về kết quả cải cách TTHC.

Nhằm huy động cộng đồng doanh nghiệp và người dân tham gia đóng góp nguồn lực và sáng kiến cải cách với Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đã thành lập Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ làm Chủ tịch Hội đồng.

Gần đây, VPCP cũng phối hợp với Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC tổ chức cuộc thi “Chung tay cải cách thủ tục hành chính” trong phạm vi toàn quốc, thu hút được sự tham gia rộng rãi và nhiệt tình từ người dân, doanh nghiệp.

Khẳng định những kết quả đạt được là quan trọng, tuy nhiên Phó Chủ nhiệm VPCP Kiều Đình Thụ cũng cho rằng đó mới chỉ là bước đầu trong thực hiện mục tiêu cải cách hành chính.

“Để cải cách TTHC đáp ứng được kỳ vọng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, còn nhiều việc phía trước cần phải tiếp tục thực hiện. Chúng tôi hy vọng tiếp tục nhận được sự hỗ trợ tích cực của các thành viên trong Hội đồng tư vấn cải cách TTHC, mà trực tiếp là IFC và các nhà tài trợ để có nguồn lực đủ mạnh trong việc triển khai công việc khó khăn, phức tạp này”, Phó Chủ nhiệm VPCP Kiều Đình Thụ nói.

Ông Kiều Đình Thụ cũng đã chia sẻ những bài học thành công trong tổ chức thực hiện Đề án 30 thời gian qua, cũng như những kế hoạch, trọng tâm của công tác cải cách TTHC thời gian tới.

Các đại biểu hai đoàn công tác Chính phủ và doanh nghiệp Nepal và Papua New Guinea cũng đã trao đổi trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn để làm rõ những kết quả đã đạt được, các bài học thành công cũng như kế hoạch triển khai cải cách TTHC trong thời gian tới tại mỗi nước.

“Thông tin và kinh nghiệm trao đổi tại buổi làm việc là rất bổ ích, chắc chắn sẽ giúp mỗi thành viên trong hai đoàn công tác có được những nhận thức đầy đủ, đa dạng hơn về công tác cải cách TTHC, qua đó chắc chắn sẽ giúp ích rất nhiều cho việc thúc đẩy quá trình cải cách TTHC tại Nepal và Papua New Guinea”, ông Lal Many Joshi phát biểu trước khi kết thúc buổi làm việc.

Xuân Tuyến

Top