Hà Nội

Thúc đẩy tiến độ triển khai chuyển đổi Trục liên thông văn bản quốc gia

(Chinhphu.vn) – Chiều 13/2, tại trụ sở Văn phòng Chính phủ (VPCP), Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đã chủ trì buổi làm việc về triển khai chuyển đổi Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử theo Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

13/02/2019 17:19

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Hoàng Anh

.

Buổi làm việc có sự tham dự của đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Nội Vụ, Ban Cơ yếu Chính phủ, Tập đoàn VNPT, Tập đoàn Viettel. Về phía VPCP còn có sự tham dự của Phó Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Thành và lãnh đạo Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Hành chính, Vụ Pháp luật, Trung tâm tin học.

.

Dự kiến khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia vào ngày 11/3

.

Báo cáo về tình hình triển khai Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính Đỗ Thái Hà cho biết, về căn cứ pháp lý, ngày 24/01/2019, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 01/2019/TT-BNV quy định quy trình trao đổi, lưu trữ, xử lý tài liệu điện tử trong công tác văn thư, các chức năng cơ bản của Hệ thống quản lý tài liệu điện tử trong quá trình xử lý công việc của các cơ quan, tổ chức và Thông tư số 02/2019/TT-BNV quy định tiêu chuẩn dữ liệu thông tin đầu vào, yêu cầu bảo quản tài liệu lưu trữ điện tử theo Quyết định 28/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng.

.

Đối với hạ tầng kỹ thuật, cài đặt Trục liên thông văn bản quốc gia, cập nhật phần mềm phục vụ kết nối, gửi, nhận văn bản điện tử, hiện nay, VNPT đã bố trí các máy chủ, cài đặt Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ chuyển đổi kết nối, liên thông với các phần mềm quản lý văn bản của các bộ, ngành, địa phương tại Trung tâm dữ liệu Nam Thăng Long.

.

Các bộ, ngành, địa phương đã tích cực phối hợp với các đơn vị thuộc VPCP (Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính, Vụ Hành chính, Trung tâm tin học), Cục Bưu điện Trung ương (Bộ Thông tin và Truyền thông), Ban Cơ yếu Chính phủ (Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin) và Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), thực hiện kết nối gửi, nhận văn bản với VPCP.

.

Tại VPCP, đã hoàn thiện hệ thống phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc theo Quyết định 28/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng; đã trình Bộ trưởng Chủ nhiệm ban hành quy định mã định danh của các vụ, cục, đơn vị phục vụ gửi nhận văn bản điện tử; phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ cung cấp đầy đủ, kịp thời chứng thư số cho các đơn vị, cán bộ, công chức thực hiện gửi nhận văn bản điện tử.

.

Về tình hình gửi, nhận văn bản điện tử, tính đến ngày 31/01/2019, có 73/95 (82%) bộ, ngành, địa phương gửi văn bản điện tử thành công; có 88/95 bộ, ngành, địa phương nhận văn bản điện tử thành công (đạt 92.6%).

.

Hiện còn 5 đơn vị chưa thực được việc gửi, nhận văn bản điện tử bao gồm: Bộ Nội vụ, Ngân hàng Nhà nước, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Cần Thơ, Văn phòng Trung ương Đảng.

.

Về tình hình triển khai máy chủ bảo mật và tích hợp chữ ký số, hiện có 35/95 bộ, ngành, địa phương sử dụng máy chủ bảo mật dùng chung tích hợp chứng thư số chuyên dùng; trong 60/95 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đăng ký sử dụng máy chủ bảo mật dùng riêng, có 54 bộ, ngành, địa phương đã gửi yêu cầu cấp chứng thư số cho máy chủ bảo mật về VPCP, có 6 bộ, ngành, địa phương chưa gửi đăng ký: Bộ Y tế, Bộ Công an, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Thuận, Văn phòng Trung ương Đảng.

.

Ngoài ra, đến nay có 7 cơ quan hoàn thành nâng cấp phần mềm Quản lý văn bản và điều hành theo Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, gồm: Bộ Thông tin và Truyền thông, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam, Cao Bằng, An Giang, Sóc Trăng, Ninh Bình, Kon Tum; 12 đơn vị sử dụng phần mềm của VNPT sẽ hoàn thành nâng cấp trước ngày 20/02/2019.

.

Về tình hình phản hồi trạng thái xử lý văn bản, có 41 bộ, ngành, địa phương phản ánh đầy đủ trạng thái xử lý (từ khâu văn thư đến lãnh đạo, chuyên viên); 22 đơn vị phản ánh chưa đầy đủ trạng thái xử lý; 13 đơn vị mới phản hồi văn bản đã đến tại bộ phận Văn thư.

.

Tuy nhiên, hiện nay, còn một số khó khăn, vướng mắc như: Việc phát hành văn bản điện tử có ký số mới tập trung vào văn bản quy phạm pháp luật, vì vậy nhiều văn bản điện tử phát hành từ VPCP vẫn chưa có số ký hiệu và chưa được ký số dẫn đến nhiều địa phương vẫn đợi văn bản giấy, chưa vào sổ văn bản điện tử đến để phân xử lý văn bản.

.

Việc triển khai chứng thư số cho các máy chủ bảo mật theo mô hình X-Road của các bộ, ngành, địa phương chưa đáp ứng tiến độ, nhiều bộ, ngành, địa phương chưa đăng ký để cấp chứng thư số (hiện mới có 60/95 đơn vị bố trí máy chủ bảo mật dùng riêng).

.

Tập đoàn VNPT đã bố trí máy chủ, thiết bị để cài đặt Trục liên thông văn bản quốc gia, tuy nhiên việc đánh giá về an toàn, an ninh thông tin đối với hệ thống này chưa hoàn thành…

.

Cục Kiểm soát thủ tục hành chính cũng kiến nghị thời gian dự kiến khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia vào ngày 11/3/2019 (sau khi VNPT bảo đảm an toàn an ninh hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia). Do đến ngày 18/02/2019, Cục An toàn thông tin-Bộ Thông tin và Truyền thông mới có báo cáo đánh giá an toàn an ninh của hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia.

.

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Hoàng Anh

.

Bảo đảm an toàn, an ninh cho hệ thống

.

Tại buổi làm việc, Thiếu tướng Đặng Vũ Sơn, Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ cho rằng, hiện nay còn nhiều nơi không biết dùng chữ ký số, tích hợp chữ ký số vào ứng dụng như thế nào. Việc ban hành Quy chế tiếp nhận, xử lý, phát hành và quản lý văn bản là rất cần thiết không chỉ ở VPCP mà còn ở các bộ, ngành…

.

Thiếu tướng Đặng Vũ Sơn cũng đề nghị Bộ TT&TT hết sức lưu ý đến vấn đề bảo đảm an toàn, an ninh cho hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia bởi mã độc có thể không ăn cắp thông tin nhưng mã độc có thể làm hệ thống bị tê liệt. Do đó, VNPT cần nghiên cứu vấn đề này và có phương án phòng chống khi có tấn công; đồng thời, đề xuất việc thành lập tổ kỹ thuật để đánh giá đúng tình hình hiện nay.

.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đề nghị Vụ Hành chính (VPCP) sớm trình Bộ trưởng, Chủ nhiệm ban hành Quy chế tiếp nhận, xử lý, phát hành và quản lý văn bản tại VPCP phù hợp với Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 676/QĐ-VPCP của Bộ trưởng, Chủ nhiệm để bảo đảm tính pháp lý của các văn bản điện tử phát hành từ VPCP.

.

Đồng thời VPCP thực hiện số hóa văn bản phát hành có ký số để các bộ, ngành, địa phương có cơ sở thực hiện xử lý văn bản điện tử, chủ động theo dõi, phối hợp với các đầu mối của Văn phòng Bộ, ngành, địa phương thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử, phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan trong quá trình phát sinh lỗi gửi, nhận văn bản điện tử; hoàn thiện phần mềm lưu trữ phục vụ lưu văn bản điện tử.

.

Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Hành chính phối hợp với Tập đoàn Viettel khẩn trương thực hiện cập nhật các chức năng mới trên phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc của VPCP. Qua đó, VPCP phải là cơ quan đi đầu và là mẫu hình trong xây dựng văn phòng phi giấy tờ, toàn bộ văn bản được duyệt trên môi trường điện tử và sử dụng chữ ký số.

.

Tại các bộ, ngành, địa phương, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, Tập đoàn VNPT đôn đốc, hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục hoàn thiện phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc theo quy định tại Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg.

.

Nhấn mạnh trục liên thông văn bản quốc gia sẽ là nền tảng cho vấn đề kết nối, chia sẻ, là một trong bước đi của quá trình xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, để chuẩn bị cho khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị VNPT rà soát chất lượng kỹ thuật hạ tầng, tốc độ, phạm vi, dung lượng, thiết bị bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; VPCP và các cơ quan liên quan phân công cán bộ xuống địa phương hướng dẫn thực hiện các công việc.

.

Hoàng Anh

Top