Hà Nội

Thủ tướng tiếp khách quốc tế ngày 05/8

05/08/2019 20:44

Thủ tướng tiếp Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu

Chiều 5/8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về Chính sách đối ngoại và an ninh, bà Federica Mogherini.

Thủ tướng cảm ơn và đánh giá cao đóng góp của bà Federica Mogherini trong thúc đẩy quan hệ hai bên thời gian qua, đặc biệt là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ  Đầu tư (EVIPA) vừa được hai bên ký ngày 30/6 vừa qua. Đây là dấu mốc quan trọng có ý nghĩa lịch sử của hai bên.

Bà Federica Mogherini bày tỏ vinh dự có chuyến thăm Việt Nam tuy ngắn nhưng thành công; đánh giá cao thiện chí và nỗ lực của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong thúc đẩy mối quan hệ hợp tác toàn diện, sâu rộng, mang ý nghĩa chiến lược, lâu dài giữa Việt Nam và EU. Bà khẳng định, thời gian tới, các cơ quan lãnh đạo EU có sự thay đổi nhân sự nhưng Việt Nam luôn là ưu tiên trong quan hệ đối ngoại với EU.

Bà Federica Mogherini bày tỏ kỳ vọng về Hiệp định EVFTA và EVIPA là cơ sở vững chắc cho thúc đẩy quan hệ song phương trong tương lai. Bà cho rằng, việc ký hai Hiệp định này thể hiện sự hài lòng chung mà hai bên cùng chia sẻ, là nội dung quan trọng thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, là tín hiệu tích cực mà hai bên gửi ra thế giới về ủng hộ tự do thương mại trong bối cảnh thế giới có biến động phức tạp. Bà đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong cải thiện quan hệ với EU trên các lĩnh vực về kinh tế, văn hóa, lao động, an ninh mạng... là cơ sở tốt để Nghị viện châu Âu thông qua các hiệp định mà hai bên đã ký kết.

Bà cũng khẳng định mạnh mẽ lập trường của EU đối với vấn đề Biển Đông, đặc biệt là cần tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước về Luật Biển của Liên Hợp Quốc năm 1982 (UNCLOS 1982); bảo đảm quyền tự do hàng hải, hàng không; đây là vấn đề quốc tế cùng quan tâm vì nơi đây là tuyến hàng hải quốc tế quan trọng cho cả EU cũng như châu Á và toàn cầu.

Bà cũng chúc mừng Việt Nam năm tới đảm nhiệm cả vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021; kỳ vọng EU sẽ phối hợp hiệu quả hơn với Việt Nam trong năm tới về các vấn đề quốc tế, khu vực và thúc đẩy quan hệ song phương.

Cảm ơn các ý kiến của Phó Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, quan hệ Việt Nam-EU thời gian qua có nhiều bước tiến tích cực, mang tầm chiến lược và Việt Nam sẽ thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ này trong thời gian tới.

Các cơ chế hợp tác như Ủy ban hỗn hợp triển khai Hiệp định khung Đối tác Hợp tác toàn diện Việt Nam–EU (PCA), Đối thoại Nhân quyền Việt Nam-EU đang phát huy hiệu quả tốt. Hai bên đã bắt đầu triển khai Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) mà bà Federica Mogherini đã cùng phía Việt Nam ký tháng 10/2018.

Về kinh tế, Thủ tướng đánh giá cao hai bên đã ký Hiệp định EVFTA và EVIPA, đồng thời đề nghị Nghị viện châu Âu sớm phê chuẩn hai hiệp định này để hiện thực hóa các cơ hội hợp tác phục vụ lợi ích và khẳng định cam kết của hai bên đối với tự do thương mại, đầu tư.

Thủ tướng cũng hoan nghênh những bước phát triển tích cực về hợp tác quốc phòng Việt Nam-EU thời gian qua và hy vọng cùng với nhiều thỏa thuận song phương khác (về khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường…) hai bên sẽ sớm ký Hiệp định hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh (FPA) vì hòa bình, hợp tác và phát triển.

Về các lĩnh vực khác, Thủ tướng đề nghị EU tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện các biện pháp khắc phục, tiến tới tháo gỡ “thẻ vàng" đối với Việt Nam trong việc phòng chống đánh bắt cá bất hợp pháp (IUU); tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường tại EU trong các lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh như nông thủy sản.

Thủ tướng cũng hoan nghênh những quan tâm của EU và của cá nhân Phó Chủ tịch Uỷ ban châu Âu đối với khu vực Đông Nam Á; mong muốn quan hệ EU-ASEAN cũng như hợp tác Việt Nam-EU trong khuôn khổ đa phương sẽ được tăng cường trong năm 2020 khi Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Thủ tướng khẳng định mạnh mẽ, Việt Nam hoan nghênh lập trường của EU ủng hộ tự do, an ninh và an toàn hàng hải tại Biển Đông; đề nghị EU duy trì lập trường đề cao thượng tôn pháp luật quốc tế, UNCLOS 1982, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không có hành động làm phức tạp tình hình, đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, tự do, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông...

 ----------------------

Thủ tướng tiếp Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thái Lan

Ngày 5/8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thái Lan Veerathai Santiprabhob. 

Chào mừng Thống đốc Veerathai Santiprabhob và đoàn lãnh đạo Ngân hàng Trung ương Thái Lan sang tham dự hội nghị song phương với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Thủ tướng hoanh nghênh việc hai bên đã thúc đẩy hợp tác, ký kết và triển khai nhiều văn bản hợp tác quan trọng. Đây là bước đi quan trọng, tạo tiền đề cho cuộc họp nội các chung Việt Nam – Thái Lan sắp tới.

Thủ tướng tin tưởng quan hệ đối tác chiến lược hai nước ngày càng phát triển mạnh mẽ, nhất là lĩnh vực thương mại, đầu tư. Hiện Thái Lan là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong khu vực ASEAN với tổng kim ngạch thương mại song phương đạt 17,3 tỷ USD năm 2018 và mục tiêu đạt 20 tỷ USD trong năm 2020. Thái Lan hiện là nhà đầu tư lớn thứ 10 trên 116 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam và đứng thứ 3 trong ASEAN với tổng vốn đăng ký đạt hơn 8 tỷ USD.

Việt Nam luôn làm hết sức mình để  ủng hộ các nhà đầu tư Thái Lan, Thủ tướng khẳng định. Hai Chính phủ cũng luôn nỗ lực bảo vệ quyền lợi chính đáng của các nhà đầu tư, doanh nghiệp hai nước.

Thống đốc Veerathai Santiprabhob cho rằng hai bên cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng để tạo thuận lợi cho hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, nhất là giảm chi phí và tạo thuận lợi về thanh toán cho các nhà  đầu tư, doanh nghiệp. Hai bên có nhiều triển vọng hợp tác về giám sát ngân hàng; thúc đẩy thanh toán, giao dịch xuyên biên giới; giảm thiểu rủi ro trong lĩnh vực ngân hàng ở thời đại số... Thái Lan luôn ủng hộ các sáng kiến của Việt Nam trong hợp tác ASEAN cũng như song phương, nhất là trên lĩnh vực tài chính - ngân hàng,

Nhất trí với các ý kiến của Thống đốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, thời gian qua, mặc dù thế giới có nhiều phức tạp, Việt Nam vẫn giữ  ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá. Vì vậy, Việt Nam mong luôn cùng với Thái Lan hợp tác chặt chẽ để ứng phó hiệu quả với những biến động của thế giới.

Thủ tướng nêu rõ, Ngân hàng Trung ương Thái Lan có vai trò quan trọng cho các doanh nghiệp, do đó, Việt Nam tạo mọi điều kiện cho Ngân hàng hợp tác thành công với Việt Nam, nhất là ủng hộ NHNN mở rộng hợp tác với Ngân hàng Trung ương Thái Lan trên lĩnh vực thanh toán điện tử. Các kiến nghị của Ngân hàng Trung ương Thái Lan đều được Chính phủ Việt Nam xem xét để có giải pháp giải quyết phù hợp lợi ích đôi bên. Thủ tướng nhấn mạnh, Ngân hàng Trung ương Thái Lan chính là cầu nối quan trọng đóng góp tích cực vào thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược hai nước trên các lĩnh vực.

Thống đốc Veerathai Santiprabhob cho biết, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là phát triển về thanh toán điện tử, tiến tới xã hội không dùng tiền mặt. Trong lĩnh vực này, hai ngân hàng trung ương có cơ hội hợp tác rất lớn. Ngân hàng Trung ương Thái Lan sẵn sàng chia sẻ mọi kinh nghiệm, đáp ứng yêu cầu hợp tác của Chính phủ Việt Nam, NHNN về kết nối tài chính cũng như các dịch vụ ngân hàng khác./.

Top