Hà Nội

Thủ tướng chỉ đạo về việc thu phí phương tiện giao thông cá nhân

(Chinhphu.vn) - Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về đề nghị của Bộ Giao thông vận tải và ý kiến của các Bộ về việc trình Ủy banThường vụ Quốc hội bổ sung phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân và phí ô tô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm vào Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Pháp lệnh phí, lệ phí

21/02/2012 17:46

Ảnh minh họa

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và trên cơ sở tham khảo, giải trình, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, địa phương liên quan, trong đó tập trung nghiên cứu, xác định rõ mục tiêu, nội dung, cơ sở khoa học và thực tiễn, tính khả thi cũng như các tác động của việc thu các khoản phí trên để xây dựng Đề án trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến trước khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định.

Trước đó, tại buổi đối thoại trực tuyến với nhân dân trên Cổng TTĐT Chính phủ ngày 12/1/2012, trả lời câu hỏi của bạn đọc về vấn đề thu phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đã cho biết: Mục tiêu của việc thu phí không chỉ để giảm ùn tắc giao thông mà còn tạo ra nguồn thu đầu tư trở lại hạ tầng để phục vụ người dân tốt hơn. Việc thu này đảm bảo công bằng, thực tế, người sử dụng nhiều hạ tầng phải nộp phí nhiều hơn. Người sử dụng xe máy thì nộp phí ở mức vừa phải. Còn đối với người đi bộ, đi xe đạp thì không phải nộp.

Bộ trưởng Giao thông vận tải cho biết, việc đề xuất thu phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân và phí ô tô vào trung tâm thành phố giờ cao điểm, dựa trên một số căn cứ sau đây:

Thứ nhất, căn cứ vào báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ hai vừa qua. Theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ có báo cáo về các giải pháp cấp bách giảm thiểu, kiềm chế tai nạn giao thông và xử lý ùn tắc tại các thành phố lớn.

Trên cơ sở báo cáo của Chính phủ, các đại biểu Quốc hội đã nghiên cứu và căn cứ vào kết quả trả lời chất vấn, Quốc hội đã ra Nghị quyết, trong đó có nội dung thông qua các giải pháp của Chính phủ. Căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã có kết luận, giao Bộ Giao thông vận tải khẩn trương xây dựng đề án trình Chính phủ, Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bổ sung phí lưu hành phương tiện cá nhân và phí lưu hành phương tiện vào trung tâm thành phố giờ cao điểm vào Pháp lệnh về phí và lệ phí.

Cũng về vấn đề phí giao thông, tại Thông cáo báo chí ngày 10/1/2012 của Bộ Giao thông vận tải về đề xuất phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân đường bộ và phí ô tô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm, Bộ Giao thông vận tải cho rằng, mục tiêu của việc bổ sung 2 loại phí trên nhằm đưa ra những giải pháp kinh tế cụ thể, đột phá kiềm chế sự gia tăng, giảm dần số lượng phương tiện giao thông cá nhân; giảm tải mật độ phương tiện tham gia giao thông tại các thành phố lớn (đặc biệt là khu vực trung tâm). Từ đó kiềm chế, giảm dần ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông... hướng người dân vào việc sử dụng các loại phương tiện giao thông công cộng.

Khi mật độ phương tiện giao thông được giảm tải, tình trạng ùn tắc giao thông được cải thiện thì chính người dân sẽ được hưởng lợi do tiết kiệm thời gian, nhiên liệu và giảm hao mòn phương tiện khi tham gia giao thông.

Kinh nghiệm của một số quốc gia như Anh, Singapore, Mỹ, Thụy Điển, Trung Quốc cho thấy, Chính phủ các nước đều đưa ra các biện pháp để hạn chế sự gia tăng về số lượng phương tiện giao thông cá nhân như: Luật Hạn chế lưu lượng giao thông đường bộ năm 1998 của Anh; chính sách đấu thầu quyền đăng ký lưu hành xe ô tô cá nhân của Singapore...

Như vậy bên cạnh biện pháp hành chính cần phải có một số giải pháp cụ thể về kinh tế để giảm thiểu sự gia tăng của số lượng phương tiện giao thông cá nhân đồng thời khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng để tham gia giao thông.

Minh Khánh

Top