Hà Nội

Thông tin báo chí về hoạt động của các Phó Thủ tướng

02/07/2015 17:27

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn giao thông

Sáng 2/7, tại Trụ sở Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (ATGT) đã tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng công tác bảo đảm ATGT với các Bộ, ngành và 63 tỉnh thành dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia.

Sau báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng - Phó Chủ tịch thường trực ATGT Quốc gia, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu lãnh đạo 3 tỉnh Đắk Lắk, Kon Tum và Đắk Nông báo cáo làm rõ về tình trạng một số thanh niên và học sinh quậy phá, “ném đá xe khách”, gây lo lắng và bức xúc trong nhân dân. Giải trình với Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia về tình trạng “ném đá xe khách”, lãnh đạo 3 tỉnh nói trên cho biết các lực lượng chức năng đã tích cực vào cuộc và tất cả các đối tượng vi phạm đều được xử lý nghiêm theo luật định.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương các tỉnh đã nhanh chóng điều tra, bắt giam ngay những trường hợp ném đá xe khách gây hậu quả nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận và hoang mang trong nhân dân. Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng phải sớm đưa ra truy tố, xét xử những đối tượng trên để răn đe nghiêm khắc.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng lưu ý lãnh đạo các tỉnh này cần lưu ý đến tình trạng không ít xe công nông (xe độ chế) chạy trên địa bàn vi phạm giao thông đường bộ; đồng thời cần làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục về ATGT với các hình thức đa dạng, có hiệu quả đối với đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Kết luận Hội nghị sơ kết 6 tháng công tác bảo đảm ATGT với các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những kết quả mà các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc nhằm kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT), trong mỗi gia đình “bớt tiếng khóc, tăng niềm vui” khi không có TNGT.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những hạn chế của công tác này: Số người chết 6 tháng chỉ giảm 211 người là quá ít, vẫn còn 12 địa phương có số người chết gia tăng, trong đó có nhiều vụ việc nghiêm trọng. Phó Thủ tướng yêu cầu xác định rõ các trách nhiệm và nguyên nhân chủ quan để khắc phục (như chỉ đạo của một số địa phương còn chưa chặt chẽ) và cần rà soát lại công tác tuyên truyền cho có hiệu quả hơn.

Giám đốc các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải và chủ phương tiện phải thường xuyên kiểm tra sự an toàn của phương tiện và ý thức lái xe nhằm nâng cao ý thức và loại bỏ những người không đủ tiêu chuẩn điều khiển phương tiện. Các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm ATGT khiến đường xá bị hư hại.

Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT tiến hành rà soát, sửa đổi thể chế, văn bản quy phạm pháp luật đủ sức răn đe, giáo dục và nâng cao ý thức người vi phạm, nhất là các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Bộ Công an chỉ đạo công an các địa phương tiếp tục tổ chức tuần tra, kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm giao thông. Các bộ, ngành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình cần tổ chức thực hiện tốt công việc được giao.

Dư luận xã hội vẫn phản ánh và lên án về một bộ phận cán bộ thực thi công việc còn tham nhũng, tiêu cực, do đó Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành phải làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, loại bỏ ngay những trường hợp vi phạm ra khỏi lực lượng.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu tập trung nguồn lực cho chính sách dân tộc

Sáng ngày 2/7, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã nghe các Bộ, ngành liên quan báo cáo về việc rà soát chính sách dân tộc giai đoạn 2011- 2015 và chỉ đạo về chính sách dân tộc trong giai đoạn 2016- 2020.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá trong thời gian qua, chính sách dân tộc đã được các Bộ, ngành và địa phương nghiêm túc thực hiện và đạt được những kết quả khả quan. Kết quả này thể hiện ở việc ban hành khá đầy đủ, toàn diện các chính sách trên các lĩnh vực, phủ kín các địa bàn vùng dân tộc và miền núi (gần 180 văn bản từ cấp Chính phủ tới Bộ, ngành), trong đó trọng điểm là các chính sách ưu tiên cho vùng đồng bào dân tộc ít người.

Quan trọng hơn, các chính sách dân tộc đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vùng dân tộc, thay đổi diện mạo nông thôn miền núi, nhất là hạ tầng kinh tế- xã hội, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc giảm từ 6- 10%, nhanh hơn mức giảm bình quân cả nước (5,79%). Bên cạnh đó, dân trí được nâng lên, văn hóa các dân tộc được bảo tồn và phát huy.

“Có được kết quả này là do Đảng, Nhà nước đã tập trung cả cơ chế, nguồn lực để thực hiện. Nếu không thì khó có được những kết quả này”, Phó Thủ tướng nói.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng vùng dân tộc miền núi vẫn là vùng còn hết sức khó khăn khi tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao, chiếm tỷ lệ 50%, cá biệt có nơi 60%, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, bị chia cắt cản trở chính tới sản xuất, tập quán sinh hoạt và tư duy sản xuất của người dân vẫn còn nhiều hạn chế. Thêm vào đó việc triển khai chính sách dân tộc của các cơ quan quản lý vẫn còn những chồng chéo, trùng lắp nên phát huy chưa hiệu quả.

Do đó, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh: “Vẫn cần phải tập trung nguồn lực để thực hiện chính sách dân tộc trong giai đoạn tới. Chính sách giảm nghèo và các chính sách liên quan phải được sửa đổi theo hướng tập trung ưu tiên cho vùng đồng bào dân tộc ít người, “vùng trũng”.

Thêm vào đó, trong thiết kế và thực thi chính sách thì không được huy động dân nghèo đóng góp tiền của. “Dân nghèo mà huy động thì huy động cái gì? Đối với vùng nghèo như vùng dân tộc thiểu số thì không được huy động dân đóng góp. Còn phân bổ nguồn lực thì phải phân bổ đủ cho vùng dân tộc”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Ngoài các chính sách lớn của Nhà nước, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Ủy ban Dân tộc tổng hợp thêm các chính sách khác từ các nguồn viện trợ không hoàn lại (ODA), từ các chương trình hỗ trợ kỹ thuật thuộc lĩnh vực giáo dục, y tế và tín dụng vào chính sách dân tộc để thực hiện thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm.

Ủy ban Dân tộc phối hợp với các Bộ rà soát các chính sách dân tộc hiện hành để bỏ những nội dung trùng lặp, xác định lại thứ tự ưu tiên đầu tư để tập trung ngân sách, cơ chế để thực hiện.

Trong thực hiện phân bổ vốn cho chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn tới, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị Bộ NNPTNT và các Bộ liên quan nghiên cứu phân bổ cho các xã nghèo (nhất là ở vùng dân tộc miền núi) cao hơn mức hiện nay (hiện nay các xã nghèo được phân bổ vốn từ ngân sách gấp đôi các xã bình thường).

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng giao các Bộ đánh giá kỹ hơn chính sách cấp phát báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số để đạt hiệu quả thực chất trong nâng cao dân trí, tiết kiệm chi phí cho ngân sách nhà nước.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thị sát công trình hầm Đèo Cả

Sáng 2/7, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã thị sát công trình hầm Đèo Cả (nối 2 tỉnh Phú Yên - Khánh Hòa), dự án giao thông trọng điểm và là trong 4 hầm đường bộ lớn nhất hiện nay.

Dự án hầm Đèo Cả gồm hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã và đường dẫn với tổng chiều dài hơn 13 km, được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc, vận tốc 80 km/giờ. Sau một thời gian triển khai, với việc thay đổi phương thức thu xếp tài chính, hình thức thực hiện dự án, tổng mức đầu tư của dự án giảm xuống còn 11.378 tỷ đồng, tiết kiệm được hơn 4.200 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được phê duyệt.

Hầm Cổ Mã đã thông và hoàn thành bê tông vỏ hầm từ giữa tháng 6/2015, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 8/2015, nhanh hơn kế hoạch 1 tháng. Hầm Đèo Cả đang triển khai thi công 3 ca liên tục, đến nay đã đào 3.050/8.250 m hầm, dự kiến thông hầm trong tháng 9/2016 và hoàn thành đồng bộ vào tháng 7/2017. Phần đường dẫn và cầu đáp ứng tiến độ và khối lượng, hiện đạt khoảng 43%.

Thị sát các hạng mục, việc đào đắp hầm và thăm hỏi cán bộ, công nhân công trường, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá, sau hơn 2 năm triển khai, dự án Đèo Cả đã có những bước tiến khả quan. Các nhà thầu đã chứng tỏ năng lực trong quá trình thực hiện một trong những dự án thuộc loại khó và phức tạp nhất của ngành giao thông hiện nay.

"Đây là dự án có quy mô lớn và thành công trong triển khai thực hiện, thu xếp tín dụng, kiểm soát tốt về an toàn, tiến độ, chất lượng và đặc biệt là việc tiết giảm tổng mức đầu tư, mang lại lợi ích cho các bên và xã hội", Phó Thủ tướng ghi nhận.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải mong muốn Công ty CP Đầu tư Đèo Cả tiếp tục phát huy, phấn đấu trở thành thương hiệu mạnh, chuyên thi công hầm - hạng mục khó và phức tạp về kỹ thuật. Tiến độ đào 150 m/tháng được coi là đã bắt kịp trình độ, công nghệ đào hầm giao thông của thế giới.

Về thi công, Phó Thủ tướng yêu cầu kiểm soát nghiêm ngặt về chất lượng, an toàn lao động cũng như phát huy tinh thần tiết kiệm, nâng cao hiệu quả để dự án trở thành điển hình cho việc thu hút đầu tư xã hội, triển khai mô hình BOT, PPP đối với những dự án hạ tầng quy mô lớn ở Việt Nam. Các địa phương liên quan cần hỗ trợ và tạo điều kiện về giải phóng mặt bằng, tái định cư và đặt trạm thu phí phù hợp, đồng bộ với tiến độ triển khai dự án.

Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến xử lý kiến nghị của nhà đầu tư, ý kiến các Bộ, ngành về kế hoạch sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho dự án hầm Đèo Cả, việc thu xếp vốn tín dụng cho dự án mở rộng hầm Hải Vân./.

Top