Hà Nội

Thông tin báo chí về chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

15/04/2015 17:23

Cắt bỏ ngay TTHC không phù hợp

Tiếp tục rà soát lại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung theo hướng cắt bỏ ngay những thủ tục hành chính không còn phù hợp, đảm bảo tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, phù hợp với thông lệ quốc tế, nhưng vẫn đảm bảo quản lý Nhà nước.

Đây là nội dung tại Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan vừa được Văn phòng Chính phủ ban hành.

Cũng tại Thông báo này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành nhất là người đứng đầu phải nhận thức rõ trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp cải cách thủ tục hành chính được giao tại Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ. Lập kế hoạch, chương trình, nội dung và tiến độ cụ thể để thực hiện Nghị quyết.

Bên cạnh đó, tăng cường sự phối hợp, trao đổi trực tiếp giữa các Bộ, ngành, đặc biệt là giữa những người đứng đầu để tháo gỡ, giải quyết kịp thời những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, trường hợp không giải quyết được thì đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Để thực hiện hiệu quả Cơ chế một cửa quốc gia, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan đẩy nhanh kết nối chính thức giữa Cổng thông tin một cửa quốc gia với hệ thông thông tin của các Bộ, ngành theo kế hoạch, tiến độ đề ra.

Các Bộ, ngành đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng thuê dịch vụ công nghệ thông tin; thực hiện chứng từ hồ sơ điện tử, không yêu cầu doanh nghiệp xuất trình bản giấy về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; thực hiện chia sẻ, kết nối cơ sở dữ liệu với Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan); bổ sung quy định về phạm vi và số lượng các thủ tục hành chính tham gia cơ chế một cửa quốc gia.

Đồng thời, cần đẩy mạnh phát triển đại lý hải quan; huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư, trang bị máy móc, thiết bị phục vụ công tác kiểm tra, kiểm định hàng hóa xuất nhập khẩu và thực hiện một số dịch vụ công về hải quan.

Tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các Hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan báo chí.

Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương thành lập Cục Kiểm định hải quan (trên cơ sở Trung tâm Phân tích, phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu hiện nay) và Cục Quản lý rủi ro (trên cơ sở Ban Quản lý rủi ro hải quan hiện nay), đảm bảo nguyên tắc không tăng thêm biên chế. Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Bố trí vốn cấp điện lưới quốc gia cho đảo Cù Lao Chàm

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan bố trí vốn ngân sách trung ương để thực hiện Dự án "Cấp điện lưới quốc gia cho đảo Cù Lao Chàm, tỉnh Quảng Nam bằng cáp ngầm" trong kế hoạch trung hạn 2016-2020, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật đầu tư công.

Sau khi dự án được bố trí vốn trung hạn 2016-2020 theo quy định, Thủ tướng Chính phủ đồng ý Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) được ứng vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xử lý việc hoàn trả vốn cho EVN theo đúng quy định hiện hành.

Lập BCĐ liên ngành Tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành về Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, thực hiện chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ trong việc tổ chức, chỉ đạo, điều hành về tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2015-2020.

Ban Chỉ đạo trên do Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải làm Trưởng ban. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Phó Trưởng ban.

Các Ủy viên gồm đại diện lãnh đạo các cơ quan: Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính; Bộ Công Thương; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Khoa học và Công nghệ; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Văn phòng Chính phủ; Ban Kinh tế Trung ương; Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam; UBND các tỉnh: Lào Cai, Quảng Ninh, Nam Định, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Bình Định, Lâm Đồng, Đồng Tháp.

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo các Bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành hỗ trợ thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững được phê duyệt tại Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hòa, phối hợp giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan có liên quan trong việc giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp trên toàn quốc; giúp Thủ tướng Chính phủ đôn đốc, phối hợp giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ với các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân nhằm huy động nguồn lực tham gia và hỗ trợ thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp.

Chính phủ cùng Trung ương Đoàn tạo điều kiện cho thanh niên phát triển tài năng

Trong năm 2015, Chính phủ và Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh sẽ tập trung chăm lo lợi ích cho thanh thiếu niên; nghiên cứu, sửa đổi bổ sung các cơ chế, chính sách hiện có để tạo điều kiện cho thanh niên được học tập, phát triển tài năng, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước...

Theo Thông báo kết luận của Hội nghị thực hiện Quy chế phối hợp công tác của Chính phủ và Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch năm 2015, công tác phối hợp của Chính phủ và Ban Chấp hành Trung ương Đoàn cần tập trung là phát huy tốt hơn nữa vai trò xung kích, tình nguyện, vượt khó, sáng tạo của thanh niên trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015.

Đồng thời, đề ra những phong trào, cuộc vận động thiết thực để đoàn viên, thanh niên tích cực tham gia lao động sản xuất, đi đầu trong xây dựng nông thôn mới; vận động 100% học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế toàn dân; tổ chức tốt phong trào thanh niên tình nguyện hỗ trợ học sinh trong kỳ thi Trung học phổ thông năm 2015; tập trung triển khai các biện pháp hiệu quả để giảm nhanh tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội, bạo lực trong thanh thiếu niên...

Tạo điều kiện cho thanh niên học tập và làm việc

Chính phủ và Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cùng chăm lo tốt hơn lợi ích chính đáng cho thanh thiếu niên; tạo điều kiện, hỗ trợ các em có hoàn cảnh khó khăn được đến trường học tập và các em đang đi học gặp khó khăn không phải bỏ học; nghiên cứu, đề xuất hoặc sửa đổi bổ sung các cơ chế, chính sách hiện có để tạo điều kiện cho thanh niên được học tập, phát triển tài năng, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.  

Quan tâm đến giải quyết việc làm cho thanh niên; tổ chức Đoàn tập trung vào công tác hướng nghiệp, tư vấn và giới thiệu việc làm; giúp thanh niên vay vốn để học nghề và khởi nghiệp; tăng cường sử dụng công nghệ thông tin trong việc cung cấp thông tin về thị trường lao động, việc làm cho thanh niên.

Cùng với đó là tăng cường giáo dục lòng yêu nước, đạo đức, lối sống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thanh thiếu niên; mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên; tích cực phối hợp trong công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật; định hướng dư luận, phục vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đoàn Thanh niên chủ động tham gia giám sát và phản biện xã hội đối với những chính sách, pháp luật liên quan đến thanh niên, công tác thanh niên; đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách, pháp luật cho phù hợp; tích cực tham gia cải cách thủ tục hành chính, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh.

Thời gian qua, việc triển khai, thực hiện Nghị quyết liên tịch số 01/2012/NQLT/CP-BCHTWĐTN đã đạt được những kết quả tích cực trên nhiều mặt. Đến nay, cả nước có 56 tỉnh, thành phố ký Quy chế phối hợp giữa UBND tỉnh, thành phố với Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên cùng cấp. Qua đó, nhận thức của chính quyền, tổ chức Đoàn các cấp trong việc phối hợp công tác, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng và phát huy vai trò thế hệ trẻ được nâng cao hơn.

Lãnh đạo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương tăng cường gặp gỡ, trao đổi với thanh niên, giải quyết các đề xuất, kiến nghị của Đoàn liên quan đến thanh thiếu nhi; ban hành nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho thanh niên trong học tập, tìm việc làm và vui chơi giải trí...; phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo của thanh niên trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, tham gia xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Nhiệm vụ Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc (Hà Nội)

Quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị Hòa Lạc thành đô thị mới hiện đại, đồng bộ hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật có vai trò giảm tải về chức năng và áp lực về dân số cho đô thị trung tâm.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc, thành phố Hà Nội đến năm 2030, tỷ lệ 1/10.000.

Phạm vi nghiên cứu được xác định trên cơ sở địa giới hành chính các huyện Quốc Oai, huyện Thạch Thất và thị xã Sơn Tây, có quy mô khoảng 17.294 ha.

Đô thị Hòa Lạc là đô thị khoa học công nghệ, nơi tập trung trí tuệ và công nghệ tiên tiến, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; là đô thị nghỉ dưỡng, đô thị sinh thái, tiết kiệm năng lượng, trung tâm vùng phía Tây Hà Nội trên cơ sở gắn kết địa hình tự nhiên, với hệ thống không gian, cảnh quan khu vực Ba Vì - Đồng Mô và sông Tích, hệ thống hạ tầng kỹ thuật (quốc lộ 21, đường Hồ Chí Minh).

Đô thị Hòa Lạc hình thành 4 cụm không gian chức năng chuyên biệt gồm: Khu Đại học quốc gia Hà Nội và các cụm trường phân tán tại phía Nam; khu công nghệ cao Hòa Lạc; khu trung tâm y tế tập trung; khu đô thị sinh thái, tiết kiệm năng lượng, phát triển gắn kết với địa hình đồi núi và hệ thống hồ nước hiện có của khu vực.

Nhiệm vụ Quy hoạch yêu cầu phân tích, đánh giá các điều kiện tự nhiên và hiện trạng về kinh tế - xã hội; dân số, lao động; sử dụng đất đai; hiện trạng về xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cơ sở hạ tầng xã hội, môi trường của đô thị; rà soát, đánh giá, đề xuất giải pháp phù hợp với các dự án đã và đang triển khai trong phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch.

Về quy hoạch phát triển đô thị, cần xác định phạm vi, quy mô các khu chức năng của đô thị: Khu phát triển mới, khu bảo tồn cải tạo, khu cấm xây dựng, các khu dự trữ phát triển; xác định chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật về mật độ dân cư, chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch đô thị, nguyên tắc phát triển đối với từng khu chức năng.

Bên cạnh đó, xác định trung tâm hành chính, trung tâm thương mại, dịch vụ, trung tâm công cộng, công viên cây xanh, thể dục thể thao và không gian mở đô thị; định hướng cho các hệ thống hạ tầng xã hội như y tế, nhà ở, văn hóa, thương mại dịch vụ, chợ, siêu thị...; có giải pháp phù hợp để phát triển đô thị hai bên đường Hồ Chí Minh theo hướng xây dựng các đô thị hiện đại và đồng bộ, lựa chọn các điểm nhấn tạo bộ mặt kiến trúc cho đô thị tránh ảnh hưởng đến cảnh quan tự nhiên, khuyến khích xây dựng một số khu điều dưỡng.

Đồng thời, đề xuất giải pháp sử dụng tiết kiệm và hạn chế sử dụng đất nông nghiệp và đất thuộc vùng bảo tồn sinh thái cảnh quan cho các mục đích phi nông nghiệp.

Về thiết kế đô thị, cần xác định vùng kiến trúc, cảnh quan trong đô thị, định hướng về hình ảnh đô thị và không gian kiến trúc theo tính chất, mục tiêu phát triển của từng khu vực. Tổ chức không gian cây xanh, mặt nước, theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị và các quy định pháp luật hiện hành.

Vụ dân bức xúc chặn QL1A: Phó Thủ tướng chỉ đạo khắc phục

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về việc thực hiện các giải pháp khắc phục ảnh hưởng đến môi trường của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2.

Trước đó, trên mạng thông tin điện tử có đưa tin bụi xỉ từ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân trong khu vực, người dân đã chặn xe, gây ùn tắc nghiêm trọng trên Quốc lộ 1A.

Về việc này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẩn trương thực hiện các biện pháp, bảo đảm đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường trong quá trình xây dựng và vận hành các nhà máy nhiệt điện trong Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân; không để bụi than, xỉ ảnh hưởng đến khu vực dân cư.

Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì cùng Bộ Xây dựng khẩn trương chỉ đạo thực hiện các giải pháp sử dụng tro, xỉ tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân làm vật liệu xây dựng không nung, phụ gia xi măng. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền. 

Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo chính quyền địa phương các cấp, các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền đến người dân trong khu vực nắm rõ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp khắc phục ảnh hưởng đến môi trường, không để kẻ xấu lôi kéo, kích động làm ảnh hưởng đến an toàn, an ninh, trật tự.

Đồng thời phối hợp với các đơn vị trong Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân bảo đảm an toàn, an ninh cho người lao động, phương tiện, thiết bị trong Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân. Bảo đảm giao thông tại Quốc lộ 1A an toàn, thông suốt./.

 

Top