Hà Nội

Thông tin báo chí về chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

30/11/2015 18:02

Nhân sự mới TP Cần Thơ

Thủ tướng Chính phủ vừa ký các Quyết định phê chuẩn nhân sự UBND thành phố Cần Thơ, nhiệm kỳ 2011-2016.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Võ Thành Thống, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ; phê chuẩn kết quả bầu bổ sung chức danh Ủy viên UBND thành phố Cần Thơ, nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Hồ Văn Gia, Chánh Văn phòng UBND thành phố Cần Thơ.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Lê Hùng Dũng, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ để nhận nhiệm vụ mới; phê chuẩn việc miễn nhiệm chức danh Ủy viên UBND thành phố Cần Thơ, nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Nguyễn Quang Nghị, nguyên Chánh Văn phòng UBND thành phố Cần Thơ để nhận nhiệm vụ mới.

Quản lý và sử dụng nguồn thu BHXH, BHYT, BHTN

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định cơ chế quản lý tài chính về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và chi phí quản lý 3 loại bảo hiểm này.

Theo đó, cơ quan BHXH thu tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN của các đối tượng và chuyển về BHXH Việt Nam để quản lý theo hướng dẫn của BHXH Việt Nam.

Đối với số thu BHYT của các đối tượng do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Bộ Công an có trách nhiệm quản lý, sử dụng cho việc khám bệnh, chữa bệnh cho người tham gia BHYT theo quy định của pháp luật.

Khi nhận được tiền đóng của người sử dụng lao động, cơ quan BHXH trực tiếp quản lý người tham gia thu tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN, kể cả tiền lãi chậm đóng đối với người lao động đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, BHTN cho người lao động theo quy định của pháp luật (nếu có); số tiền còn lại, hạch toán thu theo thứ tự sau đây: Thu đủ số tiền phải đóng BHYT và tiền lãi chậm đóng BHYT (nếu có); thu đủ số tiền phải đóng BHTN và tiền lãi chậm đóng BHTN (nếu có); thu tiền đóng BHXH và tiền lãi chậm đóng BHXH (nếu có).

Thu tiền lãi chậm đóng BHXH, BHYT

Trường hợp chậm đóng BHYT từ 30 ngày trở lên, số tiền lãi phải thu bằng 2 lần mức lãi suất thị trường liên ngân hàng kỳ hạn 9 tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố trên Cổng Thông tin điện tử của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng. Trường hợp lãi suất liên ngân hàng năm trước liền kề không có kỳ hạn 9 tháng thì áp dụng theo mức lãi suất của kỳ hạn liền trước kỳ hạn 9 tháng.

Trường hợp trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng, hưởng BHXH, BHTN từ 30 ngày trở lên, số tiền lãi phải thu bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH, BHTN bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng.

Trong thời hạn 15 ngày đầu của tháng 1 hằng năm, BHXH Việt Nam phải có văn bản thông báo mức lãi suất bình quân theo tháng trên cơ sở mức lãi suất bình quân gửi cơ quan BHXH trực thuộc, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Bộ Công an để thống nhất thực hiện.Phương án cổ phần hoá Cty mẹ - Tcty Dược Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Phương án cổ phần hoá Công ty mẹ - Tổng công ty Dược Việt Nam

Theo đó, Công ty mẹ - Tổng công ty Dược Việt Nam (VINAPHARM) cổ phần hóa theo hình thức bán bớt một phần vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp.

Vốn điều lệ của VINAPHARM là 2.370 tỷ đồng. Cổ phần phát hành lần đầu 237.000.000 cổ phần, mệnh giá một cổ phần là 10.000 đồng, trong đó: Nhà nước nắm giữ 154.050.000 cổ phần, chiếm 65% vốn điều lệ; cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp 103.000 cổ phần, chiếm 0,04348% vốn điều lệ; cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược 40.290.000 cổ phần, chiếm 17% vốn điều lệ; cổ phần bán đấu giá công khai cho các nhà đầu tư trong nước 42.557.000 cổ phần, chiếm 17,956% vốn điều lệ.

Thủ tướng Chính phủ ủy quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, căn cứ quy định hiện hành và tình hình thực tế của doanh nghiệp, quyết định và chịu trách nhiệm về mức giá khởi điểm bán đấu giá cổ phần lần đầu; chỉ đạo Tổng công ty Dược Việt Nam tổ chức, triển khai bán cổ phần ra công chúng. Khi có đủ điều kiện, thực hiện niêm yết cổ phiếu của Tổng công ty Dược Việt Nam - CTCP trên thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật hiện hành.

Việc bán cổ phần lần đầu ra công chúng được thực hiện theo phương thức bán đấu giá tại Sở giao dịch chứng khoán.

Cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại Tổng công ty Dược Việt Nam - CTCP là Bộ Y tế.

Về phương án sắp xếp lao động, toàn bộ 101 lao động tại thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp sẽ được chuyển sang làm việc tại công ty cổ phần.

Bổ sung vốn dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La

Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung 2 dự án đường vào danh mục các dự án thành phần trong Quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư Dự án thủy điện Sơn La; đồng thời, bổ sung 629,35 tỷ đồng vào tổng mức đầu tư Dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung Dự án đường Mường Lay-Nậm Nhùn giai đoạn 1, tỉnh Điện Biên và Dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh lộ 107 (đoạn Chiềng Pấc-Phiêng Lanh), tỉnh Sơn La vào danh mục các dự án thành phần trong Quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư Dự án thủy điện Sơn La theo Quyết định số 875/QĐ-TTg ngày 6/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời, bổ sung 629,35 tỷ đồng vào tổng mức đầu tư Dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La theo Quyết định số 2009/QĐ-TTg ngày 4/11/2013.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất nguồn vốn để bổ sung đối với số vốn còn thiếu theo Quyết định số 2009/QĐ-TTg ngày 4/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với việc quản lý, sử dụng nguồn vốn di dân, tái định cư thủy điện Sơn La được giao theo Quyết định số 2009/QĐ-TTg ngày 4/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan và địa phương quản lý, sử dụng theo đúng quy định hiện hành, bảo đảm hiệu quả đầu tư và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý, sử dụng số vốn này.

Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý bổ sung Dự án đường Mường Lay-Nậm Nhùn giai đoạn 1, tỉnh Điện Biên và Dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh lộ 107 (đoạn Chiềng Pấc-Phiêng Lanh), tỉnh Sơn La vào danh mục các dự án thành phần trong Quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư Dự án thủy điện Sơn La theo Quyết định số 875/QĐ-TTg ngày 6/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu khẩn trương rà soát, xác định nhu cầu vốn đầu tư, nhất là nguồn vốn do EVN bảo đảm theo Quyết định số 2009/QĐ-TTg ngày 4/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm hoàn thành dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 172/TB-VPCP ngày 20/5/2015, gửi các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

Theo Quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư Dự án thủy điện Sơn La đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tổng số dân di chuyển thuộc Dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La là 20.340 hộ, 92.301 nhân khẩu. Trong đó, tỉnh Sơn La 12.584 hộ, 58.337 khẩu; tỉnh Điện Biên 4.459 hộ, 17.010 khẩu; tỉnh Lai Châu 3.297 hộ, 16.954 khẩu.

Tổng số khu, điểm tái định cư tập trung của Dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La 78 khu, 285 điểm, tái định cư xen ghép vào 38 bản thuộc 17 xã và tái định cư tự nguyện; bố trí tái định cư cho 20.477 hộ (gồm số dân di chuyển thuộc Dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La và Dự án đường tránh ngập đường Mường Lay-Nậm Nhùn, giai đoạn 1).

Hỗ trợ 27 địa phương xử lý ô nhiễm môi trường

Thủ tướng Chính phủ quyết định phân bổ 361,76 tỷ đồng từ nguồn chi sự nghiệp môi trường đã được bố trí trong dự toán ngân sách năm 2015 để hỗ trợ cho 27 tỉnh thực hiện các dự án xử lý ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc khu vực công ích.

27 tỉnh được hỗ trợ gồm: Hà Giang, Cao Bằng, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Phú Thọ, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh,  Hưng Yên, Hòa Bình, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre, Long An,  Bạc Liêu, Quảng Ngãi, Đắk Nông, Sóc Trăng. 

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trong việc rà soát, thẩm định thủ tục, hồ sơ và số liệu báo cáo. Việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán số kinh phí được phân bổ thực hiện theo đúng quy định hiện hành. 

Đối với số kinh phí còn lại chưa phân bổ, Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát cụ thể các nhiệm vụ chi, đề xuất phương án phân bổ gửi Bộ Tài chính để thẩm định báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/11/2015.

Huyện Thống Nhất (Đồng Nai) đạt chuẩn nông thôn mới

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định công nhận huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai đạt chuẩn nông thôn mới.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Đồng Nai có trách nhiệm công bố theo quy định và khen thưởng theo Quyết định số 1620/QĐ-TTg ngày 20/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua "cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới".

Đến nay, huyện Thống Nhất đã có 9/10 xã (đạt 90%) được UBND tỉnh Đồng Nai công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Huyện đã chỉ đạo và tích cực đầu tư phát triển sản xuất, vận động nhân dân bỏ vốn đầu tư cải tiến công nghệ giống và tưới tiêu, chuyển dịch cơ cấu, mở rộng quy mô diện tích một số cây trồng có giá trị cao như tiêu, bưởi, chôm chôm, rau, bắp..., giảm những loại kém hiệu quả như điều, chuối, mít....

Toàn huyện đã định hình 13 vùng cây trồng chủ lực, hơn 20 khu chăn nuôi, 4 điểm giết mổ tập trung với 1.007 trang trại. Huyện đã tích cực vận động người dân phát triển trang trại mở rộng sản xuất, ứng dụng công nghệ mới, tăng sản lượng và giảm dịch bệnh, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.

Thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt trên 35 triệu đồng (tăng 92,3% so với năm 2010), tỷ lệ hộ nghèo còn 0,4% cuối năm 2014, giảm bình quân 1,82%/năm cả giai đoạn.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã công nhận huyện Xuân Lộc và thị xã Long Khánh của tỉnh Đồng Nai đạt chuẩn nông thôn mới.

Ký Hiệp định vận tải biển với Brazil

Thủ tướng Chính phủ thông qua nội dung dự thảo "Hiệp định vận tải biển giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Liên bang Brazil.

Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải thay mặt Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký Hiệp định trên với đại diện có thẩm quyền của Chính phủ nước Cộng hòa Liên bang Brazil.

Bộ Giao thông vận tải cho biết, một số nội dung chính trong dự thảo Hiệp định gồm: Công nhận quốc tịch tàu biển và giấy tờ của tàu biển; dành cho tàu mỗi bên sự đối xử tương tự như đối với tàu của mình trong hoạt động có liên quan đến việc tạo thuận lợi, vào, rời và neo đậu trong cảng biển, đặc biệt là việc thu phí và lệ phí cảng biển cũng sẽ không có sự phân biệt đối xử; công nhận giấy tờ tùy thân của thuyền viên do Bên ký kết kia cấp và cho phép thuyền viên được đi bờ trong thời gian tàu cập;...

Việc ký Hiệp định trên sẽ tạo ra một khung pháp lý và tạo thuận lợi cho hoạt động vận tải biển của Việt Nam tại Brazil. Tàu biển và thuyền viên Việt Nam sẽ được tạo thuận lợi vào, ra cảng của Brazil; các tài liệu giấy tờ của tàu biển và thuyền viên do phía Việt Nam cấp được phía Brazil công nhận. Đồng thời, Việt Nam cũng dành cho phía Brazil đối xử tương tự như đối với tàu biển của các nước đã ký kết Hiệp định Vận tải biển với Việt Nam.

Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Danh mục Dự án “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ không hoàn lại.

Tổng ngân sách thực hiện Dự án là 15,6 triệu Euro. Trong đó, vốn ODA do EU viện trợ không hoàn lại 14 triệu Euro, UNDP tài trợ 500.000 Euro, vốn đối ứng 1,1 triệu Euro do Bộ Tư pháp bố trí trong ngân sách hàng năm của Bộ.

Dự án được thực hiện từ năm 2015 - 2020 với mục tiêu tăng cường xây dựng pháp quyền thông qua hệ thống tư pháp tin cậy và dễ dàng tiếp cận hơn.

Cụ thể, Dự án sẽ nâng cao nhận thức và hiểu biết của người dân về quyền và cách thực hiện các quyền; tăng cường tiếp cận các hình thức tư vấn, hỗ trợ pháp lý và đại diện bào chữa đối với các vụ việc dân sự và hình sự; hoàn thiện khung pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành về tăng cường khả năng thực hiện quyền và tiếp cận công lý; tăng cường tính liêm chính và minh bạch trong lĩnh vực tư pháp.

Việt Nam và UNESCO ký kết Bản ghi nhớ

Thủ tướng Chính phủ đã thông qua nội dung dự thảo Bản ghi nhớ (MOU) hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) giai đoạn 2016 - 2020.

Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Lãnh đạo Bộ Ngoại giao thay mặt Chính phủ ký Bản ghi nhớ trên với Đại diện có thẩm quyền của UNESCO.

Được biết, Việt Nam và UNESCO đã ký kết MOU và thực hiện các nội dung hợp tác trong giai đoạn 2010-2015.

Việc tiếp tục ký MOU với UNESCO sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác trong giai đoạn 2016 - 2020 trong các lĩnh vực: giáo dục, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, văn hóa và thông tin - truyền thông.

Cụ thể, UNESCO sẽ hỗ trợ Việt Nam đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục - đào tạo, tăng cường chuẩn bị nguồn nhân lực hướng tới phát triển bền vững để hội nhập quốc tế; mở rộng các hệ thống và cải thiện chính sách khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo thông qua các cơ chế hợp tác khoa học quốc tế; thúc đẩy văn hóa hòa bình làm động lực chính của sự phát triển bền vững; đảm bảo sự cân bằng giữa công tác bảo tồn di sản thiên nhiên, văn hóa với phát triển kinh tế tại các khu di sản thế giới, đảm bảo lồng ghép và tích hợp văn hóa vào các chính sách và chiến lược phát triển ở tất cả các cấp độ; đẩy mạnh thông tin về Việt Nam với thế giới.

Dự kiến Lễ ký MOU trên sẽ được tổ chức tại trụ sở chính UNESCO tại Paris nhân dịp Thủ tướng tới thăm trụ sở UNESCO và gặp Tổng Giám đốc UNESCO.

Đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam.

Theo Bộ Công Thương, với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, các quyết định của Chính phủ về quy hoạch hệ thống trung tâm logistics, cảng cạn (ICD), cùng các cải cách thủ tục hành chính đã góp phần tích cực thúc đẩy logistics phát triển.

Hiện nay, doanh nghiệp xuất nhập khẩu (XNK) vẫn nặng mua CIF (giá tại cửa khẩu của bên nhập) bán FOB (giá tại cửa khẩu của bên xuất), chỉ khoảng 30% doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu và quen với dịch vụ logistics thuê ngoài, số còn lại vẫn tự làm. Điều này làm ảnh hưởng hiệu quả dịch vụ logitics cũng như thúc đẩy logistics phát triển.

Bộ Công Thương cũng cho biết, doanh nghiệp làm dịch vụ logistics chủ yếu là vừa và nhỏ. Gần đây số lượng doanh nghiệp gia tăng làm cho dịch vụ logitisc cạnh tranh hơn. Tuy nhiên năng lực và thị phần doanh nghiệp Việt Nam chậm chuyển biến. Số lượng doanh nghiệp logistic Việt Nam hiện nay khoảng 1.300 doanh nghiệp, chiếm 25% thị phần, vốn điều lệ phần lớn khoảng 4-6 tỷ đồng và chiếm khoảng 72% lao động, tuy nhiên được đào tạo bài bản chỉ chiếm 5-7%; số lượng doanh nghiệp FDI khoảng 4-5% nhưng chiếm 75% thị phần. Chi phí logistics tại Việt Nam chiếm khoảng 2-25% GDP cả nước.

Theo Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, chi phí logistics tương đương khoảng 10-13% GDP ở các nước phát triển, khoảng 15-20% GDP ở các nước đang phát triển. Việc giảm chi phí này giúp tăng sức cạnh tranh hàng hóa của quốc gia. Trong sự phát triển của xuất nhập khẩu (XNK) những năm qua, logistics đã trở thành ngành dịch vụ quan trọng.

Tuy nhiên, thời gian qua, chưa có sự gắn bó đầy đủ giữa doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp XNK, làm cho doanh nghiệp XNK đang phải chịu chi phí cao, thời gian kéo dài, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam; có khó khăn là hạ tầng kết nối các khu vực cảng với khu vực tập trung hàng hóa còn yếu; thiếu các trung tâm giao nhận hàng hóa và dịch vụ chuyên dụng. Từ đó đặt ra yêu cầu phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng quốc gia đồng bộ, hợp lý; xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng.

Ban hành Bộ tiêu chí công nhận gia đình, cộng đồng học tập

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Hội Khuyến học Việt Nam ban hành Bộ Tiêu đánh giá, công nhận mô hình "Gia đình học tập", "Dòng họ học tập", "Cộng đồng học tập" và "Đơn vị học tập" dưới hình thức văn bản phù hợp, đúng thẩm quyền.

Phó Thủ tướng giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND cấp dưới thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 281/QĐ-TTg ngày 20/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020"; trong đó có việc chủ trì, phối hợp với Hội Khuyến học Việt Nam và Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức công nhận Danh hiệu "Gia đình học tập", "Dòng họ học tập", "Cộng đồng học tập", "Đơn vị học tập".

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020" với mục tiêu chung là đẩy mạnh các hoạt động học tập thường xuyên, học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng thông qua việc xây dựng và triển khai các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập”, góp phần xây dựng xã hội học tập.

Đề án cũng nêu rõ, xây dựng và thí điểm các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập” để triển khai nhân rộng từ năm 2016 trong phạm vi cả nước; phấn đấu đến năm 2020: 100% cán bộ, hội viên của Hội Khuyến học Việt Nam được tập huấn nâng cao nhận thức về xã hội học tập và các mô hình học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng; 70% gia đình được công nhận Danh hiệu “Gia đình học tập”; 50% dòng họ được công nhận Danh hiệu “Dòng họ học tập”; 60% cộng đồng (thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố và tương đương) đạt Danh hiệu “Cộng đồng học tập”. Đối với các vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các tỷ lệ này tương ứng là 60%, 40% và 50%; 50% các tổ chức, cơ quan, trường học, đơn vị,  doanh nghiệp đạt Danh hiệu “Đơn vị học tập”./.

Top